25 điểm tương đồng giữa Chavez và Putin

Michael Bohm

Nhất Phương dịch

clip_image002

Mặc dù tất cả những kẻ độc đoán đều có chung một khuôn cơ bản, nhưng sự tương đồng giữa Tổng thống Chavez và Vladimir Putin đặc biệt đáng nổi bật. Sau đây là 25 điểm tương đồng giữa hai người:

1. Cả hai xuất thân trong gia đình có thu nhập thấp. Thuở thiêu niên, Chavez bán kẹo trên hè phố để bù thêm vào thu thu nhập của gia đình. Ptutin mô tả trong tiểu sử tự thuật của mình: “Con người Đệ nhất” ông ta lớn lên như thế nào trong một căn hộ chung cư không có nước nóng và thường xuyên phải đuổi chuột ở lối ra vào chung cư – và một lần, một con chuột cống to đuổi ông ta chạy.

2. Cùng nắm quyền năm 1999, cả hai nhà lãnh dạo này đều may mắn nhờ giá dầu thế giới tăng cao trong những năm 2000. Tổng doanh thu từ dầu của Venezuela dưới thời Chavez khoảng 1 nghìn tỉ (trillion) đô-la Mỹ. Dưới thời Putin, doanh thu từ dầu cho đến nay khoảng 2 nghìn tỉ. Cả hai sử dụng nguồn thu đồi dào này để mua sự ủng hộ chính trị cho bản thân từ mọi thành phần trong một đất nước mà người dân hoàn toàn quen lệ thuộc vào Nhà nước.

3. Chavez quốc hữu hóa ExxonMobil, Chevron và các công ty dầu nước ngoài khác. Putin quốc hữu hóa Yukos. Khi sự kiểm soát của nhà nước đối với khu vực dầu mỏ ở cả hai nước tăng lên, vốn đầu tư, sản lượng đều sụt giảm, và thất thoát vốn càng tăng. Ở cả hai nơi, sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế đều trên 50%.

4. Trong suốt thời gian cai trị của hai người, cả hai dân tộc đều bị... “lời nguyền dẩu mỏ”, trong đó nạn giật gấu vá vai thống trị nền kinh tế, các khu vực phi dầu mỏ mất khả năng cạnh tranh, và hầu hết của cải được phân chia lại, phung phí hoặc bị đánh cắp chứ không sinh thêm ra.

5. Khoảng thời gian hầu hết những năm 2000, Chavez trợ giá dầu cho Cuba trị giá khoảng 3 tỉ USD mỗi năm. Putin cũng cho Belarus khoản trợ giá dầu khoảng 3 tỉ USD cùng khoảng thời gian này. Khoản trợ giá giúp kinh tế Cuba và Belarus khỏi chìm.

6. Như một chế độ khép kín, hai quốc gia giàu có dầu mỏ này ít khi minh bạch tài chính nên nạn tham nhũng biển thủ cao ngất ngưởng dưới sự cai trị của hai người. Venezuela đứng 165 trong bảng xếp hạng tham nhũng của Minh bạch Quốc tế (Transparency International) năm 2012, còn Nga là 133.

7. Số lượng công chức quan liêu ở mỗi nước đều tăng gấp đôi. Năm 2012, Venezuela xếp thứ 180, Nga 112 trong bảng Chỉ số Thuận lợi Kinh doing của Ngân hàng Thế giới.

8. Cả hai nhà lãnh đạo có chung sở thích là thuyết âm mưu. Chavez nói rằng Hoa Kỳ định ám sát ông ta mấy lần, ngay cả cái chết (vì ung thư) của ông ta cũng được gán cho là do tình báo Mỹ đã cấy gene gây ung thư cho ông ta. Chavez cũng nói Quỹ Quốc gia vì Dân chủ của Mỹ âm mưu cuộc đảo chính bất thành năm 2002, và nạn thường xuyên mất điện cũng do CIA. Trong khi đó, Putin, những nhà phân tích thân Kremlin và truyền thông Nga do Nhà nước kiểm soát thổi vào tai mọi người rằng Mỹ đang phát động cách mạng màu ở Nga bằng việc cấp tiền cho các tổ chức phi chính phủ, các lãnh tụ đối lập và những người phản đối ông ta.

9. Cả hai người tự đắc là đã đứng lên chống lại Mỹ bằng những lời lẽ bốc lửa và mị dân. Trong khi phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2006, Chavez ví Tổng thống Bush là “quỷ” và “bục diễn giả vẫn còn bốc mùi trứng thối” sau khi ông Bush phát biểu ngày hôm trước. Chavez còn gọi Mỹ là “sự đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta”. Trong khi đó, Putin ví chính sách đối ngoại của Mỹ với Quốc xã Đệ tam trong diễn văn Ngày Chiến thắng 2007, gọi Mỹ là “ông chủ duy nhất” trên đấu trường quốc tế trong diễn văn tại Munich 2007 và gọi Mỹ là “ăn bám” vào kinh tế thế giới trong phát biểu năm 2011.

10. Cả hai đều là trung tá.

11. Thể hiện là một con người mạnh mẽ, Chavez là mẫu hình ‘Thủ lĩnh’ (caudillo) cho Mỹ Latinh, Putin là hình mẫu ‘Thủ lĩnh’ (vozhd) kiểu Nga.

12. Chavez thiết lập chavismo, một lý thuyết chính trị dựa trên phúc lợi xã hội, vai trò Nhà nước mạnh trong nền kinh tế, và chủ nghĩa tự do chống Mỹ. Putin tạo ra Chủ nghĩa Putin, xây dựng trên tư bản nhà nước, chính phủ đồ sộ dựa trên cấu trúc quyền lực thang bậc và nhà nước độc đảng, chống Mỹ và phát triển mạnh giới an ninh mật vụ (Siloviki).

13. Cả hai đều dùng những kẻ có tư duy cũ mòn và mất nhuệ khí làm cơ sở chính trị. Chavez tán tỉnh người nghèo, thất nghiệp và thất học bằng luận điệu chống chủ nghĩa đế quốc và sự bá chủ thế giới của Mỹ. Putin kêu gọi người Nga, những người đang cay cú mất vị trí siêu cường và thất bại trong Chiến tranh Lạnh và những kẻ đang nuối tiếc Liên Xô. Putin cố nâng tinh thần của họ bằng việc khuyếch trương tinh thần đại Nga và khuấy động tâm lý chống Mỹ.

14. Thái độ chống Mỹ của cả hai đều đạo đức giả. Chavez bán 1 triệu thùng dầu mỗi năm cho Mỹ, tức là 10% số dầu Mỹ nhập khẩu hàng năm. Tay chân thân tín trong bộ máy của Putin thì mua những ngôi nhà xa hoa ở New York, Florida và California, và gửi con đến học tại các trường đại học của Mỹ.

15. Chavez nói người Venezuela bị bần cùng hóa bởi những chính sách tân tự do của những năm 1990. Putin đổ lỗi nạn nghèo khổ của đất nước cho sự thối nát và những cải cách kinh tế tự do và việc tư nhân hóa của “những năm 1990 hoang dã”.

16. Cả hai rất khoái chí đóng vai Robin Hood. Chavez “dân chủ hóa thu nhập dầu mỏ” bằng việc quốc hữu hóa các tài sản nước ngoài và lấy tiền đó mua nhà cho không người nghèo. Trong buổi đối thoại hàng năm trên điện thoại tháng 12/2009, Putin nói một phần số tiền mà Yukos đã “đánh cắp của nhân dân” đã được Nhà nước dùng để mua nhà mới và sửa nhà cũ (?).

17. Cả hai đều níu chặt vào não trạng pháo đài bị bao vây. Chavez nói, “Venezuela đã quen tự bảo vệ mình… và quen chiến đấu chống đế quốc. Chúng ta phải sẵn sàng chống quân xâm lược (Mỹ)”. Trong bài phát biểu tại sân vận động Luzhniki nhân Ngày Những người Vệ quốc, Putin nói, “trận đánh của nước Nga vẫn tiếp tục,” ám chỉ Mỹ can thiệp vào nội tình nước Nga. Putin kết thúc diễn văn bằng câu “Chúng ta sẽ chết để bảo vệ Moscow như những người anh em của chúng ta đã làm!” là câu nói của Mikhail Lermontov, ngầm ví cuộc chiến của Nga chống Mỹ với chiến tranh chống Pháp năm 1812.

18. Cả hai đảm bảo Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin chính. Nga xếp thứ 142 trong bảng Chỉ số xếp hạng Tự do Báo chí năm 2011-2012, trong khi Venezuela là 120 (khá hơn một chút - ND).

19. Chavez trục xuất Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Putin trục xuất USAID.

20. Chavez có chương trình “Chào Tổng thống”, chương trình TV hàng tuần, mỗi buổi kéo dài 6 tiếng. Putin tổ chức họp báo quốc tế mở rộng và đối thoại hàng năm, mỗi buổi kéo dài 4 tiếng.

21. Sự nổi tiếng của cả hai vị xây dựng trên thói sung bái cá nhân. Khẩu hiệu thông dụng của những ủng hộ viên của Chavez là “Có Chavez, có mọi thứ; không có Chavez chẳng có gì”. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2012, những ủng hộ viên của Putin biểu tình dưới khẩu hiệu: “Nếu không Putin thì còn ai?”.

22. Nhiều ủng hộ viên của Chavez nói ông ta đươc Chúa phái xuống để giúp người nghèo. Còn Giáo chủ Kirill năm 2012 gọi thời kỳ Putin là “sự kì diệu của Chúa”.

23. Chavez là tay độc tài phóng túng, còn Putin là một Nga hoàng tốt bụng, và cả hai được coi là cha của dân tộc mình.

24. Chavez hát các ca khúc Mỹ Latinh, cưỡi xe tăng và máy bay lên thẳng. Còn Putin hát "Blueberry Hill", cưỡi mô tô Harley-Davidson với nhóm “Sói đêm” và lái MiG-29.

25. Chavez sáng chế “nền dân chủ Bolivar”. Putin sáng chế “dân chủ có chủ quyền”.

Trong tất cả những điểm tương đồng giữa hai người, có một sự khác biệt rõ rệt: Chavez đã rời bỏ sân khấu chính trị – mặc dù ngoài ý muốn – trên đỉnh cao của sự nổi tiếng. Nhưng Putin vẫn còn bám níu vào quyền lực và đã ăn lạm quá mức sự nổi tiếng của mình, mà đỉnh điểm là 2007. Theo một thăm dò của Trung tâm Levada ngày 13/2, uy tín của Putin rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Chỉ còn 32% người nói sẽ bỏ phiếu cho Putin nếu bầu cử hôm nay.

Nếu xu hướng này tiếp tục và nếu Putin vẫn một mực muốn ở lại năm năm hoặc 11 năm nữa, thì sự khác biệt nữa giữa Chavez và Putin sẽ xuất hiện: Chavez sẽ được nhớ bởi nhiều người Venezuela thu nhập thấp như một anh hùng dũng cảm chống Mỹ và cho hàng triệu người thoát nghèo, trong khi Putin sẽ được nhớ đến như một Leonid Brezhnev, kẻ bám víu lấy quyền lực quá ngưỡng với sự đình đốn kinh tế kéo dài và sự cô lập toàn cầu.

M.B.

Nguồn: Thời báo Moscow (The Moscow Times )

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn