Vì sao ‘đế chế’ của Tổng thống Kyrgyzstan bị lật đổ?

Trần Lâm (tổng hợp)

Không một thể chế nào tồn tại được lâu, dù tuyên ngôn về đường lối có hay ho đến mấy, hệ tư tưởng chỉ đạo có siêu việt đến mấy, dù một đảng hay nhiều đảng chia phần lãnh đạo, dù chỗ tựa của nó là các siêu cường toàn trị hay dân chủ, nếu như bản thân nó là một cơ thể đang khỏe mạnh bỗng trở nên suy yếu do người cầm chịch từ quần chúng mà lên nhưng lợi dụng thành quả cách mạng để phản bội lại lợi ích của quần chúng; nếu nó được  cơ cấu bằng một hệ thống quan chức lấy đục khoét kinh tế nhà nước làm cơ hội thăng tiến; và nếu nó duy trì việc cài cắm bè cánh và họ hàng con cháu lớp này rồi lớp khác vào những vị trí béo bở để hưởng lợi cho cá nhân và gia đình. Tấn bi kịch của mọi nhà nước Tây hay Đông đều xuất phát từ đấy. Cái gọi là cách mạng nhung hay cách mạng bạo lực, cách mạng quân sự hay cách mạng nhân dân rốt cuộc sẽ không có ý nghĩa gì cả. Nhân dân trước sau sẽ thức tỉnh, sẽ tìm được biện pháp đào thải những phần tử thoái hóa biến chất và tự làm chủ lấy vận mệnh của mình.
Bauxite Việt Nam
Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan và yếu tố Nga có thể là những nguyên nhân khiến người dân xuống đường biểu tình, lật đổ Chính phủ Kyrgyzstan của Tổng thống Kurmanbek Saliyevich Bakiyev.

Theo Christian Science Monitor, tương tự ông Saakashvili ở Gruzia, Yushchenko ở Ukraine, ông Bakiyev giành chính quyền nhờ Cách mạng hoa tulip năm 2005 trong sự kỳ vọng rất lớn của người dân. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, kinh tế nước này tiếp tục xuống dốc… trong khi gia đình, bạn bè Tổng thống giàu lên nhờ việc “rút ruột” hàng trăm triệu USD tiền viện trợ quốc tế, tiền Mỹ thuê căn cứ Manas…

Nội công, ngoại kích
Giáo sư chính trị Alexander Cooley của ĐH Columbia, Mỹ khẳng định: “Ai cũng biết gia đình Tổng thống Bakiyev kiểm soát hệ thống điện và nhiều hệ thống truyền thông. Ông Bakiyev để con trai là Maksim làm Giám đốc Cơ quan trung ương về phát triển, đầu tư và cách tân. Điều đáng nói đó là trung tâm quản lý các khoản viện trợ quốc tế, các khoản vay của Chính phủ và hầu hết ngành năng lượng, khai mỏ”.
Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan khiến người dân biểu tình
Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan khiến người dân biểu tình

Ông Cooley nhấn mạnh thêm: “Trong vài năm qua, ông Bakiyev điều hành đất nước thông qua mạng lưới tội phạm của mình. Ông giành phần lớn trong miếng bánh, để lại cho mọi người một miếng nhỏ chia nhau. Đó sẽ là cái chết của chính quyền Bakiyev”.
Nhà phân tích quan hệ quốc tế và an ninh Roman Muzalevsky khẳng định, tham nhũng lan tràn khắp Kyrzystan và việc tăng giá điện là giọt nước làm tràn ly, khiến người dân tức giận xuống đường. Ông Roman nêu rõ: “Một trong những nguyên nhân chính khiến biểu tình nổ ra là giá hàng tiêu dùng cao, người dân bất mãn”.
Người phản đối giao tranh với lực lượng an ninh.
Người phản đối giao tranh với lực lượng an ninh.
Theo Time, nhiều thành viên trong (cựu) Chính phủ Kyrgyzstan nghi ngờ Nga kích động bạo lực, dẫn tới tình hình rối loạn tại quốc gia này.
Giáo sư chính trị Alexander Cooley của ĐH Columbia, Mỹ đưa ra một nguyên nhân có thể khẳng định Nga “dính líu” tới tình hình rối loạn ở Kyrgyzstan: Nga không hài lòng với Tổng thống Bakiyev vì cho Mỹ thuê căn cứ Manas, coi đây là việc xâm phạm vùng ảnh hưởng”.
Chưa dừng lại, tới hồi đầu tháng, ông Bakiyev còn khiến Nga “tức hơn” khi lên kế hoạch cho Mỹ xây thêm trung tâm huấn luyện nhân viên chống khủng bố trị giá 5,5 tỷ USD tại tỉnh Batken, Kyrgyzstan.

Bạo lực leo thang.
Một dấu hiệu khác cũng cho thấy khả năng Nga ủng hộ phái đối lập là việc vài tuần qua, nhiều cơ quan truyền thông ở Moscow liên tục đăng tải thông tin công kích chính quyền của ông Bakiyev. Trong số này, Đài phát thanh nhà nước Golos Rossii, hay còn gọi là Voice of Russia đưa tin mạnh nhất, cáo buộc Chính phủ Kyrgyzstan hoạt động không hiệu quả vào hôm 24/3, ngày kỷ niệm 5 năm cách mạng hoa tulip.
Mạnh hơn nữa, Thủ tướng Kyrgyzstan là ông Daniyar Usenov hôm qua khẳng định, giờ là lúc quan hệ với Nga tồi tệ nhất. Ông này còn tố cáo, lãnh đạo phe đối lập là Temir Sariyev nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Nga Vladimir Putin.
Chưa rõ những cáo buộc trên chính xác tới đâu nhưng sau khi tạm thời kiểm soát được Kyrgyzstan, lãnh đạo phe đối lập điện đàm với ông Putin. Nội dung cuộc điện đàm không được tiết lộ nhưng phát ngôn viên của Thủ tướng Nga là ông Dmitry Peskov khẳng định: “Nga luôn sẵn lòng duy trì, cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Kyrgyzstan”.
Nga lợi, Mỹ thua?
Theo Time, chưa thể biết chắc tuyên bố của Thủ tướng Putin có chính xác không nhưng có điều chắc chắn xảy ra là Nga thu nhiều lợi ích, còn Mỹ bị thiệt hại khi để xảy ra tình hình rối loạn như hiện nay.
Về phía Nga, nước này coi Manas là biểu tượng của việc Mỹ xâm phạm vùng đệm, hay nói cách khác, Moscow không muốn Washington xuất hiện tại vùng đất được coi là sân sau của mình. Họ đã đổ ra không ít sức lực, tiền bạc để ngăn Mỹ nhảy vào Kyrgyzstan nhưng không được.
Do đó, nếu phe thân Moscow lên nắm quyền (trong trường hợp cuộc lật đổ kết thúc thắng lợi), đó sẽ là  tin mừng cho điện Kremlin. Và nếu tân Chính phủ Kyrgyzstan “đuổi” Mỹ khỏi Manas, Moscow có lẽ còn mừng hơn nữa.

Ông Putin bác bỏ cáo buộc ông liên quan tới rối loạn ở Kyrgyzstan
Ngược lại với Nga, đảo chính ở Kyrgyzstan là tin buồn với Mỹ. Và nếu mất Manas, đó sẽ là thảm họa thực sự bởi đây là trạm trung chuyển hàng tối quan trọng sang chiến trường chính là Afghanistan, mặt trận chống khủng bố lớn nhất của Mỹ.
Như một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho Time biết hôm 5/3/2010: “Thuê được Manas là một thành công lớn. Nga không muốn chúng tôi ở đó. Họ cho nước này vay hai tỷ USD để đánh bật chúng tôi. Nếu mất Manas, chúng tôi sẽ bị thiệt hại nặng”.
Mồi ngon Manas sẽ thuộc về ai?
Bộ Ngoại giao Mỹ tối qua tuyên bố, Manas vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, chưa rõ là họ sẽ “bình thường được bao lâu” bởi tình hình Kyrgyzstan còn đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định điều gì.
Trong lúc đó, Giáo sư chính trị Alexander Cooley của ĐH Columbia, Mỹ dự đoán: “Người kế nhiệm ông Bakiyev sẽ không muốn phá hỏng quan hệ với Mỹ. Ông ta có thể trong sạch và khi đó, họ có thể sẽ thương lượng lại với Mỹ về tương lai Manas. Ngược lại, họ sẽ lại tiếp bước ông Bakiyev, cho Mỹ thuê và tiếp tục tham nhũng”.
Chưa dừng lại, cũng có khả năng Mỹ sẽ bị “trục xuất” khỏi Manas nhưng trường hợp này khó khả thi bởi Moscow cũng bị thiệt hại khi Mỹ mất Manas, bọn khủng bố ở Afghanistan càng có dịp lộng hành, mở rộng tấn công sang cả Moscow như thời gian vừa qua.
Đồng thời, Washington không phải “tay mơ” và chẳng dễ chấp nhận số phận. Họ sẽ dùng cả “cây gậy và củ cà rốt” để tiếp tục có mặt tại Manas.
Tóm lại, việc Mỹ, Nga sẽ cạnh tranh đốt nóng Trung Á, Time nhận định.
Không giống ông Yushchenko ở Ukraine, Saakashvili ở Gruzia, ông Bakiyev không ủng hộ phương Tây mà còn tấn công các nhà hoạt động, các quan sát viên quốc tế như Tổ chức khủng hoảng quốc tế; cũng như dọa trục xuất Mỹ khỏi căn cứ Manas, biến nó thành quân bài mặc cả với Mỹ nhằm “kiếm lời”.
Như Newsweek bình luận, vụ Bakiyev sẽ là bài học cho Mỹ trong việc phải cân nhắc kỹ hơn chứ không nên tài trợ mù quáng cho những nhà lãnh đạo tham nhũng:  vừa mất tiền mất của. Đã vậy, nó còn khiến người dân địa phương chán nản, nhớ lại những chế độ trước mà ở đây là Chính phủ thân Nga.
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Vi-sao-de-che-cua-Tong-thong-Kyrgyzstan-bi-lat-do/20104/87556.datviet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn