Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Từ nhận thức đến hành động

Lê Anh Hùng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” mà nội dung của nó hẳn sẽ khiến nhiều người không khỏi thất vọng.

Trong bản đề án này, DNNN vẫn được xác định là “làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”.

Xuất phát từ việc xác định vai trò và chức năng của khu vực DNNN như thế nên theo nội dung của đề án, số lượng DN 100% vốn Nhà nước hiện có sẽ được cổ phần hoá mà qua đó Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ dưới 50% hoặc không giữ cổ phần là không đáng kể. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp làm ăn bết bát, “tái cơ cấu” còn là một cơ hội vô cùng thuận lợi để được Nhà nước tiếp tục “hà hơi, tiếp sức” bằng những đồng tiền thuế xương máu của nhân dân: “Đối với những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án…”.

Không cần phải được trang bị đầy đủ những mớ lý thuyết cao siêu mà chỉ cần nhìn vào thực trạng trồi sụt liên miên của nền kinh tế Việt Nam suốt mấy năm qua, người ta cũng có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi là các DNNN ở Việt Nam đã và đang đóng vai trò “chủ đạo” và “định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô” như thế nào.

Hơn thế, bản đề án trên rõ ràng đã đi ngược lại bản kiến nghị 10 điểm mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XII và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam gửi đến Quốc hội khoá XIII cuối tháng 7/2011 trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011, cụ thể ở đây là Kiến nghị thứ 7: “Tái cấu trúc khu vực DNNN để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò chủ đạo bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay… Trên thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập do sự can thiệp của Nhà nước chưa phù hợp với sự vận động của thị trường”.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên hơn cả là nội dung bản đề án này lại trái ngược với quan điểm của chính ngài Thủ tướng trong một bài trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal chỉ mới cách đây vài tháng, khi ông khẳng định mục tiêu của mình là “sẽ chỉ giữ lại một số DNNN then chốt ở một số ngành nhất định”.

Rõ ràng, trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, Thủ tướng đã nhận thức được vấn đề đối với DNNN cũng như những gì mà khu vực kinh tế này đã và đang gây ra cho nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy mà việc phê duyệt bản đề án tái cơ cấu DNNN này dễ khiến người ta đi đến nhận định hoặc Thủ tướng là một người tiền hậu bất nhất, hoặc Thủ tướng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích đang lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam thông qua các DNNN. Và xem ra tiếng nói của Quốc hội, “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, chẳng hề có chút trọng lượng nào đối với Chính phủ, “cơ quan chấp hành” của nó cả.

Hà Nội, 22/7/2012

L.A.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn