Thông điệp chung của Ông Ban Ki-Moon Tổng thư ký Liên hiệp quốc và Bà Irina Bokova Tổng giám đốc UNESCO nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới

3 tháng 5 năm 2014

clip_image002“Tự do truyền thông cho một tương lai tốt đẹp hơn: Phác thảo nghị trình phát triển thời kỳ sau 2015”

Năm nay, cộng đồng quốc tế có một cơ hội chỉ-có-một-lần-trong-cả-thế-hệ để chuẩn bị một nghị trình dài hạn cho sự phát triển bền vững nhằm kế tiếp Những mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ kết thúc vào năm 2015. Việc thi hành thành công nghị trình này sẽ đòi hỏi mọi dân cư được hưởng những quyền cơ bản về tự do tư tưởng và ngôn luận. Những quyền này là thiết yếu đối với nền dân chủ, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và nền pháp trị.

Ngày Tự do Báo chí Thế giới đề cao tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông độc lập, tự do và đa nguyên để bảo vệ những quyền trên. Các nhà báo cung cấp một diễn đàn bàn luận được truyền thông rộng rãi về một phạm vi rất rộng những vấn đề phát triển – từ những thách thức môi sinh và tiến bộ khoa học đến bình đẳng giới, sự dấn thân của lớp trẻ và việc xây dựng hoà bình. Chỉ khi nào các nhà báo được tự do giám sát, điều tra và phê phán các chính sách và việc làm, thì sự cai trị tốt lành mới có thể tồn tại.

Ngay cả khi nhìn xa hơn năm 2015, chúng ta vẫn chạm trán những mối đe doạ hiện hành đối với tự do báo chí trên toàn thế giới. Ở nhiều nước, nhà báo và những người làm việc trong các phương tiện truyền thông khác đối mặt với những trở ngại có hệ thống khi nói lên sự thật, những trở ngại đi từ kiểm duyệt, bắt bớ và bỏ tù đến đe doạ, tấn công và thậm chí ám sát. Những sự ngược đãi thái quá cho thấy rằng tự do báo chí và các quyền con người mà nó chống đỡ là cực kỳ mong manh và phải được bảo vệ tích cực.

Đại Hội đồng LHQ đã lên án một cách hết sức rõ ràng mọi sự tấn công và bạo lực chống lại các nhà báo và những người làm truyền thông. Trước sự lên án ấy, các chính phủ và tất cả những ai có ảnh hưởng phải hành động ngay bây giờ bằng cách bảo vệ nhà báo và những người làm truyền thông khác. LHQ sẵn sàng thi hành phần việc của mình. Các cơ quan LHQ đã phối hợp với nhau và với các đối tác khác dưới sự lãnh đạo của UNESCO để tạo nên một môi trường tự do và an toàn cho các nhà báo và những người làm truyền thông trên khắp thế giới.

Trong Ngày Tự do Báo chí này, chúng tôi kêu gọi mọi Nhà nước, hội đoàn và cá nhân tích cực bảo vệ quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí như những quyền căn bản và những đóng góp then chốt cho việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thúc đẩy nghị trình phát triển giai đoạn sau 2015.

Ban Ki-Moon Irina Bokova

Thth. dịch.

Người dịch gửi BVN.

Tham khảo: Ngày Tự do Báo chí Thế giới

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ngày Tự do Báo chí thế giới là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Tự do báo chí trên toàn thế giới.

Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, ngày 20.12.1993 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3 tháng 5 là "Ngày Tự do Báo chí thế giới" (Nghị quyết số 48/432)[1][2] để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek, một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báo châu Phi đưa ra năm 1991.

Các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF) đã dùng ngày này để chỉ ra những biện pháp bạo lực và độc đoán của các nhà cầm quyền đối với báo chí, như bắt giam và giết hại các nhà báo. Theo tài liệu hàng năm của tổ chức "Phóng viên không biên giới" xuất bản ngày 3.5.2005 ở Genève thì riêng năm 2004 đã có 19 nhà báo bị giết ở Iraq. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2005 trên thế giới đã có 22 nhà báo bị giết, trong đó có 9 người ở Iraq. Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2005, trên thế giới có 107 người làm việc cho các phương tiện truyền thông bị cầm tù, chỉ tính riêng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 26 và Cuba là 22 người.

UNESCO đánh dấu "Ngày Tự do Báo chí thế giới" bằng việc nhắc tới Giải Guillermo Cano cho Tự do Báo chí trên thế giới trao cho một cá nhân, một tổ chức hay một cơ quan xứng đáng, đã có đóng góp xuất sắc vào việc bảo vệ hoặc làm tăng cao quyền tự do báo chí trên khắp thế giới, nhất là khi việc này được thực hiện lúc phải đối mặt với sự nguy hiểm. Được thiết lập năm 1997, giải này được trao theo sự tiến cử của một ban giám khảo độc lập gồm 14 chuyên gia về tin tức. Các tên ứng viên do các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương đấu tranh cho tự do báo chí và các nước thành viên UNESCO đề cử.

Giải được đặt tên như vậy để vinh danh Guillermo Cano Isaza, một nhà báo người Colombia đã bị ám sát ngay trước trụ sở tòa báo El Espectador của ông ở Bogotá, ngày 17.12.1986 vì ông viết nhiều bài tố cáo tội phạm của những ông trùm ma túy đầy thế lực ở Colombia.

UNESCO cũng đánh dấu “Ngày Tự do Báo chí thế giới” mỗi năm bằng cách tập hợp các chuyên gia phương tiện truyền thông, các tổ chức tự do báo chí và các cơ quan Liên Hiệp Quốc để đánh giá tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới và bàn luận các giải pháp để giải quyết những thách thức. Mỗi hội nghị tập trung vào một chủ đề liên quan đến tự do báo chí, bao gồm việc quản trị tốt, việc theo dõi đua tin của phương tiện truyền thông về nạn khủng bố, tình trạng các tội phạm không bị trừng phạt và vai trò của các phương tiện truyền thông ở các nước sau khi xảy ra chiến tranh.

Ngày Tự do Báo chí thế giới năm 2011 World Press Freedom Day celebration được tổ chức ở Washington, D.C., Hoa Kỳ từ ngày 1-3 tháng 5. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí thế giới. Chủ đề của ngày này năm nay là "Truyền thông thế kỷ 21: Các giới hạn mới, các rào cản mới". Ngày kỷ niệm này đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của phương tiện truyền thông tự do trong thời đại kỹ thuật số - khả năng của các công dân nói lên ý kiến của họ và khả năng truy cập các nguồn thông tin độc lập khác nhau - 20 năm sau Tuyên ngôn ban đầu được đưa ra ở Windhoek, Namibia. Chương trình và chương trình nghị sự Ngày Tự do Báo chí thế giới 2011 có thể xem ở đây here.

Các Ngày Tự do Báo chí thế giới hàng năm được UNESCO và nước chủ nhà tổ chức vào ngày 3 tháng 5, thường khai mạc bằng thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với sự chủ tọa của Tổng Giám đốc UNESCOTổng thống hay Thủ tướng nước chủ nhà.

Ngày Tự do Báo chí thế giới và các chủ đề

• 2011 : Washington D.C., Hoa Kỳ - "Media XXI century: new frontiers, new barriers."

• 2010 : Brisbane, Úc - "Freedom of information: the right to know".

• 2009 : Doha, Qatar - "Dialogue, mutual understanding and reconciliation."

• 2008 : Maputo, Mozambique - "Celebrating the fundamental principles of press freedom."

• 2007 : Medellín, Colombia - "The United Nations and the freedom of press."

• 2006 : Colombo, Sri Lanka - "The media as drivers of change."

• 2005 : Dakar, Senegal - "Media and Good Governance".

• 2004 : Belgrade, Serbia - "Who decides how much information?".

• 2003 : Kingston, Jamaica - "The Media and Armed Conflict."

• 2002 : Manila, Philippines - "Covering the War on Global Terrorism."

• 2001 : Windhoek, Namibia - "combating racism and promoting diversity: the role of free press."

• 2000 : Genève, Thụy Sĩ - "Reporting the News in a Dangerous World: The Role of the Media in conflict settlement, Reconciliation and peace-building."

• 1999 : Bogota, Colombia - "Turbulent Eras: Generational Perspectives on Freedom of the Press."

• 1998 : London, Anh - "Press Freedom is a Cornerstone of Human Rights."

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn