CHANGE và án trốn thuế - Kỳ 8 và hết: Các tổ chức phi lợi nhuận nên làm gì để tránh bị kết tội trốn thuế?

Phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Thuỷ Tùng

Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một buổi diễn thuyết. Ảnh: Facebook Hong Hoang. Đồ họa: Thiên Tân/ Luật Khoa.

Ở các kỳ trước, chúng ta đã biết nhà nước xem CHANGE là một doanh nghiệp, mặc dù họ có đủ bằng chứng chứng minh tổ chức này không thành lập theo Luật Doanh nghiệp và không phát sinh lợi nhuận.

Lý do của bản án trốn thuế là: CHANGE chưa thực hiện chế độ kế toán và các nghiệp vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như một doanh nghiệp.

Đến đây chắc nhiều tổ chức có cách thức thành lập và hoạt động như CHANGE giật mình.

Vậy các tổ chức khác (kể cả các quỹ xã hội, quỹ từ thiện) cần làm gì để tránh những rủi ro trên? 

Chẳng nhẽ chờ đến khi nhà nước ban hành một chế độ kế toán toàn diện, rõ ràng và dễ áp dụng cho tất cả các tổ chức phi lợi nhuận ngoài nhà nước, kể cả có sử dụng viện trợ nước ngoài hay không sử dụng viện trợ nước ngoài?

Nếu không chờ thì tạm thời các tổ chức chỉ có ba chế độ kế toán để cân nhắc.

Thứ nhất là chế độ kế toán hành chính sự nghiệpChế độ kế toán này áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức có sử dụng và không sử dụng ngân sách nhà nước. Hướng dẫn cụ thể cho thấy các nghiệp vụ đi kèm chế độ kế toán này chủ yếu liên quan đến ngân sách nhà nước. [1]

Thứ hai là chế độ kế toán dành cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đối tượng áp dụng đối với chế độ kế toán này bao gồm quỹ xã hội, quỹ từ thiện, ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” ở cấp trung ương và địa phương và các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động từ thiện. [2]

Tuy nhiên, mục tiêu gây quỹ rất hẹp. Các tổ chức chỉ được gây quỹ để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, khắc phục sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. [3]

Thứ ba là chế độ kế toán doanh nghiệp được áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế và quy mô khác nhau. Tuỳ theo tổng doanh thu hàng năm và số lượng nhân viên, có thể áp dụng chế độ kế toán với doanh nghiệp lớndoanh nghiệp nhỏ và vừahay doanh nghiệp siêu nhỏ[4][5][6Trong bối cảnh này, các tổ chức khoa học - công nghệ có thể đành áp dụng chế độ kế toán thứ ba dành cho doanh nghiệp vì một số lý do sau:

·      Quy định về chế độ kế toán hành chính - sự nghiệp có hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp. [7] Điều này có thể được hiểu là không nên áp dụng chế độ kế toán này cho các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập.

·      Quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện cho thấy cách thành lập và vận hành các quỹ xã hội, từ thiện khác với các tổ chức khoa học - công nghệ. [8][9] Mục đích gây quỹ lại giới hạn. Do đó, chế độ kế toán này không phù hợp với các tổ chức khoa học - công nghệ.

·      Giấy phép hoạt động của các tổ chức khoa học - công nghệ cho thấy, ngoài huy động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì có thể thực hiện các hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ (phi lợi nhuận).

Việc tạm thời áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp để làm báo cáo thuế không phải vì nhà nước căn cứ vào những quy định về thuế đối với doanh nghiệp để kết tội người đứng đầu CHANGE (và cả MEC, LPSD).

Về mặt nguyên lý, chỉ có cơ quan thuế mới đủ thẩm quyền kết luận một tổ chức có phát sinh lợi nhuận hay không và nếu có lợi nhuận thì có chia cho các thành viên không. Do đó, buộc các tổ chức phải lựa chọn một chế độ kế toán phù hợp nhất để làm báo cáo thuế.

Khi tổ chức lập báo cáo thuế hàng năm, cơ quan thuế sẽ hỏi báo cáo kiểm toán (không bắt buộc phải có). Báo cáo thuế và kê khai hóa đơn GTGT cũng là cách chứng minh tổ chức có phát sinh hóa đơn GTGT cho các dịch vụ khoa học - công nghệ hay không.

Đến đây sẽ có thắc mắc, tại sao xem tổ chức khoa học - công nghệ là doanh nghiệp mà cơ quan thuế không “chăm chỉ” tiến hành quyết toán thuế như với các doanh nghiệp.

Câu trả lời là chỉ cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án mới xem tổ chức khoa học - công nghệ là doanh nghiệp.

Cơ quan thuế không thể xem tổ chức khoa học - công nghệ là doanh nghiệp vì hồ sơ đăng ký mở mã số thuế không có chữ nào thể hiện các tổ chức này là pháp nhân thành lập theo Luật Doanh nghiệp. CHANGE cũng tương tự như vậy.

Trong khi đó, Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không thuộc ngân sách nhà nước. Do đó, chưa đủ cơ chế để cơ quan thuế tiến hành quyết toán thuế cho các tổ chức phi lợi nhuận có sử dụng tiền viện trợ nước ngoài không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trong một số tình huống, cơ quan thuế còn hướng dẫn bằng miệng là các tổ chức khoa học - công nghệ không cần làm báo cáo thuế.

Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế và chưa tiến hành quyết toán là việc của nhà nước. Việc của các tổ chức khoa học - công nghệ là vẫn cứ đăng ký chế độ kế toán (doanh nghiệp) để chứng minh mình không hạch toán ngoài sổ sách.

Nhưng nhiều chi phí sẽ phát sinh với những tổ chức bắt đầu áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp và nghiệp vụ thuế. Đặc biệt, với các tổ chức đã hoạt động nhiều năm mà chưa đăng ký chế độ kế toán, họ có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Mức độ xử phạt tùy thuộc vào quy mô và thời gian hoạt động của các tổ chức này.

Theo đó, pháp luật quy định các hành vi được xem là trốn thuế bao gồm: không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; và một số vi phạm khác.

Nếu được xem là trốn thuế, họ sẽ bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế trốn theo quy định. [10] Bên cạnh đó, một số tình tiết tăng nặng và tiền phạt do chậm kê khai và nộp thuế có thể được áp dụng. [11]

Ngoài ra, việc áp dụng bất kỳ một chế độ kế toán nào và cập nhật chứng từ để lập báo cáo thuế và các nghiệp vụ thuế khác là một khối lượng công việc lớn. Do đó, sẽ phát sinh chi phí nhân lực để hoàn thiện khối lượng công việc này.

Chú thích

1.    Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

2.    Điều 2 Thông tư số 41/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3.    Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

4.    Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

5.    Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

6.    Thông tư số 133/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

7.    Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

8.    Điều 14 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

9.    Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.

10.  Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

11.  Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020).

T.T.

Loạt bài “CHANGE và án trốn thuế” tới đây là hết. Luật Khoa  hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của các bạn đọc về việc tại sao một tổ chức phi lợi nhuận như CHANGE lại có thể dính án trốn thuế, cũng như những điểm bất hợp lý trong pháp luật lẫn công tác thực thi pháp luật ở nước ta. 

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn