Vụ tham nhũng RBA và “các đồng chí bị lộ”

Lê Minh

clip_image001[9]Tiếp theo loạt bài điều tra của hai ký giả kỳ cựu Nick McKenzie và Richard Baker về vụ tham nhũng RBA và công ty con Securency, hôm nay 24/01, báo Sydney Morning Herald (SMH) đã tung tin động trời liên quan đến quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khác với những bài báo trước đây, chỉ nêu danh tánh của Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty CFTD và các quan chức Việt Nam một cách chung chung, thì trong bài báo ngày hôm nay, hai ký giả này đã nêu đích danh Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ 1999-2007 là quan chức ngân hàng cao cấp nhất có dính líu vào vụ tham nhũng in tiền nhựa Polymer cho Việt Nam.

Bài báo điều tra lần này tiết lộ rằng công ty Securency đã phải bỏ tiền bao việc ăn học cho một trong những đứa con của Lê Đức Thúy tại Đại học Durham, một đại học hàng đầu của Anh Quốc. Phí tổn cho việc ăn học và đi lại của cậu ấm họ Lê vào cuối thời điểm của thập niên 90 chắc chắn phải lên đến cả trăm ngàn.

Trong bài tường thuật hơn 6 tháng về trước, báo The Age đã cho biết Cánh sát liên bang Úc đang đặt trọng tâm cuộc điều tra vào cung cách làm ăn của Securency với 3 quốc gia Việt Nam, Nigeria và Mã Lai, bởi vì chỉ riêng số tiền mà công ty Securency hối lộ quan chức ngân hàng 3 quốc gia này đã lên đến 20 triệu, và gần 2/3 số tiền này được chi cho Lương Ngọc Anh và các quan chức ngân hàng Việt Nam. Nhưng trong bài điều tra hôm nay, báo SMH xác định chính xác rằng các quan chức của công ty Securency đã dành riêng một khoản tiền lên đến 15 triệu đô la để chi cho các quan chức Việt Nam, mà trong đó riêng bản thân Lương Ngọc Anh đã ẵm gọn 5 triệu đô.

Như vậy khác với con số $12.5 triệu đô-la mà các nhà điều tra ban đầu đã ước tính từ 10% tiền huê hồng trên $125 triệu đô-la giá trị hợp đồng in tiền cho Việt Nam, con số chính xác nay đã được tiết lộ là $15 triệu đô, chiếm đến 3/4 của số tiền $20 triệu đô mà công ty Securency sử dụng để hối lộ quan chức ngân hàng của ba nước Việt Nam, Nigeria và Mã Lai.

Không chỉ có bản thân Lê Đức Thúy, mà trước đây ngay cả báo chí trong nước cũng đã đặt vấn đề việc Lê Đức Minh, là con trai của Lê Đức Thúy, là một giám đốc của một công ty con của Tổng công ty CFTD, do Lương Ngọc Anh làm Tổng Giám đốc khi đó, đã can dự vào “áp-phe” với công ty Securency để thực hiện hợp đồng in tiền nhựa polymer cho Ngân hàng Nhà nước VN.

Như vậy tên tuổi, cũng như tầm mức “lại quả” của cha con Lê Đức Thúy trong vụ in tiền nhựa Polymer đã quá rõ ràng, không chỉ là sự dự đoán đồn thổi hay là tưởng tượng của dự luận nữa, mà được thể hiện bằng những con số rất “ấn tượng”.

Nói đến Lê Đức Thúy thì cũng phải nói đến vị tiền nhiệm của ông Thúy là đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Thủ tướng họ Nguyễn này có một dạo làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ tháng 5/98 đến tháng 12/99. Khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng là Phó Thủ tướng, kiêm nhiệm luôn chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khi Lê Đức Thúy là Phó Thống đốc. Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức vụ này từ tháng 5/98 đến tháng 12/99 thì trao quyền lại cho Lê Đức Thúy. So với Cao Sỹ Kiêm, thì Lê Đức Thúy là người nắm giữ chức Thống đốc lâu thứ nhì (trước khi làm Phó Thống đốc, ông Thúy từng là Trợ lý của cựu TBT Đỗ Mười). Ông Thúy nắm giữ chức vụ này đến tháng 8/2007 thì bị mất chức sau khi bị Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc cha con Lê Đức Thúy can dự vào vụ bê bối in tiền nhựa polymer. Tuy nhiên ngay sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đẻ ra “Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam” (National Financial Supervisory Commission – NFSC) và cắt cử Thúy làm chủ tịch đầu tiên của cơ quan này vào tháng 3/2008. Chỉ hơn một năm sau cơ quan này được giao thêm nhiều quyền hạn và Chủ tịch Lê Đức Thúy chỉ “chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng” và “được hưởng chế độ tương đương bộ trưởng”.

clip_image002[7]

Nói như thế để thấy rằng “mắc xích” không chỉ có cha con Lê Đức Thúy, vì bài báo điều tra ngày hôm nay xác nhận là khoản tiền “huê hồng” đã được trả vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau tại Thụy Sĩ, kể cả một tài khoản được mở tại Hồng Kông. Mặc dầu ban lãnh đạo công ty Securency đã chối phăng việc can dự vào các trò hối lộ dơ bẩn này, nhưng Cảnh sát Liên bang Úc (AFP – Australian Federal Police) nghi ngờ rằng tiền hối lộ đã chạy vòng, luồn lách trước khi đến tay các quan chức Việt Nam, hoặc thông qua thân nhân của họ, kể cả việc hối lộ dưới hình thức “bảo trợ du học”. Đó là chưa kể đến chuyện nhậu nhẹt, bao gái cho các quan chức ngân hàng, từ Thống đốc, các Phó Thống đốc cho đến các quan chức khác.

Chắc chắn rằng rằng sau lưng của ông cựu Thống đốc Lê Đức Thúy còn có nhiều kẻ khác “dính chàm” bởi vì cách đây hơn nửa năm loạt bài điều tra này đã nói đến việc công ty Securency đã từng “nhờ vả” phía Việt Nam giúp mai mối với Venezuela. Các quan chức Việt Nam đã được phía Securency trả tiền bay qua tận Venezuela để giúp thuyết phục nước này chuyển đổi tiền giấy sang tiền nhựa polymer vào khoảng năm 2007.

Quả là có chuyện này, bởi vì theo tin của TTXVN thì phái đoàn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thủ đô Caracas của Venezuela vào ngày 30/05/2007 để hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội của Venezuela và nhiều quan chức, thành viên trong chính phủ.

Chưa hết, vào năm sau, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng dẫn một phái đoàn sang Venezuela vào ngày 19/11/2008.

Vậy Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng như các thành viên của phái đoàn nhà nước Việt Nam trong hai chuyến viếng thăm Venezuela năm 2007 và 2008 có “cò mồi” thuyết phục nước này chuyển đổi tiền giấy sang tiền nhựa polymer hay không? Cho dù các quan chức có chối cãi thì báo chí Úc cũng đã xác nhận điều này rồi.

Lương Ngọc Anh, rồi Lê Đức Minh, Đỗ Minh Thương, nay đến Lê Đức Thúy là cán bộ cao cấp nhất được báo chí Úc xác định chính xác là “đồng chí bị lộ” trong vụ tham nhũng in tiền nhựa polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhưng bị lộ thì cũng chưa chắc sẽ bị “xộ”, bởi vì theo lập luận của ông Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền thì chuyện tham nhũng “không hề tồn tại trên hợp đồng”, cho nên không dễ dàng gì điều tra, truy cứu được.

Đúng quá đi chứ, ai ngu dại gì tham nhũng mà lại thò tay ký vào biên bản nhận tiền. Thế cho nên mới nói, cho dù có “bị lộ” ở nước ngoài, thì cũng khó lòng “bị xộ” ở Việt Nam. Đó là chưa nói đến “Các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài mới chỉ là cá biệt” (*) mà thôi.

Úc Châu, ngày 24/01/2011

L. M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Ghi chú:

(*) Đây là lời trích từ bài báo đăng trên Sài Gòn tiếp thị, nhưng đã bị gỡ bỏ

SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn