Tôi tin vào quy luật phát triển, vào sức mạnh dân tộc

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải/ DNSG cuối tuần

clip_image003

Giáo sư Tương Lai.

Giáo sư Tương Lai xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nói lên nhiều suy nghĩ, ý kiến sắc sảo về các vấn đề trọng đại của thời cuộc. Những bài viết của ông thường gai góc, nhưng thẳng thắn và trung thực. Các ý kiến của ông là góc nhìn của nhà nghiên cứu xã hội học - văn hóa, góp phần tích cực cho sự phát triển dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đầu năm nay khi đang nằm viện không tham dự được, ông vẫn gửi bài phát biểu của mình tới hội nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thưa giáo sư, ông vẫn biết nhiều ý kiến nói thẳng ít khi được lắng nghe, vậy điều gì khiến ông kiên nhẫn đóng góp?

Tôi đã từng nói công khai khi trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, ai cũng ra đi rồi ở nước ngoài nói thoải mái, tôi thấy không ổn. Còn tôi, cũng là một người bình thường. Nhưng dù sao tôi cũng là người biết chữ, đọc được, hiểu được, là một đảng viên. Chế độ này tồn tại được hay không sẽ có phần đóng góp của tôi, vì đây cũng là xương máu của tôi.

Tôi góp phần mình vào công cuộc chỉnh đốn Đảng để làm trong sạch cái chế độ mà bao xương máu đã đổ ra để có nó. Không phải bằng việc rao giảng đạo đức suông, mà phải làm như Bác Hồ nói trong Di chúc "động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân" tham gia vào cuộc chiến đấu mà Bác gọi là "cuộc chiến đấu khổng lồ". Cho nên, việc tôi làm là góp phần đánh thức công luận, đặc biệt là trên trận địa văn hóa. Cần hiểu rằng trong văn hóa có chính trị.

Như vậy, phải hiểu ông là một người phê phán nhưng lạc quan?

Con đường tôi chọn không là một trí thức ngậm miệng ăn tiền. Không bi quan chán nản mà lạc quan. Lạc quan vì tôi tin vào quy luật phát triển, vào sức sống mãnh liệt của dân tộc. Tiến hóa là một quá trình phát triển không phải theo tuyến tính tuần tự như tiến mà là phi tuyến tính với những bước hợp trội tạo ra những đột biến. Tôi nhớ tại một hội thảo về truyền thống và hiện đại, một học giả Pháp, ông Edouard De Penguilly nói với chúng tôi: "Lịch sử cổ xưa và hiện đại của các anh cho thấy một điều kỳ diệu là bao giờ dân tộc Việt Nam cũng tìm được những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải.

Cùng tắc biến, biến tắc thông là quy luật chung rồi, và sức sống kỳ diệu của dân tộc đã thể hiện rõ quy luật đó. Sức sống đó thể hiện rất rõ ở lớp trẻ. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt của họ trong những dịp họ biểu hiện chính kiến và tình yêu nước khi Tổ quốc bị xâm phạm. Trong ánh mắt ấy tôi thấy và tin vào sức sống không gì dập tắt được của dân tộc mình. Tôi nhớ là F. Engels có nói một ý mà tôi đã nhiều lần dẫn ra trong các bài viết đã đăng báo: mẫu hình của một xã hội mới như thế nào sẽ do lớp trẻ xây dựng nên theo khuôn mẫu mà họ cần.

Ông có cho rằng những ý kiến của mình đã có kết quả và chí ít cũng giành được thắng lợi nào đó?

Chiến thắng ư? Cũng khó nói đã được những gì, nhưng chí ít là những điều tôi suy ngẫm để viết ra là trung thực. Trung thực với mình, trung thực với đất nước và nhân dân mình. Tôi hiểu vì lẽ gì mà phải làm như thế, và tôi tự thấy không xấu hổ với lương tâm. Còn hiệu quả đến đâu thì có lẽ cuộc đời sẽ nghiệm thu và phê phán.

Có cuộc tranh cãi thế nào là trí thức chẳng đi đến phân định. Theo giáo sư, ông nghĩ thế nào về vấn đề đó?

Định nghĩa thì nhiều lắm. Nhiều định nghĩa hay, có lý cả, dẫn ra không hết. Nhưng tôi quan niệm rõ ràng trí thức là một tầng lớp tinh hoa của xã hội. Ai cũng biết những tên tuổi như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di, Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... - một lớp người tiếp nhận được ánh sáng của nền văn hóa Pháp vượt ra khỏi ý đồ thực dân của nhà trường do Pháp dựng lên. Vậy trí thức, họ là ai?

Tôi thích lời của Jean Paul Sartre: Trí thức là những người làm những việc không dính dáng đến họ. Bác sĩ không chỉ lo chữa bệnh, kiến trúc sư không chỉ lo đo đạc mà lại xía vô những việc không dính dáng đến họ. Nhưng chính vì thế, họ trở thành trí thức. Ở đây ý tưởng của nhà triết học Pháp thế kỷ XX bắt gặp ý của Nguyễn Công Trứ trong "Luận về chữ sĩ" có câu: Vũ trụ chi gian giai phận sự. Xem việc trong trời đất là bổn phận phải làm. Phải có danh gì với núi sông như ông nói cũng theo nghĩa này.

Năm 1997 khi xảy ra sự kiện Thái Bình, lý do nào khiến ông được tham gia đoàn khảo sát và trực tiếp viết báo cáo?

Lúc đó tôi đang là Viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi có sự kiện Thái Bình, Thủ tướng muốn có thêm góc nhìn khách quan của nhà khoa học nên đã cử chúng tôi xuống Thái Bình. Chúng tôi về những nơi nóng bỏng nhất, trực tiếp tìm hiểu, lắng nghe dân và nghe cán bộ địa phương, cập nhật số liệu điều tra và phân tích rút ra kết luận.

Bản báo cáo Khảo sát xã hội học về "sự kiện Thái Bình" gửi đến Thủ tướng là đúc kết từ những dữ liệu trực tiếp thu nhận từ những cái đó, tập trung tìm hiểu và phân tích là diễn biến tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, cùng với những nghiên cứu bổ sung tại nhiều địa điểm khác của Thái Bình. Điều tôi nhớ nhất là sự tiếp nhận và suy nghĩ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ bản báo cáo đó.

Ông có so sánh gì về thời kỳ Thái Bình ấy với tính chất và diễn biến của ngày càng nhiều các cuộc khiếu kiện đất đai và sự phản kháng của người nông dân hiện nay?

Mức độ của các vụ khiếu kiện đất đai bao giờ cũng gay gắt. Ngay thời kỳ Thái Bình, có tới năm trên bảy huyện khiếu kiện, kéo lên có tổ chức bài bản lớp lang, được khởi xướng bởi các cựu chiến binh. Các cuộc khiếu kiện có tổ chức với cả ngàn người lên tỉnh không được đáp ứng thỏa đáng đã đẩy tới những đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng công an. Giọt nước tràn ly là khi công an sử dụng chó bec-giê để trấn áp người biểu tình. Người biểu tình xô đổ bức tường của Viện Kiểm sát huyện Quỳnh Phụ, lấy gạch đá chống trả. Và dạo ấy tình hình căng thẳng chẳng kém gì sự kiện Tiên Lãng - Hải Phòng vừa rồi. Vấn đề là sự kiện Tiên Lãng xảy ra trong thời buổi của internet nối mạng, không thể bưng bít thông tin nên công luận lên tiếng được ngay. Chuyện này tôi đã nói đến trong bài "Từ sự kiện Tiên Lãng 2012 nghĩ về sự kiện Thái Bình năm 1997" đăng trên báo Đại Đoàn Kết.

Có thể nói, do điều kiện công tác như thế, ông rất hiểu vấn đề nông dân?

Tương đối thôi, đừng nói quá lên, ngượng lắm. Đúng là chúng tôi có hiểu biết đến một mức nào đó về người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã có nhiều bài viết và một số công trình nghiên cứu về những vấn đề xã hội ở Đồng bằng sông Hồng. Chuyên đề này đã có đăng trong "Làng ở châu thổ sông Hồng - Những vấn đề còn bỏ ngỏ" do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trường Viễn Đông Bác cổ tổ chức nghiên cứu và xuất bản năm 2002.

Trong một dịp làm việc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi tôi vấn đề gì đặt ra cho nông thôn hôm nay, tôi trả lời rằng tất cả những vấn đề mà Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đặt ra trong cuốn Vấn đề dân cày in năm 1940 đều còn nguyên vẹn cả. Đất chật, người đông. Người thì tiếp tục sinh ra nhưng đất thì không sinh trưởng. Bình quân đất đai tính trên đầu người ở nông thôn Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới. Với cái đà quy hoạch, dự án, sân golf, resort như hiện nay, vấn đề sẽ còn gay gắt hơn rất nhiều. Ngay cả vấn đề "chiếm đất, lập đồn điền" mà Qua Ninh - Vân Đình từng phân tích thì dường như cũng đang tái diễn với những biến thái phức tạp hơn, dữ dằn hơn.

Nhưng ông cũng biết quy luật của phát triển, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là không thể tránh khỏi?

Đúng vậy. Sự phát triển nào cũng có cái giá phải trả. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa càng như vậy. Chỉ có điều, từ một nền nông nghiệp trồng lúa nước của vùng nhiệt đới gió mùa, phải nghĩ cách làm thế nào để hơn 70% dân số là nông dân gắn chặt với ruộng đất không bị hụt hẫng khi phải rời bỏ mảnh đất của mình. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, là chuyện không thể không làm nếu muốn đất nước phát triển. Không thể hiểu quá đơn giản về chuyển đổi nông nghiệp nghĩa là biến nông dân thành phi nông, ly nông hay công nhân dịch vụ. Cái đó có phần đúng, nhưng ruộng đất là lý do tồn tại của nông dân. Quy hoạch tùy tiện và xô bồ, nhất là khi chen vào trong sự quy hoạch đó là lợi ích của một nhóm người nhân danh lợi ích quốc gia để thâu tóm đất đai vào tay mình thì hết sức nguy hiểm.

Đừng quên rằng, ở nhiều nước công nghiệp phát triển, người ta đang đặt lại vấn đề nông thôn và nông nghiệp. Với nước ta, điều này càng cực kỳ hệ trọng. Nếu coi nhẹ vấn đề nông dân, nông thôn, hệ lụy sẽ cực kỳ lớn.

Vậy theo ông, Việt Nam phải đi lên như thế nào?

Một nước nông nghiệp nhiệt đới như nước ta, bên cạnh việc phải đối phó với hiểm họa thiên tai như bão lũ thì cũng phải thấy được ân huệ của thiên nhiên. Nước ta kinh tế nông nghiệp - một nền văn minh lúa nước miền nhiệt đới - có những thuận lợi hết sức lớn, nhưng chúng ta chưa đưa công nghiệp vào được bao nhiêu. Vải thiều của ta ở Lục Ngạn - Bắc Giang là một ví dụ, chậm thu mua là chỉ có đổ đi. Là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu mà trong việc thu hoạch lúa thất thoát lên đến 30%. Đầu tư cho nông nghiệp rất kém, trong khi lấy đất thì rất nhanh.

Viết "Những nghiên cứu về gia đình Việt Nam" dưới góc nhìn khoa học, ông có thấy sự sa sút các giá trị gia đình như dư luận thường than phiền không?

Gia đình Việt Nam đang ở trong một sự khủng hoảng rất rõ. Đó là sự mâu thuẫn giữa việc khẳng định sự giải phóng cá nhân, đặc điểm của xã hội hiện đại, một bước tất yếu của phát triển, với gia đình truyền thống duy trì tập quán gia trưởng.

Đã có những gì bị mất đi, thưa ông?

Nếu hiểu theo lối tam đại đồng đường thì mất rồi. Còn nếu hiểu mối quan hệ cha mẹ - con - cháu giữ được gia phong thì nay vẫn còn và điều này thật đáng quý. Dù có biến thái, nhưng nó vẫn còn. Nếu ai lên án việc gìn giữ gia phong thì đó là cực đoan, không đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể cưỡng lại xu thế giải phóng cá nhân.

Ông đã có các công trình nghiên cứu như "Khảo sát xã hội học về phân tầng xã hội", cùng các nhà nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu các vấn đề nông thôn Đồng bằng sông Hồng... Sắp tới, ông có dự định viết công trình hoặc tác phẩm nào nữa không?

Cũng có nhiều suy nghĩ. Sẽ dành phần lớn thời gian để làm một cái gì đó thuần túy là vấn đề nhận thức của mình thôi. Tôi không có tài viết văn học như các nhà văn. Nhưng có lẽ sẽ suy ngẫm để viết ra một cái gì đó đã tích lũy trong óc, trong tim mình lâu nay. Nói như Nguyễn Gia Thiều: "Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ, đường thế đồ gót rỗ kỳ khu". Sẽ cố viết một cái gì đó từa tựa như sự tự nhận thức về chặng đường lịch sử dân tộc ta đang đi, ở góc nhìn rất hẹp của một người nghiên cứu xã hội học, trung thực ghi lại những bước đường tư tưởng của mình nương theo chặng đường lịch sử mình đã trải qua.

Tính chất như vậy có thể gọi là viết hồi ký không, thưa ông?

Tôi không viết hồi ký vì chỉ là một người bình thường. Có chăng chỉ viết những cảm nhận về thời cuộc, nên không gọi là hồi ký cá nhân được. Nhưng tôi sẽ viết suy nghĩ về thời cuộc thông qua những con người mà tôi có dịp tiếp xúc, đôi lúc tôi muốn làm sáng tỏ một số điểm lịch sử đánh giá không công bằng. Chẳng hạn như vấn đề "làm chủ tập thể" mà thực chất là biểu tỏ việc không chấp nhận mô hình Xô viết, càng không khoan nhượng với quan điểm Mao-it về "chuyên chính vô sản".

Do một ngẫu nhiên, đồng chí Lê Duẩn có nói với tôi về vấn đề này (trong thời gian tôi tham gia tổ nghiên cứu lý luận do đồng chí Hoàng Tùng làm tổ trưởng) và yêu cầu tôi suy nghĩ để viết ra dưới dạng tư duy triết học về một phạm trù mang tính nguyên lý, khi mà bằng bao hy sinh xương máu, nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Do tài hèn sức mọn, tôi chưa làm được điều này như đồng chí ấy đòi hỏi, và đây là một day dứt lớn trong tôi.

Trước những sự kiện lớn của đất nước, một số đài nước ngoài thường phỏng vấn ông. Đó có phải vì ông làm việc mình thích như ông nói - tự do suy nghĩ, tự do viết cho mình những điều suy nghĩ và đưa các ý tưởng lên báo đài chia sẻ với mọi người?

Tôi viết chủ yếu cho báo chính thống. Không viết blog, không báo mạng vì không đủ sức làm. Chỉ một việc không chính thống là trả lời phỏng vấn cho một số đài nước ngoài. Tôi trả lời rất thẳng thắn và nghiêm cẩn vì tôi cho rằng đây là một việc có lợi cho đất nước. Nói thẳng những suy nghĩ đã cân nhắc, không nói cho hả giận, cho sướng miệng đâu. Tôi nghĩ chúng ta phải thẳng thắn. Quá dè dặt và e ngại để rồi quay lưng với việc cần phải làm, dửng dưng với tội ác thì thật đáng hổ thẹn. Không thể bảo toàn tính mạng theo cách trùm kín hai tai.

Những bài viết của ông luôn cập nhật tình hình. Ông có còn lăn lộn đi thực tế nhiều để nghiên cứu như trước nữa?

Sau khi lên bàn mổ, sức làm việc của tôi chỉ còn một phần ba. Không đi đâu vì hai lẽ. Thứ nhất là không ngồi lâu được. Cũng không dự hội thảo, vì trong mười cuộc thì đến chín cuộc là vô bổ. Lẽ thứ hai, vợ tôi yếu, không thể ở nhà một mình. Tôi ở nhà đọc, viết. Tôi nghĩ rằng đây là cách tiếp tục tự học. Nói tiếp tục, vì nếu tôi có được chút ít tri thức và bản lĩnh nghiên cứu là do tôi suốt đời tự học.

Hằng ngày tôi truy cập thông tin trên báo viết, báo mạng, lề trái, lề phải để cập nhật tình hình. Thay vì đọc một mình, tôi lưu giữ trong một tệp tin, chọn lọc để gửi cho một số bạn bè ít có điều kiện truy cập thông tin hoặc không thông thạo máy tính để cùng đọc với tôi. Làm chuyện này vì tôi hiểu thông tin là một nguồn lực quan trọng bổ sung sức sống cho bộ óc con người. Không có thông tin, chúng ta chỉ còn là "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm". Thà đánh lên chỉ một que diêm để gió thổi tắt còn hơn nép mình trong bóng tối.

Ông đã phát biểu nhiều đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp tới đây. Có nhiều vấn đề, nhưng xin ông nói tóm tắt một ý quan trọng tâm huyết nhất?

Những Hiến pháp sau này đều thụt lùi so với Hiến pháp 1946. Hiến pháp 46 đó dân chủ, đảm bảo quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân, ngăn cấm lộng quyền của Nhà nước, đặt pháp quyền lên trên Nhà nước, đảm bảo quyền dân chủ của dân. Hiến pháp 1946 tiến bộ nhất, muốn sửa thì hãy quay lại học nó, đó mới là học tập Cụ Hồ.

Ngoài các vấn đề chính trị thời sự ra, ông có những mối quan tâm hoặc niềm vui, giải trí nào khác?

Tôi cũng quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật. Tôi mê bóng đá. Gần đây coi ít đi vì sa đà mất nhiều thời gian. Tivi chủ yếu để xem bóng đá hoặc thỉnh thoảng theo dõi những bộ phim có kịch bản khá. Tôi thường tự học, đọc nhiều. Vi tính học sử dụng được, chỗ nào tắc hỏng thì nhờ. Có thể làm được những việc cần thiết cho viết lách và nghiên cứu như nhận tin, đọc tin, lấy tin, cắt dán...

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn