Dự đoán phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Đường 9 Đoạn

LS Nguyễn Văn Thân

Vụ kiện Đường 9 đoạn của Phi Luật Tân đang đi vào hồi cuối. Tòa Trọng tài dự kiến sẽ ban hành phán quyết trong tháng 6 này. Đây sẽ là một phán quyết quan trọng nhất của Tòa Trọng tài trong lịch sử tài phán dưới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Nguyên nhân dẫn đến quyết định kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân là sự kiện  bãi cạn Scarborough Shoal vào tháng 4 năm 2012. Trong lúc hải quân Phi Luật Tân tìm cách ngăn chặn tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong khu vực mà Phi Luật Tân cho là nằm trong  vùng đặc quyền kinh tế của họ thì lực lượng tuần duyên Trung Quốc can thiệp tạo ra một cuộc giằng co nguy hiểm có thể dẫn đến xung đột. Sau khi Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải thì cả hai bên cam kết đồng ý rút khỏi khu vực này. Phi Luật Tân thi hành đúng thỏa thuận nhưng Trung Quốc nuốt lời và đã kiểm soát bãi cạn Scarborough từ thời điểm đó.

Vào tháng Giêng năm 2013, Phi Luật Tân chính thức nộp đơn khởi kiện Trung Quốc dưới Điều 287 của UNCLOS. Qua một văn bản ngoại giao (Note Verbale) vào tháng Hai 2013, Trung Quốc phản đối đơn kiện, lập luận rằng nguyên đơn Phi Luật tân không chỉ chiếm đóng bất hợp pháp đảo mà Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối cãi" mà còn vi phạm cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng song phương. Tuy nhiên, thủ tục trọng tài dưới Phụ lục VII của UNCLOS cho phép hồ sơ kiện được tiến hành cho dù bị đơn từ chối và không tham gia vào vụ kiện. Tới giữa năm 2013 thì một Hội đồng Tòa Trọng tài gồm có 5 vị thẩm phán được thành lập dưới Phụ lục VII và đăng ký tại Văn phòng Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague. Theo lịch trình của Tòa, nguyên đơn Phi Luật Tân nộp hồ sơ 4000 trang vào tháng 3 năm 2014. Tòa cho bị đơn Trung Quốc tới tháng 12 năm 2014 để nộp hồ sơ phản bác.

Trung Quốc không nộp hồ sơ với Tòa nhưng vào ngày 7/12/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ban hành một văn bản lập trường (Position Paper) phủ nhận thẩm quyền xét xử vụ kiện của Tòa Trọng tài được thành lập dưới Phụ lục XII với lý do là bản chất của vụ kiện liên quan tới tranh chấp chủ quyền của các thực thể tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa. Cũng trong tháng 12, Việt Nam gửi đến Tòa một văn bản phản đối yêu sách chủ quyền Đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thủ tục xét xử đi qua hai giai đoạn. Trước tiên là xác nhận Tòa có thẩm quyền xét xử vụ kiện này hay không? Khi tham gia vào UNCLOS, các quốc gia thành viên mặc nhiên chấp nhận câu hỏi này là do chính Tòa quyết định chớ không phải là do các bên trong vụ kiện.

Nếu câu trả lời là Tòa có thẩm quyền thì mới tiến tới xét xử về nội dung của vụ kiện. Tòa Trọng tài tiến hành phiên xử thẩm quyền từ ngày 7 đến 13 tháng 7 năm 2015. Ngày 29/10/2015, Tòa ban hành phán quyết là Tòa có thẩm quyền xét xử đối với 7/15 luận điểm (claims) của nguyên đơn và tạm hoãn cứu xét 7 luận điểm kia cho tới khi Tòa xét xử nội dung vụ kiện. Tòa cũng yêu cầu nguyên đơn làm rõ ý nghĩa và phạm vi của luận điểm thứ 15.

Phiên xử về nội dung và thẩm quyền của 7 luận điểm còn lại  diễn ra từ ngày 24 đến 30 tháng 11 năm 2015.  Vì bị đơn không tham dự nên Tòa cho Trung Quốc tới ngày 1/1/2016 để nộp văn bản trình bày quan điểm hoặc phản bác. Sau đó Tòa sẽ tiến hành thảo luận phán quyết và dự đoán sẽ ban hành phán quyết trong tháng 6 này.

Những vấn đề cần phán quyết

15 luận điểm của nguyên đơn có thể tóm tắt qua 4 phần. Thứ nhất, nguyên đơn lập luận rằng yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn dựa trên quyền lịch sử (historic rights) của Trung Quốc vi phạm UNCLOS và vì vậy không có giá trị pháp lý. Thứ hai, một số thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng không phải là đảo theo định nghĩa của Điều 121(1) của UNCLOS mà chỉ là đá hoặc là đất nổi khi thủy triều xuống (Low Tide Elevations). Do đó, không có thực thể nào được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Đá chỉ hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý. Còn đất nổi khi thủy triều xuống không có quy chế nào cũng như không có bất cứ quốc gia nào có thể đặt ra yêu sách chủ quyền đối với chúng. Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân thực thi quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của nguyên đơn chẳng hạn như dùng tàu lớn của lực lượng tuần duyên đâm vào tàu đánh cá của Phi Luật Tân. Nguyên đơn cũng lập luận rằng các công tác tôn tạo đảo cũng như xây dựng phương tiện và cấu trúc trên các hòn đá mà Trung Quốc chiếm đóng vi phạm UNCLOS vì đã làm tổn hại đến môi trường biển.

Đường 9 Đoạn

Bản đồ Đường 9 Đoạn lần đầu tiên được đưa ra trong thập niên 1930 bao phủ 90% diện tích Biển Đông. Khi Trung Hoa Dân quốc phát hành bản đồ này vào năm 1947 thì có 11 đoạn. Trong thập niên 1950, Trung Quốc (Cộng sản) thoả thuận với Việt Nam bỏ bớt 2 đoạn. Vào năm 2009, Trung Quốc nộp Bản đồ Đường 9 Đoạn với Ủy hội Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp quốc chính thức tuyên bố chủ quyền Đường 9 Đoạn. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ phạm vi của yêu sách này. Có nghĩa là có thể Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền của nguyên vùng biển trong phạm vi Đường 9 Đoạn hoặc mọi thực thể cộng với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chung quanh hoặc quyền được độc quyền đánh cá và khai thác dựa trên quyền lịch sử cho dù khu vực này nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Có hai cách mà Tòa Trọng tài có thể sử dụng để phán quyết yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn. Thứ nhất, Tòa có thể phán yêu sách này đơn giản không có cơ sở pháp lý dưới luật quốc tế và do đó là bất hợp pháp. Đây sẽ là một phán quyết rõ ràng và dứt khoát. Nhưng có lẽ Tòa sẽ không làm vậy vì chính Trung Quốc chưa xác định rõ ý nghĩa và phạm vi của yêu sách này. Cách thứ hai là Tòa sẽ phán yêu sách Đường 9 Đoạn phải được hiểu theo UNCLOS. Có nghĩa là Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền mọi thực thể nằm trong Đường 9 Đoạn cộng với quy chế hàng hải (maritime entitlements) chẳng hạn như lãnh hải 12 hải lý hoặc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tùy theo bản chất của các thực thể là đá hoặc đảo dưới Điều 121 của UNCLOS. Đây cũng là một hình thức giữ thể diện cho Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ yêu sách Đường 9 Đoạn nhưng phán quyết của Tòa sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến hành làm rõ và giới hạn yêu sách chủ quyền theo đúng tinh thần và điều khoản của UNCLOS.

Nếu Tòa ra phán quyết vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn thì cũng sẽ tác động đến Đài Loan. Đài Loan không phải là thành viên UNCLOS và không áp đặt Đường 11 Đoạn như Trung Quốc. Yêu sách 9 Đoạn của Trung Quốc và 11 Đoạn của Đài Loan trên căn bản không có gì khác biệt. Phán quyết của Tòa có thể sẽ thúc đẩy chính quyền của Đảng Dân tiến điều chỉnh yêu sách cho phù hợp với UNCLOS.

Đảo, đá và đá ngầm

Trong đơn kiện, Phi Luật Tân lập luận rằng các bãi đá ngầm gồm có Xu Bi (Subi Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef) đều là đất nổi khi thủy triều xuống. Các thực thể này thường trực ở dưới mặt nước và chỉ nổi lên khi thuỷ triều xuống. Chúng không có quy chế hàng hải và không có nước nào có thể đặt yêu sách chủ quyền đối với chúng dưói Điều 13 của UNCLOS. Vấn đề là từ khi Phi Luật Tân khởi kiện thì Trung Quốc đã bồi đắp đất và biến chúng thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã biến Ga Ven nguyên thủy là một cồn cát cao hai thước thành đảo nhân tạo với diện tích 136,000 mét vuông. Đá Tư Nghĩa bây giờ có diện tích 76,000 mét vuông. Đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm từ tay Phi Luật Tân vào năm 1995 đã được biến thành một hòn đảo khổng lồ với diện tích 5.6 triệu mét vuông. Đá Xu Bi cũng biến thành đảo với diện tích gần 4 triệu mét vuông và chỉ cách đảo Thị Tứ mà Phi Luật Tân đang chiếm đóng có 14 km. Tuy nhiên, nguyên đơn đã nộp nhiều bằng chứng hải đồ và khảo sát của nhiều quốc gia xác nhận các thực thể này chỉ là đất nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống trước khi Trung Quốc biến chúng thành đảo nhân tạo. Đảo nhân tạo không được công nhận là đảo có quy chế hàng hải dưới Điều 121 của UNCLOS.

Nguyên đơn cũng lập luận là các thực thể khác mà Trung Quốc chiếm đóng gồm có Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và bãi cạn Scarborough đều là đá chớ không phải đảo và do đó chỉ hưởng quy chế 12 hải lý dưới Điều 121(3) của UNCLOS. Tương như như các bãi đá ngầm, Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo trên các bãi đá này. Đá Gạc Ma bây giờ có diện tích 109,000 mét vuông và đá Châu Viên là 231,000 mét vuông có bãi đáp trực thăng. Riêng đá Chữ Thập đã biến thành một hòn đảo khổng lồ với diện tích 2.7 triệu mét vuông với đường băng dài 3,000 mét và một bến tàu nước sâu.

Một vấn đề có thể tạo bất lợi cho nguyên đơn liên quan tới Đảo Ba Bình. Phi Luật Tân lập luận rằng không có thực thể nào ở Trường Sa gồm cả Ba Bình có thể được gọi là đảo theo định nghĩa dưới Điều 121 của UNCLOS. Ba Bình đã do Đài Loan chiếm đóng từ năm 1946. Trong tháng 3 vừa qua, Hiệp Hội Luật Quốc Tế Đài Loan đã nộp một bản đệ trình gửi đến Tòa Trọng tài khẳng định rằng Ba Bình là một hòn đảo thực thụ có nguồn nước ngọt có thể duy trì đời sống con người và một nền kinh tế độc lập. Nếu trong tương lai Trung Quốc chiếm được chủ quyền của cả Đài Loan và Ba Bình thì vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc sẽ bao phủ các thực thể mà họ đang chiếm đóng.

Thật ra, việc thực thể được coi là đảo dưới Điều 121 có đời sống và nền kinh tế độc lập không đương nhiên được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nếu vi phạm nguyên tắc bất tương xứng (disproportionality test). Nguyên tắc này đã có tiền lệ và được áp dụng trong vụ kiện giữa Romania và Ukraine vào năm 2012. Xà Đảo (Snake Island) của Ukraine nằm trong Biển Đen có diện tích khoảng 0.20 km vuông và dân số 100 người mà đa số là quân lính biên phòng và gia đình cư ngụ. Các phương tiện trên đảo gồm có bãi đáp trực thăng, cầu tàu, hải đăng, bưu điện, ngân hàng, hệ thống điện thoại và internet. Đảo không có nước ngọt và nhận cung cấp từ đất liền. Xà Đảo cách  đảo Kubanskyi của Ukraine khoảng 35 km và thành phố Sulina của Romania khoảng 45 km. Trong vụ kiện này, Tòa án Công lý Quốc tế đã áp dụng nguyên tắc bất tương xứng và không cho Xà Đảo được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế vì nếu làm thế thì một hòn đảo nhỏ nằm xa bờ sẽ gia tăng vùng đặc quyền kinh tế bất tương xứng với chiều dài bờ biển của Romania.

Tương tự như vậy, nguyên tắc này cũng được áp dụng trong vụ kiện giữa Nicaragua và Colombia vào năm 2012. Tòa án Công lý Quốc tế đã phán rằng một số đảo nhỏ thuộc chủ quyền Colombia chỉ được quy chế 12 hải lý vì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nicaragua. Nếu nguyên tắc bất tương xứng được Tòa Trọng Tài áp dụng thì sẽ có lợi cho Phi Luật Tân vì vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân tương đối khá rộng tính từ đường cơ sở quần đảo của Luzon, Mindoro và Palawan. Dù sao đi nữa thì Tòa Trọng tài không nhất thiết phải có phán quyết về Ba Bình và có lẽ sẽ không làm việc đó vì 15 luận điểm của Phi Luật Tân không nhắc tới Ba Bình.

Tóm lại, phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài sẽ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng không chỉ trực tiếp đến các bên trọng vụ kiện mà đối với tất cả các quốc gia cũng như cho nền an ninh và hòa bình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất từ yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn của Trung Quốc. Cụ thể là ngư dân miền Trung thường xuyên bị tàu Trung Quốc đánh phá, cướp bóc và quấy nhiễu. Hy vọng là phán quyết sắp tới của Tòa sẽ đóng góp vào tiến trình xây dựng một thế giới pháp quyền để giảm bớt tình trạng "nước lớn bắt nạt nước nhỏ" như Tổng thống Obama đã nêu ra trong bài phát biểu vừa qua tại Việt Nam.

N.V.T.

clip_image001

Tác giả gửi BVN

   

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn