Tính cách Mao-it của Donald Trump

Jiayang Fan, The New Yorker, ngày 13/5/2016

Hiếu Tân dịch

clip_image002

Nước Mỹ có thể đang quay cuồng với sự nổi lên của chủ nghĩa Trump. Nhưng ở Trung Hoa, lời kêu gọi của Chuan Pu (川普 - Xuyên Phổ), dịch tiếng Hoa tên Trump, đã rõ ràng

Tháng Hai 1957, tám năm sau khi thành lập nước Trung Hoa Cộng sản và chín năm trước Cách mạng Văn hóa, Chủ tịch Mao Trạch Đông đọc diễn văn tại kì họp thứ mười một Tối cao Quốc vụ Hội nghị có nhan đề “Bàn về xử lí đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân,” xác định triết lí chính trị của ông ta. Trong bài diễn văn này – được cho là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Tay lái Vĩ đại đưa ra sự phân biệt giữa “nhân dân” và “kẻ thù.” Nhân dân là phe ta, còn kẻ thù thì không gì khác hơn là những ma quỉ và kẻ cướp, sát nhân cần cảnh giác chống lại. Cái phép lưỡng phân “ta”-với-“chúng” này, hòn đá tảng của chủ nghĩa Mao sau đó được cất giữ trong cuốn Sách Đỏ (Mao tuyển) của ông ta, vẽ một cách rõ rệt thế giới thành hai màu trắng đen, xóa bỏ hoàn toàn tính đa dạng, những khác biệt và việc tính đến các quyền tự do công dân. Thế mà lạ thay cái thế giới quan này sau gần sáu mươi năm đã tìm thấy sức mạnh của nó trong mồm một kẻ mị dân hay “nổ” khác, lên giọng trong một hệ thống chính trị hoàn toàn khác, kẻ có cùng một kiểu khẩu chiến ngoa ngoắt và hoang tưởng bài ngoại như Mao. Nước Mỹ có thể còn đang choáng váng với thắng lợi của Trump làm ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, nhưng nhiều người Trung Hoa, nhìn từ phía bên kia của thế giới, thấy sự đi lên của ông ta là tự nhiên: sự đi lên của một người hùng, mà những chủ trương chính trị lệch lạc và sự lớn tiếng kêu gào hận thù của ông ta đang vừa lặp lại vừa phản chiếu những lo âu quá khứ và hiện tại của Trung Hoa.

Ở Mỹ, chủ nghĩa Trump dường như một tiếng gọi thức tỉnh ớn lạnh đối với thành viên của cả hai đảng lần đầu tiên phải đối diện với những động lực méo mó của hệ thống chính trị xã hội của họ. Nhưng ở Trung Hoa lời kêu gọi của Chuan Pu, phiên âm tiếng Hoa của Trump, đã rõ ràng. Ngay từ đầu, chiến dịch tranh cử của Trump dựa vào khối cử tri nòng cốt gồm những công nhân – “nhân dân,” nếu còn sống chắc Mao sẽ gọi như thế – Trump đã biết hướng sự nghèo khổ về kinh tế của họ vào việc tạo ra những kẻ thù ghê tởm. Việc Trump dễ dàng dựng lên sự chia rẽ này khẳng định điều mà Mao gọi là sự chín muồi cho “đấu tranh giai cấp.” Như Eric Li viết trong một tiểu luận sâu sắc[1] đăng trong tờ Foreign Affairs, so sánh này không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta xem xét đến di sản của Chủ nghĩa Mac Trung Hoa. Theo lời Li, “khi Trung Hoa chịu đau khổ khủng khiếp từ những cuộc đấu tranh giai cấp quá khích trong lịch sử gần đây của họ, thì nền dân chủ phương Tây dường như đã đạt đến một vị trí đáng thèm muốn bằng cách xóa bỏ đi những lằn ranh giai cấp. Nhưng chiến dịch của Trump đang cho thế giới thấy điều ấy có thể là ảo tưởng. Giai cấp công nhân Mỹ đang nổi giận.”

Nhân kỉ niệm lần thứ năm mươi Cách mạng Văn hóa cách đây ít hôm, thế hệ hiện tại của lớp tinh hoa chính trị cầm quyền, trong đó không ai thoát khỏi sự dã man của những năm sáu mươi, cảnh giác hơn bao giờ hết về nguy cơ nỗi oán hận của giai cấp vô sản. Không mấy ngạc nhiên rằng Tập Cận Bình, có người cha bị ngược đãi tàn bạo trong Cách mạng [Văn hóa] và người chị/em cùng cha khác mẹ đã tự sát do hoàn toàn tuyệt vọng, đã cố gắng biến chống tham nhũng thành cột trụ của chức vụ Chủ tịch của ông. Nó là một cuộc thánh chiến toàn hệ thống và rõ ràng mà lãnh tụ Trung Hoa đương nhiệm phát động chống lại giai cấp thống trị, và lừa phỉnh cảm giác của dân chúng rằng tham nhũng đã lọt khỏi tầm tay – theo cách nói Mỹ, là chế độ đã bị lừa. “Ở Trung Hoa, có sự đồng tình với hiện tượng Trump vì người dân Trung hoa đã quen với cảm giác oán hận chế độ hiện hành,” Daniel Bell, giáo sư triết học chính trị của Đại học Thanh Hoa và tác giả của “Mô hình Trung Hoa: Chế độ Nhân tài chính trị và những Giới hạn của Dân chủ,” đã nói với tôi. "Bất chấp việc tước đoạt các quyền tự do chính trị và dân sự mà Tập đang làm, ông vẫn thành công trong việc bài trừ các lãnh đạo chính trị chóp bu dính líu tới tham nhũng."

Trong nhiều khía cạnh, những người bình thường ở Trung Hoa, hay là “bách tính” như họ gọi – một lối nói gộp thông tục chỉ tất cả những người bình dân không có tên trong lịch sử – không phải là không giống phần đông những người ủng hộ Trump: học vấn hạn chế, không có tài sản, và thường bị bỏ qua vì họ ở xa chính quyền. Những nguyên tắc trừu tượng, được biết Hillary Clinton đã tuyên bố ở Trung Hoa – về nhân quyền và nữ quyền – dường như ít thích hợp hơn những thách thức kinh tế thực tế mà người công dân trung bình đang phải đối mặt. “Trump là một người cực kì thông minh đã thành công phi thường trong việc xây những khách sạn, những tháp và những sô truyền hình,” một blogger Trung Hoa post trên một diễn đàn mạng dành cho chính trị Hoa Kỳ. Khi có một người khác hỏi về những chính sách thương mại của Trump, nhiều chính sách trong đó thù địch với Trung Hoa, cũng blogger đó trả lời một cách tùy tiện rằng “Trump trước hết và trên hết là một nhà kinh doanh,” và “sẽ làm những gì có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước.” – nói lên cái tình cảm luôn phổ biến ở Trung Hoa, là chủ nghĩa thực dụng không tránh khỏi cuối cùng sẽ ngự trị.

Rồi có vấn đề cái “mồi” chủng tộc Trump giơ ra làm bung xung, niềm tin mù quáng chống người Mexico, người Hồi giáo và người di cư nói chung. “Người dân Trung Hoa trung bình ít có vấn đề với nó,” Kechang Fang, trước là phóng viên ở Trung Hoa nay nghiên cứu chính trị và truyền thông Trung Hoa ở Đại học Pennsylvania nói với tôi. Giống như một số người Mỹ tức giận vì sự ‘bao dung quá mức’ đối với những người nước ngoài và các sắc tộc thiểu số, nhiều người Trung Hoa không cảm thông với cảnh ngộ của những sắc tộc thiểu số. “Sự thật là phần lớn người Trung Hoa không có đủ hiểu biết về các chủng tộc khác,” Fang nói. “Họ không biết một sắc tộc thiểu số là gì. Cái đó chưa bao giờ là một phần giáo dục của họ, do đó họ không có nhận thức về những đặc quyền mà họ được hưởng.” Chín mươi hai phần trăm dân số Trung Hoa thuộc về dân tộc Hán, và ngoài những tiết mục ca múa lâu lâu được biểu diễn để tuyên truyền trong đó những thành viên sắc tộc thiểu số được phô diễn trên sân khấu trong những bộ trang phục nhiều màu sắc, vẻ mặt tươi cười của họ báo hiệu tình đoàn kết với chính phủ, còn về phương diện lịch sử họ đã bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài rìa về văn hóa.

Thêm nữa, những trang mạng, báo chí, những chương trình tin tức trên truyền hình do nhà nước quản lí – những nguồn thông tin được tạo ra cho hầu hết người Trung Hoa – chỉ nói những thông điệp của chính phủ, chẳng hạn như: mặc dầu sự khoan hồng của chính phủ đối với các sắc tộc thiểu số như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, chính những sắc tộc này kích động nổi loạn và gây ra những cuộc tấn công chống lại những người dân vô tội. “Chúng phát đi hình ảnh những cuộc tấn công khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ, như cuộc tấn công ở Côn Minh,” Fang nói. Trong sự kiện ấy, hai mươi chín thường dân bị đâm chết trong một ga xe lửa bởi tám người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. “Chúng lại đưa những tin về chính sách của nhà nước cho phép sinh viên thiểu số được vào các trường đại học có tính cạnh tranh với điểm thi thấp hơn, ở Trung Hoa đây là chính sách ưu tiên,” ông tiếp tục. “Thế là dân chúng điên lên. Họ nghĩ, bọn thiểu số đã chiếm những vị trí trong các trường đại học, thế mà chúng ăn cháo đá bát. Tất nhiên chúng cần bị trừng phạt.” Theo lời một nhà bình luận Trung Hoa thân-Trump, “Trump phơi bày các sự việc. Ông ấy là người duy nhất có can đảm.” Logic của Trump, lắt léo mà hiệu quả, cũng có thể giải thích tại sao trong một cuộc thăm dò ý kiến do Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo do nhà nước đỡ đầu, tiến hành, có năm mươi tư phần trăm số người trả lời ủng hộ Trump, trong khi chỉ có bốn mươi phần trăm người Mỹ ủng hộ.

Khi cuộc bầu cử tháng Mười một ở Mỹ đến gần, sau những gì chắc chắn là một trong những chiến dịch đáng nhớ nhất ở Mỹ, những con số này có thể dao động ở cả hai phía của thế giới. Trong khi đại cử tri đoàn và các cuộc họp bầu đại biểu tham dự đại hội đảng toàn quốc [caucus – ND] có thể hoàn toàn xa lạ với người công dân Trung Hoa bình thường, việc người Mỹ tung hô một ông bầu trơ tráo đe dọa làm rạn nứt một đảng lớn là một lời nhắc nhở rằng những yếu kém của một nền dân chủ phương Tây có thể không hoàn toàn khác với những yếu kém của một chế độ tài phiệt xã hội chủ nghĩa Trung Hoa. Như một số người hỏi trên mạng, trong một diễn đàn về Trump, liệu cấu trúc quyền lực chính trị xã hội Mỹ có thể có những cơ hội giống như lãnh đạo Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc đã có ở Trung Hoa? “Thật quá tệ là tôi không thể có được quốc tịch Mỹ trước ngày Một tháng Mười Hai” một người tham gia diễn đàn và sắp thành người nhập cư than phiền. “Nước Mỹ đang thật sự lâm nguy và ông ấy là người duy nhất có thể làm được cái gì đó. Trump nhất định sẽ được một phiếu của tôi.”

J. F.

Dịch giả gửi BVN.


[1] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2016-04-19/watching-american-democracy-china

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn