Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục thiếu minh bạch

Dương Tú

4-1-2025

Trang vanvn.vn, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), vừa đăng “Thư của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam” gửi các hội viên.

Phần đầu tiên của Thư này là thông báo liên quan đến việc điều động ông Lương Ngọc An – người bị nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh công khai tố cáo hành vi cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục – làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, với nội dung chi tiết như sau:

“Tại cuộc họp BCH tháng 6.2024, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống đề nghị bổ sung cho Tạp chí một Phó Tổng biên tập và đề xuất nhà thơ Lương Ngọc An, hiện đang công tác tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam vào vị trí này.

BCH đã đề nghị nhà thơ Lương Ngọc An giải trình về một số vấn đề liên quan đến cá nhân, thảo luận tình hình hoạt động của Tạp chí, nhu cầu cần thiết phải bổ sung nhân sự và ra Quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An về công tác tại Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống với nhiệm vụ Phó Tổng biên tập từ 28.11.2024.

Tuy nhiên, sau khi rà soát lại một số khâu trong quy trình và xem xét một số điều kiện liên quan đến việc điều động, BCH đã quyết định thu hồi Quyết định này và báo cáo cơ quan chỉ đạo báo chí và cơ quan quản lý báo chí cấp trên.”

Như vậy, sau gần một tháng kể từ ngày nhà thơ Dạ Thảo Phương lên tiếng qua bài viết “KẺ HIẾP DÂM TÔI LẠI LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP”, cũng như đòi hỏi của dư luận về trách nhiệm giải trình của Hội NVVN, Hội này mới đưa ra thông báo chính thức đầu tiên qua bức thư nói trên.

Tuy nhiên, nội dung thông báo rất mơ hồ và thiếu minh bạch, cả trong quyết định điều động ông An làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống lẫn quyết định thu hồi Quyết định này.

Đầu tiên, quyết định điều động ông An dựa trên những căn cứ sau:

(i) Đề xuất của ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.

(ii) Giải trình của ông Lương Ngọc An về “một số vấn đề liên quan đến cá nhân”.

(iii) Thảo luận của Ban Chấp hành HNVVN về “tình hình hoạt động của Tạp chí, nhu cầu cần thiết phải bổ sung nhân sự”.

Những căn cứ nói trên hoàn toàn mù mờ, không những chẳng hề cung cấp thông tin nào rõ ràng về việc điều động ông An, mà còn đặt ra thêm nhiều câu hỏi về quyết định này: “một số vấn đề liên quan đến cá nhân” ông An là những vấn đề gì, dính dáng ra sao đến tố cáo cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục, hay còn vấn đề nào khác?

Tiếp đến, quyết định thu hồi quyết định điều động ông An dựa trên việc “rà soát lại một số khâu trong quy trình và xem xét một số điều kiện liên quan đến việc điều động”. Quyết định này tiếp tục đặt ra thêm hàng loạt nghi vấn đối với HVNNV thay vì minh bạch thêm bất cứ điều gì: Những khâu nào trong quy trình điều động ông An có vấn đề, những điều kiện nào liên quan đến việc điều động đã được Ban Chấp hành HVNVN xem xét lại? Ai là người chịu trách nhiệm trong chuyện này, và sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Phần chú chung giải trình cho các quyết định nêu trên là sự mập mờ, thể hiện qua hai chữ “một số”, nào là “MỘT SỐ vấn đề liên quan đến cá nhân”, “MỘT SỐ khâu trong quy trình”, “MỘT SỐ điều kiện liên quan đến việc điều động”.

Sự mập mờ này cực kỳ nhất quán với lý do HNVVN cho ông Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn nghệ gần 3 năm trước, đó là “TRONG TÌNH HÌNH MỚI”. Lý do này được ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch HNVVN “làm rõ” hơn chút ít qua phát biểu của ông Thiều trong Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, đó là “VÌ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẦY NHẠY CẢM”.

Tóm lại, cả 3 quyết định của HNVVN liên quan đến ông Lương Ngọc An – gồm (i) cho ông An thôi chức Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn nghệ, (ii) điều động ông An làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, và (iii) thu hồi quyết định điều động này – đều hết sức mập mờ và thiếu minh bạch, hoàn toàn không thể hiện trách nhiệm giải trình của HNVVN.

Hơn nữa, việc ra quyết định rồi nhanh chóng thu hồi quyết định điều động ông An cho thấy sự tùy tiện, không nhất quán, thiếu chuyên nghiệp và năng lực yếu kém của Ban Chấp hành HNVVN trong việc quản lý và bổ nhiệm nhân sự ở Hội này. Chẳng có gì đảm bảo một thời gian nữa, khi dư luận tạm lắng xuống, HNVVN lại không tiếp tục cái trò mèo “điều động” này theo kiểu đối phó, thay vì giải quyết vấn đề.

Giá trị lớn nhất mà “Thư của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam” mang lại, đó là tiết lộ rằng chính ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống là người đã đề xuất đưa ông Lương Ngọc An về làm phó cho ông Khoa. Và bởi vì ông Trần Đăng Khoa đã thông báo sẽ sớm “nghỉ dần các chức vụ và công việc”, điều này đồng nghĩa với việc chính ông Khoa đã chọn ông An làm người kế nhiệm mình ngồi vào ghế Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.

***

Trong cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn ra mắt cách nay hơn nửa thế kỷ và ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia đoạt giải Nobel đã sử dụng kiến làm biểu tượng của sự suy tàn và hủy diệt, báo hiệu định mệnh nghiệt ngã và bi thảm của gia đình Buendía khi đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ này bị đàn kiến ăn thịt khi chỉ mới chào đời.

Như một trò đùa của lịch sử và số phận, đúng vào năm 1967 khi văn hào Márquez hoàn thành tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, ở bên kia địa cầu, thần đồng Trần Đăng Khoa cũng viết xong bài thơ Đám ma bác giun về đàn kiến và cái chết.

Ở vai trò Phó Chủ tịch HNVVN kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần Đăng Khoa chưa một lần lên tiếng trước tố cáo suốt gần ba năm qua của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh đối với ông Lương Ngọc An. Không những thế, ông Khoa còn chọn ông An làm người kế nhiệm mình. Quả thực, thằng bé thần đồng thơ năm xưa đã chết từ rất lâu rồi.

Trong vở kịch Mổ nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật K-Oa được giới thiệu như sau: “Bẩm sinh là một nhà thơ, một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi trường sống của anh ta không tốt, anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng ngày, từng tí một. Một thiên thần cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu…”.

Đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ Buendía bị đàn kiến ăn thịt không khỏi khiến độc giả liên tưởng đến nhân vật K-Oa. Còn đám sâu bọ ở HNVVN đã thay nhau cắn xé và nhậu ký ức, tâm hồn cùng nhân phẩm của nhà thơ Dạ Thảo Phương phải chăng là chỉ báo về sự mục rữa, thối nát và suy tàn không tránh khỏi của một Hội đã có lịch sử gần bảy thập niên, y như định mệnh bi thảm của bảy thế hệ thuộc dòng họ Buendía?

Với sự tùy tiện, mập mờ, thiếu minh bạch và né tránh trách nhiệm giải trình của HNVVN trong vụ tố cáo hành vi cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục của ông Lương Ngọc An, người hiện vẫn còn là Ủy viên Ban Chấp hành kiêm Phó ban Sáng tác của HNVVN, Hội này hoàn toàn không nên được tôn trọng, lại càng không xứng đáng được nuôi bằng tiền thuế của dân.

Mới đây, bố mẹ bà Dạ Thảo Phương – ông Phan Lạc Kiên, cựu chiến binh 83 tuổi, và bà Tạ Thị Nội – cũng vừa tố cáo tội ác của ông Lương Ngọc An cùng sự đồng lõa, vô trách nhiệm của lãnh đạo HNVVN qua lá đơn mà nỗi đau của bậc cha mẹ suốt một phần tư thế kỷ ứa ra qua từng con chữ.

May be an image of text

D.T.

Nguồn: FB Duong Tu

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn