Romania những ngày cuối năm 1989

Trần Dương

clip_image001

Nicolae Ceauşescu

Trong thế kỷ XX, Romania là một trong số những quốc gia bị cai trị bởi một thể chế độc tài hà khắc nhất. Ngay cả trong hệ thống XHCN cũng chỉ có vài ba nước mà mọi người dân từng giây từng phút phải thể hiện sự tôn sùng lãnh tụ như ở nước này. Không những “lãnh tụ” Nicolae Ceauşescu mà cả vợ ông ta là Elena Ceauşescu cũng là đối tượng của sự tôn sùng đến mức lố lăng (bà ta được phong viện sỹ hàn lâm và có quyền sinh quyền sát không kém gì chồng).

Vì trong xã hội Romania trước cuối năm 1989, những biểu hiện bất mãn với chế độ là không đáng kể, và một số ít ỏi những kẻ thể hiện thái độ như vậy bao giờ cũng nhanh chóng bị loại trừ, nên ngay đến đầu tháng 12 năm 1989 cũng không ai ngờ rằng chỉ mấy ngày sau đó chế độ Ceauşescu đã sụp đổ, và vợ chồng ông ta bị xử tử. Trước ngày đó, có lẽ trong xã hội mọi người đều tin rằng đại đa số cũng chán ghét vợ chồng Ceauşescu như mình, nhưng không ai dám thổ lộ với người khác, vì nhỡ ra…

Rất giống Mao ở Trung Quốc, họ Kim ở Triều Tiên và ở một vài nước khác, tại Romania Ceauşescu cũng đã được gọi là Người Dẫn Đường và Thiên Tài vùng Carpat. Ông ta sống và xử sự với dân chúng như một ông vua. Ngày kỷ niệm lớn nhất hàng năm của dân tộc là ngày sinh ông ta. Trong ngày đó, ai có vẻ mặt không vui sẽ dễ gặp nguy hiểm. Ceauşescu không thể ngờ… (Và không chỉ ông ta. Mọi loại độc tài đều nghĩ toàn dân tuyệt đối trung thành với mình, mình sẽ cai trị suốt đời và truyền ngôi cho con cháu hoặc những kẻ tâm phúc.)

Tháng 11 năm 1989, đại hội XIV ĐCS Romania bầu lại Ceauşescu 71 tuổi làm đảng trưởng. Trong đại hội, ông ta lên án “bọn phản động” đã lật đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu khác, và cũng phê phán “sai lầm” của các đảng cầm quyền ở những nước này. Cố nhiên, ông ta cho rằng đường lối của mình là tuyệt đối đúng.

Trong thời gian đó, ở Romania nổi lên một nhân vật tên là László Tőkés, người bị chính quyền buộc tội kích động hận thù dân tộc. Để phát động quần chúng chống lại nhân vật này, chính quyền Ceauşescu tổ chức những cuộc diễu hành quần chúng để uy hiếp nhóm người theo László. Tuy nhiên, sang tháng 12 thì, với sự tham gia của hàng vạn sinh viên, các cuộc diễu hành đã đảo ngược mục tiêu ban đầu, biến thành biểu tình chống chế độ, do sự bất mãn sâu sắc của người dân về đời sống và quá nhiều vấn đề xã hội bức bối.

Ngày 18 tháng 12, Ceauşescu đi thăm Iran, trao nhiệm vụ xử lý biểu tình lại cho vợ và thuộc hạ. Tối 20, ngay sau khi trở về từ Iran, ông ta lên truyền hình tuyên bố: Trong những sự kiện tại Timişoara có bàn tay các thế lực thù địch nước ngoài, phối hợp với nội gián trong bộ nội vụ. Điều này làm đa số dân chúng hoàn toàn bất ngờ, trừ những người lén nghe đài phương Tây hoặc truyền tin bằng miệng.

Ngày 21, đích thân Ceauşescu trực tiếp ra lệnh tổ chức meeting ở Bucharest để xốc lại tình hình. Cuộc meeting được mở đầu giống như hàng chục cuộc khác, trong đó người dân chỉ có nhiệm vụ tỏ ra lắng nghe từng lời và tung hô lãnh tụ. Lần này Ceauşescu cũng nói về những thành tựu của CNXH ở Romania, và thêm phần lên án bọn phiến loạn Timişoara. Nhưng thật bất ngờ, khoảng 10 phút sau bỗng có tiếng huýt sáo, rồi cả đám đông trở nên hỗn loạn, với những tiếng gào thét đầy phẫn nộ. Ai đó xướng lên, và tất cả đồng thanh hát vang: Ti-mi-şoa-ra! Ti-mi-şoa-ra! Ceauşescu giơ tay yêu cầu trật tự, rồi vội đưa ra lời hứa tăng lương cho người lao động.

Đánh hơi thấy mối nguy chết người, Ceauşescu cùng vợ vội rời diễn đàn, lủi vào tòa nhà của ban chấp hành trung ương ĐCS. Bên ngoài, cảnh sát và quân đội được điều đến đã dựng nên những rào chắn, cố ngăn cản đám đông dân chúng đang cuồng nộ hơn bao giờ hết. Bất chấp việc hàng trăm người bị bắt, dân chúng vẫn tiếp tục bao vây và chống trả lực lượng vũ trang một cách ngoan cường.

Ngày 22, truyền thông loan tin bộ trưởng quốc phòng Vasile Milea chết đột ngột. Liền sau đó, Ceauşescu tuyên bố nắm quyền trực tiếp chỉ huy quân đội. Tuy nhiên, cái chết của Vasile Milea đã làm binh lính bỏ ngũ hàng loạt và đứng sang phía nhân dân.

Để trấn an quần chúng và cứu vãn tình hình, Ceauşescu đã xuất hiện ở cửa sổ tầng trên, kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Nhưng khi thấy mặt ông ta, đám đông càng giận giữ. Họ ném đá và đủ thứ lên chỗ ông ta đứng, làm ông ta lại phải trốn vào bên trong. Tuy nhiên, khi đó cửa trước của tòa nhà đã bị lính gác cố tình bỏ ngỏ; dân chúng liền ùa vào nhà và leo lên ban công. Khi đó, Ceauşescu cùng vợ và 4 người nữa lên thang máy, thoát ra ngoài qua mái nhà và trốn thoát bằng trực thăng.

Ngay lập tức, ĐCS Romania chấm dứt vĩnh viễn mọi hoạt động!

Vợ chồng Ceauşescu bay tới nhà riêng ở Snagov, sau đó định bay tiếp đến Târgovişte. Nhưng đến gần Târgovişte, họ buộc phải đáp xuống theo lệnh của quân đội không cho phép bất kỳ chuyến bay nào ra khỏi vùng trời Romania.

Ngày 25, vợ chồng Ceauşescu bị đưa ra trước tòa án của Mặt Trận Cứu Quốc vừa được thành lập. Họ bị khép tội làm giàu bất chính và diệt chủng. Đương nhiên, Ceauşescu tuyên bố vô tội và nói ông vẫn đang là người đứng đầu nhà nước Romania, và việc bắt ông là phi pháp. Nicolae và Elena Ceauşescu bị xử bắn ngay sau đó. Những người chứng kiến cho biết có hàng trăm người xung phong được tự tay thi hành bản án này. Trước khi chết, lãnh tụ thiên tài Nicolae Ceauşescu đã ngẩng cao đầu hát “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian,…!”

Những ngày sau đó, trên các phương tiện truyền thông phương Tây, nhiều người tỏ thái độ bất bình về cách xét xử và hành quyết nhà độc tài. Tuy nhiên, tổng thống lâm thời khi đó là Ion Iliescu đã khẳng định đó là cách duy nhất khi đó. Còn theo cựu bộ trưởng quốc phòng Victor Stănculescu thì nếu không dùng cách đó, vợ chồng Ceauşescu sẽ bị quần chúng giong đi ngoài đường và hành hạ đến chết theo kiểu trung cổ, bởi sự uất hận của quần chúng kéo dài hàng chục năm không thể đem đến cho nhà độc tài một kết cục khác.

Đúng một phần tư thế kỷ đã trôi qua từ ngày vợ chồng Ceauşescu bị hành hình và chính quyền độc đảng hà khắc tại Rumania sụp đổ, nhưng sự kiện này vẫn đáng được ôn lại để rút ra những bài học cần thiết. Những điều được khẳng định lại một cách sinh động trong những sự kiện như vậy gồm:

Một: Chế độ độc tài nào cũng đến hồi cáo chung một cách thê thảm, và ngày cáo chung càng muộn màng thì sự cáo chung càng thê thảm.

Hai: Nhà độc tài nào cũng tin rằng mình được quần chúng tin tưởng và trung thành tuyệt đối, và ở nước khác thì nhà độc tài khác có thể bị lật đổ vì sai lầm, chứ ở nước mình thì không, và mình không bao giờ sai lầm. Trên thực tế, sự trung thành nói ra miệng của quần chúng không hề là thực; họ nói chỉ vì bị buộc phải nói như vậy.

Ba: Chế độ độc tài luôn sụp đổ sớm hơn nhiều so với người ta tưởng. Nhiều khi trong xã hội, đảng cầm quyền không hề có đối thủ ngang tầm nào, nhưng khi vận nước đến, tự nhiên quần chúng sẽ nhất tề nổi dậy.

T.D

Nguồn: daohieu.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn