Gía điện Việt Nam: 7 chuyện phi lý

TS Nguyễn Bách Phúc

Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON,

Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI

1. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ nhất: rẻ nhất thế giới.

Theo EVN, giá điện VN hiện nay bình quân là 1700đ/KWh, tương đương 8 cents USD. Còn giá điện ở nước ngoài bình quân là 20 cents USD, nghĩa là giá điện Việt Nam rẻ hơn 2,5 lần Thế giới.

Trong khi giá điện Việt Nam lẽ ra phải đắt hơn thế giới. Vì sao?.

Thứ nhất, thiết bị chủ chốt của ngành điện Việt Nam (như turbin, máy phát, thiết bị tự động hóa...) đều là hàng nhập khẩu, đắt hơn nhiều so với nước ngoài. Giá thiết bị cao hơn, dẫn đến giá điện Việt Nam buộc phải cao hơn.

Thứ hai, trính độ quản lý của Việt Nam (quản lý thiết bị, quản lý kinh tế, quản lý vận hành …), đều kém xa nước ngoài, cũng là nguyên nhân khiến giá điện Việt Nam cao hơn.

Thứ ba, tổn hao kỹ thuật và thất thoát quản lý của hệ thống điện năng Việt Nam đều cao hơn tổn hao và thất thoát của nước ngoài, cũng là lý do không thể chối cãi.

2. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 2: quá rẻ so với mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở VN

Khi EVN còn chưa “minh bạch” giá điện “thật”, thì không có con số để so sánh giá điện VN hiện nay với mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở VN. Nhưng cũng có thể nhận xét như sau: 15 năm lại nay, mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở VN (nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, lương ….) đã tăng thêm từ 6 đến 7 lần, trong khi giá điện chỉ tăng 2 lần. Từ đây có thể suy ra giá điện VN hiện nay rẻ hơn so với mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở VN từ 3 đến 3,5 lần

3. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 3: không minh bạch.

Hiện nay, liên quan đến giá điện VN, công luận VN chia thành 2 nhóm, một nhóm cho rằng EVN tính giá điện cao, cần phải giảm giá điện, nhóm thứ 2 cho rằng EVN tính giá điện thấp, cần phải tính đúng tính đủ.

Đã có nhiều tiếng nói của giới khoa học, giới kinh tế, yêu cầu VN phải minh bạch giá điện, nghĩa là EVN phải công khai phương pháp tính giá điện của mình.

Tính toán giá bán sản phẩm của mình là chuyện hàng ngày của người kinh doanh, từ cô bán ốc luộc ở vỉa hè, giá bao nhiêu một đĩa, đến đại tập đoàn sản xuất ô tô, giá bao nhiêu 1 chiếc ô tô. EVN cũng là một đơn vị kinh doanh, tất yếu phải thường xuyên tính giá bán sản phẩm.

Tại sao EVN lại bán sản phẩm của mình với gia rẻ hơn giá thưc tới hơn 3 lần? Đó là bí mật của EVN.

Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao EVN không dám minh bạch giá điện.

Chúng tôi đã nghiên cứu và thiết lập một Chương trình phần mềm tính toán giá điện tổng quát, có thể tính giá điện cho mỗi nước, mỗi đia phương, ở mọi thời điểm, tính đủ, tính đúng tất cả những yếu tố thành phần, tính theo thời giá của của các thành phần đó. Chương trình này chính là luận văn Thạc sĩ, của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dương, đã được bảo vệ thành công vào tháng 10 năm 2015, ở Hội đồng của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp HCM.

Dùng Chương trình này, tính giá điện VN năm 2015 sẽ được kết quả là 5.600 đồng/KWh, tương đương 25 cents USD/KWh.

4. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 4: Nhà nước bù tiền điện cho dân

Cả thế giới chỉ duy nhất ở VN có chuyện Nhà nước bù tiền điện cho dân.

Mọi người chúng ta đều tâm niệm rằng đó là ân huệ của Nhà nước, thương dân, lo cho dân. Dân ta nói chung còn khổ, được bù tiền điện là rất mừng, rất cảm ơn.

Nhưng Bác Hồ dạy: Cách mạng phải lo cho dân, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chứ Bác không dạy ai cũng phải được bù tiền điện. Nếu chúng ta tuân theo lời dạy của Bác thì phải lo bù giá gạo (cơm ăn), bù gia vải (áo mặc), bù học phí (học hành). Còn nhiều thứ thiết yếu cho sự sống của người dân, như nước sạch, chỗ ở, thuốc, chữa bệnh, đi lại …, bức xúc hơn nhiều so với điện, tại sao chúng ta không bù giá, bù tiền cho những thứ thiết yếu đó, mà lại đi bù cho điện, thứ hàng tiêu dùng cao cấp. Xin nhớ rằng năm 1945 người VN không được dùng điện chiếm 95% dân số, năm 1954 là 90%, năm 1975 là 85%, cho đến hôm nay vẫn còn dăm ba % đồng bào chúng ta chưa được dùng điện.

5. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 5: ai bù lỗ và tiền đâu bù lỗ cho EVN.

Theo cách hạch toán “kỳ lạ” của EVN, thì suốt bao nhiêu năm nay EVN không hề lỗ xu nào, mặc dù giá điện của EVN bán ra rẻ hơn 3 lần giá thực.

Từ điều này có thể khẳng định rằng EVN hằng năm lỗ rất nặng.

Dù EVN lỗ rất nặng triền miên, nhưng EVN vẫn “sống” được, vẫn không bị phá sản.

Điều “kỳ lạ” này vẫn tồn tại được, là nhờ ai?, nhờ đâu?

Câu trả lời đơn giản và rõ ràng là EVN đã thường xuyên được Nhà Nước bù lỗ.

Nhà Nước lấy tiền ở đâu bù lỗ cho EVN? Đơn giản và rõ ràng là lấy tiền Ngân sách Quốc gia

Ngân sách Quốc gia có tiền là nhờ đâu? Chủ yếu là từ thuế và lệ phí mà người dân và Doanh nghiệp nộp vào, là từ tiền bán tài nguyên khoáng sản, thực chất đều là từ tiền của người dân. Thu Ngân sách còn bao gồm lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng rất đáng tiếc hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều lỗ, chỉ có một số ít doanh nghiệp Nhà nước là có lời, với khoản tiền lời không đáng kể, và nếu hạch toán đầy đủ minh bạch sẽ thấy rõ chỉ là “lời giả, lỗ thật”.

6. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 6: EVN dùng tiền thuế của dân bù tiền điện cho các Doanh nghiệp tư bản nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Tất cả các Doanh nghiệp tư bản nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (FDI) đều được hưởng giá điện rất rẻ của EVN, nghĩa là tiền mồ hôi nước mắt của người dân Việt Nam đóng vào Ngân sách được EVN chuyển vào lợi nhuận của giới tư bản nước ngoài thông qua giá điện rẻ của EVN.

Điều “quái dị” là EVN tính tiền điện cho FDI với giá bình quân chỉ khoảng 1000đ/KWh, tương đương 4,5 cents USD/KWh, so với giá điện thực 25 cents USD/KWh thì chỉ bằng 4,5/25 = 18%. Cũng có nghĩa là các Doanh nghiệp FDI cứ xài mỗi KWh điện thì EVN đã lấy tiền thuế của dân VN tặng cho họ 25 = 4,5 = 21,5 cents USD. Hiện nay Khối FDI xài mỗi năm khoảng 40 tỷ KWh điện, tương đương EVN đã lấy tiền thuế của người dân VN nghèo khổ lam lũ tặng cho giới tư bản giàu có nước ngoài mỗi năm: 21,5 cents USD/KWh x 40 tỷ KWh = 8,6 tỷ USD.

Giời hỡi! nhìn thấy con số mà xót xa lòng!

Đặc biệt “quái dị”, là trong khi tính giá cho FDI bình quân chỉ khoảng 1000đ/KWh thì EVN lại tính cho người dân Việt Nam bình quân khoảng 1700đ/KWh. Người dân Việt Nam từ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước đến anh thợ hồ. chị ve chai đều phải trả tiền điện cho EVN đắt gấp 1,7 lần so với các ông tư bản nước ngoài giàu sụ, thế mà EVN vẫn bảo là bù giá điện cho dân!. Hành vi này được EVN giải thích là “hổ trợ giá điện cho sản xuất Công nghiệp”.

7. Giá điện Việt Nam, phi lý thứ 7: EVN loanh quanh lấp liếm và đánh lừa công luận bằng câu chuyện giời ơi “3 phương án bậc thang giá điện”.

Bức xúc chính của câu chuyện giá điện VN hiện nay là EVN phải minh bạch cách tính giá điện, tính đúng, tính đủ, nhưng EVN vẫn không chịu , không dám làm việc này.

Khi giá điện được minh bạch, sẽ không còn nỗi xót xa vì 8,6 tỷ USD của người dân VN nghèo khổ lam lũ hàng năm bị EVN đem tặng cho các ông tư bản giàu sụ nước ngoài. Tại sao EVN thản nhiên làm việc đó, mà không đau lòng? Không nghĩ ra “3 phương án mới”, như đã nghĩ ra “3 phương án bậc thang giá điện” cho dân?

Cả thế giới chỉ có ở VN có cái bậc thang giá điện. Bản chất và mục đích của bậc thang giá điện VN là: người nghèo được bù nhiều, trả tiền điện ít theo giá bậc thang thấp, còn người giàu được bù ít, trả tiền điện nhiều theo giá bậc thang cao.

Chúng tôi thấy hết sức lạ lùng khi nghe EVN giải thích về 3 phương án mới. Ví dụ, điều chỉnh sao cho người dùng nhiều điện thì trả gia thấp. Điều này đúng theo những nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhưng trái ngược hoàn toàn với mục đích của bậc thang giá điện VN là hỗ trợ người nghèo. Hoặc EVN đưa ra một nguyên tắc mà đông tây kim cổ chưa bao giờ có: khách hàng phải trả tất cả tiền điện theo hợp đồng với EVN, cho dù họ xài điện ít hơn so với hợp đồng.

EVN còn bày trò yêu cầu công luận góp ý cho 3 phương án, để công luận quên đi những điều bức xúc nhất, và bị lạc hướng vào chuyện giời ơi vô bổ của EVN.

Nếu EVN thực lòng muốn lắng nghe ý kiến công luận, thì hãy công khai phương pháp tính giá điện của mình, nhất là phương pháp tính giá điện cho Doanh nghiệp FDI, cho Doanh nghiệp nhà nươc.

N.B.P.

Nguồn: http://hoihasconvavieneei.blogspot.com/2016/01/gia-ien-viet-nam-7-chuyen-phi-ly.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn