Việt Nam tiếp tục là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tôn giáo?

Phạm Lê Đoan

(VNTB) –  Chính quyền Việt Nam năm thứ mười lăm liên tiếp bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Mỹ đưa nước này vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo.

Sách nhiễu và đàn áp với ám ảnh nhìn đâu cũng thấy thù địch

Trong một báo cáo ngày 7-2-2022, USCIRF cập nhật tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2021. Theo đó, Uỷ hội nêu ra các bằng chứng để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt” (CPC).
“Sự đàn áp của chính quyền tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối mặt với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký, với nhiều người trong số họ bị coi là “tôn giáo lạ, tà đạo hay tà giáo” – phúc trình của USCIRF viết:

USCIRF tiếp tục quan ngại về tình trạng cộng đồng đạo Tin lành dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung xa xôi và Tây Nguyên. Vào năm 2021, chính quyền địa phương được biết là đã sách nhiễu, giam giữ các tín đồ Tin lành người Thượng thuộc nhóm chưa đăng ký, bao gồm cả việc buộc họ từ bỏ niềm tin của họ trước công chúng.

Phúc trình USCIRF nhắc lại các trường hợp các nhà hoạt động tự do tôn giáo đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, bao gồm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển (án 11 năm tù); mục sư người Thượng theo đạo Tin lành Y Yich (bị kết án 12 năm tù); người sáng lập Ân đàn Đại đạo Phan Văn Thu (án tù chung thân); và nhiều những người khác được cho là đã bị sách nhiễu hoặc bị ngược đãi trong tù và tình trạng sức khỏe của họ đang bị xấu đi.

Trước đó, vào tháng 1-2021, tổ chức International Christian Concern (ICC) có trụ sở ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, loan tin về việc chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên sách nhiễu, đấu tố 5 tín hữu Tin lành Đấng Christ.

Hệ thống chính trị nếu đã thật sự ổn định, thì sao lại vẫn yếm thế?

Một nhà quan sát chính trị độc lập hiện sống ở Sài Gòn, yêu cầu ẩn danh, đã nói rằng sở dĩ trong 15 năm qua USCIRF đề nghị chính phủ Mỹ đưa nước này vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo, vì chuyện gọi là quản lý tôn giáo đã không có sự đồng bộ với quản trị chung về kinh tế và cả chính trị.

Ðến nay, sợi dây xuyên suốt mối quan hệ giữa các tộc người với hệ thống chính trị và tổ chức kinh tế nhà nước ở Tây Nguyên từ năm 1975 đến nay đã phát triển và hoàn thiện về tổ chức, đội ngũ cán bộ; có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, từng bước đáp ứng được những nhiệm vụ đặt ra; các chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội nhìn chung đã tạo động lực quan trọng cho Tây Nguyên phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua.

Đặc biệt, thông qua quá trình thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng và các tộc người ở Tây Nguyên đã và đang thực hiện, nhất là dành nhiều ưu tiên hỗ trợ phát triển cho các dân tộc thiểu số cả tại chỗ và mới đến, đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo của Tây Nguyên và đời sống của các tộc người thiểu số, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, giáo dục, y tế, phân bố dân cư,… Qua đó xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng dân cư là người tại chỗ và mới đến ngày càng được tăng cường, củng cố.

Ðây là những tiền đề quan trọng để Tây Nguyên và các tộc người nơi đây phát triển về mọi mặt, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam trong thời gian qua và những năm tới.

Cán bộ đang làm hư hỏng cả nền chính trị?

Thực tế cho thấy đã xuất hiện sự suy giảm niềm tin ở một bộ phận người dân, nhất là các tộc người thiểu số tại chỗ đối với một số cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị địa phương.

Cơ sở sâu xa của hiện tượng này là tình trạng phân tầng xã hội giữa các bộ phận dân cư, nhất là giữa cán bộ lãnh đạo và người dân lao động; phân hóa trong quan hệ đất đai; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp và không ổn định dẫn đến tỷ lệ đói nghèo, thất học, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, cũng như thiếu cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công và cơ hội phát triển… còn cao ở một bộ phận người dân, mà rõ ràng

và sâu sắc nhất là trong các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bên cạnh đó còn do những hạn chế, thiếu sót của một số cán bộ ở địa phương trong trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, đạo đức lối sống và thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình công tác.

Mối quan hệ chiến lược này còn được thể hiện thông qua lợi ích giữa người dân với những tổ chức kinh tế nhà nước như các nông trường, lâm trường (nay phần lớn đã chuyển thành những công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, ban quản lý) và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.

Cùng với những đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ trong những năm qua, hiện tại các tổ chức kinh tế nhà nước này đang quản lý một diện tích đất, rừng rất lớn nhưng sử dụng thiếu hiệu quả (trong đó có một diện tích không nhỏ là do người dân tộc thiểu số tại chỗ đóng góp khi được vận động vào các nông – lâm trường nhà nước trước đây).

Do đó, một số tổ chức này hiện không tiến hành sản xuất mà “cho thuê đất để lấy lợi tức – một hình thức phát canh thu tô”, trong khi một bộ phận người dân bị mất đất khi ra khỏi các nông – lâm trường (do các tổ chức này làm ăn thiếu hiệu quả), bị thu hồi đất rừng để giao cho các nông – lâm trường, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sử dụng…, dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân thiếu đất ở, thiếu hoặc không có đất sản xuất, không có hay thiếu việc làm, nên phải đi xâm canh, xâm cư, khai thác đất đai, rừng núi trái phép (mà có thể là chính trên diện tích đất đai của mình trước kia) để sinh tồn,…

Vấn đề này không chỉ gây ra mâu thuẫn về quan hệ đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, mà còn giữa chính quyền địa phương nơi người dân bị mất đất, đang thiếu đất ở và đất sản xuất với các tổ chức kinh tế này trong việc giao lại phần diện tích đất, rừng sử dụng không hết hay thiếu hiệu quả cho địa phương quản lý, giao cho người dân sử dụng…

Chính quyền cần cầu thị trước ý kiến đa chiều của USCIRF

Trong bối cảnh chung như trên, chính quyền địa phương đến trung ương, thay vì có những đổi mới tương ứng về cách nhìn tôn giáo sắc tộc, thì trong không ít trường hợp đã chọn việc siết chặt theo hướng hạn chế đến mức có thể về niềm tin tôn giáo, bởi chính quyền sở tại lo ngại khi tập hợp tín đồ sẽ tạo nên những làn sóng có thể gây bất lợi cho nhóm lợi ích chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền.

Củng cố niềm tin của các tín đồ và chức sắc tôn giáo đối với chế độ độc đảng toàn trị thông qua việc tiếp xúc, đối thoại chân thành, hỗ trợ thiết thực và hợp tác hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước khắc phục những vấn đề còn vướng mắc; tranh thủ những nhân tố tích cực, thu hút các tổ chức tôn giáo và tín đồ góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước mà không đặt vấn đề như lâu nay là phải “bảo vệ đảng”.

Tiếp nữa là cần thực lòng tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức của các tộc người, những người có uy tín của các tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ và người dân ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo.

P.L.Đ.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn