Việt Nam: Công nhân đình công liên tiếp và vai trò mờ nhạt của Công đoàn

T.K.Tran

Kinh tế Việt Nam có thể nói là được xây dựng trên sức của người dân làm thuê cho tư bản, phần lớn là của nước ngoài, nhưng báo chí lại có rất ít thông tin về tình cảnh người lao động.

Chỉ khi nào có một biến cố lớn như việc công nhân bỏ chạy về quê trong dịch Covid hay đình công chúng ta mới có chút ý niệm về hoàn cảnh của họ.

Làm quá sức, lương quá ít

Ngày 15/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH về việc kéo dài thêm giờ làm việc. Đáng nói là quy định mới không phân biệt công việc bình thường và công việc nguy hiểm độc hại.

Trước đây công nhân làm việc nguy hiểm độc hại tối đa là 48 giờ/tuần, kể cả giờ làm thêm. Cho công việc bình thường giờ làm tối đa (kể cả giờ làm thêm) là 64 giờ/tuần. Nay thì tất cả làm việc tới 72 giờ/tuần, tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên tới 72 giờ. Những quy định mới này vượt quá giới hạn mà luật Lao động 2019 cho phép, được ghi ở chương VII, mục 1. Cho tới nay, chưa thấy nhà nước sẽ hợp thức hóa những điều này như thế nào.

Liệu người ta cứ im lặng, coi những điều khoản trong luật Lao động như không hề hiện hữu?

Làm việc nhiều, nhưng người công nhân được trả lương ra sao?

Lương tối thiểu vùng của họ từ năm 2020 tới nay không tăng, mặc dù giá sinh hoạt ngày một đắt. Có địa phương (vùng IV) chỉ đạt 3.070.000 đồng/tháng. Họ trông chờ vào khoản tiền lãnh thêm từ việc tăng ca để cải thiện đời sống, bất kể những thiệt hại về sức khỏe, gia đình, giáo dục con cái… Nhưng quy định mới về tăng giờ làm thêm không có những điều khoản nào bù đắp những thiệt hại trên. Ví dụ không buộc xí nghiệp phải nâng cao chất lượng các bữa ăn trong căn-tin, phải thêm giờ nghỉ giữa ca hoặc tăng thêm ngày nghỉ phép hàng năm…, để người công nhân có thể phục hồi sức khỏe.

Người lao động làm việc cật lực với tiền lương rất thấp. Đến một lúc nào đó, khi không thể chịu được nữa, họ đình công để đòi hỏi quyền lợi. Đó là điều đang xảy ra ở Nghệ An, Ninh Bình…

Đình công nối tiếp đình công…

Tại huyện Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An, công ty "Việt Glory" bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2019, chuyên sản xuất giầy dép với công xuất tới 25 triệu đôi/năm. Đây là công ty thuộc tập đoàn Đại Lợi Phổ (DLP Group), chủ là người Đài Loan với quy mô 5.000 công nhân, dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Lương căn bản cho công nhân hiện nay là 3.670.000 đồng.

Cuộc đình công lần đầu diễn ra ngày 16/2/2021 sau khi những kiến nghị của công nhân không được đáp ứng. Cụ thể là tăng lương căn bản, thêm phụ cấp, đốc công người nước ngoài không được mắng chửi công nhân, bảng lương phải rõ ràng các tiết mục, không được ép công nhân làm thêm giờ…

Cuộc đình công lần hai bắt đầu từ ngày 7/2/2022, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay: Nguyên nhân chính vẫn là tiền lương cơ bản quá thấp, không được chủ nhân đáp ứng tương xứng từ lần đình công thứ nhất. Ngoài ra công nhân cũng đòi hỏi trả thêm cho các trợ cấp khác.

"Tôi và mọi người làm việc ở đây gần 3 năm rồi nhưng không có tiền phụ cấp. Lương cơ bản chỉ được 3,6 triệu đồng. Làm quần quật cả tháng, làm thêm giờ, làm cả ngày Chủ Nhật thì hết tháng chỉ nhận được hơn 6 triệu đồng, không đủ chi phí cuộc sống. Trong khi đó bảng lương công ty trả không rõ ràng, các khoản phụ cấp thì bị trừ vô lý nên công nhân chúng tôi mới nghỉ việc tập thể để yêu cầu giải quyết rõ ràng", công nhân H.H.L. chia sẻ trong những ngày đầu nghỉ việc, theo một trang web tin tức tại Việt Nam.

Đến nay, tới ngày viết bài này (13/2/2022) sau nhiều thương lượng dằng co, có tin chủ nhân đã có văn bản đồng ý giải quyết các đòi hỏi của công nhân, kể cả việc tăng lương cơ bản hàng tháng thêm 6%, theo báo VN. Tuy nhiên chưa rõ công nhân có đồng ý trở lại làm việc hay không.

Đình công ở Nghệ An chưa tới hồi kết thúc, thì ngày 11/2/2022 lại xảy ra đình công ở Ninh Bình, tại công ty Vienergy chuyên sản xuất giầy da, cũng trực thuộc tập đoàn Đại Lợi Phổ. 5000 công nhân kiến nghị giải quyết 21 vấn đề, trong đó có khoản cấm phụ nữ không được mang bầu trong 2 năm đầu tiên, trừ phụ cấp xăng khi công nhân nghỉ phép.

Tới nay kết quả thương lượng là có 11/21 nội dung công ty có câu trả lời. Đối với việc tăng tiền ăn, tăng phụ cấp xăng xe, chuyên cần, độc hại, nặng nhọc, sản lượng, công ty Vienergy hứa sẽ xem xét sau.

Vai trò mờ nhạt của Công đoàn

Theo pháp luật Việt Nam, các cuộc đình công ở Nghệ An và Ninh Bình đều là "không đúng trình tự quy định của pháp luật" vì là tự phát, không có sự tổ chức hay lèo lái của Công đoàn.

Nhưng thực tế, Công đoàn có khả năng tổ chức công nhân đình công không?

Trong quan hệ lao động giữa chủ và người làm công, thì Công đoàn chủ trương "quan hệ lao động hài hòa, ổn định".

Có nghĩa là không đấu tranh quyết liệt, không để đình công xảy ra để các giây chuyền sản xuất không bị ngưng trệ. "Hài hòa" do đó cũng nhiều khi đồng nghĩa với nhượng bộ, thỏa hiệp với chủ nhân, xung khắc với bổn phận bảo vệ quyền lợi người lao động.

Chủ trương này bắt nguồn từ chính sách của Đảng Cộng sản: Khi nhà nước muốn ưu đãi những nhà đầu tư bỏ tiền kinh doanh sản xuất ở Việt Nam, đã giảm thiểu chi phí sản xuất cho họ bằng cách kềm giữ tiền lương công nhân ở mức cực thấp, thì trọng tâm của Công đoàn không phải là đấu tranh tăng lương mà là hoạt động mang tính phước thiện như quà, tiền hỗ trợ các công nhân gặp khó khăn.

Thư chúc Tết của Chủ tịch Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang (Ủy viên Trung ương Đảng) nêu chủ đề hành động của Công đoàn năm 2022 là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam".

Trong khi đó, "việc làm" không phải là vấn đề chính yếu, bởi phần lớn các xí nghiệp đều cần nhiều nhân công, sau khi công nhân bỏ xí nghiệp, tháo chạy về quê trong nạn dịch Covid. Vấn đề cốt lõi của người lao động là tiền lương quá thấp không được đề cập tới.

Trở lại các cuộc đình công ở VietGlory hay ở Vienergy - điểm chung là Công đoàn chỉ xuất hiện sau khi đình công đã xảy ra.

Mặc dù Công đoàn cơ sở đã được thành lập, song cán bộ Công đoàn Cơ sở hoặc không nắm được tâm tư nguyện vọng của công nhân để giải quyết tận gốc trước khi nổ ra đình công, hoặc đứng về quan điểm của chủ nhân để cho rằng công nhân cần phải thông cảm "đồng hành" với xí nghiệp (?).

Những ngày đầu của cuộc đình công chủ nhân nói chuyện trực tiếp với đám đông công nhân, bởi họ không có đại diện chính thức. Việc "đàm phán" này khá rắc rối khi hàng nghìn công nhân ngừng việc, không có tổ chức, mỗi người mỗi ý nên rất khó để có một cuộc đối thoại bài bản.

Tuy thế công nhân cũng đạt được một số đồng thuận. Chỉ ở ngày cuối, mới có thương thuyết bài bản giữa chủ nhân và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cùng các quan chức huyện Diễn Châu, dẫn đến nhượng bộ của chủ nhân là tăng lương cơ bản.

Vụ đình công được xem là thành công với những thỏa thuận đạt được. Song một số người trong tập thể công nhân sẽ phải đối diện với sự can thiệp của công an, bởi theo báo Lao Động thì "hiện nay cơ quan chức năng Nghệ An đang vào cuộc, nắm bắt và xác minh thông tin các đối tượng kích động, lôi kéo công nhân ngừng việc, tụ tập trái quy định để xử lý theo pháp luật".

Kết luận được rút ra sau vụ việc:

- Tiền lương quá thấp là nguyên nhân chính của mọi vấn đề. Hội đồng tiền lương

của Nhà nước cần ấn định lại mức lương tối thiểu Vùng, phải nâng cao đến mức

để công nhân có thể duy trì cuộc sống. bởi các doanh nghiệp dựa vào đó để trả

lương công nhân;

- Người lao động cần có khả năng nhạy bén nắm bắt được những bức xúc của

chính mình, để có thể thương lượng sớm với chủ nhân lực trước khi bùng nổ đình

công. Công đoàn Cơ sở, với những hạn chế về chính sách, tới nay đã không đáp

ứng được nhu cầu này. Có tổ chức đại diện, việc thương thảo sẽ không phải diễn

ra giữa chủ nhân và đám đông công nhân như trường hợp Viet Glory.

- Trên nguyên tắc, nhà nước VN đã sửa đổi Luật Lao động cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp kể từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên tới nay đã hơn một năm, nhà nước vẫn không cấp giấy phép hoạt động cho bất cứ tổ chức nào.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần cho phép các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được chính thức hoạt động để giảm thiểu các đình công tự phát, giảm thiểu thiệt hại cho đôi bên chủ-thợ, nhằm tạo cơ sở bền vững cho nền kinh tế.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông T.K. Tran, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn, hiện sống tại Stuttgart, CHLB Đức.

T.K.Tran gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Stuttgart, Đức

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn