Chảy máu chất xám – Cần có một kế hoạch dài hơi và cái nhìn xa hơn

Vũ Thị Nhuận

Viện Y khoa, Đại học Tokyo, Nhật Bản

Tôi đọc loạt bài “Máu chất xám vẫn chảy” của tác giả Thanh Nguyên đăng trên trang Báo mới, bản thân tôi có rất nhiều những suy tư trăn trở, không phải mới gần đây mà từ rất lâu, tuy nhiên khả năng có hạn nên không dám bàn về vấn đề này. Đến bây giờ, sau hơn 10 năm thực hiện, đề án đang có chiều hướng bế tắc và cho thấy nhiều nút thắt mà những nhà hoạch định cần xem xét thấu đáo nếu có ý định “sửa đổi” hay “cải biên” cho phù hợp hơn. Vì vậy, tôi chỉ nói lên những suy nghĩ của cá nhân sau khi có những quan sát và trải nghiệm.

Tác giả đề cập nhiều đến những ứng viên được nhận học bổng của chương trình “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” của Chính phủ theo quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ mà thường gọi tắt là đề án 322. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập tới những du học sinh du học bằng nguồn học bổng của chính phủ các nước phát triển (như học bổng DAAD - Đức, Fulbright, VEF - Mỹ, Vlir - Bỉ, AUS/ALA - Úc, Monbukagakusho - Nhật...) và du học tự túc. Công bằng mà nói, nguồn học bổng của chính phủ các nước phát triển cấp cho ứng viên các nước thuộc diện nghèo như Việt Nam có số lượng hạn chế. Trong những năm gần đây, việc tổ chức lựa chọn các ứng viên của nguồn học bổng này thường được tổ chức khá nghiêm túc và có sự giám sát chặt chẽ có tổ chức Đại sứ quán đóng tại Việt Nam. Việc giành những suất học bổng này khó hơn nhiều lần so với giành một suất học bổng 322, ngoài khả năng về ngoại ngữ, ứng viên thường phải là người khá vững về chuyên môn và trải qua kỳ thi viết (thông qua bài luận hay kế hoạch nghiên cứu nghiên túc) cùng với một bài phỏng vấn trực tiếp bởi những chuyên gia được chính các tổ chức cấp học bổng mời thẩm định. Cũng dễ hiểu vì học bổng của các tổ chức này có tài trợ cao hơn nhiều so với học bổng của đề án 322 cùng với một số tiện ích như hỗ trợ đi lại, phương tiện học tập, chế độ tutor (gia sư) cho một năm đầu tiên để hòa nhập cuộc sống,… Ngoài ra trên các trang mạng của các trường đại học lớn cũng thường xuyên có các nguồn học bổng được cấp phát, việc giành những học bổng này cũng khá gian nan nếu ứng viên không đủ “bản lĩnh” về nhiều mặt.

Đối với các du học sinh tự túc, thường chi phí cho quá trình học rất tốn kém, đa phần họ là con em của những gia đình khá giả. Với hai đối tượng trên, nhà nước không trực tiếp đầu tư cho họ, việc họ ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp khó mà kiểm soát và có những ràng buộc về mặt pháp lý.

Đối với các ứng viên của đề án 322, chương trình phải chi là 22.000 USD/năm, như vậy số tiền trung bình mà ứng viên được hưởng thụ là 44.000 USD cho một thạc sĩ (2 năm) và 88.000 USD cho một tiến sĩ (4 năm). Đây là một khoản đầu tư không hề nhỏ. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta hãy áp dụng chính sách “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nếu quản lý tốt, đề án sẽ được tiến hành liên tục, không phải “gãy gánh giữa đường” như hiện nay và sẽ được dài hơi hơn.

Tôi xin đưa ra hai đề nghị như sau:

Một là, thay vì chúng ta đầu tư toàn bộ chi phí này cho du học sinh của đề án, chúng ta hãy cho họ vay tính bằng ngoại tệ là đồng USD và không tính lãi suất. Như thế nhà nước hoàn toàn có những văn bản pháp lý để quản lý họ. Những du học sinh này, sau khi về nước công tác, thay vì họ được hưởng mức lương theo khung hiện hành, thì họ sẽ được trả một mức lương tốt hơn sao cho trong một thời gian (ví dụ vòng 5-10 năm) để họ có thể hoàn thành khoản vay. Như thế vừa ràng buộc vừa khuyến khích họ về nước làm việc. Còn nếu họ ở lại, với những văn bản pháp luật trong tay, nhà nước hoàn toàn đủ khả năng yêu cầu họ thanh khoản. Với những điều kiện rằng buộc như thế, số lượng ứng viên ở lại sẽ không nhiều. Còn như chế độ hiện nay, nhà nước rất khó để ràng buộc du học sinh vì bồi hoàn một số tiền hàng trăm triệu thậm chí là gần hai tỷ đồng là một việc làm tốn thời gian.

Hai là, thay vì chúng ta đầu tư toàn bộ kinh phí cho việc đào tạo nguồn nhân lực thì chính phủ cần có những hoạch định chiến lược dài hơi hơn, song song đầu tư về con người thì cần có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất, tập trung những ngành/lĩnh vực mang tính chiến lược để ưu tiên tuyển các ứng viên đúng chuyên môn đó ví dụ như lĩnh vực di truyền chọn giống/nuôi cấy mô/nghiên cứu sản xuất vaccine… là những lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh và phát triển. Hiện nay, chương trình tuyển chọn ứng viên gần như không có tính định hướng rõ ràng, ứng viên chủ yếu chỉ cần vượt qua cửa ải về ngoại ngữ là đạt yêu cầu. Thái Lan cũng là một nước nông nghiệp như chúng ta, xuất phát điểm cũng không có gì hơn Việt Nam, vậy mà với trình độ về nuôi cấy mô, tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, Thái Lan phải hơn chúng ta đến vài chục năm. Cùng một mặt hàng xuất khẩu như gạo, giá gạo của Thái luôn cao hơn Việt Nam, một số mặt hàng chúng ta không thể cạnh tranh như trái cây/hoa/cây cảnh dù chúng ta được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, lao động hơn Thái Lan. Họ hơn chúng ta về giống, nghiên cứu về chọn giống của Thái Lan vượt xa Việt Nam.

Câu hỏi khó nhất không nằm ở chỗ, các ứng viên có trở về hay không, mà là khi trở về nhà nước có đảm bảo những điều kiện cơ sở vật chất để cho họ làm việc, tránh trường hợp lãng phí chất xám không. Hãy tưởng tượng, nguồn nhân lực như những động cơ, chúng ta có động cơ mới nhưng vẫn gắn họ vào những guồng máy cũ kỹ thì sự nhịp nhàng, ăn rơ với nhau cho động cơ hoạt động hết công suất không thể xảy ra. Chính phủ cần tính toán đến việc xây dựng các trung tâm khoa học công nghệ thiết thực chứ không chỉ có cái vỏ bề ngoài, bước đầu có thể mời một số chuyên gia uy tín hoặc kêu gọi các giáo sư Việt kiều về nước làm việc (tư vấn, thiết kế) trong điều kiện về lương bổng và một số ưu đãi như các nước phát triển. Có như thế chúng ta mới có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đẳng cấp khu vực và quốc tế, tạo bước đệm cho các thế hệ nhà khoa học Việt Nam học hỏi kế tục và lúc đó sự đầu tư đào tạo con người mới không lãng phí và đạt hiệu quả. Đó là con đường mà tất cả các nước vừa “trỗi dậy” phải đi theo như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan... Việc đầu tư chỉ nhằm vào kêu gọi đạt bao nhiêu số lượng tiến sĩ mà không nghĩ đến môi trường cho họ làm việc là một sự đầu tư lôm côm, chính sự phát triển đồng bộ mới là điều quan trọng nhất và nó được đánh giá bằng trình độ nghiên cứu khoa học của Việt Nam trên thế giới sẽ được nâng lên.

Một khía cạnh khác cũng cần phải nhìn nhận đó là mặt tích cực của hiện tượng mà chúng ta gọi là “chảy máu chất xám”. Chúng ta nên xem xét ở hai vấn đề nổi cộm sau đây.

Thứ nhất, trước đây người Trung Quốc cho cán bộ của họ đi học, họ đặt ra yêu cầu, mười người đi thì chỉ cần một người về là đạt yêu cầu. Singapore và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ.Việc các du học sinh ở lại không phải ai muốn ở cũng được, nhất là các nước tư bản khi mà sự suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp khá cao đối với công dân các nước sở tại cho thấy, các ứng viên được các công ty săn đầu người hay các trường đại học giữ lại thì họ là những người có “bản lĩnh”, thậm chí khả năng cạnh tranh về chuyên môn của họ cao hơn hẳn dân bản xứ. Phần lớn thu nhập cao cũng giúp họ an tâm trong việc cống hiến. Đồng thời đa phần họ gửi ngoại tệ về nước, là đóng góp mang tính gián tiếp cho sự phát triển kinh tế nước nhà, nhất là đối với Việt Nam, một nước đứng thứ 2 trong khu vực (sau Philippines), thứ 5 ở châu Á và đứng thứ 16 trên thế giới về lượng kiều hối, nhất là bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) sụt giảm do khó khăn kinh tế thế giới.

Thứ hai, những du học sinh ở lại nước ngoài đa phần họ là những người nổi bật trong chuyên môn. Hiện nay với cơ chế hội nhập toàn cầu, một công dân Việt Nam hoàn toàn có thể mang thêm một hay vài quốc tịch của các nước phát triển. Đây chính là cầu nối giúp Việt Nam cũng như các nước đang phát triển tiếp xúc với nên khoa học/giáo dục/kinh tế tiên tiến trên thế giới. Chúng ta lấy một thí dụ cụ thể. Một tiến sĩ sau khi tốt nghiệp trở về nước làm việc ở một viện nghiên cứu, sau năm năm hay muời năm, anh ta không hề cho ra một công bố khoa học nào (đa phần vì điều kiện vật chất và phương tiện thiếu thốn), so với việc anh ta ở lại, phấn đấu để trở thành một nghiên cứu viên/trợ giảng/phó giáo sư/giáo sư ở một trường đại học lớn, anh ta có thể tư vấn, giới thiệu, giúp đỡ các sinh viên mới sang, tạo cầu nối giữa nơi anh ta làm việc và những người trong nước hay khi có đầy đủ uy tín và quyền hạn, anh ta có thể nhận sinh viên Việt Nam qua phòng thí nghiệm của mình. Như thế đứng về mặt hiệu quả thì về hay ở sẽ tốt hơn?

Một thực tế chứng minh, người Trung Quốc và Hàn Quốc đã rất thành công trong hướng đầu tư này. Các phòng thí nghiệm ở các trường đại học nước ngoài nếu giáo sư hay trưởng dự án là người Việt Nam thì bao giờ số sinh viên Việt Nam vào phòng thí nghiệm cũng đông hơn sinh viên các nước khác.

Vì vậy, chúng ta cần nhìn sự việc một cách khách quan để có đánh giá đúng đắn.

Ở Việt Nam, dù không nói ra nhưng việc một du học sinh về nước dù có chuyên môn khá vững nhưng cũng khó lòng “qua mặt” các “cây đa cây đề” trong nước, mặc dù các cây “đại thụ” này có khi chưa từng kinh qua môi trường nghiên cứu quốc tế chuyên nghiệp, trong việc cạnh tranh làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu. Một số trường hợp, họ phải viết dự án, tổ chức thực hiện mọi công việc của một đề tài cấp Bộ nhưng họ không được đứng tên với nhiều lý do không thể nói ra. Một số trường hợp còn bị “đánh cắp” ý tưởng khi những bất cập trong các bước từ đăng ký, xét duyệt, tiến hành bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Ví dụ như một đề tài được đề xuất, phải trình bày mục tiêu/phương pháp/phương tiện nghiên cứu/dự kiến kết quả cho hội đồng phê duyệt, thế nhưng người đề xuất đôi khi không được phép tiến hành mà là một người khác có “tiếng tăm” hơn thực hiện cùng một nội dung và phương pháp đó nhưng ở một trường hoặc một viện nghiên cứu khác. Việc này không phải là hiếm ở Việt Nam khi lòng tự trọng không có chỗ đứng. Những vấn đề tế nhị này là một bước cản rất lớn cho sự thể hiện mình của những nghiên cứu sinh trẻ tuổi có chuyên môn vững vàng, họ không thể thoát ra được cái guồng máy trì truệ, nhiều hô hào nhưng có vô vàn những gò bó và ràng buộc.

Cũng phải nói đến chữ “tâm” của những người ở vị trí cầm trịch của đề án lớn như đề án 322 này là, thực sự họ có muốn thúc đẩy trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam hay cũng chỉ là làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ và sự lên tiếng của công luận?

Và cuối cùng một điều chúng ta luôn nhớ “where is the will there's a way” (ở đâu có ý chí ở đó sẽ có cách làm).

Tài liệu tham khảo

http://www.tin247.com/viet_nam_dung_top_dau_the_gioi_ve_nhan_kieu_hoi-3-21869458.html.

http://www.tin247.com/nam_2011%2C_viet_nam_co_8%2C5_ty_usd_kieu_hoi-3-21854312.html

http://www.giaoducmy.vn/showthread.php?t=79

http://www.tienphong.vn/giao-duc/583163/De-an-322-da-duoc-“cuu”-tpov.html

http://vietq.vn/doi-song/van-hoa/70-mau-chat-xam-van-chay-bai-3

http://vietq.vn/chat-luong/chat-luong-song/54-mau-chat-xam-van-chay-bai-2

http://vietq.vn/chat-luong/chat-luong-song/53-mau-chat-xam-van-chay

V.T.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn