Hùng binh nhất trượng…

(Hồi tưởng nhân kỷ niệm 11 năm ngày mất của lão tướng Trần Độ)

Hà Sĩ Phu

Thấm thoắt đã 11 năm ngày tướng Trần Độ ra đi, tôi tìm lại bản viết tay Thư chia buồn của tôi gửi gia đình bác Trần Độ, viết ngày 10/8/2002 khi được tin bác Độ mất tại Hà Nội. Lúc ấy tôi đang bị quản chế nghiêm ngặt, đến nỗi bức thư ấy phải nhờ một người mang về Sài Gòn bỏ vào thùng thư cho an toàn, đến nay tôi cũng không biết bức thư có đến tận tay gia đình hay không. Khi viết lời chia buồn ấy tôi không có Internet, chưa đọc Nhật ký Rồng Rắn và chưa biết tướng Trần Độ sẽ được công luận đánh giá, vinh danh như bây giờ.

Trước khi đánh máy lại bức thư xin có đôi dòng viết thêm.

Tôi được quen biết bác Trần Độ khoảng đầu thập niên 1990, trong một lần trò chuyện ở khu vườn nghệ thuật của chị Việt Nga ở Đà Lạt, bác có hỏi tôi về bài Dắt tay nhau… Nhưng khi ấy bác Độ chưa hề ly khai khỏi quỹ đạo Cộng sản, tuy bác đã thảo ra Nghị quyết 05 khá tiến bộ về quản lý văn hóa - văn nghệ và rất chú ý đến những nhà văn “có ý kiến khác” như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Huy Quang, Bảo Ninh… và mấy anh em Đà Lạt chúng tôi.

clip_image002

Tấm hình Trần Độ tại Đà Lạt, từ trái sang: Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Khánh Trâm, Trần Độ, Bùi Minh Quốc, cô Ng. thư ký của anh bạn họ Trình. Thời gian này bác Trần Độ đã luôn phải chống gậy.

Còn nhớ cuối năm 1995, trước khi ra Bắc thăm nhà, tôi ghé qua Sài gòn. Anh bạn họ Trình (một người rất “gắn” với bác Độ thời ấy) có nhờ tôi đưa bác Độ ra Hà Nội sau thời gian bác điều trị ở một bệnh viện quân đội. Trước khi ra máy bay tôi ghé qua bác Nguyễn Hộ, bác Hộ có “ủy thác” tôi nói với tướng Độ một câu “quan trọng” như sau: “Xem chừng trong BCT hiện nay chỉ có Võ Văn Kiệt là còn hy vọng được, Trần Độ nên gặp ông Kiệt…”. Tôi tuy không thông thạo gì về nội tình chóp bu nhưng đương nhiên phải coi đấy là lời nhắn rất riêng tư chỉ được nói với bác Trần Độ. Ai ngờ trong một lúc chuyện trò vui vẻ tại nhà bác Độ (số 93 Trần Hưng Đạo), lúc ấy ngoài tôi còn có vài ba người nữa, bây giờ không còn nhớ rõ, có thể là Dương Thu Hương, Lê Đạt, Nguyễn Kiến Giang và 2 người khác), bác Độ đem “lời nhắn” ấy nói tướng lên như đùa vui, rất hồn nhiên! Tôi lặng người chẳng biết nói sao. Hóa ra Trần Độ lúc ấy còn khác xa Nguyễn Hộ, khi chưa thấy tính chất phân ly trong nội bộ đã rất nghiêm trọng, chắc hẳn ông vẫn coi sự khác nhau chỉ là chênh nhau về một số ý kiến nên chẳng có gì phải giữ gìn. Một ông tướng đã dạn dày trận mạc mà quên đứt hai chữ “cảnh giác” hẳn vì nghĩ rằng đây là nội bộ một nhà với nhau, ông còn tin vào Thiện tâm chứ có biết đâu tình hình đã “tháng ngày biến hóa Ác luân hồi”? Lúc ấy ông không thể nghĩ rằng sau này chính đám tang của ông sẽ bị người ta thẳng tay xé đi mấy chữ “Trung tướng” và “vô cùng thương tiếc” để đọc một điếu văn mà gia đình ông không thể chấp nhận.

Trước khi về Đà Lạt tôi ghé chào bác Độ, vừa lúc anh bạn họ Trình (người cận kề với bác Độ) gọi điện thoại hỏi tôi “đã có sẵn bức thư mật của Võ Văn Kiệt ở trong túi chưa”, tôi nói “rồi”, thế là 15 phút sau trên đường Hàng Bài tôi bị tông xe giật túi để trả một năm tù cho bức thư “mật” ấy. Sau này mới biết kịch bản bác Độ bị chụp ảnh bôi xấu, bị đón đường tịch thu 15 bản “Nhật ký Rồng Rắn” cũng cùng một đạo diễn như vụ của tôi.

Chỉ từ 1997 đến 2002, vỏn vẹn 5 năm Trần Độ đã kịp hóa thân, đang từ chỗ cựa quậy trong vòng kim cô bật hẳn thành một Trần Độ ly khai mà lịch sử cần có, bởi cái nội năng bị dồn nén suốt đời một con người “bản Thiện” đã đến lúc thay đổi từ “lượng” thành “chất”, nhưng dù lúc “ngộ” rồi hay khi chưa “ngộ”, lúc nào cũng sống chân thực với chính lòng mình, sống hết mình theo chân lý mà mình nhận biết.

Câu đối tôi gửi viếng ông chính là câu đối tôi “viếng sống” ông trước đó một năm. Khi ấy bệnh tiểu đường đã khiến bàn chân ông hoại tử, luôn phải chống gậy và ngồi xe lăn. “Hùng binh nhất trượng nhất đan tâm” là thế, đoàn “hùng binh” của ông tướng bây giờ chỉ là một chiếc gậy chống và tấm lòng son thôi. Chua chát chăng hay rất kiêu hùng, “hùng” thật sự là chiếc gậy cô đơn với tấm lòng son đã đưa ông vào lịch sử, hơn cả những “chiến công-chiến tội” gì đó, nhất thời rồi cũng qua đi? Ngay nhà văn Hoàng Tiến, người bạn thân thiết của tôi cũng có lúc tưởng “nhất trượng” đây là “chiếc gậy Trường Sơn”, theo quán tính lúc bấy giờ, thật tội!

Cho đến hôm nay, những sự đánh giá và ứng xử với tướng Trần Độ vẫn còn khác nhau, bởi con người ông là cả tấm gương rộng, phản chiếu những giai đoạn rất khác nhau của ngót thế kỷ biến động phức tạp. Có một “bi kịch Trần Độ”, nhưng con người Trần Độ đã lớn lên kịp tầm lịch sử ở một đất nước mà dân thì hồn nhiên chính trị, nhưng chính trị và lịch sử thì vốn cứ khắc nghiệt đến độ hồn nhiên! Bi kịch dân tộc, bi kịch của những cá nhân kiệt xuất nhiều khi cũng vì thế.

8/8/2013

H.S.P.

*************

Thư chia buồn (10/8/2002)

TRƯỚC LINH CỮU TƯỚNG TRẦN ĐỘ

Đã khép lại cuộc đời một Anh hùng.

Bảy mươi tám năm, Tạo hóa đã gieo ông vào giữa dòng xoáy của ba cuộc chiến trường kỳ, liên tục không một ngày yên nghỉ.

Hôm nay, Tạo hóa lại rút ông đi khi cuộc chiến giành Dân chủ-Tự do chỉ mới bắt đầu. Nhưng chính trong đoạn thứ ba ngắn ngủi này, phẩm chất kết tinh của một thế-nhân anh hùng đã kịp thăng hoa.

Trong một thời đoạn ngắn ngủi ông đã hoàn thành một cuộc “đổi mới” gian nan trong con người mình. Không cần một chiến công huyền thoại. Chưa có gì hoàn thiện, càng chẳng có gì viên mãn “như từ chân lý sinh ra”. Tất cả đều bình thường, cái gì ở ông cũng còn có thể bàn luận, tu chỉnh. Nhưng cái bình thường quý giá ấy trong một triệu người chưa dễ đã có một người làm được.

Cái bình thường ấy đáng tin cậy, lôi cuốn, có tác dụng làm mẫu vì nó là kết quả một cuộc chiến nội tâm, tuy diễn ra trong một con người nhưng lại đủ sức tiêu biểu.

Thưa ông Trần Độ linh thiêng.

Bằng những hy sinh của ông trong hai cuộc chiến trước, ông chỉ cần ngậm miệng và nằm khểnh thì sự hiển vinh hẳn đã có thừa. Vậy mà ông vẫn tự nguyện gánh lấy phần nhọc nhằn đến tận phút lâm chung.

Người đời quá khôn, ông thuộc một thiểu số tự gánh lấy phần dại. Chẳng hiểu tại sao lại có câu cửa miệng “Sống khôn chết thiêng”? Sống mà tranh khôn hết cả phần thiên hạ thì chết rồi sẽ rữa ra như cục đất thôi, còn gì mà thiêng được? Còn ông, tướng Trần Độ, tôi nghĩ ông sẽ thiêng như Quan Vũ.

Trước nỗi tiếc thương, mất mát, người ta thường nghĩ: Những người tử tế, ích lợi cho đời thì sao cứ chịu đủ thứ bệnh tật, sao phải sớm ra đi? Sao ông Trời cứ chơi khăm loài người, bao giờ cũng chia phần hơn cho cái ÁC, như thể ủng hộ cái ÁC vậy? Nhưng ngẫm lại, đấy chính là cái cung cách để con Tạo mài giũa, trau chuốt và tôn vinh cái THIỆN đó thôi!

Trước linh cữu một người Anh hùng, tôi kính cẩn nhắc lại câu đối chữ Nho tôi đã viếng sống ông những ngày ông đang lâm bệnh:

* Văn Võ tung hoành, Trung tướng phong TRẦN, thế sự song kiên song trọng đảm!

* Bắc Nam xuất nhập, Đại quân tế ĐỘ , hùng binh nhất trượng nhất đan tâm! [1]

Khi là quan Võ: anh hùng! Khi là quan Văn: lại anh hùng!

Vì Độc lập: anh hùng! Vì Dân chủ-Tự do: lại anh hùng! Khó lắm thay!

Anh hùng nào đi qua rồi cũng để lại một khoảng trống. Vì tiếc thương ta lo khoảng trống ấy không thể bù đắp. Nhưng tôi lại cứ tin ở lòng Trời, lòng Dân! Thiên nhiên chẳng bao giờ bỗng dưng lại để chừa ra một khoảng chân không! Sự nghiệp cao cả mà ông kỳ vọng và hiến thân nhất định sẽ được tiếp nối!

Đà Lạt ngày 10/8/2002

Vĩnh biệt

Hà Sĩ Phu, từ nơi quản chế

---------------------------------------------------------------------------

[1] 文 武 縱 横, 中 將 風 塵, 世 事 雙 肩 雙 重 擔

北 南 出 入, 大 軍 濟 渡, 雄 兵 一 杖 一 丹 心

Câu đối ấy sau này đã đăng tại đây , sau đó GS Nguyễn Huệ Chi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt rất hay:

-Văn võ tung hoành, Trung tướng nhuốm phong trần, thời thế vai oằn hai gánh nặng!

- Bắc Nam xuôi ngược, Đại quân đi cứu độ, binh hùng gậy chống một lòng son!

clip_image004

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn