Chi phí cần được tính thêm cho Dự án bauxite

Quang Trân

image Trong giai đoạn đang có thông tin nhiều chiều dồn dập về việc nên hay dừng triển khai các dự án bauxite ở Tân Rai và Đắc Nông, các phân tích đánh giá khả năng lỗ của dự án, nguy cơ gây thảm họa cho môi trường… đã được các nhà khoa học nêu rất nhiều, tôi muốn được đóng góp một ít số liệu theo tôi là loại số liệu không được phép quên khi đánh giá về tính kinh tế của các dự án để quý độc giả trang BVN tham khảo thêm.

Các số liệu này này nói về tiền mua thuốc chữa bệnh cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo tôi, TKV phải xem đây thuộc chi phí của dự án.

Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án được chia làm 2 loại: (1) loại bị ảnh hưởng ngay khi dự án triển khai bởi bụi hoặc tai nạn do sản xuất và do vận chuyển quặng trên các tuyến đường dân sự; (2) loại bị ảnh hưởng qua nguồn nước hoặc do vỡ hồ chứa.

I/ CÁC ĐỐI TƯỢNG BỊ ẢNH HƯỞNG NGAY

Trong bài báo “Trung Quốc báo động nạn ô nhiễm nặng từ tro và bụi than” (Baobinhthuan) có đoạn viết: “Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho hay, cứ 2,5 phút, các nhà máy đốt than của Trung Quốc thải ra lượng tro bụi độc hại đủ lấp đầy một hồ bơi có kích thước theo tiêu chuẩn Olympic. Ngoài ra, số tro bụi cũng có thể bay đi khắp nơi, kể cả những khu vực cách xa nhà máy hàng trăm km”.

Tôi liên tưởng đến bụi bauxite phát tán trong quá trình khai thác và trong quá trình vận chuyển trên các tuyến đường dân sự. Bụi bauxite cũng là bụi độc, loại hạt nhỏ, theo chủ quan của tôi thì nó cũng có thể phát tán hàng trăm km như bụi than. Nhưng vì chưa chắc chắn dữ liệu này nên tôi giả sử bụi chỉ phát tán được 50 km (rất nhỏ so với hàng trăm km như bụi than), và như thế trước tiên ảnh hưởng nặng đến dân của toàn thành phố Bảo Lộc và huyện Đắc Nông ở gần nhà máy, và toàn bộ dân cư dọc các tuyến quốc lộ dùng chở bauxite từ Bảo Lộc đến Vũng Tàu.

Tôi chưa đi Đắc Nông nhưng đã đi Bảo Lộc và biết rằng Tân Rai nằm phía bắc của thành phố Bảo Lộc. Như vậy vào mùa khô, gió bắc sẽ thổi bụi từ hướng bắc vào Bảo Lộc và các vùng lân cận. Tiên liệu bụi sẽ rơi vãi rất nhiều vì số lượng xe lên xuống trong ngày chở quặng là rất lớn.

Việc chở quặng đi trên đường dân sự có ba hiểm nguy: (1) bụi; (2) mật độ xe tăng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây va chạm; (3) tai nạn do đường trơn trượt.

Các đoạn đường trên Tây Nguyên và lân cận Tây Nguyên vào mùa mưa thì mưa rất nhiều, hoặc mưa nhỏ nhưng rất lâu (mưa dầm), và khi bụi kết duyên với nước mưa thì xe dân sự sẽ chạy kiểu gì cho khỏi trượt và mất lái? Nguy hiểm nhất là các đoạn qua đèo, không khí luôn ẩm do nhiều cây rừng giữ hơi nước.

Để tính chi phí cần trả cho các đối tượng trong mục (I), tôi đề nghị TKV cần tiến hành điều tra ước tính số người dân bị ảnh hưởng trong mục này.

Tuy bụi có tiềm năng gây ung thư như chúng ta đã biết tin tức sau vụ vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, nhưng ở đây tôi chỉ tính đơn giản do bụi mà mỗi người bị ho hoặc viêm họng 10 lần trong cuộc đời (!), mỗi lần tốn 100.000 tiền thuốc (số tiền này được tính dựa vào loại kháng sinh dòng trị ho mà các bác sĩ hay kê đơn là loại cefixim/augmentin hoặc tương đương có giá khoảng 15.000/viên, mỗi lần điều trị là phải uống ít nhất 10 viên, chưa kể các thuốc hỗ trợ khác). Như vậy, mỗi cá nhân trung bình lãnh 1.000.000 VND (một triệu) đền bù vì sự ảnh hưởng này, trong suốt đời họ.

Số người ước tính bị ảnh hưởng (tính ở mức tương đối):

- TP. Bảo Lộc, 100.000 dân, giá tiền thuốc phải trả là 100.000.000.000 (100 tỷ).

- Đắc Nông, 30.000 dân, 30 tỷ.

- Dọc các tuyến quốc lộ đã được chỉ đạo khi chưa có đường xuống cảng Kê Gà (theo phân tích của các chuyên gia, tình hình này không biết lúc nào đường xuống Kê Gà sẽ xong): số liệu này tính phức tạp hơn. Nếu tính bụi phát tán với khoảng cách 50 km, tính từ tâm đường thì mức độ ảnh hưởng nhiều quá. Ở đây có yếu tố có thể giảm nhẹ là vì bụi từ xe tải phát ra không nhiều bằng từ mỏ khai thác, nên tạm tính bán kính ảnh hưởng là 10 km. Từ đó, đoạn đường dài 200 km x độ rộng ảnh hưởng 20 km = 4.000 km2. Dân ta hay có thói quen ra đường ở, vì không ra mặt đường thì nhiều nơi không có chỗ đi. Tuy nhiên, tính trung bình mật độ dân số ở đây là 100 người/1 km2 thì số dân bị ảnh hưởng là 4000 x 100= 400.000, tiền thuốc là 400 tỷ.

- Tai nạn giao thông sinh ra do vận chuyển bauxite nếu tính một cách cụ thể thì dã man quá, cho phép không tính ở đây.

Vậy đối tượng (I) cần uống 530 tỷ tiền thuốc.

II/ CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ KHẢ NĂNG BỊ ẢNH HƯỞNG DO Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC (DO THẤM) HOẶC DO VỠ HỒ CHỨA

Người dân thuộc lưu vực sông Đồng Nai gồm tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Cần Giờ, đồng bằng Nam Bộ… như thông tin trên các báo thì khu vực này khoảng 30 triệu dân. Cần lưu ý là những người dân ở và làm nghề cá trên sông, dân sống dọc các dòng sông dùng nước tưới tiêu sẽ trở nên khốn cùng khi thảm họa bể đập hoặc thấm nặng xảy ra.

Giả sử mỗi người dân thuộc đối tượng trên đồng ý nhận số tiền đèn bù 1 triệu đồng VN. Tuy nhiên, theo tôi, người dân thuộc đối tượng (II) này chỉ được nhận tiền nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

- Sau khi nhận xong, tất cả phải gửi ngân hàng

- Trong thời gian khai thác hoặc sau khi hết đời dự án, khi mà không giống như các đập thủy điện, còn sinh ra tiền thì còn có tiền bảo dưỡng đập, khi mà TKV không đưa ra kế hoạch bảo dưỡng 10 năm, 20 năm, 50 năm, 100 năm, 1000 năm… , mà có thông tin chính thức từ báo chí là bùn đỏ đã thấm xuống nước ngầm có khả năng gây hại sức khỏe cho số dân này, thì cũng không được lấy tiền ra khỏi ngân hàng, mà chỉ được lấy lãi hàng tháng để mua thuốc uống. Tuyệt đối giữ lại tiền gốc.

- Tiền gốc phải luôn giữ trong ngân hàng, phòng khi sau này động đất hơn cấp 7 xảy ra, hoặc do chinh chiến mà có nổ bom trên đập, hoặc do lý do nào khác mà vỡ đập chứa. Thì người trực tiếp ảnh hưởng sau khi vỡ đập mới có quyền rút hết tiền gốc hoặc lãi nếu còn để phòng ốm đau do ô nhiễm.

Giả sử mọi người đồng ý thì TKV buộc phải chi trả 30.000.000 x 1.000.000=30.000 tỷ.

TÓM LẠI:

Khi tính bài toán kinh tế, TKV phải đưa tổng chi phí là 30.530 tỷ đồng vào dự án.

Ngoài ra, TKV cần mua bảo hiểm để dọn dẹp môi trường sau thảm họa nếu có, như tôi đã đọc được ý kiến đóng góp này trên trang bauxite. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm, như ông bà mình hay nói “đố ai làm cho một chén nước đầy lại, khi nước trong chén đã bị đổ đi”. Cái giá để phục hồi nguyên trạng môi trường là VÔ GIÁ!

Q. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn