Sự trỗi dậy của Trung Quốc thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ với nhiều nước khác

John Pomfret

Washington Post, thứ Bảy, 30-10-2010

image HÀ NỘI – Cách đây 3 tuần, một cuộc triển lãm diễn ra tại Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ở phía bên này của gian phòng lớn và dài, các kỷ vật của cuộc chiến 25 năm chống Pháp và chống Mỹ – gồm thư đầu hàng của địch, các lời trích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựu đạn và súng AK-47 – treo kín các bức tường. Chuyện này cũng chỉ bình thường thôi, không có gì mới lạ.

Nhưng phía bên kia của phòng triển lãm, Viện Bảo tàng lịch sử đang thực sự làm nên lịch sử. Dọc theo các bức tường, người ta thấy treo các loại gươm đao, nhiều tranh vẽ và các câu chữ có xuất xứ từ cuộc đấu tranh chống lại một kẻ thù khác của Việt Nam, đó là đế quốc Trung Hoa. Các trận đánh diễn ra trong những năm 1077, 1258 và các thế kỷ 14 và 18 được mô tả đến tận từng chi tiết.

Việc đặt Trung Quốc ngang hàng với “bọn xâm lược phương Tây” đánh dấu một sự giải tỏa tâm lý trong giới quân sự Việt Nam và điều này có thể làm Bắc Kinh lo ngại. Qua nhiều năm, Trung Quốc đã ra sức un đúc một mối quan hệ đặc biệt với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc – và thái độ ngày càng hung hãn của TQ đối với Việt Nam – đã báo động giới lãnh đạo của quốc gia 90 triệu dân này, khiến họ bắt đầu nhìn người láng giềng phương Bắc bằng cái nhìn khác trước. Bắc Kinh có nguy cơ mất tư thế là một đối tác cộng sản anh em và bị đẩy vào vị trí lịch sử lâu đời là một đế quốc ở phía bắc Việt Nam, một đế quốc đã từng ảnh hưởng và hành hạ nước này qua nhiều thế kỷ.

Sự thay đổi cách nhìn này là đầu mối cho việc Việt Nam theo đuổi một nỗ lực phi thường nhằm kết bạn với nhiều quốc gia trên thế giới như một cách đề phòng đối với hiểm họa Trung Quốc. Và nổi bật trong số các nước bạn thân thiết mới mẻ này chính là Hoa Kỳ, một cường quốc cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã trầm ngâm khi trả lời một cuộc phỏng vấn: “Có được một người bạn mới luôn luôn là một điều tốt đẹp. Nhưng biến được một kẻ cựu thù thành người bạn lại càng tốt đẹp hơn”.

Tình hữu nghị Việt-Mỹ đang nảy nở này đã diễn ra công khai vào hôm thứ Sáu khi ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Rodham Clinton, đến Việt Nam lần thứ hai sau thời gian chỉ bốn tháng. Hai tuần trước đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Robert M. Gates, cũng có mặt nơi đây. Tháng Tám vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về an ninh quốc gia với đối tác Việt Nam tại Hà Nội. Chỉ nội trong vòng một năm, ba chiến hạm của hải quân Mỹ đã cập bến Việt Nam. Hiện nay có trên 30 sĩ quan Việt Nam đang theo học tại các học viện quân sự Hoa Kỳ.

Mặc dù không được chính phủ cho phép nói chuyện với ký giả, nhưng một cựu viên chức cấp cao Việt Nam đã phát biểu: “Trong quá khứ, Hoa Kỳ theo đuổi chiến tranh Việt Nam là để chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngày nay, Hoa Kỳ theo đuổi các quan hệ hữu nghị với Việt Nam… thì cũng để chặn đứng sự vươn dậy của Trung Quốc mà thôi”.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang có nỗ lực tiến tới một thoả hiệp cho phép Việt Nam tiếp cận công nghệ nguyên tử năng (nuclear energy technology) của Hoa Kỳ. Các viên chức Việt Nam cho rằng việc này có thể giúp Việt Nam khỏi lệ thuộc vào nguồn điện của Trung Quốc. Đồng thời, các viên chức quốc phòng Việt Nam nói rằng họ rất muốn mua công nghệ quân sự Mỹ, bao gồm các thiết bị dùng sóng âm (sonar equipment) để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. Hà Nội cũng thương thảo để mua các linh kiện (spare parts) bảo trì kho máy bay lên thẳng UH-1 Iroquois do Mỹ chế tạo, một biểu tượng của chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, như một thách thức đối với sức ép của Trung Quốc, ba công ty dầu khí Hoa Kỳ đang thực hiện công tác dò tìm ngoài khơi trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Chính nghĩa chung

Cuộc thăm viếng hai ngày của ngoại trưởng Clinton đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á – một diễn đàn thường niên của các quốc gia chính trong vùng. Thật ra, chính Việt Nam đã đưa Hoa Kỳ vào nhóm diễn đàn này.

“Phía Việt Nam rất nhiệt tâm trong việc củng cố quan hệ đối tác với chúng ta,” bà Clinton đã nói như vậy trong một cuộc trao đổi với nhà sử học Mỹ Michael Beschloss. “Việt Nam là nơi đã diễn ra một cuộc chiến mà hằng chục ngàn người Mỹ lẫn người Việt đã bị giết, đã bị thương tật và mang thương tích; một cuộc chiến từng để lại hậu quả sâu đậm trên đất nước chúng ta cũng như ở Việt Nam. Dù vậy, ngày nay người Việt và người Mỹ đang giao thương với nhau, đang quan hệ ngoại giao với nhau, đang theo đuổi một chính nghĩa chung trong một số vấn đề khu vực và toàn cầu mà cả hai quốc gia đều quan tâm”.

“Chúng ta nên dành cuộc chiến này cho những người viết văn, viết sử”, đó là ý kiến của Bảo Ninh, tác giả một tiểu thuyết khá rùng rợn nhan đề “Nỗi buồn chiến tranh”. Ông Ninh, một binh nhì thuộc quân đội Miền Bắc trong thời chiến, còn cho biết người Việt Nam hiện nay rất yêu chuộng Hoa Kỳ. “Thậm chí cả thế hệ từng tham chiến của tôi còn yêu thích người Mỹ hơn. Ví như có ai trưng cầu ý kiến quân đội VN, họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Hoa Kỳ”.

Hai quốc gia đã tìm thấy một chính nghĩa chung (common cause) trong nỗ lực nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc không được một mình khống chế biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ 2 triệu rưỡi kilô mét vuông đường biển bao gồm các vùng biển khơi rộng lớn cách mũi cực nam Trung Quốc đến 1.600 kilô mét, và đưa tàu tuần dương lớn nhất thế giới đến vùng này để sách nhiễu ngư dân Việt Nam và các toán dò tìm dầu khí. Tháng bảy vừa qua, sau khi tham khảo ý kiến của Việt Nam, bà Clinton đã nêu vấn đề Biển Đông tại một phiên họp của các quốc gia Đông Nam Á, bác bỏ tuyên bổ chủ quyền trên biển của Trung Quốc đồng thời kêu gọi triệu tập các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề này. Mười một quốc gia khác liền hậu thuẫn đề xuất của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, giận dữ rời phòng họp, và sau đó chỉ trở lại để nhắc nhở các quốc gia khác rằng họ là những nước nhỏ còn Trung Quốc là một nước lớn.

Một chính nghĩa chung khác của hai nước sẽ được nêu bật vào hôm thứ Bảy, khi bà Clinton chủ tọa một cuộc họp thuộc chương trình Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông, do Hoa Kỳ đề xuất, một phần là để thúc đẩy Bắc Kinh giới hạn số đập thủy điện mà Trung Quốc muốn xây trên lưu vực của sông Mê Kông thuộc vùng Hoa Nam. Tuần trước, mực nước sông Mê Kông đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử và các nhà nghiên cứu Việt Nam đổ lỗi cho các đập thủy điện, các dự án dẫn thủy nhập điền và thủy điện của Trung Quốc đã gây ra tình trạng khô cạn này.

Dang rộng cánh tay hữu nghị

Chiến dịch ve vãn ngoại giao do Việt Nam phát động không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ. Hà Nội đã tăng cường quan hệ với Maxkva, một đàn anh cũ, và năm ngoái đã đặt mua sáu tàu ngầm loại Kilo. Ấn Độ, một đối thủ khác của Trung Quốc, cũng đang thương thuyết để giúp Việt Nam nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu Mig-21. Pháp, mẫu quốc cũ của Việt Nam thời thuộc địa, đang cân nhắc việc bán các chiến hạm cho Hà Nội. Việt Nam cũng dang rộng cánh tay hữu nghị đến các cường quốc châu Á, như Nam Hàn và Nhật Bản, bằng cách bỏ thị thực nhập cảnh cho công dân các nước này năm năm về trước.

“Phía Việt Nam đang tìm cách nhắn gửi phía Trung Quốc, ‘Chúng tôi có những người bạn hùng mạnh’”, ông Nayan Chanda, tác giả cuốn Kẻ thù anh em (Brother Enemy), một sách nghiên cứu điển hình về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc” đã nói như thế. “Nhưng đây là một trò chơi rất tế nhị”.

Thực vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn khá mạnh. Những cải tổ kinh tế của Việt Nam – còn mệnh danh là đổi mới – là theo gương Trung Quốc, và các cơ quan công an Việt Nam cũng đi theo mô hình công an Trung Quốc nhằm bảo vệ chế độ độc đảng. Vì vậy, Hà Nội phải rất cẩn trọng để khỏi làm Bắc Kinh bất bình, hoặc quá bất bình. Điển hình là, tại Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự, một cuộc chiến khác đã không hề được đả động tới – đó là cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.

Các cơ quan kiểm duyệt Việt Nam thường xuyên ngăn cấm các tin tức bài Trung Quốc. Vào hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao đã ra lệnh báo mạng Vietnamnet phải lấy xuống một bài báo tiên đoán rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc liên quan các tranh chấp lãnh hải và các vấn đề khác. Tuy nhiên, một số tin tức khác cũng lọt qua được lưới kiểm duyệt, như các bản tin tuần này về một chiến dịch đưa kiến nghị được dẫn đầu bởi bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước Việt Nam, nguyên đại diện Mặt trận Giải phóng Miền Nam tại hoà đàm Paris, nhằm chống lại việc khai một mỏ bô-xít vĩ đại do Trung Quốc bỏ vốn đầu tư tại vùng Tây Nguyên.

“Chúng tôi ở cạnh Trung Quốc suốt bốn ngàn năm lịch sử. Chúng tôi không thể chỉ việc đứng dậy và bỏ đi”, bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế cấp cao có ký tên trong bản kiến nghị, cho đến nay đã thu thập được ba ngàn chữ ký, đã nói như thế. “Tuy nhiên, để sống còn, chúng tôi cần đến nhiều nước bạn”.

Glenn Kessler đã đóng góp cho bài báo này.

Túy Vân dịch từ Washingtonpost

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn