Bà Marie-Antoinette của Damas

Alastair Beach, Courrier international 27/10/ 2011

Phạm Toàn dịch

Thưa bạn đọc, chỉ vì tôi đã dịch tiểu thuyết CHÍN MƯƠI BA của Victor Hugo, nên tôi đã dừng lại đọc bài báo này, vì thấy tác giả gọi bà ta là nữ hoàng Marie-Antoinette. Xin bạn đọc coi hai hình bên dưới đây: một hình MÁY CHÉM và một hình vẽ bà vợ vua Louis XVI Marie-Antoinette trước khi nàng lên máy chém.

Trong bài báo này, Marie-Antoinette là tên đem đặt cho vợ viên Tổng thống Syria, kẻ cho tới hôm nay, sau bảy tháng “đối đãi” với dân chúng nổi dậy, đã giết chết ba trăm ngàn người biểu tình. [Ba trăm ngàn dân, bằng một huyện của tỉnh Thái Bình? Hay bằng một huyện của tỉnh Long An? Hay bằng số học sinh tiểu học của một tỉnh bất kỳ nào đó?]

Tại sao tôi chọn dịch bài báo này? Thói thường báo chí hay đưa tin tức về một sự kiện vào lúc kết thúc. Tôi muốn đưa tin để bạn đọc được SỐNG cái tâm trạng của các nhân vật và nhân chứng khi tất cả đang trên đường đi tới chỗ kết thúc. Một tấn bi kịch xảy ra ở thời kỳ mọi việc đang diễn ra chứ không chỉ ở phút cuối cùng, như lúc Gadhafi bị một chàng trai bắn chết “như một con chó” (tin các báo).

Thực tình, tôi là người ác, chứ không hiền. Tôi giống con mèo thích lăn đi lăn lại con chuột (một cặp vợ chồng chuột) trước khi xơi tái.

Phạm Toàn

clip_image002

Cảnh Marie-Antoinette (vợ vua Louis XVI) lên máy chém hôm 16 tháng 10 năm 1793

clip_image004

Marie-Antoinette trước giờ lên máy chém (Ký họa bút sắt của Jacques-Louis David)

Được các phương tiện truyền thông phương Tây tung hô như là hình ảnh một người đàn bà “mô-đéc” vô cùng hấp dẫn, Asma, vợ của Tổng thống Syria, lúc nào cũng dửng dưng trước tấn thảm kịch đang xáo trộn đất nước bà.

clip_image005

Chữ trên trang bìa của một số tạp chí Courrier International: Ben Ali – Moubarak – Kadhafi – Assad?

clip_image006

Bà ta đó - Asma, vợ của Tổng thống Syria Bachar El-Assad. AFP

Hiệu ứng Kadhafi

Kết cục bi thảm của viên Đại tá xứ Libya đã đem lại sức sống cho phe đối lập Syria đang tiếp tục thách thức chế độ cai trị của Bachar El-Assad. Tính từ hôm Kadhafi bị giết đã có 150 cuộc biểu dương lực lượng với 19 người bị bắn chết, trang mạng Syria Arraee cho biết. Những người biểu tình hô to “Syria, đừng sợ ! Bachar sẽ đi theo Muammar”. Điều thú vị, ấy là các trang thông tin chính thức của nước Syria đều quên béng không báo tin nhà độc tài Libya đã chết. Một vài tờ báo đăng tin đó, nhưng không dám đưa thêm tí tẹo bình luận nào.

Tạp chí thời trang Vogue gọi bà ta [vợ ông Tổng thống] là Bông hồng hoang mạc và tờ Paris Match gọi bà ta là “ánh sáng trong một xứ sở đầy miền u tối”. Nhưng khi vào cuối tháng Chín vừa rồi, bà vợ Tổng thống vô cùng hấp dẫn đã đứng ra mời một nhóm hoạt động nhân đạo tới Syria để thảo luận về vấn đề an ninh, thì khi đó thấy bà ta đã chẳng còn chút hấp dẫn nào nữa. Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Asma El-Assad, người sinh ra ở Anh Quốc, lớn lên ở phía Tây thủ đô London, đã đứng trước những nhân chứng sống của những cuộc đàn áp tiến hành bởi chế độ cai trị của chồng. Ấy thế mà, theo một nhà hoạt động thiện nguyện trong nhóm tiếp xúc, thì người đàn bà xuất xứ từ giới tài chính và đã có ba con đó dường như hoàn toàn dửng dưng khi hay tin về số phận bi thảm dành cho những người biểu tình.

“Chúng tôi đã kể cho bà ta nghe về những người đi biểu tình bị giết”, ông này kể lại, nhưng muốn giữ kín danh tính, đề phòng bị trả thù. “Chúng tôi đã nói với bà ta về lực lượng an ninh tấn công người biểu tình, họ lôi những người biểu tình ra khỏi xe không cho chở họ tới bệnh viện. Bà ta cứ phớt lạnh như tiền. Cứ như thể chúng tôi đang kể cho bà ta nghe một câu chuyện nhàm chán, thứ gì đó ngày nào cũng thấy nên đã trơ lì rồi”. Những người Syria này cộng tác với các tổ chức nhân đạo để cứu trợ cả ngàn người bị thương, trong khi lực lượng của Tổng thống Bachar El-Assad lại triển khai xe tăng, trọng pháo và không lực để đè bẹp một cuộc nổi dậy đã bảy tháng trời nay và vẫn nuôi hy vọng thắng cuộc. Văn phòng bà đệ nhất phu nhân đã liên lạc với họ (những người hoạt động nhân đạo thiện nguyện) nói là muốn được nghe về những khó khăn họ gặp phải trong khi tiến hành công việc. Vì thế mà có cuộc gặp tại thủ đô Damas.

“Bà ta hỏi chúng tôi về những nguy cơ chúng tôi bắt gặp khi hoạt động trong những điều kiện hiện thời”, người hoạt động thiện nguyện kể tiếp. Nhưng khi báo cáo với bà ta về những việc tổ chức Mật vụ của chồng bà ta đã lạm dụng quyền lực ra sao, gương mặt vô cảm của Bà Assad đã khiến họ thất vọng. “Bà ta biết rõ mọi điều đang diễn ra ở đây. Báo chí tất tật đều nói hết cả. Không thể nào bà ta lại không hay biết gì hết”, ông ta nói. Tuy nhiên, ngay cả khi Bà Assad không hay biết gì đến những tàn ác của chế độ cai trị này, cũng không biết rằng đã có 300.000 người dân đã bị giết (theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền), thì nhiều người được gặp bà ta vẫn hy vọng bà ta có thể hành động, có thể làm chút gì đó. “Song, dù bà ta nghĩ ngợi những gì chăng nữa, rõ ràng bà ta đã hoàn toàn tê liệt rồi”, đó là ý kiến Chris Doyle người đứng đầu Hội đồng Hòa hợp Arập-Anh. “Chế độ cai trị ở đây sẽ chẳng bao giờ cho bà ta khả năng biểu lộ sự bất đồng nào đó và cũng nhất quyết không cho bà ta bỏ đất nước mà đi. Đừng nghĩ chuyện như thế làm gì”.

Bà Assad tốt nghiệp Tin học tại Đại học King’s College [London], cha mẹ là người Syria, trưởng thành ở Anh quốc. Cha mẹ bà là bạn thân của ông Tổng thống trước Hafez El-Assad. Bà giao du với Bachar El-Assad (Tổng thống hiện thời) khi mới 20 tuổi và vào năm 2000 thì cưới, từ đó bà chuyển về sống tại Syria. Theo một nhà viết tiểu sử cho gia đình Assad có tiếng ở phương Tây, thì Bachar đã chọn Asma trái với lời khuyên của người chị của mẹ ông ta. “Trước khi gặp bà này, ông ta đã có vô số bạn gái hết sức đẹp”, nhà báo đó cho biết, và cũng không muốn cho nêu danh tính nốt. “Gia đình không thích cho cưới là vì Asma theo hệ phái Sunni còn ông Tổng thống thì theo hệ Alaoui. Bachar El-Assad đã cưới người ngoài bộ tộc”.

Bà Assad đã hỗ trợ nhiều chương trình phát triển và đã thực sự đem lại thay đổi ở đây khi thành lập được nhiều tổ chức phi chính phủ tại Syria, tập trung vào hoàn cảnh trẻ em khuyết tật và tạo cơ sở cho các dự án phục hồi hàng chục nhà bảo tàng đổ nát. Có những người thấy bà là một gương mặt hiện đại của một nhà nước khốn cùng cũ rích; nhiều người khác thấy bà là một nhân vật xa xôi cách biệt, một bà nữ hoàng Marie-Antoinette thế kỷ thứ XXI. Dù là bà này hay bà kia, thì rõ ràng không có gì có thể tóm tắt được đầy đủ hoàn cảnh đệ nhất phu nhân Syria hơn là bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Vogue tháng Ba vừa rồi, một thời điểm đặc biệt chẳng thích hợp chút nào (lúc bùng nổ các cuộc biểu tình đòi thay đổi chế độ cai trị).

Giữa những lời lẽ khúm núm xun xoe mô tả các đồ nữ trang hiệu Chanel và những lời pha trò tay đôi với Brad Pitt trong thời gian ngôi sao Hollywood Mỹ thăm Syria năm 2009, bài báo kể chuyện cuộc sống trong nhà vợ chồng Assad theo “những nguyên tắc cực kỳ dân chủ”. “Hai vợ chồng chúng tôi ai thích gì thì cứ làm nấy”, Bà Assad giải thích. Đến thế là cùng! Và rất nhiều người dân Syria tất nhiên đều nghĩ tại sao cặp vợ chồng này không đối đãi lịch sự như thế với nhân dân nước họ.

A.B.

P.T. dịch

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn