Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam

Thụy My

Đọc xong bài Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam (RFI) tôi hối hận vì suýt nữa bỏ qua không đọc. Tuy không viết về một vụ việc đang sôi động như vụ Đoàn Văn Vươn nhưng bài viết đánh thức tâm khảm mọi người về một vấn đề rất “nền tảng” của xã hội là vấn đề nông dân giữa buổi giao thời hỗn tạp. Vấn đề không chỉ liên quan trực tiếp đến vận mạng của 70% dân số mà liên quan đến bất cứ ai hàng ngày vẫn hai bữa bưng bát cơm ăn. Những người làm ra hạt gạo cho ta ăn đang phiêu bạt trong xã hội, đang bị xua đuổi khắp nơi như thế nào, ta có biết chăng?

GSTS toán học Hoàng Xuân Phú, nhà văn Tạ Duy Anh, GSTS nông học Võ Tòng Xuân đã cho ta thấy những nỗi đau tử bề sâu văn hóa, bề sâu tình người… do kết quả của chính sách ruộng đất không hợp lý, chính sách với nông dân và nông nghiệp chưa hợp lý. Đặc biệt là tình trạng thành thị hoá làm hỏng nông thôn và nông thôn hoá làm hỏng thành thị, nổi bật trên hết là tình tình trạng CƯỜNG HÀO: “Bộ máy công quyền ở địa phương thực sự rệu rã, thậm chí họ chả làm gì ngoài cái việc xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm"... Có những bất cập có hy vọng sửa, nhưng có những bất cập đòi hỏi phải “cải cách chính trị” (ông Ôn Gia Bảo vừa phát biểu rằng tình hình Trung Quốc đòi hỏi phải cải cách chính trị, Việt Nam cũng không khác). Mới hôm qua, Hoàng Kim, nhà báo của nông dân, cũng viết: “Phải chi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lo cho nông dân Việt Nam bằng một phần nhỏ bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra lo cho nông dân Thái Lan, thì nông dân Việt Nam đỡ khổ biết bao!”.

Một người bạn tôi, đọc bài này thấm thía nạn Cường hào, Địa chủ, Phú ông mới, những thứ mà chủ nghĩa Cộng sản muốn diệt thì bây giờ đang mọc như nấm gặp mưa, liền đọc lại bài thơ tôi làm cách đây đã lâu:

TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO  

Bốn anh Trí Phú Địa Hào

Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ

Đảng ta thương Trí ngu ngơ

Cho “Công Nông Trí” chung cờ liên minh

Trông lên Liềm-Búa hai hình

Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

Quay sang tìm Phú-Địa-Hào

Thấy 3 bụng phệ đã… vào Đảng ta!

Cũng như nhà văn Tạ Duy Anh, tôi xuất thân từ gia đình  nông dân nghèo, nhưng rồi được đi học mãi, bấy lâu nay tôi như quên lãng vấn đề của “giai cấp” mình. BÚA là công nhân thì đang bị chủ bóc lột thậm tệ, đứng biểu tình còn bị chủ tông xe cho chết. LIỀM là nông dân thì bị cường  hào cướp đất, chống lại cũng bị cần cẩu quật cho chết tươi. Đáng mừng là Công Nông bị áp bức hiện đang được các Trí thức lên tiếng bênh vực rất mạnh mẽ. Thế là ngày nay dù Đảng chưa ra lệnh nhưng Công-Nông-Trí cũng tự động “chung cờ liên minh” rồi. Nhưng liên minh mới này chẳng có cờ, cũng chẳng lôi Phú-Địa-Hào ra mà “đào tận gốc, trốc tận rễ”, chỉ yêu cầu chống độc quyền và lạm quyền để xây dựng một xã hội “dân chủ-công bằng-văn minh” – dân chủ thật, công bằng thật, văn minh thật.

Thế là chẳng những Nông dân mà tất cả đều Hạnh phúc. Mong vậy thay.

Hà Sĩ Phu

clip_image001

Nông dân cấy lúa trên đồng ruộng tại Sài Đồng, Hà Nội, ngày 04/03/2012. REUTERS/Kham

"Cốt lõi của vấn đề vẫn là những quy định mập mờ của Luật đất đai. Người ta biết trước sau gì cái mảnh đất ấy cũng thuộc về người khác, người nông dân không có những yếu tố để gắn bó với đất đai của mình... Nông dân mà ra phố, khi họ về thì họ mang theo rất nhiều tật xấu ở phố, khiến cho sự thuần khiết về mặt truyền thống mất đi... Bộ máy công quyền ở địa phương thực sự rệu rã, thậm chí họ chả làm gì ngoài cái việc xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm"...

Những gánh hàng rong

Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất

Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê

Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê

Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi

Đừng đuổi!

Xin đừng rượt đuổi!

Họ chỉ là nạn nhân

Đô thị mở rộng mất nơi cày cấy

Đô thị văn minh họ không chốn nương thân

Những mảnh đời lam lũ

Từng gánh gánh nặng chiến tranh

Nay gánh gánh nặng hòa bình

Sống thời nào cũng thiệt

Thiếu cả lời kêu than...

Những lời thơ chân chất trong bài thơ ”Đừng đuổi ân nhân” trên đây không phải do một nhà thơ chuyên nghiệp viết ra, mà là của một nhà khoa học - giáo sư tiến sĩ Hoàng Xuân Phú, làm việc tại Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

“Người nông dân thời nào cũng khổ”, nhiều người đã có cùng một nhận xét như thế. Nhà văn Tạ Duy Anh ở Hà Nội nhận định:

Tôi thì bản thân tôi là nông dân, xuất thân từ nông dân và giờ đây vẫn là nông dân dù mang danh là nhà vẵn. Thế nên tôi có mối quan tâm đến những bà con của mình ở làng quê. Tôi thấy thế này, người nông dân luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Thứ nhất là vì hầu hết họ thuộc tầng lớp dân cư có vị trí và dân trí rất thấp, ít có cơ hội tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ. Những dịch vụ như là y tế, giáo dục, thì lại càng ít có điều kiện. Ở nông thôn hiện nay những dịch vụ ấy còn rất lạc hậu, mặc dù ở thành phố thì có một số nơi người ta được hưởng những dịch vụ tốt hơn.

Trong khi đó thì điều kiện lao động của họ luôn luôn cực nhọc. Bản thân tôi đã từng sinh sống ở nhà quê hai mươi năm trước khi tôi thoát ly đi viết. Người nông dân cực nhọc lắm! Cho dù là hiện nay quá trình cơ giới hóa ở một số khâu và một số nơi đã được cải thiện đáng kể. Thí dụ như thỉnh thoảng xem tivi thấy người ta bắt đầu gieo trồng bằng máy, gặt đập bằng máy, nhưng mà đấy là những vùng mà có điều kiện ở miền Nam, do đất rộng. Còn ở đa số những vùng đất manh mún, nhỏ lẻ ở miền Bắc, miền Trung, và có cả một số nơi ở miền Nam, thì lao động thủ công vẫn là chính. Lao động rất là cực nhọc!

Nông dân cũng thuộc nhóm người luôn bị thiệt thòi trong việc bán sức lao động của mình. Hàng hóa do họ làm ra thường chiếm tỉ lệ lao động cơ bắp rất cao, ít có đầu tư về công nghệ, và được định giá rất là thấp. Thường là bán ở dạng thô, chưa qua chế biến nên rất rẻ. Thương lái, những người có tiền, những người làm các khâu dịch vụ buôn bán nông sản ,thường lợi dụng tất cả những điểm yếu của nông dân để bắt bí họ.

Những người nông dân cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những biến đổi như là biến đổi khí hậu, rồi biến đổi về thể chế, chẳng hạn như là dịch bệnh, lạm phát. Bởi vì họ không có những công cụ hữu hiệu để chống lại những tệ nạn ấy.

Đấy là tôi nói cái chung. Có lẽ là nông dân thì ở đâu – nhất là những nước đang phát triển, chậm phát triển – thì có thể họ cũng có những cái nét khổ chung như thế. Nhưng mà riêng ở ta thì ngoài những cái khổ ấy ra, họ còn phải đối mặt với sự bất an liên quan đến đất đai.

Vấn đề đất đai, một trong những nỗi bất an của người nông dân Việt Nam, theo nhà văn Tạ Duy Anh, thì cũng là một vấn đề hết sức phức tạp:

Nhắc đến người nông dân là nhắc đến đất đai, nhất là nông dân Việt Nam, bởi vì họ gắn bó với mảnh đất của mình, sống chết với mảnh đất của mình từ nghìn đời nay.

Thế nhưng do những mù mờ trong Luật đất đai, rồi do quá trình chuyển đổi không triệt để về kinh tế…do rất nhiều nguyên nhân. Từ những nguyên nhân chính trị, xã hội, rồi do tâm lý, mà vấn đề đất đai hiện nay ở Việt Nam là rất phức tạp, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, là những người đầu tiên phải chịu tác động.

Ví dụ đất đang ở từ đời này sang đời khác, con thừa kế từ ông từ bà từ cha từ mẹ, thế nhưng mà cũng không phải là đất sở hữu của mình về mặt pháp lý. Vẫn là đất thuộc sở hữu toàn dân, tức là anh chỉ có quyền làm nhà trên đó thôi, được sử dụng mảnh đất đó thôi, nhưng không phải là chủ của mảnh đất ấy.

Còn đất canh tác thì luôn chỉ là tạm giao thôi. Có thể là hai mươi năm, nhưng mà cũng vẫn là tạm giao. Thế rồi các quá trình chia lại ruộng đất khiến cho đất đai ở nông thôn nó nát bét ra. Nó thành những mảnh nhỏ lắm, và hậu quả là không thể nào mà áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật được. Nó khiến cho những cơ hội giúp người nông dân được thay đổi phương thức lao động càng khó đi.

Nói chung cái tình trạng ở nông thôn, như tôi đã từng nói, người nông dân đứng trước một tương lai không sáng sủa. Có những nghịch lý rất buồn cười như thế này: đất thì ít, bình quân đầu người ở Việt Nam đất nông nghiệp chỉ có vài trăm mét vuông, nhưng mà khá nhiều nơi đất vẫn còn bị bỏ hoang rất lãng phí. Thế thì đó thực sự là vấn đề bế tắc.

Tôi không hiểu muốn nông thôn theo kịp với mục tiêu công nghiệp hóa đất nước, thì sẽ khắc phục cái tình trạng này như thế nào. Chúng tôi vẫn nói rằng là người nông dân không còn đói nữa, nhưng mà nghèo thì vẫn phổ biến

Do không an tâm làm giàu trên mảnh đất của mình, nên nhiều người nông dân có tư tưởng ăn xổi ở thì:

Tôi nghĩ là cái việc mà người nông dân bỏ làng ra đi, ly hương rồi ly nông, nó là một trong những vấn nạn lớn nhất của xã hội Việt Nam hiện nay. Là bởi vì thế này. Cũng nhiều người đưa ra những giải thích quanh co, bám vào những nguyên nhân mang tính xã hội về hiện tượng bỏ làng, bỏ đồng ruộng. Nhưng cốt lõi vấn đề mà họ cố né tránh vẫn là những quy định mập mờ của Luật đất đai.

Tức là người nông dân họ có lý do để họ không yên tâm bám vào đồng ruộng. Họ không có những yếu tố để gắn bó với mảnh đất của mình. Nhà nước cho họ rất là nhiều quyền, nhưng mà thực ra những quyền đó rất là cảm tính, và cũng rất dễ bị tước bỏ. Bởi vì luật thì phải trên cơ sở những căn cứ pháp lý rất rõ ràng, chặt chẽ, thế nhưng quy định thì người ta có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì thế mà nông dân không yên tâm với mảnh đất của mình.

Và không yên tâm thì họ không canh tác một cách thực sự. Bởi vì tôi cũng là nông dân, tôi biểt. Ngày xưa khi các cụ canh tác thì các cụ còn phải cho đất nghỉ, đất thở. Thế rồi còn phải bồi đắp, phải tạo độ phì nhiêu cho nó sau mỗi vụ thu hoạch. Thế nhưng hiện tại thì cái quá trình đó người ta không quan tâm. Là vì như thế này. Người ta biết trước sau gì cái mảnh đất ấy cũng thuộc về người khác, hoặc là Nhà nước thu lại.

Thế thì họ tận dụng, khi canh tác thay vì phát huy khả năng đất đai thì họ bằng mọi cách họ tận thu. Mà cái tận thu này là như thế nào ? Tức là có nơi thì họ đào ao, có nơi họ đào đất ruộng ấy để đóng gạch, nơi thì họ đào cái mặt ruộng - bởi vì canh tác chỉ trên đất mặt thôi - cho những khu sinh thái mà người ta cần đất mầu.

Quá trình này theo tôi là quá trình suy thoái đất đai một cách nguy hiểm nhất, mà không thể dễ dàng tìm ra thủ phạm để quy trách nhiệm. Nhưng cái quá trình suy thoái đất đai ấy khiến cho nông thôn Việt Nam biến dạng. Tức là người nông dân đáng lẽ ra có thể yên tâm tìm mọi cách để làm giàu trên mảnh đất của mình, thì họ lại không làm. Họ bỏ hoang, họ cho thuê, thậm chí là người thuê họ cũng chằng thuê lại. Đất thì hiếm, mỗi người vài trăm mét nhưng mà họ bỏ hoang rất nhiều. Cuối cùng họ làm gì ? Họ ra phố.

Khi phải bỏ quê ra phố, có những người nông dân nhanh chóng nhiễm những tệ nạn nơi thành phố, làm phai tàn những truyền thống tốt đẹp của cha ông lâu nay:

Người nông dân mà ra phố thì giống như đi vào một vùng rất nhiều cạm bẫy. Bởi vì họ không được chuẩn bị: không có nghề nghiệp, không sẵn sàng để đối phó với những tệ nạn ở phố. Thế rồi cái này cũng là sự thật, tức là người nông dân khi vào những lúc cùng quẫn, thì họ có thể làm những việc mà pháp luật cấm. Ví dụ như là họ sẵn sàng lấy cắp, lừa đảo…Những người đó khi họ về thì họ mang theo rất nhiều tật xấu ở phố, kể cả bệnh tật nữa. Thí dụ như người ta ra ngoài Hà Nội hoặc những thành phố khác đi làm, thì người ta cũng phải có nhu cầu quan hệ với phụ nữ, rồi là cờ bạc, hút.

Đấy thì tất cả những quá trình đó, quá trình liên quan từ đất đai, sinh nhai, cho đến những biến đổi về mặt xã hội là đi liền với nhau. Và tôi nghĩ rằng cái hậu quả xã hội của nó mới là cái đáng quan tâm. Còn đất đai nó vẫn còn nằm đấy, thì có thể là sẽ phục hồi lại. Rồi như vừa rồi Nhà nước lại gia hạn cho thêm 20 năm, trong khi chờ đợi những động tác tiếp theo.

Nhưng mà cái hậu quả nó đã gây ra rồi, khiến cho người nông dân khi ra phố trở về thì không còn là nông dân nữa. Mà cũng không phải là dân phố! Thế là nông thôn thì bị những tệ nạn ở phố đe dọa, nhưng mà đồng thời phố thì cũng bị nông thôn hóa. Tôi vẫn đùa là, Nhà nước thì bảo là quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng chúng tôi nhìn ra là quá trình nông thôn hóa thành thị cũng rất nhanh. Mà tất cả những điều đó khiến cho sự thuần khiết về mặt truyền thống, đạo đức rồi đạo lý, những cái giá trị bền vững không còn nữa, nó mất đi. Cái đấy mới đáng là những cái gì u ám mà người nông dân hiện nay đang phải đối mặt.

Về tệ nạn cường hào ở nông thôn, theo nhà văn Tạ Duy Anh, thì nay có bộ mặt khác hẳn so với thời bao cấp cũ:

Mình phải nói cặn kẽ một chút. Sau khi mô hình sản xuất cũ bị giải thể triệt để, thì thực sự cái tác động của chính quyền mang tính ràng buộc về hành chính, về quyền lực đối với người nông dân đã giảm đi rất nhiều. Là bởi vì trước kia người nông dân hoàn toàn bị lao động gần như là cưỡng bức trên cánh đồng của mình, do chính quyền sắp đặt, chỉ định. Đến giờ đánh trống thì phải đi làm, hết giờ mới được nghỉ. Anh cũng không được quyền quyết định làm công việc mà anh muốn.

Từ khi chuyển sang cơ chế mới, thì những cái liên đới về quyền lực giảm đi rất nhiều, có thể nói là giảm đi đến quá nửa. Tức là vai trò của chính quyền các địa phương hiện nay đối với người nông dân hiện nay chỉ còn ở những khía cạnh như là những dịch vụ khuyến nông, thủy lợi, phòng chống dịch bệnh. Nhưng nói thế không có nghĩa là nạn cường hào không còn.

Nạn cường hào ở nông thôn hiện nay thậm chí còn ở những khía cạnh khác. Ví dụ như trước kia tuy có sự hà khắc của chính quyền đối với người dân trong các chế tài về lao động, nhưng lúc ấy thì chả có ai được cái quyền lợi gì cả. Lãnh đạo cũng chỉ làm theo chỉ thị, rồi họ nhiều khi cũng là những người rất nghèo đói.

Thế nhưng bây giờ thì yếu tố quyền lực nó đi kèm với yếu tố quyền lợi. Vì vậy mà những sự câu kết của chính quyền với những ông tư bản bây giờ - chúng tôi gọi là những con bạch tuộc - vẫn xảy ra thường xuyên ở những vùng có khả năng diễn ra đô thị hóa, và cái này nó rất là thảm khốc. Hoặc ở những vùng mà người nông dân có xu hướng làm những trang trại lớn, những khu vực chăn thả lớn. Ví dụ như là Tiên Lãng, như là một số những vùng ở Nam Định, Thái Bình - vùng biển ấy. Hoặc là những vùng rừng núi, khi người nông dân có xu hướng đầu tư lớn.

Khiếu kiện đất đai: Điềm báo cho những trận dông bão

Khi họ đầu tư lớn, ví dụ như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn thì nói thật ra, về bản chất là chính quyền cũng định chia chác lại. Thế nhưng mà không có cơ sở pháp lý để kết tội họ về việc đó, do họ lẩn được vào trong các điều khoản mập mờ của Luật đất đai. Tuy nhiên giả sử như việc cưỡng chế thành công, thì hàng chục hộ sau khi phải nộp lại cho huyện, huyện mới cho đấu thầu lại, thì rất nhiều người trong chính quyền sẽ hưởng lợi, và sẽ được chia phần trong đó.

Có nghĩa là gì ? Nghĩa là anh dùng quyền lực, lợi dụng quyền lực của Nhà nước, mượn tay Nhà nước để anh cướp bóc của người dân. Nói một cách chính xác là như thế! Và phải khẳng định lại như thế này. Ở nông thôn nói chung và những vùng mà quyền lợi về đất đai không nhiều, thì cái nạn chính quyền chèn ép người dân không có cơ sở để tồn tại, ngoài cái việc mà họ đang chờ Luật đất đai mới, xem là có gia hạn hay không. Thì hiện nay Nhà nước gia hạn rồi, tức là tôi nghĩ cái khả năng mà họ chia lại ruộng đất, rồi lợi dụng lấy những chỗ phần ngon, thì chắc là không có.

Nhưng mà có những nơi khác, bất cứ nơi nào mà có yếu tố quyền lợi trong vấn đề đất đai, ví dụ như chuyển đổi. Một thửa đất đền bù cho nông dân hai trăm nghìn, sau đó thì phù phép bán ra với cái giá mười triệu một mét vuông. Những nơi như vậy thì chính quyền lộ rõ là những kẻ cường hào. Tất nhiên là không phải tất cả, nhưng cũng là một bộ phận rất lớn. Bởi vì thế này. Ở trong cái đám ấy thì những người nào mà có muốn trong sạch, gọi là có cái tâm lớn, cũng rất khó tồn tại. Anh thuộc về thiểu số, vì quyền lợi quá lớn. Quyền lợi nó che mắt tất cả. Người ta đều muốn giầu lên, đều muốn có tiền để vênh vang với thiên hạ, đều muốn tận dụng tất cả mọi cơ hội khi đang có quyền để vơ vét.

Cái thực trạng đó là một trong những lý do rất là cơ bản khiến cho người nông dân tiến hành rất nhiều vụ khiếu kiện đất đai. Và những vụ khiếu kiện đấy - tôi đã từng nói, và tôi nói rất rõ ràng, nó là điềm báo. Nó đang ngày một tích tụ lại, và là điềm báo cho những trận dông bão từ nông thôn.

Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một nhà nông học nổi tiếng của Việt Nam cũng nhận định:

Vấn đề này thì trên báo chí cũng nói nhiều, về thân phận của người nông dân mất đất. Bây giờ nói chung là cũng có một số người mất đất rồi, họ được đền bù cho miếng đất ở chỗ khác để cất nhà. Nhưng mà cất cái nhà thôi, chứ còn đất canh tác thì họ phải chạy chỗ này chỗ kia để mà kiếm, có nhiều khi cũng không tìm được đất canh tác. Còn học nghề thì cũng tùy người. Có người có trình độ thì người ta đi học lên được, để có thể dùng tiền đó kinh doanh. Nhưng mà phần lớn không học được. Ra ngoài làm, thì toàn là lao động giản đơn thôi.

Thành ra người nông dân của mình khi mà mất đất thì họ rất là khổ, không biết làm sao nuôi gia đình. Tại vì số tiền đền bù cho đất bị mất, thì họ xài một thời gian cũng hết, không biết quản lý tiền.

Ngay cái lúc mà họ còn đất, thì họ cũng không biết quản lý đất của họ luôn. Thấy người ta trồng cái này, cái kia thì bắt chước trồng, chứ không biết tính toán. Tại vì họ hổng có học. Mà ở Việt Nam mình, không có học mới đi làm ruộng! Còn ở các nước khác ví dụ ở Âu châu, người ta chỉ làm ruộng khi người ta có học.

Làm ruộng thì mới có licence được, tức là cái môn bài, giấy phép để làm ruộng, như thế Nhà nước mới kiểm soát được có làm đúng theo quy định của Nhà nước hay không, có tàn phá môi trường hay không, v.v…Còn người Việt Nam mình không học mới đi làm ruộng, có học thì đi làm chuyện khác.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cũng có những nông dân biết cách làm ăn lớn:

Nhưng mà bây giờ cũng có nổi lên trong xã hội mình rất nhiều nông dân chân đất. Học tới lớp Ba, lớp Tư, lớp Năm thôi, nhưng mà ổng lại có cái khiếu học lóm rất nhanh. Những ông nông dân như là ông Sáu Đức ở Tri Tôn, An Giang chẳng hạn, bây giờ ổng quản lý trên 300 hecta, làm rất là tốt. Ổng làm lúa mà ổng áp dụng luôn phương pháp tia laser để làm bằng phẳng mặt đất, rồi dùng máy cày, máy sạ hàng, máy phun thuốc, máy gặt đập liên hợp để mà gặt.

Hoặc là có ông nông dân - anh Hạo, cũng chưa học đại học, mới trung học thôi, nhưng mà cũng học lóm các thầy ở trường Cần Thơ, rồi về trường An Giang. Học rồi về ổng đứng ra chọn giống lúa. Nhưng bây giờ thì ổng được mấy người thương nhân Nhật Bản đặt hàng để mà trồng khoai lang. Trồng rất là trúng, đúng theo tiêu chuẩn của Nhật, cho nên người ta mua. Rồi mấy người chung quanh ổng bắt chước nhưng mà làm hổng được, cuối cùng là giao đất lại cho ổng. Thành ra bây giờ ổng phải quản lý tất cả là 55 hecta. Rồi những người nông dân mà có đất, giao đất cho ổng rồi, thì lấy được tiền mướn đất của ổng, đồng thời làm công cho ổng để mà sản xuất ra khoai lang.

Như thế là có những người nông dân của mình họ có đầu óc quản lý. Tuy là họ không có học nhiều, nhưng mà họ có cái khiếu đó. Còn nhiều nông dân khác không làm được, mà là đại đa số, họ không làm được, thành ra cuối cùng giao đất cho ông kia làm.

Về vấn đề hạn điền, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết có những trường hợp những nông dân làm ăn giỏi được chính quyền làm ngơ để họ sử dụng số lượng đất vượt mức quy định:

Hạn điền thì hạn điền, nhưng mà Nhà nước tại địa phương họ lờ đi. Thí dụ cái ông ba trăm hecta - ông Sáu Đức đó - cái bằng khoán ổng giao cho người này người kia đứng tên, rồi ổng mướn người ta làm. Thì cái này, nói một cách khác là qua mặt Nhà nước, nhưng mà Nhà nước thấy như thế cũng được cho nên cũng cứ để cho làm.

Cũng có những ông làm trang trại ở trên Bình Dương, ổng có 600 hecta. Tui quên tên ổng rồi nhưng mà sáu trăm hecta ổng làm vườn cao su rất là tốt. Có những người Việt Nam mình đi qua bên Campuchia mướn đất người ta làm ba bốn trăm hecta, họ làm cũng rất tốt.

Nói một cách khác, cái vấn đề người nông dân chúng ta làm nông nghiệp, thì thứ nhất là họ chỉ có học lóm với nhau để mà họ đi lên. Cho nên khi mà họ còn đẩt sản xuất, thì khối lượng nhiều thiệt, nhưng mà tỉ lệ chất xám ở trong sản phẩm ít. Như thế thì sản phẩm của họ làm ra bán không có giá so với lại các nước khác.

Còn về việc đào tạo kỹ năng cho nông dân, giáo sư Võ Tòng Xuân nhận thấy là rời rạc, không hiệu quả:

…Rồi khi mà mất đất rồi, thì kể như họ tay trắng. Mặc dầu Đảng và Nhà nước có chỉ đạo, tức là có chủ trương làm cho nông dân khá lên, bằng cách đưa họ vào các tổ chức thí dụ như là hợp tác xã, tập đoàn hoặc là trang trại, cho họ vay tiền, đào tạo cho họ. Nhưng mà tất cả những cái này nó không có đồng bộ.

Thí dụ bây giờ ra nghị quyết biểu đào tạo người nông dân, thì Bộ Nông nghiệp đứng ra làm dự án xin cả mấy trăm tỉ, để mà đào tạo mỗi một năm một triệu ông nông dân. Có đào tạo, nhưng mà kinh nghiệm trong ba năm nay mình thấy rõ ràng tiền đó rất là phí. Tại vì chia tiền xuống cho bên Sở Lao động Thương binh Xã hội, rồi chia cho Sở Giáo dục địa phương, chia tiền cho Hội Nông dân, để tổ chức đào tạo nông dân. Nhưng mà bắt ông nông dân vô ngồi đó, rồi cũng dạy, dạy nuôi con heo, con gà, con vịt v.v…Rồi về thì thôi! Ổng đi mất thì giờ, rồi ổng cũng hổng có làm.

Cái cách làm như vậy là không có đồng bộ. Mạnh ai nấy làm, thực hiện nghị quyết rất là tùy tiện, theo khả năng của từng Bộ, từng tổ chức. Thành ra cuối cùng nông dân không hưởng được kết quả gì cho có thể đổi đời người ta được.

Do đó mà bây giờ mình phải có một cái cách để mà giúp cho những người nông dân này. Có hai cái hướng, một là những người nông dân bị mất đất thì làm gì để cho họ khá lên. Và những người nông dân mà sắp bị mất đất - tức là đất mình còn tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rồi thành phố phải mở ra cho nó đẹp - do đó thì đất tiếp tục mất. Như thế thì cái hướng tới phải làm sao để những người mà mất đất đó, họ có thể sống được. Mà mấy cái chuyện này rất là dài, thì có thể trong buổi phát thanh khác tôi xin trình bày sau.

Nhà văn Tạ Duy Anh tỏ ra âu lo về cách tư duy của cán bộ, và tính nhân bản trong việc đối xử với nông dân:

Vấn đề rất là bức xúc. Nhưng không biết chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương họ linh cảm cái điều đó như thế nào, họ ý thức ra làm sao. Nói rất là nhiều, nhưng mà họ có nghe hay không, thì mình cũng không thể biết được là họ nghe đến đâu. Cũng có một niềm an ủi: cách đây vài ngày, tôi có thấy Luật đất đai được gia hạn thêm. Ít nhất thì cũng là giải pháp tình thế, để cho người nông dân người ta không phá đất đai. Người ta không tàn phá hoa màu, không làm cho những tài sản trên đất đai đó bị hủy hoại đi.

Cái thực trạng đấy nó tồn tại ngang nhiên, chưa có một dấu hiệu gì giảm đi cả. Mặc dù có lẽ Nhà nước cũng đang tìm mọi cách đấy, nhưng mà vấn đề là cơ chế kiểm soát quyền lực không có.

Tôi cũng không phải là người quan tâm nhiều đến chính trị, nhưng mà tôi cùng chung cái nỗi lo của bất cứ một công dân nào trong đất nước này. Đó là không hiểu rồi thì tình hình nó sẽ như thế nào ? Khi mà cái bộ máy công quyền ở địa phương thực sự nó rệu rã - thậm chí tôi đã từng viết, và báo chính thống đã in - họ chả làm gì ngoài cái việc để xem xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm. Sự thực nó là như thế!

Tức là họ chả làm gì. Các sai trái của người dân họ cứ để xảy ra, sau đó họ dùng cái sai trái đó để vụ lợi cho bản thân. Cái tính vụ lợi cá nhân nó quá lớn, nó che lấp tất cả. Trong tư duy của anh, ý nghĩ của anh, cái gì cũng phải có lợi, xem có lợi cho mình không.

Thế thì bây giờ thấy ông Đoàn Văn Vươn ông ấy giầu, có ông cán bộ Thành ủy Hải Phòng lại nói một câu như thế này: Ông ấy làm giàu cho bản thân chứ có làm gì cho đất nước đâu ? Tôi nói thật, tôi mà có quyền thì cái ông ấy phải bị cách chức ngay tức khắc!

Nói thế không phải chỉ là vô trách nhiệm. Nói như thế là cực kỳ phản khoa học và phản tiến bộ! Người nông dân người ta làm giầu, thì làm giầu cho ai ? Cho bản thân họ thì cũng là cho đất nước chứ! Phải có một cái tư duy rất cởi mở và nhiều nhân tính ở trong đó, thì mới có thể thấy được.

Nhiều khi tôi cứ tiếc, tôi mà là ông lãnh đạo Hải Phòng – Bí thư Thành ủy hoặc Chủ tịch – thì có lẽ không có tuần nào tôi không la cà với bà con ở Tiên Lãng, và tôi khích lệ họ để họ làm giầu. Làm giầu và làm đẹp cho cái vùng đất ấy. Tất nhiên là tôi không thể làm được Bí thư Thành ủy Hải Phòng, rất tiếc là như thế. Tiếc rằng họ chỉ nghĩ được một cách là, nó giầu như thế thì phải bắt nó chia bớt!

Xin chân thành cảm ơn nhà văn Tạ Duy Anh ở Hà Nội và giáo sư Võ Tòng Xuân ở An Giang đã vui lòng dành thì giờ để trao đổi với RFI hôm nay.

Tại Pháp, tuy là một nước công nghiệp phát triển, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Không có đời Tổng thống nào mà không đến thăm Hội chợ Nông nghiệp hàng năm. Riêng tại Paris và vùng phụ cận, gọi chung là Ile de France, có đến phân nửa diện tích đất được dành cho nông nghiệp. Tuy vậy theo báo cáo của Hội đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường Khu vực (Ceser) vừa công bố hôm qua, thì với tốc độ đô thị hóa hiện nay, mỗi năm vùng Ile de France mất từ 1.500 đến 1.700 hecta đất nông nghiệp. Ceser cảnh báo, với nhịp độ này, thì Paris và vùng phụ cận sẽ không còn đất nông nghiệp trong 200 năm nữa!

Theo nhiều công trình nghiên cứu, thì sản xuất nông nghiệp cho đến năm 2050, lượng thực phẩm phải tăng lên 70% mới đảm bảo được nhu cầu của 9 tỉ miệng ăn trên Trái Đất. Thật ra con số này cũng chỉ tương đối, vì dân số nhân loại vào thời điểm đó dao động từ 8 tỉ cho đến 11 tỉ người. Và như vậy, vấn đề an toàn lương thực còn là một yếu tố mang tính chất địa chính trị.

Còn tại Việt Nam, về mặt xã hội, với tỉ lệ 70% dân số sống ở nông thôn, thì vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm bớt bất công đối với những con người đang làm ra của cải vật chất cho xã hội, là một thử thách không nhỏ đối với chính quyền. Đặc biệt là trong hoàn cảnh chính quyền các địa phương đang nắm trong tay quá nhiều quyền hành, người lãnh đạo có tâm thì ít mà cán bộ nhũng nhiễu lại nhiều, thì thân phận của người nông dân lại càng bọt bèo hơn.

T. M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn