Kẻ sĩ xưa nay: Nỗi cô đơn triền miên

Nguyễn Quang Thân

Văn hóa bao giờ cũng chuyển mình rất chậm, qua chọn lọc lâu dài của thời gian, không như giá trị vật chất hay kỹ thuật. Văn hóa là những gì còn được ghi nhớ sau bao thứ bị con người quên đi, nó giống như hạt ngọc còn lại trong lòng con trai ngọc sau khi cái xác trai thối rữa tan biến thành cát bụi trôi theo dòng nước. Khái niệm “kẻ sĩ Bắc Hà, sĩ phu Bắc Hà” là một trong những hạt ngọc khá độc đáo còn lại trong văn hóa Việt.

Kẻ sĩ Bắc Hà được nhắc tới và nói đến nhiều có lẽ từ thời Lê Mạt nhiễu nhương, tiếp đến là Trịnh Nguyễn phân tranh rạch đôi sơn hà Nam – Bắc và sau đó là triều đại Quang Trung Nguyễn Huệ chói lòa rồi tắt nhanh như sấm sét. Chưa bao giờ đất nước và lòng người bị chia rẽ, phân tâm như thời ấy. Dân chúng lầm than đói khổ, nông dân khởi nghĩa và giặc giã nổi như rươi, kỷ cương rối loạn, văn hóa suy đồi. Hào quang khí phách Chu Văn An nhiều trăm năm trước vẫn le lói trong tâm thức kẻ sĩ. Khác hẳn với xã tắc trước đây là một mối “vững âu vàng”, từ thời thịnh Trần, sau đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tạo dựng một triều vua có thể nói là thịnh trị nhất trong lịch sử. Kẻ sĩ từ Lý Thường Kiệt đến Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Đặng Dung và bao sĩ phu khác hầu như chỉ có một con đường để chọn là đuổi giặc xâm lược phương Bắc, cứu dân, cứu nước. Chưa có “Nam Hà” nên cũng chưa ai nói tới “sĩ phu Bắc Hà”.

Nhưng từ Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau đó khá lâu là Nguyễn Thiếp, giới sĩ phu đã vấp phải trước mắt mình những ngã ba đường khắc nghiệt của lịch sử. Vốn được nuôi dưỡng bằng bầu sữa Nho giáo hàng trăm năm với tinh thần trung quân miễn bàn, họ bỗng choáng ngợp trước quá nhiều ông vua để thờ, nhiều triều vua để chọn. Khi khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam “vạn đại dung thân”, Trạng Trình đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới. Một đất nước đang tan rã, đang phân liệt và kẻ sĩ vốn chỉ biết có nhà Lê đang tự hỏi mình về tính chính thống còn hay mất? Trong cuồng phong loạn ly với những cơn xoáy mãnh liệt, nhân cách con người và trước hết là của giới tinh hoa có học được hình thành. Nhà thơ Aragon rất có lý khi viết câu thơ: “ Khi tấm kính nhân dân bị che mờ thì mặt người soi vào càng thấy rõ”. Kẻ sĩ được đặt trước những nan vấn đụng chạm đến cả đức tin đạo Nho khi cung Vua phủ Chúa tràn ngập rác rưởi, dâm loạn và thối nát. Những Thị Huệ, Đặng Mậu Lân hay Huy Quận công chà đạp lên nhân phẩm của một xã hội từng có kỷ cương đang rữa nát. Kẻ sĩ – người có học, được coi là lương tri của thời đại không thể không tự dằn vặt là mình đang buộc phải “trung” với loại vua nào, chúa nào. Nhưng chữ nghĩa và đạo đức thánh hiền cùng tính cách học trò thừa bạc nhược, không cho phép họ hành động, không cho họ làm những gì họ nghĩ, họ muốn làm. Mấy ai được như Nguyễn Hoàng dứt áo ly khai? Mấy ai được như Nguyễn Hữu Cầu, bỏ văn lấy võ với khát vọng san bằng bất công, sắp xếp lại giang sơn? Hay như Lý Trần Quán tự chôn sống mình để bảo toàn khí tiết?

Cặp bài trùng bạn đồng môn Phạm Đình Trọng – Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) thời Lê Trịnh và Thần Siêu – Thánh Quát thời Minh Mạng cũng như mối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng thiên tài Nguyễn Du, cục máu đông không thể tan, với hàng chục năm lận đận tìm đường chống Tây Sơn, tỏ lòng trung với nhà Lê đã bộc lộ hết sức rõ ràng sự giằng xé tâm can kẻ sĩ Bắc Hà đương thời. Những kẻ sĩ khí phách như Nguyễn Hữu Cầu vứt đường công danh làm giặc, như Cao Bá Quát, thiên tài thi ca vẫn ước ao “Ngã dục đăng cao/Hạo ca ký vân thủy” (Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất/Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước...), dám cầm gươm nổi loạn để kết thúc cuộc đời trên chiến trường. Hay như Nguyễn Du bảo hoàng hơn cả vua, ôm mối trung quân, muốn “làm giặc” chống “giặc Tây Sơn” tuy cầm gươm không nên cơm cháo gì, nhưng cây bút lông của ông đã viết trọn những trang huy hoàng nhất của văn thơ nước Việt. Dù có người làm “giặc” nhưng ngay cả người đương thời vẫn coi họ là “kẻ sĩ”, có nhân cách lớn của “kẻ sĩ”.

Nhưng kẻ sĩ Bắc Hà không chỉ làm giặc. Một số lớn bị quan niệm bảo hoàng và cả nợ áo cơm trói buộc, bị giằng xé đau đớn suốt cuộc đời trong nỗi cô đơn. Nguyễn Siêu không đủ gan làm giặc nhưng mang tâm trạng u uất, bất lực, đành để tâm trau giồi văn thơ cứu lấy tinh hoa văn hóa, chỉ còn biết “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) đối thoại với trời xanh những điều không thể viết thành chữ thành lời. Hay Nguyễn Công Trứ, nhà thơ lớn của dân tộc, có cái ngông, cái phản kháng trong bản chất, một nhân cách độc đáo của kẻ sĩ, tuy bảy nổi ba chìm trong hoạn lộ nhưng vẫn không dứt được tấm áo xanh quan văn và cả cân đai quan võ, không thể thoát ra khỏi sức hút của bộ máy quyền lực mà trong thâm tâm ông khinh ghét. Và mãi tới sau này, khi triều Nguyễn đã ổn định trong cái ô “bảo hộ” của thực dân Pháp, khi nước đã mất không tìm thấy ngày mai, những kẻ sĩ Bắc Hà như Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn có cái tài ấy, cái ngông, cái phản kháng, cái thâm nho ấy, nhưng chi còn biết giữ được nhân cách kẻ sĩ bằng cách trút tâm sự vào những vần thơ trào lộng để đời mà thôi.

Một số kẻ sĩ lại có cách xuất xử khác thường. Trong làn sóng ngầm dữ dội và quyết liệt chống Quang Trung ở Bắc Hà với Lý Trần Quán, Trần Phương Bình, Nguyễn Hành, Phạm Thái, Bùi Dương Lịch, kể cả Nguyễn Du… thì một số sĩ phu Bắc Hà như

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1802) , Phan Huy Ích (1751 - l822), Nguyễn Thế Lịch (1748 - 1817), Vũ Huy Tấn (1749 - 1800) cùng nhiều người khác, tự nguyện và cũng rất hồ hởi ra trình diện và cộng tác với triều Tây Sơn mà có vẻ như không hề có mặc cảm “thờ hai vua”. Họ rất được nhà vua áo vải trọng dụng. Sau khi Gia Long lên ngôi, họ bị làm nhục, trả thù tàn nhẫn. Nhưng sau đó, con cháu họ như Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh (con và cháu Phan Huy Ích) lại cộng tác và làm quan to với nhà Nguyễn, như quên mối thù xưa và khí phách kẻ sĩ. Thực ra, đây là một đặc điểm của kẻ sĩ Bắc Hà. Những người này có thể bị đời sau cho là “cơ hội”, “sọc dưa”. Nhưng họ là những đại sĩ phu, học rộng tài cao. Họ chỉ đơn giản tranh thủ cơ hội để được đưa cái sở học của mình ra gìn giữ ngôi đền văn hóa nước nhà vì họ là kẻ sĩ. Nếu không thế làm sao đời sau có được 28 tập Lịch triều hiến chương loại chí và bài dịch Tỳ bà hành bất hủ?

Từ Nguyễn Hữu Cầu, Cao Bá Quát đến Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ cho tới Nguyễn Khuyến, Tú Xương và sau nữa là Tản Đà… mỗi người một vẻ, kẻ sĩ Bắc Hà khác nhau rất nhiều về cách xuất xử, về hành vi cũng như tính cách cá nhân, thậm chí đối lập như nước với lửa. Nhưng chính khối mâu thuẫn ấy đã tạo nên một viên ngọc văn hóa, đó là nhân cách “kẻ sĩ Bắc Hà” với tính cách thâm thúy, học rộng tài cao, có sở hữu chung là cái ngông, cái thâm nho, có minh triết lẫn tù mù trí tuệ, tuy mỗi người biểu hiện những tính cách đó khác nhau, thậm chí trời vực. Có số ít kẻ sĩ dấn thân thà chết không chịu nhục, bên cạnh đó cũng không ít người chấp nhận sống cảnh hàn nho, coi trời bằng vung nhưng luôn “mong được vua yêu”( Mười mấy năm qua ấn với thao/Thân này mong được đức vua yêu – Nguyễn Khuyến), nói là hèn nhát trước đòi hỏi của thời cuộc cũng không oan.

Tuy thế, qua văn thơ, giai thoại, hành vi, họ đã tạo ra được một khái niệm văn hóa trường tồn cùng lịch sử, đó là khái niệm “kẻ sĩ Bắc Hà” với tất cả các mặt đối lập hay dở phong phú để hậu thế có thể tranh cãi, bình luận thậm chí chế giễu và chiêm nghiệm học hỏi.

Có người nói rằng “kẻ sĩ Bắc Hà” đã chết. Chết với cảnh đầu rơi máu chảy của thi hào họ Cao, với chiếc roi tẩm thuốc độc của Đặng Trần Thường, cái nhẫn nhịn “mấy năm làm quan không nói một lời tâu vua” của Nguyễn Du, cuộc đời ưu thời mẫn thế, luôn bất mãn nhưng bất lực của Nguyễn Khuyến, Tú Xương…

Thực ra không hẳn thế. Khái niệm “kẻ sĩ Bắc Hà” xưa đã trở thành truyền thống kẻ sĩ. Bất mãn, phản biện và phản kháng để giữ nhân cách (tu thân) và sau đó là thay đổi hay uốn nắn thời cuộc (bình thiên hạ) theo những nguyên lý truyền thống họ được giáo dục và truyền đạt là đặc điểm của trí thức mọi thời chứ không riêng gì kẻ sĩ Bắc Hà. Dù mang nhiều mặt đối lập, dù là một khối mâu thuẫn lớn, dù khí phách lẫn hèn nhát, truyền thống kẻ sĩ vẫn là một điểm son, một hạt ngọc có ảnh hưởng tích cực là chủ yếu trong tâm thức văn hóa Việt.

Thế kỷ XX, “khi tấm kính của nhân dân bị che mờ”, nước mất nhà tan hay kẻ thù mang gươm súng trở lại hòng “đô hộ nước ta một lần nữa”, chắc chắn lịch sử sẽ không quên một lớp kẻ sĩ (không chỉ Bắc hà) đã thật sự phát sáng trên con đường cứu dân cứu nước. Tuyệt đại đa số trí thức hàng đầu, hậu duệ của tầng lớp kẻ sĩ ưu thời mẫn thế dù đã phiêu bạt nước ngoài hay còn ở lại trong nước đã tự nguyện hiến dâng cho đại nghĩa dân tộc. Đó là lớp “sĩ phu” Tây học nhưng còn khá đậm tinh thần Nho giáo, dù mác-xít hay không, vẫn chấp nhận hy sinh mọi thứ để đứng dưới cờ kháng chiến như Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện… Lớp kẻ sĩ thời đó, như ta biết về sau này, tuy bị ảnh hưởng sâu đậm của trí thức phương Tây ở thế kỷ ánh sáng như Voltaire, Diderot nhưng vẫn mang đầy đủ tính cách “kẻ sĩ” truyền thống, vẫn “ngông”, vẫn có bản chất phản biện và tính cách mạnh mẽ do hấp thụ hoặc sống nhiều năm trong xã hội phương Tây. Nhưng họ đã từ bỏ bản thân mình, kể cả cuộc đời vật chất lầu son gác tía để đi theo và cố gắng thích nghi với kháng chiến. Sự hy sinh ấy không phải là nhỏ nhưng niềm tin vào cuộc hồi sinh của dân tộc đã làm họ lạc quan, thúc đẩy họ luôn hướng về phía trước. Nhà thần học Nguyễn Khắc Dương nhớ lại: “Anh (Tạ Quang Bửu) đưa mắt nhìn quanh anh em rồi trầm giọng xuống nói rằng: “Anh rất thương các em, con đường học vấn của các em thế là dang dở. Rồi đây một số trong các em sẽ phải lên đường với một hành trang chưa đầy đủ như lớp các anh, dù sao cũng tạm gọi là một phần nào thành đạt. Trong các em rồi nhiều kẻ sẽ bị hy sinh dù là dưới dạng nào trên nẻo đường nào. Nhưng các em cứ mạnh dạn đi theo con đường của mình và nên biết những biến chuyển lớn lao của lịch sử bao giờ cũng đòi hỏi rất nhiều hy sinh dưới rất nhiều dạng. Và dù hy sinh dưới dạng nào (có khi những dạng đối nghịch nhau) thì những hy sinh của các em cũng trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào sự nghiệp xây dựng tương lai” ( Trích trong cuốn Thầy Nghệ NXB Hà Nội). Ta thấy rõ, sự giải phóng cá nhân từ văn hóa phương Tây trong tâm thức lớp kẻ sĩ thế kỷ XX như dòng sông lớn hòa tan, làm nhạt dần chất “kẻ sĩ Bắc Hà” mà chúng ta hằng biết.

Sau thắng lợi vang dội thống nhất đất nước cũng như những sai lầm của quá khứ trước đổi mới, sau những thành tựu lớn lao về kinh tế sau 20 năm chuyển mình sang kinh tế thị trường, đất nước đang hiện hữu một xã hội có quá nhiều vấn nạn. Nhiều sự thật đáng buồn đang diễn ra trước mắt nhân dân. Bên ngoài lũ bành trướng lăm le nuốt trọn biển Đông và các quần đảo cha ông để lại cho chúng ta, bên trong nạn tham nhũng hoành hoành và cái hố giàu nghèo được khoét sâu và mở rộng chưa từng có. Đó là nguồn gốc của tội ác đang xẩy ra mỗi ngày được “nâng cấp”, được trưởng ác dần lên, của tình trạng đạo đức truyền thống đang suy đồi, giáo dục bế tắc, có thể nói là khủng hoảng, văn hóa đặc biệt là văn học nghệ thuật đang xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả đều làm mọi người lo lắng. Thất phu hữu trách nhưng trước hết là trí thức, những người có học đang phải đối mặt với vấn nạn. Dấn thân luôn nằm trong bản chất của họ.

Kẻ sĩ thời nay đã có sẵn trong máu truyền thống kẻ sĩ thời Nho giáo thịnh hành hay từ lớp cha anh Tây học vừa khuất bóng chưa bao lâu. Cái sở học của họ không như cha ông. Họ đang sống trong một thế giới hòa nhập, đặc biệt là xa lộ internet và có thể không sợ vô lễ khi cho rằng họ học cao tài rộng hơn cha anh (đương nhiên với sự phát triển của thế giới văn minh), tính độc lập suy nghĩ và chất phản biện vốn có sẵn trong con người kẻ sĩ mọi thời đại cũng mạnh mẽ hơn nhiều. Bởi vì chất Nho giáo chưa hề tồn tại hoặc nếu có (những người xuất thân gia đình Nho giáo) thì cũng đã nhạt nhòa.

Nhưng kẻ sĩ thời nay như ta quen nghĩ về họ đã làm được gì, đã xuất xử thế nào? Rõ ràng là họ chưa làm được gì nhiều. Bởi vì, trước hết nếu không nói là duy nhất, kẻ sĩ thời nay cũng không may mắn hơn kẻ sĩ thời xưa là không có được một cơ chế, một môi trường phản biện lành mạnh để họ có điều kiện giúp dân giúp nước. Thời xưa đàn hặc, viết sớ, tâu trình vua không nghe hoặc may ra trăm lần mới có một lần nghe. Nỗi đau không chỉ riêng của Chu Văn An, thật điển hình. Kẻ sĩ mặc nhiên rơi vào một nỗi cô đơn triền miên. Người lạc vào hẽm núi, kêu cứu vẫn còn có thể nghe được tiếng vọng. Nhưng kẻ sĩ bày tỏ tâm can thậm chí cũng không nghe thấy tiếng dội của lòng mình, còn hy vọng gì mắt xanh của vua. Nay cũng không khác lắm ngày xưa.

Không ít kẻ sĩ nản chí đầu hàng vì không chịu nổi sự cô đơn. Thói quen thụ động và nhút nhát dẫn tới dễ dàng chấp nhận vô điều kiện mọi thứ gọi là chính thống. Có người coi Trời bằng vung nhưng vẫn có kẻ coi vung bằng trời.

Dù vậy, kẻ sĩ chưa chết. Tinh thần và khí phách của kẻ sĩ Bắc Hà chưa chết và sẽ không chết. Roi tẩm thuốc độc của Đặng Trần Thường chỉ giết được thể xác một Ngô Thời Nhiệm chứ không nhục mạ được tinh thần kẻ sĩ. Hơn bao giờ hết, trên con đường dẫn tới một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, xã hội vẫn cần một tinh thần phản biện kẻ sĩ, khí phách không nhân lượng với cái ác của kẻ sĩ. Không thể tưởng tượng được một xã hội không còn kẻ sĩ dù trong số họ hoặc trong mỗi người không phải bao giờ cũng loại trừ được những cái dở, cái hèn, cái bàng quan.

Cô đơn luôn đồng hành một cách tự nhiên với những người nhìn thấy trước và mạnh dạn bước lên trước thời đại. Có câu nói: “Nguy hiểm nhất là người chỉ đọc một cuốn sách”. Nhưng còn nguy hiểm hơn là những người được giao trọng trách trong xã hội, dắt dẫn dân chúng mà chưa từng đọc một cuốn sách. Vì thế, kẻ sĩ luôn vẫn là nguyên khí của mọi thời.

N.Q.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn