Giáo dục cho trẻ thiếu niên

Lời người dịch

Trong những năm tháng gần đây, vấn đề cải cách giáo dục tại Việt Nam đã và đang được thảo luận và góp ý sôi nổi. Dư luận đặc biệt chú trọng đến vấn đề quản lý giáo dục, giáo viên, chương trình, và sách giáo khoa, nhất là ở cấp Trung học. Trong tinh thần đóng góp ý kiến cho đề mục "Khai dân trí. Chấn dân khí" chúng tôi xin giới thiệu một cái nhìn khác của B.S. Maria Montessori về việc giáo dục trong giai đoạn phát triển của con người ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Bài phát biểu được trình bày trong khuôn khổ của một khóa huấn luyện cho giáo viên mầm non của bác sĩ Montessori tại Ấn độ vào khoảng năm 1942 khi bà đang sống lưu vong tại đây trong thời Thế Chiến thứ Hai. Độc giả có thể nhận xét rằng vài ý tưởng trong bài giảng ngày nay đã trở thành khá quen thuộc với chúng ta nhưng vào thời ấy lại có tính cải cách. Lạ lùng thay, vài chi tiết được đưa ra cách đây hơn sáu mươi năm dường như vẫn còn phản ảnh một hiện trạng ở nhiều nơi và thực tế là rõ ràng nhất ở Việt Nam.

Một mô hình giáo dục cho tuổi thiếu niên, sau năm 12 tuổi, đã được bà đề xuất vào thời kỳ ấy và nay đã trở thành hiện thực và sau 10 năm thực nghiệm tại Mỹ đã được chính thức đưa vào chương trình giáo dục Montessori Erdkinder cho cấp Trung học. Ý tưởng tương tự hình như đã được ứng dụng đâu đó với một hình thức và tên gọi khác. Nói một cách tóm tắt, sau giai đoạn tiểu học rất năng động ở chương trình Montessori (cho tuổi 6-12 tuổi), đứa trẻ nên 'học tập' trong một chương trình ứng dụng vào đời sống thực tiễn, xa gia đình, ít nhất trong ba năm, tốt nhất là sống và lao động và sản xuất giữa thiên nhiên trong một nông trại mẫu. Đó là thời gian và không gian mở cần thiết cho đứa trẻ chuẩn bị về mặt thể chất, tâm lý và kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn để bước vào môi trường và đời sống xã hội, như một thành viên có khả năng đóng góp tích cực và hiệu quả cho xã hội của mình. Ý tưởng về một chương trình giáo dục như vậy được trình bày và lý giải một cách vắn tắt trong bài được chuyển ngữ đính kèm.

Luận về giáo dục ở tuổi thiếu niên

B.S. Maria Montessori

Nghiêm Phương Mai chuyển ngữ

(Kodaikanal, Ấn Độ, khoảng năm 1942)

Ngày hôm trước chúng tôi đã nói rằng sau thời kỳ mà chúng tôi đã miêu tả, có một thời kỳ khác, thời của tuổi thiếu niên, mà trong khóa học này chúng ta sẽ không xem xét đến.

Đó là sau năm 12 tuổi. Các biến đổi xảy ra trong các năm này, từ lúc này sang lúc khác, không dễ nhận ra. Thời kỳ này vô cùng đáng quan tâm, cả về phương diện giáo dục cũng như tâm lý học ngày nay, và nhiều cuộc khảo sát cũng như nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện về lứa tuổi này.

Thời kỳ này trong đời sống của đứa trẻ đã gây ra một vấn đề ở cấp trung học (phổ thông). Thật ra nó không phải là một vấn đề của cấp trung học đệ nhất (cơ sở) hay đệ nhị cấp (phổ thông). Trước đó, cái đã là chuyện của nhà trường, là việc chăm sóc trẻ em trong thời gian mà những sự thay đổi lớn lao đã xảy ra trong cơ thể của chúng. Thực ra điều này không liên quan gì đế nhà trường. Cái vấn đề mà người ta đã hình dung ra ở nhà trường là cái gì hoàn toàn giả tạo. Họ vẫn tiếp tục giảng dạy như trước và không để ý gì đến cái tâm lý của cá nhân đứa trẻ đang trải qua một cơn khủng hoảng trong đời sống của nó. Chỉ khi nào có điều gì nổi bật xảy ra thì người lớn mới chú ý đến tâm lý của đứa trẻ. Giờ đây các cuộc nghiên cứu được thực hiện ở các trường khác nhau lại không nhất thiết là đã được thực hiện trong giai đoạn này trong cuộc sống của đứa trẻ. Các cuộc nghiên cứu được thực hiện là với các trẻ em từ 6 đến 12 tuổi. Nhằm để khi đứa trẻ rời khỏi trường ở tuổi 12, nhà trường không còn liên quan gì đến đời sống của chúng. Điều này cho thấy là cái vấn đề mà các nhà giáo và cha mẹ tin rằng đó là một vấn đề của các trường trung học đã trở thành không hề hiện hữu.

Mặc dù không có vấn đề gì về giảng dạy, nó là một vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống, và vấn đề này đã thể hiện độc lập với học đường. Như chúng tôi đã nói lúc trước, thực tế rằng cá thể thể hiện một sự tái sinh về phần tâm hồn, đã hé lộ một trong những giai đoạn sơ khai của sự tăng trưởng. Sự phát triển này ở đứa trẻ là rộng lớn và nhanh chóng và nó song song với giai đoạn phát triển đầu tiên.

Ý tưởng đầu tiên hiện ra trong tâm trí của chúng ta là cái thực tại về sự phát triển về giới tính. Ở nước chúng ta, chúng ta nghe nói nhiều về vấn đề liên quan đến thực tại này, nhưng nó không có gì là hấp dẫn. Nó chỉ đáng quan tâm khi nào chúng ta xét đến việc đứa trẻ đã được giáo dục theo đường lối nào. Nhưng đây không phải là một vấn đề, bởi nó là sự phát triển đơn giản của cái gì là tự nhiên. Nếu có ai muốn học biết các chuyện này thì họ có thể học được trong vòng năm phút, thế tại sao nó phải là một vấn đề của trường trung học phổ thông (đệ nhị cấp). Nhìn chung đứa trẻ cá thể biết nhiều về những chuyện này hơn là những gì có thể được kể cho nghe trong vòng năm phút. Nên thực tại có thể được xem xét đến, nhưng nó có lẽ không phải là một vấn đề.

Thực tế này trong giáo dục có thể được triển khai một cách trang trọng nhưng nó phải là một phần trong toàn thể sự giáo dục. Cái điều kỳ diệu này phải được minh họa và trình bày cho đứa trẻ. Nó tựa như cái hoa này (hoa sen_ND) đang tàn đi một cách nhanh chóng và dễ dàng, vậy mà nó vẫn mọc lên hàng năm và qua hàng thế kỷ, và chúng mọc đầy dưới nước, bởi chúng luôn tự tái hồi sinh. Người Ai Cập (của nền văn minh Ai Cập cổ đại_ND) đã ngự trị qua hàng ngàn năm, và họ đã qua đi và biến mất đã hàng ngàn năm, nhưng bông hoa này, đã là bông hoa tô điểm chính của người Ai Cập , vẫn đang làm vui mắt và óc tượng tượng của chúng ta tại Kodaikanal. Đây là một cái gì vĩnh viễn và vĩnh cửu và đó là một thực tế, và đó là một thực tại phải được triển khai. Sự sống là vĩnh cửu, và điều này biểu trưng cho Đấng Thần Thánh trong thực tại sáng tạo này, và nó có thể được triển khai để cho cá nhân chú trọng vào, trong sự phát triển của cá nhân như là một tổng thể. Đây chỉ là một phần mà chúng ta phải chú tâm đến.

Có một phần khác cũng thú vị mà chúng ta phải xét đến ngày hôm nay. Phần này bao gồm cả khía cạnh thể chất lẫn tâm lý của bản chất của con người, và nó là cái mà các hệ quả thời kỳ này kéo dài trong một thời gian dài do sự phát triển các các tuyến sinh dục, chúng tạo ra một sự nội tiết làm kích hoạt các tuyến khác. Các tuyến này trở thành hoạt động và gửi ra các tín hiệu của chúng thông qua các thể dịch trong cơ thể, và do đó có sự tăng trưởng nhanh chóng và hình thể bên ngoài được xác định. Nên ở một tuổi nào đó, trong thời gian này, các chi tăng trưởng hơn ngực, và ở môt thời kỳ khác, thì ngực lớn nhanh hơn, trong khi vào một thời kỳ khác nữa là khuôn mặt và rồi một lúc khác là giọng nói bị bể tiếng. Cho nên chúng ta có thể thấy rằng có một sự biến hóa to lớn trong toàn bộ cơ thể có một tính chất quan trọng to lớn.

Đi chung với sự thay đổi của cơ thể là một sự thay đổi tương ứng về tâm lý. Tất cả chúng ta đều biết rằng nếu, vì lý do nào đó, sự trưởng thành này không xảy ra, thân thể không lớn lên và trí khôn bị teo đi. Sức mạnh của cá tính, luôn được chiêm ngưỡng ở người nam, được phát triển trong mối tương quan với điều này. Và cái phần đặc biệt kỳ diệu là sự phát triển của các cảm xúc. Điều này thể hiện một vấn đề tâm lý liên quan đến giáo dục và nó cũng liên quan đến sự bảo vệ cho cá thể trong thời kỳ phát triển này, bởi đây là một thời kỳ phát triển nhanh chóng và sự chăm sóc cũng cần thiết như trong bất kỳ giai đoạn phát triển nhanh tương tự. Trong bất kỳ giai đọan phát triển nhanh nào, các cơ quan đều trở thành yếu ớt và do đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của cá thể. Biểu đồ cho chúng ta thấy sự trưởng thành của một cá thể cũng diễn ra nhanh trong giai đoạn dậy thì như trong giai đoạn đầu tiên của cuộc sống của nó khi mới sinh ra, và chính trong giai đoạn dậy thì này, có một sự phát triển rất nhanh về đời sống tâm lý có thể so sánh được với sự phát triển của não bộ trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. Cũng giống như sự phát triển nhanh chóng của bộ não trong thời kỳ đầu của cuộc đời thì cũng có một cái gì song song về mặt tâm lý trong thời kỳ dậy thì, đó là một sự phát triển nội tại của tâm thức. Đây là một cái gì tuyệt vời đến độ khó ta nhớ lại được nó trong toàn bộ sự lớn lao của nó.

Một đứa trẻ ở tuổi này khó mà diễn đạt được những gì đang xảy ra trong người nó bằng những ngôn từ thích đáng và người lớn khó mà hiểu dược đứa trẻ ở lứa tuổi này. Đời sống tâm lý này không được thể hiện với một nguồn năng lượng hay một mức hoạt động lớn hơn trong học tập. Chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng điều tự nhiên là tâm trí của đứa trẻ sẽ trở nên hăng hái hơn và đứa trẻ sẽ hăng say làm việc hơn trong thời kỳ phát triển trí óc này. Nhưng không phải là như vậy, bởi đứa trẻ trong thời niên thiếu này cho thấy rằng chúng mất hết hứng thú trong việc học tập và chúng không có thể chịu đựng bất kỳ sự căng thẳng nào về trí óc, thực vậy, học hành dường như là một chuyện mà chúng phải cố gắng lắm mới làm được.

Điều còn đáng kinh ngạc hơn là cái cá thể này không còn có khả năng tự thích ứng với cùng cái môi trường mà trước đó nó đã chấp nhận. Một điều khác nữa là đứa trẻ không còn biết nó đang nghĩ gì, và nó không biết cái gì đang khuấy động tâm tư của nó. Do đó chúng ta kết luận rằng cái nhà trường nơi nó đang được dạy dỗ không còn thích hợp với tình trạng mới này. Chúng ta thấy đứa trẻ không còn học tốt như nó thường làm và bây giờ nó phải cố gắng hết sức mới học được và thứ đến, chúng ta để ý nhận thấy là đứa trẻ trở thành yếu đuối hơn nhiều.

Cũng trong thời kỳ này, còn có thêm cái khó khăn để tìm kiếm những phương tiện qua đó nó có thể tự thích nghi với môi trường của gia đình. Điều không xảy ra, và cái mà chúng ta hẳn tưởng tượng ra như là một hệ quả tự nhiên của sự trưởng thành về mặt tính dục, là rằng đứa trẻ chắc sẽ bị người khác phái thu hút. Điều lạ lùng là trong thời kỳ này của đời sống, đứa trẻ hết sức cố tránh xa cái giới kia càng nhiều càng tốt, và rất ngại ngùng việc gặp gỡ người khác phái. Chuyện là như thế trong giai đoạn này. Đứa trẻ trở nên cộc lốc và khó chịu khi gặp người khác phái. Chuyện này có thể quan sát thấy ở các trường học chung cho cả hai phái, nơi mà con trai và con gái hình thành những nhóm riêng rẽ thay vì trà trộn với nhau như chúng đã làm lúc trước. Điều này kéo dài một khoảng thời gian ngắn như thể tự nhiên mang đến sự trưởng thành này cho riêng từng cá thể. Có vẻ như một sự hoàn thiện nội tại nào đó đã đang diễn ra trong người nam và người nữ, và sau khi điều này được hoàn tất, họ lại gặp nhau. Trong giai đoạn phân cách này, tình yêu cho cái đẹp và các sự trang điểm được phát triển tốt, nếu có thể, và mỗi cá thể tự hoàn thiện bản thân. Điều này cũng giống như ở các loài động vật, như chim chóc và côn trùng tự trang sức đẹp đẽ cho chúng, với những màu sắc rực rỡ trước khi ra khỏi giai đoạn crystalline trong veo (như loài côn trùng) Đây là một nhân tố chuẩn bị cho tính dục và là do sự phát triển của các cơ quan sinh dục. Nhưng điều không có liên quan gì đến việc này là sự thanh cao của tính mẫn cảm trong tâm hồn của người nam và người nữ, và họ có cảm xúc sâu sắc hơn lúc trước. Đó là do cảm xúc mãnh liệt về cái đẹp và cái tốt của các chi tiết của cá thể và môi trường, là nguyên nhân của thi ca và nghệ thuật và là nguồn cảm hứng cho những người khác là kẻ thấy và đọc, tùy theo trường hợp. Và điều lạ là nói rằng tất cả cái đẹp và nghệ thuật và văn chương không bao giờ là do các hoạn quan sáng tạo ra!

Nên chúng ta thấy rằng trong giai đoạn này một đời sống tâm lý mãnh liệt được phát triển. Mối quan hệ giữa thanh niên và thanh nữ, với cái tột đỉnh trong hôn nhân tự nhiên diễn ra khi giai đoạn này kết thúc, lúc người này cảm nhận được một sự cuốn hút từ người kia và đây là động lực lôi cuốn họ lại gần với nhau.

Có một điều đáng kinh ngạc khác trong thời kỳ này và đó là việc đứa trẻ muốn tỏa sáng trước mặt người khác trong bất kỳ chuyện gì nó làm, và cảm xúc này không phải chỉ dành riêng cho nó mà còn cho gia đình của nó nữa! Trẻ luôn muốn thấy cha mẹ phải ăn mặc chu đáo và được mọi người khâm phục bất kỳ ở nơi nào họ đến, và nó rất nhạy cảm đối với tất cả chuyện này, nhiều đến độ nếu cha mẹ không có được cái chuẩn mực mà nó mong đợi , đứa trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ về cha mẹ nó! Nhưng cái nó tìm ra thì nó phải có cho được, và đây là một nhu cầu cơ bản trong thời kỳ này của cuộc đời của nó, rằng dù các điều kiện có như thế nào đi nữa, và chuyện này thực sự không dễ dàng ở trong gia đình, đó là trẻ muốn được ở một mình, và nó tìm kiếm và khát khao sự cô độc.

Tiềm thức đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Mọi sự xảy ra trong tiềm thức và chính trong tiềm thức mà người nam và người nữ đạt tới sự trưởng thành của họ cả về mặt cảm xúc cũng như tư duy, đó là một điều gây ngạc nhiên cho chính bản thân họ. Những sự kiện mang tính tiềm thức xảy ra như một điều đáng ngạc nhiên và ngỡ ngàng kỳ diệu cho cá nhân khi chính họ tự khám phá ra chúng. Trước tiên, họ cảm thấy như mình đang trên biển, họ lo lắng và không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho bản thân! Họ cảm thấy có sự ao ước được trở thành một người hùng và sống xứng đáng với một cái lý tưởng.

Ngày nay, người ta nói nhiệm vụ của người lớn là trợ giúp cho đứa trẻ hiểu được bản thân. Nhưng về thực tiễn thì làm sao làm được việc này? Làm sao người lớn có thể hỗ trợ cho một sự chuyển hóa hoàn toàn của cái bản chất nội tại của đứa trẻ? Và chúng ta biết rõ là sự chuyển hóa bên trong này thực sự có diễn ra. Trước hết, chúng ta hãy xem xét cái giai đoạn từ 12 đến 15 tuổi.

Như tôi đã nói trước đó, trong thời kỳ này, các xu hướng tội ác trong con người thường xuất hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả đều trở thành ác nhân. Chỉ là vì những người nghiên cứu về các kẻ tội phạm đã tìm thấy rằng các xu hướng này xuất phát trong thời kỳ này. Cho nên trong lúc sự phát triển mạnh mẽ về tâm lý này xảy ra, khi môi trường không thích hợp cho sự phát triển này và trong một môi trường khép kín, thì các hình thái biến thể này bộc lộ ra. Các sự lệch lạc ra khỏi sự bình thường này bị gây ra bởi thực tế rằng đứa trẻ thấy không thể nào thích nghi bản thân với môi trường của nó. Nên người lớn phải giúp cho đứa trẻ tự thích ứng với môi trường của nó.

Vì thế chúng ta nên ghi nhớ lấy hai điều, một là đứa trẻ trở thành yếu đuối hơn, về mặt thể chất, và dễ dàng mắc phải bất kỳ bệnh tật nào, nhất là, bệnh lao phổi và điều kia là những sự lệch lạc về mặt đạo đức có thể xảy ra trong đứa trẻ trong thời kỳ này của cuộc đời của nó. Có nghĩa là đứa trẻ có thể dễ bị bệnh tâm lý và vì thế có những trường hợp điển hình lạ lùng nhất có thể tìm thấy trong thời kỳ này. Đồng thời nếu chúng ta khảo sát cuộc đời của một người thành công trong cuộc sống, thì chúng ta nhận thấy rằng chính trong thời kỳ này của cuộc đời của họ mà những hạt giống ước mơ của họ đã đâm chồi mọc rễ. Chúng ta biết là trong thời kỳ này đứa trẻ bắt đầu vẽ vời, làm thơ và thực hiện những việc độc đáo và chúng ta có thể gọi giai đọan này là thời kỳ của năng khiếu, khi ta có thể khám phá ra tài năng của đứa trẻ. Có bao nhiêu đứa trẻ ở nước ta muốn trở thành nữ tu hay linh mục, bởi có một tinh thần tâm linh, một tinh thần tận hiến cho hạnh phúc chung của nhân loại. Ở đây ta thực sự nhìn thấy mỗi cá thể khác với cá thể khác, do mỗi người có khuynh hướng khác nhau, nhưng luôn luôn là một điều gì đó để phục vụ Nhân loại.

Vì vậy chúng ta có thể nói rằng có một thời kỳ cô độc, gắn bó với chính bản ngã của mình, hay thời kỳ hướng nội như các nhà tâm lý đã gọi như vậy. Ở đây cũng có một sự song song giữa thời kỳ đầu tiên của cuộc đời, khi đứa trẻ muốn lôi cuốn người khác đến với nó và khi nó được xem là một kẻ vị kỷ. Một điều tương tự xảy ra trong giai đọan sau này và cá nhân nhận thấy có một sự thay đổi to lớn xảy ra trong bản thân nó, trong đó có hành vi ứng xử của nó. Theo thông thường, đây là điều khiến người ta chú ý nhiều đến đứa trẻ. Nếu ta phải tuân thủ một số quy tắc nào đó, thì ta cần phải có rất nhiều tự do. Ở một nước nơi mà cá nhân có thể có tự do thì đứa trẻ phát triển bình thường, nhưng nếu đứa trẻ có một số xu hướng mạnh mẽ để làm điều gì mà lại bị ngăn cấm thì các xu hướng này không bộc lộ ra. Do đó các quan sát về hành vi của trẻ em ở tuổi này được thực hiện ở nước Mỹ nói chung là nơi có một sự tự do nào đó.

Ta không thể nào sống ở một nơi mà các khuynh hướng tự nhiên của mình bị ức chế, và chính vì vậy mà một số lớn các em trai ở Mỹ đã bỏ nhà ra đi. Đó là một vấn nạn khi các cậu bé trai biến mất! Tuy nhiên cuối cùng thì chúng cũng bị tìm ra, và người ta thấy rằng không có ai xui khiến chúng bỏ nhà đi cả, nhưng chúng đã làm như vậy là do chúng đồng lòng với nhau, và chúng đã lên kế hoạch và đưa nó vào thực hành. Không chỉ có trẻ em nhà nghèo mà còn có trẻ em từ các gia đình giàu có nữa, nơi mà ta có thể tìm thấy các điều kiện sinh sống tốt đẹp nhất và là nơi mà bọn trẻ lẽ ra phải cảm thấy hạnh phúc. Thật đáng ngạc nhiên khi một đứa trẻ ở Mỹ được cung cấp thật nhiều và có thật nhiều thứ để hưởng mà lại có xu hướng bỏ nhà ra đi như thế.

Một chuyện khác mà chúng tôi cũng tìm thấy ở Mỹ. Đó là có nhiều người bây giờ rất nổi tiếng, như các đại gia về kinh doanh và nhà khoa học như Ford và Edison, họ bắt đầu với một cuộc sống nghèo khổ và do đó họ đã có một nhận thức lớn về sự tự do trong lúc ở độ tuổi trưởng thành này, khi cuốc bộ trên đường phố và bán báo dạo, v.v... và tự mưu sinh. Vậy thì có một mối tương quan thực sự giữa sự thành công và sự tự do trong thời kỳ này.

Một điều thú vị khác là cái nguyên nhân của sự biến mất khỏi gia đình của các cậu bé trai. Sau hai hay ba tháng người ta tìm thấy chúng ở chung trong một nhóm nhỏ và chúng đã thành lập cái xã hội riêng của chúng và đang thu nhập được vài xu! Chúng đã lập ra một ban nhạc nhỏ, và chúng chơi nhạc tại các quán cà phê và tiệm ăn nhỏ nơi mà các chủ tiệm không cần đi tìm những nhạc sĩ hay. Trong đám trẻ có một em trai có thể chơi kèn saxô rất hay và thiên hạ không thể hiểu tại sao nó bỏ nhà ra đi để chơi kèn trong một quán cà phê! Em trai này thì lại tự hào vì đã làm ra được một đô! Nó là con trai của một ông triệu phú, và nó không thiếu tiền, nhưng điều đã mang đến cho nó cái nhân phẩm và khiến nó cảm thấy hãnh diện là vì nó đã có thể tự mình làm ra tiền của nó với chính sự lao động tốt của nó! Việc điều tra thêm nữa soi rọi ánh sáng lên vấn đề này và người ta tìm thấy rằng đứa trẻ trốn xa gia đình nhằm để có được sự tự lập về mặt kinh tế. Đây không phải là vấn đề làm ra tiền khiến chúng trốn đi khỏi nhà, mà là để biết rằng và ý thức được rằng chúng có thể tự mình làm ra tiền. Chúng cho rằng chuyện nay là điều hay, thế nên chuyện này cũng là điều gì xây dựng nên nhân cách của đứa trẻ, là động lực thúc đẩy sự độc lập về mặt kinh tế. Một số trẻ em và những người đàn ông và phụ nữ cảm thấy sự thôi thúc được độc lập về kinh tế và không được thỏa mãn, thì họ thường có xu hướng làm ra tiền bằng cách đánh cắp. Đứa trẻ bước vào xã hội phải đi vào xã hội như một thành viên hữu ích và có hiệu năng sản xuất. Chính trong thời kỳ này, trong lúc đời sống tính dục của đứa trẻ đang được phát triển, mà động lực làm ra tiền do chính nỗ lực của bản thân xuất hiện như một sự chuẩn bị cho cá nhân bởi thiên nhiên.

Một thực tại đáng ngạc nhiên khác đã được khám phá ra ở Mỹ châu là rằng những em trai đã được cung cấp cho cái cơ hội để làm việc và sống tự túc luôn đứng nhất ở Đại học và Trung học, có nghĩa là các em này lao động trong giờ rãnh và thời gian còn lại thì chúng học tập. Rất nhiều thứ đang được thực hiện tại Mỹ châu trong lĩnh vực này và đứa trẻ được phép có sinh kế trong khi học tập. Điều này ban đầu được thực hiện cho con nhà nghèo, nhưng nó quá thành công và họ thấy rằng trẻ em nào tự đi làm để sinh sống trở thành thông minh hơn trong học tập, đến độ các nhà tâm lý đã nghĩ rằng tốt hơn hết ta nên cho tất cả các trẻ em được có cái cơ hội để làm như vậy. Chuyện này không những tốt cho những em phải đi làm để tự kiếm sống, mà còn cho các trẻ em khác nữa, bởi vì về mặt tâm lý, tất cả đều cần được thành công.

Bây giờ chúng ta sẽ thấy kiểu giáo dục nào là cần thiết cho lứa tuổi này. Ba năm đầu tiên là những năm mà các cảm xúc mạnh được phát triển và các năm này thể hiện một sự nguy hiểm cho cuộc sống. Nơi mà chúng ta chắc chắn về cái một môi trường về trí thức, mà ta không tìm thấy được ở nhà trường, chúng ta cũng phải làm cho chắc chắn rằng sẽ có được sự thích ứng bên trong đối với môi trường này. Do đó phải có sự tự do trong thời gian này và không phải là cái tự do mà cá thể đã hưởng lúc trước, nhưng mà là tự do để chọn lựa các bài học của mình, tự do đi ra ngoài với bạn bè, không những chỉ có điều đó, mà còn là một sự tự do rộng rãi hơn nhiều. Cho nên đứa trẻ không nên bị gửi đến trường trong vòng ba năm đó mà cần được nghĩ hè ba năm! Chính vì vậy mà tại sao chúng tôi đã có sự huấn luyện gắt gao giữa các năm từ 6 đến 12 tuổi. Đứa trẻ không nên bị cột chặt vào việc làm này hay việc khác, bởi chúng ta phải chú trọng đến tiềm thức của đứa trẻ đang tìm cách để thể hiện, và rằng sự suy niệm sẽ phơi mở cho thấy tất cả những cái gì nằm trong tiềm thức của đứa trẻ. Đã có quá nhiều điều được tích lũy trong tâm trí của đứa trẻ trong thời gian trước đó, và nó cần sự cô độc này trong ba năm trời nhằm để mang ra ngoài tất cả những gì nó đã học .

Để cho đứa trẻ rời khỏi gia đình trong thời gian này hầu như là một điều thiết yếu. Tuy nhiên, đây không phải là việc bỏ rơi đứa trẻ, mà là chúng ta phải có một quan niệm khác về giáo dục, thay vì chỉ là về học đường. Điều này cũng sẽ trợ giúp cho đứa trẻ về mặt thể chất. Tôi chợt có ý tưởng rằng đứa trẻ phải có thể đi xa đến một ngôi trường đặc biệt ở thôn quê, xa khỏi thành phố, và trong cái trường này đứa trẻ được giao cho một loại công việc lao động nào đó, và lao động này phải được trả công. Theo kiểu này, đứa trẻ trở nên hứng thú đồng thời tự lập về mặt kinh tế. Có nhiều thứ hơn việc này nữa là cần thiết để hướng dẫn đứa trẻ trong thời kỳ này. Ta kiếm được miếng ăn bằng cách nào? Đó là bằng cách lao động cho xã hội, và bằng cách tạo ra cái gì có ích. Ý tưởng này đã đến với tôi, đặc biệt khi tôi ở Đức, và vì thế cái thể chế này được đặt cho cái tên bằng tiếng Đức có nghĩa là "Trẻ em của Đất " (Erdkinder_ND), và đương nhiên, cái ý tưởng đầu tiên đã là để canh tác đất đai. Đó là nông nghiệp, nhưng không phải theo lối chúng ta hiểu, mà nó là cái gì đặc biệt và rất khoa học - một mô hình nông trại mẫu ở đó trẻ em có thể lao động. Đây chính là nơi trẻ em có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn cái tri thức của chúng về khoa học mà chúng đã thụ đắc trong những năm trước trong đời, tri thức của chúng về các môn Thực vật học, Động vật học, Vật lý và Hóa học, tâm lý động vật v.v... Ví dụ như ở Hòa Lan, phân bón cho rau cải nay đã được sản xuất một cách khoa học, và được sử dụng thay cho phân động vật bởi nó hiệu quả hơn. Ngoài ra còn có sự ứng dụng điện lực vào nông nghiệp, và các chất vitamin được duy trì ở trạng thái ẩm và tươi bằng phương tiện điện lực! Những điều này là những ý tưởng khoa học mới mẽ và đứa trẻ trở thành rất hứng thú với nông nghiệp và tiếp thu được nhiều sự thỏa mãn về khoa học trong thời gian này, đồng thời với sự hài lòng vì đã biết tự kiếm sống.

Nông trại mang lại nhiều thu nhập khi được vận hành theo đường lối khoa học. Và ở Hòa Lan chuyện này đã được nghiên cứu và người ta thấy rằng năm đứa trẻ có thể làm công việc của một người đàn ông mà không quá mỏi mệt, cho nên 500 đứa trẻ thì có thể làm công việc của 100 người đàn ông. Rồi các em học tập, nhưng trong việc học hỏi, các em hoàn toàn được tự do, và các em có thể tự mình theo đuổi bất cứ điều gì các em thích. Các buổi giảng dạy rất hay về các đề tài khác nhau được cung cấp cho các em, giúp cho chúng có được một tầm nhìn đích thực về thế giới. Tất cả chúng ta đều biết rằng sự phát triển nội tâm của đứa trẻ được hỗ trợ rất nhiều bởi sự lao động trong nghề, và cuộc sống giữa thiên nhiên cũng giúp ích cho sự phát triển cá nhân. Vậy thì, đây là một ngôi trường nơi tư duy của đứa trẻ được nâng cao bay bổng bởi các bài giảng này, và đứa trẻ được có cái nhận thức về cái kế hoạch của vũ trụ và đồng thời với sự ứng dụng của khoa học.

Cho nên ba năm này là ba năm nghĩ hè và cũng là ba năm với sự thỏa mãn mãnh liệt, nói về mặt tinh thần. Điều đáng ngạc nhiên là thấy các em trai có những xu hướng về những nghề nghiệp khác nhau. Đương nhiên là chúng ta không thể nói đến tất cả các nghề khác nhau mà các em trai sẽ chọn đi vào nhưng chúng tôi sẽ kể ra một ít nghề trong số đó. Quản lý một nhà nghỉ nơi mà các cha mẹ có thể đến ở một thời gian với các em. Chuyện này là một điều độc đáo và đám con trai trở nên hăng hái được phục vụ phụ huynh của chúng, và các em ca hát trong lúc phục vụ, như các ca sĩ hát rong thời xưa. Rồi các em mở quán cà phê. Chúng nấu nướng những món đặc biệt cho phụ huynh khi họ đến ở thăm chúng. Các em không hề xấu hổ vì bất kỳ việc làm nào. Các em bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật rất đẹp. và chúng bắt đầu khai khẩn đất đai và buôn bán sản phẩm của nông trại. Chúng cũng làm ra các món trang trí, nên mọi năng khiếu của chúng đều được phát triển. Có rất nhiều cách mà ta có thể làm việc trong xã hội, và ta chỉ làm ra tiền khi nào ta đã thực sự trở nên hữu ích. Cho nên đây là cách để bước vào đời sống xã hội bằng cách bắt đầu lao động với đất đai hay nối kết với đất đai.

Đồng thời với lúc đứa trẻ sản xuất thì nó cũng học tập, và theo cách này sự hỗ trợ được trao cho đứa trẻ để nó tự thích nghi với môi trường. Các chi tiết này chỉ là một cái nhìn thoáng qua của cái sẽ xảy đến sau này. Tôi đã viết một tập sách nhỏ về đề tài này nhưng sẽ không đề cập đến ở đây. Các cuộc viếng thăm được tổ chức và các trẻ em được đưa đến gặp các nhóm công nhân hay nhân viên ở công xưởng khác nhau, v.v. và chúng sống với họ và giúp họ trong công việc, và vì thế chúng nhận thức được cái tư duy và tâm lý của những người này. Rồi chúng đi giúp các ngư dân và ở lại trên tàu vào ban đêm, và đôi khi ở nhiều tuần trên đó. Vài đứa khác đi đến các nông trại , các nông trại nghèo hoặc đến các nông trại được tổ chức tốt và giúp việc ở đó. Nên các trẻ em này không những tự thích nghi với đất đai mà đời sống của những người khác nhau này và các nhu cầu của họ được minh hoạ và dạy cho các em qua các bài giảng mà chúng tiếp nhận. Do đó, chúng tiếp thu được kinh nghiệm thực tiễn cũng như cái viễn kiến về vũ trụ, và còn nhận được sự huấn luyện thực tiễn trong sự thích ứng với các điều kiện môi trường khác nhau, và đi sâu vào tâm lý và các điều kiện sinh sống của người lao động. Tất cả những điều này khiến trẻ em lớn lên mạnh khỏe, và có nhiều tiến bộ về mặt trí tuệ cũng như về tinh thần.

Đây là một loại trường nội trú mới, cách xa các thành phố. Ngày nay có nhiều nông trại mẫu được dùng làm trường học ở nhiều nơi. Thành lập các nông trại cho các em trai và các em gái là một điều thật sự lý tưởng. Một vị ở Hoa Lan đã bắt đầu với tay không và bây giờ ông ta có thể trả lương cho nhiều giáo viên bằng phương tiện này. Năng khiếu âm nhạc cũng được phát triển trong các trường này. Nông trại mẫu được quản lý bởi các nhà khoa học, và đứa trẻ chủ động tham gia vào việc áp dụng các phương pháp làm nông hiện đại.

Từ tất cả các chuyện này chúng tôi nghĩ đến vấn đề đưa ứng dụng vào xã hội. Các em có thời gian để học tập, nhưng chúng hoàn toàn tự do để học cái gì chúng thích và các phương tiện để làm như vậy được cung cấp cho chúng. Vì thế chúng tôi thấy vấn đề giáo dục không phải là vấn đề của các trường học mà là một vấn đề về xã hội. Nó là cái gì phải trang bị các phương tiện cho đời sống xã hội của đứa trẻ, cả trong thời kỳ trước cũng như trong thời kỳ này. Xã hội không nên chỉ chú trọng đến người lớn, mà còn phải chú ý đến sự có mặt của đời sống của những trẻ em là những kẻ sẽ trở thành người lớn sau này. Đây cũng không phải là vấn đề về mở trường mà là chuyện chuẩn bị trẻ em cho đời và giúp chúng thích nghi với cái thế giới này, và với các điều kiện xã hội. Làm sao mà một đứa trẻ có thể thích ứng với một môi trường phức tạp như vậy bằng cách sống khép kín trong một ngôi trường, hay một gia đình suốt cả cuộc đời của nó? Chuẩn bị cho đứa trẻ bước vào đời chỉ đơn thuần bằng cách kể cho nó nghe là có khả thi hay không? Đứa trẻ không được trao cho các phương tiện hay sự tự do để tự phát triển cả trong gia đình hay trong nhà trường. Nên vấn đề xã hội của giới trẻ trong một quốc gia thực sự là rất quan trọng, bởi tuổi trẻ một ngày kia sẽ thành những người nam và người nữ của thế hệ tương lai. Đây không phải là một vấn đề về quyền lợi công nhân hay thợ mỏ, mà nó liên quan đến toàn thể Nhân loại và tâm lý và nhân cách của cá nhân có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nên sự phát triển của cá thể phải được nghiên cứu, và nếu Nhân loại bị bỏ bê trong một trạng thái kém phát triển về mặt trí tuệ, thì thế hệ tương lai lớn lên trong sự ngu dốt. Lạ lùng rằng sự áp dụng của cái thực tế này lại được thực hiện thông qua sự nghiên cứu về Nhân loại với sự hỗ trợ của những bài trắc nghiệm về trí óc. Người ta đã tìm ra rằng sau tuổi 16 thì trí óc không còn phát triển nữa. Không có gì vô lý bằng chuyện này, nhưng thực tế là thực tế. Đã có nhiều trường hợp cho thấy sự phát triển của cá thể đã ngừng lại trước cả năm 16 tuổi. Đương nhiên, ta tiếp tục phát triển về mặt tri thức, nhưng nếu đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt và bị vàng vọt, thì sự phát triển trí óc của nó cũng bị chặn đứng và như thế thì chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai của nhân loại kém phát triển. Cá thể tiếp tục phát triển đến năm 18 tuổi về mặt thể chất cũng như tinh thần. Các sự chệch hướng xảy ra cho thấy rằng cá thể không được chăm sóc chu đáo. Sự điên loạn, đa phần, xuất phát từ tiềm thức, và ngày nay có môt con số khổng lồ về người bệnh tâm thần. Thống kê ở nước Mỹ cho thấy có 70.000 người điên vào bệnh viện tâm thần hằng năm, nên trong 10 năm nữa chắc hẳn sẽ có 700.000 người điên. Điều này đã xảy ra rất nhiều năm, và những người mắc bệnh tâm thần này gây ra khá nhiều tổn thất trong xã hội trước khi họ được công nhận là bị điên.

Tội phạm đang gia tăng đến mức ở Mỹ bây giờ có nhiều thẩm phán và tòa án pháp lý đặc biệt để xét xử các trẻ vị thành niên, hay cái mà chúng ta gọi là tòa án thanh thiếu niên. Tại đây có những đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi bị xét xử. Chúng ta phải ý thức rằng tất cả các tội phạm không phạm tội ác từ những năm rất sớm trong đời, nhưng đã trở thành như vậy trong cuộc sống về sau bởi vì họ không thể tự thích ứng với các điều kiện trong cái xã hội mà họ đang sống. Đây là một vấn đề xã hội và sẽ không được giải quyết chỉ đơn thuần bằng cách thay đổi các phương pháp giảng dạy trong các trường học ngày nay với cái môi trường khép kín của chúng. Giải pháp cho vấn nạn này nằm trong tay xã hội chứ không phải trong tay các giáo viên. Chính các giáo viên cũng là những kẻ đáng thương bị bỏ bên lề của xã hội. Không có gì đã được thực hiện cho giáo viên ngoại trừ chuyện cắt xén lương bổng của họ! Xã hội không đếm xỉa đến các nhà giáo này và đám trẻ, thế như toàn thể xã hội lệ thuộc vào cái nhóm xã hội thừa thãi này! Có điều gì phi lý hơn việc chuẩn bị các công dân cho tương lai trong một môi trường xã hội thừa thãi hay chăng! Điều nay cũng tàn ác và phi lý như chuyện chuẩn bị cho một người được đi bằng cách mỗi ngày bào bớt dần một ít da và xương của chân, và khi không còn đôi chân, lại nói với người ấy "Bây giờ anh có thể đi được rồi!" Làm sao khi người ta được nuôi nấng trong một môi trường khép kín, không được dạy gì về thế giới, có thể biết được cái gì về thế giới, hay trở nên một phần của xã hội được chứ? Đây là những người bị giữ trong bóng tối và sự ngu dốt, và đã không được phép phát triển. Đây là một chuyện khủng khiếp.

Thiên hạ không ý thức về thực tế này và không có khả năng để nhận ra vấn đề xung quanh chúng ta. Tất cả các vấn đề xã hội khác tùy thuộc vào cái vấn đề chính yếu này. Rao giảng về các sự vật là không có ích lợi gì cả. Các giáo viên không những là nạn nhân mà họ còn là những người quản ngục, tự nhốt mình và công việc của họ vào trong tù và công việc của họ là để áp chế sự phát triển của đám trẻ con! Trí thông minh của giới trẻ bị đàn áp. Nếu chúng ta chỉ cần hiểu ra rằng có cái gì đó đang thiếu xót, cái gì đó thiết yếu, thì khi đó có lẽ còn có hy vọng khắc phục được sự thiếu giáo dục trên thế giới. Nếu được dạy đúng cách thì đứa trẻ sẽ hé lộ cho thấy những điều kỳ diệu, và tôi đảm bảo với quí vị rằng một thế giới mới sẽ đến từ các sự khai minh phơi mở của tuổi trẻ của thời đại chớ không phải từ giới lãnh đạo cho ngày nay.

Dịch giả gửi BVN

© 2014 Nghiêm Phương Mai

Courtesy of Educateurs sans Frontières (AMI)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn