Báo chí Nhà nước Trung Quốc đưa ra một cảnh báo lạnh người đối với các giáo sư đại học

Jack Chang

Trần Ngọc Cư dịch từ http://news.yahoo.com/chinese-state-media-profs-chilling-warning-065430052.html

clip_image002

 

Bắc Kinh (AP) -- Suốt hai tuần lễ, Liêu Ninh Nhật báo [Liaoning Daily] của Đảng Cộng sản đã gửi ký giả đến nghe hàng chục bài giảng tại các đại học trên cả nước để kiểm chứng điều mà tờ báo này cho là các giáo sư đại học “đang có thái độ khinh thị đối với Trung Quốc.”

Trong các cuộc đến thăm để theo dõi tại hơn 20 đại học, tờ báo đã phát hiện ra điều mà tờ báo rêu rao là đang tìm kiếm: Một số giáo sư đã ví Mao Trạch Đông, lãnh tụ đầu tiên của Chính phủ cộng sản Trung Quốc, với các hoàng đế xưa của nước này, một phỉ báng đối với ý thức hệ của Đảng vốn tôn vinh Mao như một nhân vật đã đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến của Trung Quốc. Một số học giả khác bị bắt quả tang là đang vạch trần các thất bại của Đảng từ ngày lên nắm chính quyền vào năm 1949. Một số giáo sư lại liên tục ca ngợi các tư tưởng “phương Tây” như sự phân quyền trong chính phủ chẳng hạn.

“Thưa quí Giáo sư, vì nghiệp vụ của quí vị đòi hỏi một cái gì cao cả hơn cả bản thân của quí vị, và vì sự nghiêm trang và tính đặc thù của một lớp đại học, xin quí vị đừng ăn nói kiểu này về nước Trung Hoa!”, bài báo có giọng khẩn khoản và sau đó được phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc.

Các giáo sư Trung Quốc từ lâu đã chịu cảnh bị theo dõi và ở một mức độ nào đó bị Đảng xâm lo vào các đề tài chính trị, nhưng hình thức hạ nhục công khai này là chưa từng thấy trong lịch sử gần đây của Trung Quốc, Zhang Wen, một giáo sư báo chí tại Đại học Khoa học Công nghệ Bắc Kinh cho biết. Đối với một số trí thức, nó gợi dậy ký ức về các cuộc thanh trừng chính trị đẫm máu trong cuộc Cách mạng Văn hóa cách đây 40 năm.clip_image004

Từ khi lên cầm quyền năm ngoái, Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã siết chặt quyền kiểm soát đối với nhiều thành phần xã hội, từ nghệ sĩ đến các giáo hội. Và mặc dù theo truyền thống các giáo sư đại học được coi là những tiếng nói khả kính có thẩm quyền tri thức trong xã hội Trung Hoa, nhiều người đã coi việc điều tra này của Chính phủ là một mệnh lệnh phải theo dõi những gì các giáo sư phát biểu trong lớp học, Giáo sư Zhang giải thích.

“Tôi cho rằng đây là một điều rất tệ hại,” ông nói. “Giáo sư cần một chút tự do để lý giải các sự kiện. Nếu không, tại sao lại cần đến giáo sư? Sinh viên có thể chỉ đọc sách là đủ. Tôi nghĩ rằng rõ ràng đây là một cảnh báo đối với chúng tôi.”

Chỉ vài tháng sau khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm ngoái, nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra bảy đề tài các giáo sư không được bàn tới trong lớp học, như tính cách độc lập của tòa án, xã hội dân sự và sự giàu có của các quan chức chính phủ, theo Xia Yeliang, nguyên giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, người bị đuổi việc năm ngoái vì lên tiếng hậu thuẫn các cải cách dân chủ tại Trung Quốc.

Ngoài Giáo sư Xia ra, chí ít có hai giáo sư khác tại Bắc Kinh bị kỷ luật vì bàn đến các đề tài nhạy cảm trong bài giảng của mình, như Mùa Xuân Ả Rập và chủ nghĩa hiến định [constitutionalism] tại Trung Quốc, Giáo sư Zhang cho biết.

clip_image006

Giáo sư Kinh tế Ilham Tohti thậm chí còn lãnh án tù chung thân vào tháng Chín vừa qua về tội chủ trương ly khai, một phần vì ông bênh vực quyền của người thiểu số Uighur [Duy Ngô Nhĩ] theo Hồi giáo trong các bài giảng của mình tại Đại học Dân tộc Trung ương, Bắc Kinh. Bản án được một toà án cao hơn tán thành vào thứ Sáu tuần trước.

“Tôi không nghĩ có gì đáng hoài nghi về việc chúng tôi đang ở giữa một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến mới,” theo David Bandurski, một nhà nghiên cứu hiện làm việc trong Dự án Truyền thông Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, một dự án nghiên cứu việc hành nghề báo chí tại Trung Quốc. “Hình như Chính phủ đang có một nỗ lực rộng lớn nhằm hạn chế việc thảo luận một loạt vấn đề tại các đại học và trên báo chí mà Đảng cho là nhạy cảm.”

Áp lực ngày một gia tăng trên giới hàn lâm diễn ra vào lúc một số đại học Mỹ, kể cả Duke và Stanford, mở các khu học xá [campuses] tại Trung Quốc với hi vọng thu hút lượng sinh viên khổng lồ và đang gia tăng của nước này.

Năm ngoái, hơn 130 nhân viên giảng huấn tại Đại học Wellesley, Massachusetts, ký một thư cảnh báo rằng việc sa thải Giáo sư Xia có thể làm nguy hại đến một hợp đồng đối tác mới giữa đại học này và Đại học Bắc Kinh.

Một số đại học Mỹ, trong đó có Đại học Chicago và Đại học Penn State, đã chấm dứt quan hệ đối tác với Viện Khổng Tử do Chính phủ Trung Quốc quản lý; viện này đã mở chi nhánh tại hàng trăm đại học và trường học khắp thế giới. Nhiều giáo sư Mỹ than phiền rằng các giảng viên của các Viện Khổng Tử thường đưa ra một bức tranh màu hồng được Nhà nước phê chuẩn về Trung Quốc và họ được huấn luyện để tránh đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như Tây Tạng và cuộc thảm sát người biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

clip_image008

Bruce Lincoln, giáo sư môn Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Chicago, nói rằng ông và một số đồng nghiệp tại đây đã phản đối việc Viện Khổng Tử điều hành chương trình của mình một cách độc lập và mở các lớp lấy tín chỉ của trường [school credit].

“Nếu họ đối tác với một đại học Mỹ và… chủ động cung cấp giáo viên cũng như đưa ra chương trình, mà đại học ấy lại gọi đó là một trong những khóa học chính qui của mình, tôi nghĩ có một cái gì tồi tệ đang xảy ra,” Giáo sư Lincoln nói. “Việc này chẳng khác gì chúng ta cho phép công nghệ thuốc lá vào dạy các ngành y tế tại đây.”

Tại Trung Quốc, Liêu Ninh Nhật báo cũng châm ngòi một cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc về nhu cầu độc lập trí thức đối với tinh thần yêu nước trong giới hàn lâm.

Zhang Ming, một giáo sư khoa chính trị tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận xét trong một phản biện rằng bài báo không dẫn chứng giáo sư hay trường nào cụ thể, chỉ nói các ký giả đến thăm các lớp học tại Bắc Kinh, Thượng Hải và ba thành phố khác, trong thời gian đó “họ đã lắng nghe gần 100 bài giảng chuyên ngành.”

“Họ không cho biết ai đã nói gì, họ chỉ nói vấn đề là nghiêm trọng,” Giáo sư Zhang nhận định. “Thật là một chuyện rất lạ lùng.”

Ngoài ra, các giáo sư Trung Quốc còn thắc mắc tại sao bài báo này chỉ xuất hiện trên một chi nhánh của phương tiện truyền thông Nhà nước tại miền Đông Bắc mà không xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo hay trên một tờ báo cấp quốc gia khác. Vào hôm thứ Tư, Liêu Ninh Nhật báo từ chối bình luận về bài báo của họ.

Trong một bài viết, báo này cho biết họ đang phản ứng lại các tin tức cho biết nhiều giáo sư đại học đang “bôi đen” đất nước mình trong những bài giảng trước sinh viên.

“Chúng tôi cảm thấy chúng tôi phải viết lá thư ngỏ này để các giáo sư của chúng ta có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa các vấn đề như: Trung Quốc phải được giảng dạy như thế nào cho được khách quan và chính xác ở trong lớp học?” bài báo viết. “Bằng cách nào để dạy cho sinh viên vừa có kiến thức chuyên môn vừa có thái độ sáng suốt?”.

Theo Giáo sư Xia, hiện là một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Cato, một viện nghiên cứu chính sách có khuynh hướng tự do tại Mỹ, bài báo cho thấy Chính phủ Trung Quốc không còn che đậy những hành vi trước đây vốn luôn luôn được giữ kín hay những áp lực bất thành văn đối với giới hàn lâm. Ông nói đó là một động thái không thể chối cãi của Chính phủ nhằm hạn chế đặc quyền thảo luận công khai của một thành phần nhỏ nhoi trong xã hội mà cho đến nay vẫn hưởng được nhiều tự do hơn các thành phần khác.

“Theo cách hành xử này, họ đang ra sức khủng bố các học giả Trung Quốc,” Giáo sư Xia nhận định. “Việc này cũng giống như trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Nếu bạn có quan hệ với người nước ngoài, họ có thể cáo buộc bạn là chống Trung Quốc. Họ có thể đối xử với bạn như kẻ thù.”

J. C.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn