NÓI VỀ ĐẠO ĐỨC CHÍNH TRỊ (phần 1)

VÕ HƯNG THANH

Đạo đức chính trị mang ý nghĩa quan trọng nhất bởi vì chính trị làm nền tảng và bao quát nhất toàn bộ lãnh vực xã hội. Tính cách của chính trị quyết định cơ bản mọi tính chất khác của xã hội, do vậy đạo đức chính trị phải là ý nghĩa quan trọng nhất mà mọi người cần xem xét. Thế nhưng trước khi nói đến đạo đức chính trị phải trước hết xác định đạo đức là gì, nó có ý nghĩa và giá trị thật sự hay không trong xã hội, nguồn gốc của nó ở đâu, nền tảng và bản thân nó là gì, cũng như nó nhằm đến cái gì và hữu ích hay cần thiết ra sao, kế đến mới thấy được ý nghĩa hay yêu cầu của đạo đức chính trị là gì, mới là điều thiết thực nhất.

Quả vậy, ý nghĩa đạo đức là ý nghĩa của con người, về mặt cá nhân lẫn xã hội. Không có đạo đức theo nghĩa con người cá nhân cũng không thể có đạo đức về ý nghĩa xã hội hay ngược lại. Nói cách khác, đạo đức là ý nghĩa chung nhất của thế giới loài người, và tất yếu nó bao trùm từng cá thể hay cộng đồng người nói chung, tức cả mặt cá nhân lẫn mặt xã hội, không thể có cái này mà không có cái kia là điều hoàn toàn vô lý. Có nghĩa tính cách hay giá trị của đạo đức là tình cách và giá trị của nhân văn. Đạo đức là kết quả của sự tiến hóa lịch sử mà không là gì khác. Khi con người còn là thế giới loài vật trong giai đoạn sơ khai, tất nhiên không thể có vấn đề hay ý nghĩa đặt ra, tức không có tình chất hay nhu cầu đạo đức. Nhưng khi con người tiến hóa thành người, tạo nên xã hội nhân bản, văn minh, có văn hóa, tất nhiên đạo đức trở thành hiện hữu và không ngừng tiếp tục tiến bộ đi lên.

Cho nên nếu xã hội và con người mà suy thoái trong các hoàn cảnh hay điều kiện nào đó, dĩ nhiên đạo đức cũng bị vi phạm, bị suy thoái, bị phủ nhận, đó là ý nghĩa khách quan của đạo đức và là điều cần được mọi người nhận thức một cách đích thực nhất. Hay có thể nói cách khác, đạo đức luôn là sự tự nguyện của cá nhân và xã hội để sống cho ra người, cũng là điều bó buộc trong thế giới loài người, mà chính luân lý đạo đức theo truyền thống, theo tập tục tốt đẹp, theo thuần phong mỹ tục ở mỗi nơi do từ đời trước truyền lại, kết hợp với cả luật pháp mà xã hội tạo nên mỗi lúc, đó chính là ý nghĩa chung nhất của luật pháp mà không gì khác. Từ đó cũng có thể thấy được pháp luật không thể trái lại với đạo đức, vì đạo đức là yếu tố hay ý nghĩa khách quan, còn pháp luật có khi là chủ quan, nên đạo đức buộc phải là nền tảng của pháp luật mà không phải ngược lại, bởi nếu không có đạo đức, tất yếu cũng không thể có pháp luật, ý nghĩa của pháp luật là nhằm duy trì một xã hội đạo đức, phục vụ cho xã hội đạo đức để phát triển, chính trị nhất thiết không có ý nghĩa gì riêng biệt, tách biệt hay hoàn toàn độc lập tự thân của nó. Từ đó cũng thấy rằng chính trị thực chất cũng là một khía cạnh của pháp luật, tức chính trị nhằm xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật theo cách thực tiển hoặc định hướng cần thiết nào đó mà thực tế đặt ra mỗi lúc, có nghĩa chính trị chỉ là bề nổi của pháp luật, không thể vì lý do gì mà trái ngược hẳn lại với đạo đức truyền thống chung của xã hội gắn liền với nó, hay chính trị không thể nào phản bội hoặc tách biệt với đạo đức, là ý nghĩa của đạo đức chính trị mà chúng ta đang nói đến. Nói tóm lại, đạo đức trước hết là sự nhận thức, tính nhân văn, tính xã hội, mà nền tảng của nó trước tiên là sự tự giác, sau đó là sự bó buộc hay sự cưỡng chế khách quan từ nhiều mặt của xã hội, cả hai yếu tố đó đều không thể không có, bởi vì nó là điều kiện và ràng buộc lẫn nhau, nên thiếu một yếu tố nào đó đạo đức thực chất cũng đã bị lỏng khỏng, không thể khách quan, tự nhiên hoặc toàn vẹn. Có nghĩa từ tính chất ấy, đạo đức luôn luôn phải là sự đích thực, tức tính chân thực là bản thân đích thực, ý nghĩa và giá trị đúng đắn của đạo đức mà không thể nào khác. Cho nên đạo đức giả có nghĩa là phi đạo đức, tức đạo đức chỉ mang tính cách hình thức, trình diễn bề ngoài đương nhiên cũng hoàn toàn là không có đạo đức, cả mặt cá nhân lẫn mặt xã hội, cho nên chỉ có một ý nghĩa duy nhất là đạo đức phải là thật trên mọi phương diện hay mọi bình diện, trong đó kể cả hoặc nhất là đạo đức chính trị như trên kia đã nói.

1/ Chính trị là gì và đạo đức chính trị là thế nào?

Chính trị nói cho cùng là yêu cầu quản lý xã hội theo một chiều hướng, một mục đích, mục tiêu, một thực tế nào đòi hỏi theo một cách chung nhất. Chính trị như vậy hoàn toàn khác với hành chánh và pháp luật. Hành chánh là guồng máy điều hợp, quản trị các yếu tố cá nhân và xã hội theo những nguyên lý thống nhất, ổn định, lâu dài trong toàn thể một đất nước, một cộng đồng nào đó. Trong khi đó, pháp luật là những nguyên tắc chi phối, điều hòa về mặt pháp lý, nhằm hỗ trợ cho thực thể hành chánh và thực thể xã hội được hòa nhập và vận hành một cách tích cực, phù hợp cùng nhau. Hành chánh và pháp lý chỉ là hai mặt của một vấn đề, vấn đề vận hành của xã hội theo những yêu cầu cụ thể, khách quan của nó, nó gắn với trật tự, trị an, tức là chính trị nhưng không hẳn hoàn toàn đồng nhất với chính trị. Nói cách khác, chính trị có thể thay đổi, nhưng thường thì hành chánh và pháp luật là cơ bản có thể giữ nguyên không thay đổi, trừ khi đó là chính trị theo kiểu được gọi là cách mạng, tức là theo những cách đổi thay tuyệt đối nhất nếu không muốn nói là kiểu xóa bài làm lại ngay từ đầu. Đó là sự thay đổi cả một chế độ, một trật tự xã hội theo cách rốt ráo dựa trên những quan điểm hay yêu cầu nhất thiết nào đó, nhưng không phải điều đó bao giờ cũng buộc phải như vậy trừ phi những quan niệm hay những mong muốn hoặc ước vọng thật sự quá khích hay hoàn toàn khốc liệt. Bởi vì khi đó nó làm xáo trộn toàn bộ xã hội, sự trả giá của nó là khủng khiếp vì liên quan đến mọi thành quả đã có trước cũng như có thể rơi vào những ảo ảnh hoặc những mê muội mà sẽ không bao giờ cân đối hoặc khắc phục lại hoàn toàn được. Đo đó sự hiểu biết về hành chánh, luật pháp, chính trị theo những quan niệm đúng đắn bao giờ cũng cần thiết, vì chỉ cần sai một bước là toàn bộ xã hội và mọi thành viên trong đó đều phải gánh chịu hậu quả. Điều ấy có liên quan nhiều đến cái gọi là đạo đức chính trị của những người làm chính trị, những người tham gia vào những hoạt động chính trị. Nói cách khác, đạo đức chính trị là đạo đức của những người hành xử trong lãnh vực chính trị, trong hoạt động chính trị từ khi nó được bắt đầu, đến suốt quá trình nó được triển khai ra, cho tới khi nó đạt kết quả là giành được những phạm vi quyền hành nào đó và thực thi những mục tiêu hay ý nghĩa gì mà nó muốn có. Đạo đức chính trị như vậy vừa là đạo đức chính trị nơi mỗi cá nhân lẫn đạo đức chính trị của tập thể nơi mọi cá nhân đó hợp thành, hay kể cả đạo đức chính trị của toàn xã hội khi mà những chính đảng nào đó trở thành những đảng chính trị nắm quyền trong cả nước.

Một cách tổng quát, đạo đức chính trị dù ở phương diện nào cũng không ngoài sự hiểu biết, tri thức, tính nhân văn, hay điều tốt xấu, sai đúng trong đời sống xã hội và cộng đồng nói chung. Giá trị và ý nghĩa của đạo đức trước hết là ở sự hiểu biết, ở tri thức, ở tính cách trí thức, rồi kế đến là tính nhân văn, tình truyền thống, sau cùng mới nói đến tính lương tri, lương năng hay điều nhận biết sai đúng của tất cả mọi người. Có nghĩa trình độ nhận thức về đạo đức như vừa được nói cũng thể hiện nguyên tắc đạo đức về chính trị, cho nên cái gọi là bản lĩnh chính trị thì hoặc điều đó cũng phù hợp theo đạo đức chính trị như ta vừa nói, hay chỉ hoàn toàn ngược lại theo các quan niệm hay mục đích chủ quan nào đó khác. Nói cụ thể, đạo đức chính trị chỉ có thể được hiểu là phù hợp với bình diện cá nhân và bình diện xã hội. Một cá nhân có ý nghĩa về giá trị đạo đức, cũng bảo đảm được ý nghĩa đạo đức chính trị của cá nhân đó, và một cá nhân có ý nghĩa đích thực về đạo đức chính trị thì ý nghĩa đạo đức chính trị đó của cá nhân cũng phù hợp với ý nghĩa đạo đức chính trị về xã hội nói chung mà không thể nào khác. Có nghĩa không có đạo đức cá nhân thật cũng khó mà có được ý nghĩa về đạo đức chính trị, bởi vì ý nghĩa đạo đức cá nhân nói chung là căn bản nhất, mà ý nghĩa đạo đức chính trị cũng chỉ là sự chiết xuất ra từ đó, hay cũng có nghĩa là sự mở rộng, phát triển, hay triển khai ra từ đó. Đó là tính tự giác trong đạo đức ở cá nhân, và dĩ nhiên đó cũng là tính tự giác trong đạo đức chính trị mà cá nhân đó có thể có được. Nên điều quan trọng nhất ở đây chính là tính độc lập, tính tự chủ, tính tự giác mọi phương diện, không thể là tính bè phái, tính về hùa, tính tập thể theo kiểu mù quáng, vì trong các tính chất đó thì thật sự tính đạo đức cá nhân vốn không có thì làm sao đạo đức chính trị lại có thể có được. Đó là lý do tại sao đạo đức chính trị chỉ được lưu ý đến ở những người có nhận thức, có trình độ hiểu biết, có học thức, không thể chỉ xa cạ kiểu quần chúng, trừ phi đó là những trường hợp cá biệt trong quần chúng, tức là những tài năng hay những phẩm chất đang còn giấu mặt. Hay nói cách khác, không hề có sự phân biệt giai cấp hoặc bất kỳ thứ kỳ thị nào trong sự phân biệt và yêu cầu xác định về đạo đức chính trị, nó hoàn toàn thể hiện tự nhiên, khách quan trong mỗi cá nhân con người, nó hình thành nên là do bản chất riêng, sự rèn luyện riêng, hay sự đào tạo của xã hội qua giáo dục, hoặc qua truyền thống gia đình, địa phương hay bất kỳ những nguyên nhân tốt đẹp có thật nào đó.

2/ Đạo đức chính trị đích thực là tính công tâm công ý, tính trung thực, tính minh bạch, thẳng thắn, và nhất là mục tiêu xã hội vô tư và cao quý

Từ đó cũng cho thấy được đạo đức chính trị gồm có hai phương diện, phương diện người vận động, nắm quyền hay lãnh đạo, và phương diện người thừa hành, quần chúng hay người được lãnh đạo. Dĩ nhiên phương diện người lãnh đạo là chính yếu, vì nếu ở đây không có đạo đức chính trị thật sự, mà chỉ là thứ mị dân, ngu dân nào đó, tất nhiên phía đối tượng của nó cũng coi như lãnh đủ và thành nạn nhân tối hậu không thể nào tránh. Bởi người cầm quyền hay lãnh đạo thiếu đạo đức chính trị, cả giàn cán bộ hay nhân viên ở đó cũng sẽ tự thích ứng theo kiểu đó, cuối cùng mọi sự mị dân, mọi sự ngu dân là do toàn xã hội hay mỗi người dân lãnh đủ vì họ không có quyền nào khác nhất là trong những chế độ độc tài toàn trị, mọi ngóc ngách trong xã hội đều được tổ chức chặt chẽ chẳng có chỗ nào để trống cả.

Bởi nếu người lãnh đạo, người nắm quyền cốt vì quyền lợi xã hội thật sự, cốt vì dân vì nước thật sự, chẳng có lý do gì họ phải gian dối, phải nói sai sự thật, phải làm khác đi sự thật. Trái lại họ chỉ vì lợi ích bản thân riêng cũng như cho bè nhóm của mình, dĩ nhiên mọi sự mị dân, mọi sự ngu dân đều cần thiết, vì đó chính là yếu tố để duy trì, bảo đảm guồng máy chính trị mà họ luôn phải cần đến để thủ lợi, qua tuyên truyền và bạo lực cũng như qua mọi sự cấm cản dân chủ tự do đích thực, vì điều đó là cần thiết để vun quén, bảo vệ và duy trì lâu dài mọi vị trí xã hội sai trái cũng như mọi quyền lực trong guồng máy quyền lực của họ. Nên có thể nói mọi chế độ độc tài thì đạo đức chính trị không thể có, dù đó là thứ độc tài gì. Vì mọi độc tài đều đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ tự do, mà nếu dân chủ tự do là đúng, độc tài hẳn hoàn toàn sai, và sai tức phi đạo đức, phản đạo đức, và đã tự phủ nhận đạo đức chính trị hay chỉ giả mạo đạo đức chính trị là như thế.

Vì lẽ đó, nói đến chính trị, nói đến đạo đức chính trị, hay nói đến mọi ý nghĩa nào đó khác, chính nguyên lý là điều trước tiên phải nói đến nhất. Bởi vì chỉ có nguyên lý mới là cái cốt lõi, nguyên lý là tiêu chuẩn thước đo, là mục đích đạt đến mà không thể cái gì khác. Phù hợp theo nguyên lý của nó, mọi sự đều tốt, vì phù hợp theo sự tồn tại khách quan của nó. Không phù hợp hay ngược lại nguyên lý, tức trái với nguyên tắc tồn tại hay ý nghĩa tốt đẹp của nó, có nghĩa nó đã sai trái và không còn giá trị vì cũng đã không còn chính đáng nữa. Ví dụ cái gọi là Chủ nghĩa xã hội nào đó mà phản lại các ý nghĩa và giá trị xã hội tự nhiên khách quan, cũng không thể bảo là Chủ nghĩa xã hội được, cái gọi là dân chủ tự do mà xã hội dân sự tư nhân bị bóp chết, tự do báo chí và xuất bản không có, quyền phổ thông đầu phiếu tự do không có, cũng không thể bảo là tự do dân chủ gì được. Nguyên lý xã hội là của toàn dân, đất nước là của toàn dân, nhưng nếu có chính đảng nào đó luôn tự khẳng định, luôn tự nhận mình là người lãnh đạo vô điều kiện, đó không còn là xã hội của toàn dân, không còn đất nước của toàn dân, không còn quyền cao nhất của nhân dân nữa, vì bất cứ đảng nào có thể nhân danh kiểu đó thì tới khi đảng khác cũng nhân danh kiểu đó lấy lý do gì cấm cản họ được, nên dân chủ tự do không thể nói suông, quyền dân không thể nói suông, mà phải kết hợp theo những nguyên tắc hay nguyên lý khách quan của nó, phai phù hợp theo những giá trị, những chân lý đó, phải tuân thủ theo những nguyên lý tất yếu mà khách quan buộc phải có.

Hay chẳng hạn, một lý thuyết nào đó, một ý thức hệ đặc thù nào đó, tất nhiên chỉ do một cá nhân nào đó tạo ra, không ai có bất kỳ quyền gì để lấy nó áp đặt lên xã hội. Vì đó là vi phạm nguyên lý tự do dân chủ đích thực, không thể lấy mọi sự hiểu biết của mình làm thành sự hiểu biết của người khác, của toàn xã hội, vì như vậy là áp đặt, như vậy là phi lý, và làm như thế cũng đã là vi phạm đạo đức chính trị, vì đạo đức chính trị tột cùng nhất chính là không thể đi ngược lại tự do dân chủ khách quan, không thể bóp méo hay đi ngược lại quyền khách quan của mọi người, tức quyền làm chủ của toàn dân trong toàn đất nước mà ai cũng biết. Bởi thế, muốn làm mọi điều gì sai trái người cầm quyền chính trị nhất thuyết phải gạt dân, phải tuyên truyền đủ cách mị dân hay nhất thiết phải làm ngu dân để mình được một mình một cõi hầu có thể thao túng toàn dân theo ý muốn chủ quan nào đó của riêng mình, nhằm phục vụ quyền lợi của riêng mình, như vậy cũng có nghĩa đi ngược lại mọi đạo đức chính trị mà mình đáng ra phải có hay thủ tiêu và đi ngược lại nó. Bởi lẽ đó đạo đức chính trị đích thực phải là tính công tâm công ý, tính trung thực, tính thẳng thắn, và nhất là mục tiêu xã hội vô tư và cao cả của nó. Thiếu những ý nghĩa này đạo đức chính trị là không có hay đã bị vi phạm hay đã để cho xuống cấp.

Bởi nếu như thế, chính trị trở thành thuần túy là những mưu đồ tranh quyền đoạt lợi mà không gì khác. Bởi chỉ vì những mưu đồ này người ta mới trở thành thiếu công tâm công ý, không còn trung thực và thẳng thắn vì lợi ích chung, không còn mục tiêu hay lý tưởng xã hội nào cao đẹp cả, mà chỉ nhằm mưu cầu lợi lộc, công danh riêng vị kỷ của mình, từ đó cũng nảy sinh ra mọi loại chính trị thủ đoạn hay bất chấp tất cả. Điều đó khiến nhiều người hiểu lầm lẫn coi chính trị chỉ như là điều gì luôn luôn xấu, bởi đầy những thủ đoạn gian dối, lừa gạt, chẳng còn gì là tốt đẹp cả. Thậm chí có người còn cho chính trị là lưu manh, chỉ những ai lưu manh giỏi nhất mới chiến thắng được người khác, mới lừa được mọi người và lừa được người khác. Thật ra điều đó hoàn toàn không đúng với những ý nghĩa chính trị lành mạnh, chính trị như một khoa học, một đạo lý, một lý tưởng lành mạnh như trên kia đã nói. Ngược lại nó chỉ đúng trong những xã hội nhiễu nhương, xã hội lấy sức mạnh của bạo quyền hay sức mạnh của sự dối gạt làm tiêu chí, không phải xã hội lành mạnh bình thường mà chủ yếu là đề cao tính khách quan, tính chân lý, hay tính đạo đức và khôn ngoan trong cuộc sống. Bởi thế, những giai đoạn tiêu cực như vậy phải cần là những giai đoạn tạm thời, nếu nó có phải bất đắc dĩ bị thực hiện, người có thật bụng chính trị đúng đắn sau khi nắm được quyền đều phải thành lọc xã hội, trút bỏ nhưng yếu tố tiêu cực mà mình phải bị bó buộc từng sử dụng để tranh đoạt quyền hành, nhằm nhất thiết phải trả lại quyền hạn tối cao sau khi đã giành được cho xã hội, bằng cách tổ chức bầu cử lành mạnh theo cách dân chủ tự do thật sự trong đất nước, nhằm trao trả lại quyền đích thực cho toàn dân và gây dựng lại xã hội trong sáng cho toàn dân. Đó là ý nghĩa của chính trị nhằm cho muôn đời, không phải chỉ nhất thời cho địa vị quyền lợi riêng mình và cố tham quyền cố vị, cố đoạt quyền, tiếm quyền chung của xã hội, không nghĩ đến mọi quyền lợi tương lai chung của đất nước hay của toàn dân nói chung.

Nhưng cũng còn một ý nghĩa khác, trường hợp có người làm chính trị mà phải bị kẹt vào thế quốc tế, các thế lực quốc tế như nước ngoài hay một ý thức hệ quốc tế thì lý giải như thế nào? Thật ra có những trường hợp người ta có thể vận dụng nước ngoài trong những tình thế bất khả kháng hay bất đắc dĩ nào đó, nhưng nhất thiết phải luôn luôn tìm mọi cách để thoát ra càng sớm càng tốt khi nhìn thấy sự nguy cơ mất độc lập tự do bởi đó, nhưng nếu chỉ mù quáng buông xuôi mọi sự và lâu dài, như vậy là phạm vào đạo đức chính trị, phạm vào nhân cách chính trị của riêng mình và cũng không còn ý nghĩa hoặc giá trị đúng đắn hay được ngưỡng mộ nào cả. Bởi chính trị như thế cũng chẳng phải do dân, vì dân, mà chỉ vì các yếu tố ngoại lai hay chỉ là những tính toán vụ lợi bản thân nào đó của mình. Bởi thế ngoài ý thức quốc gia, ý thức xã hội, ý thức dân tộc, trình độ nhận thức của người làm chính trị cũng rất quan trọng. Bởi nếu người có trình độ nhận thức sắc bén nhất định thì không bao giờ có thể sai lầm vì bất kỳ những nguyên nhân nào đó, hoặc nếu có sai lầm cũng chỉ có thể là sai lầm tạm thời và cũng tìm cách khắc phục được. Bởi vì con đường chính trị luôn luôn là con đường dài lâu, không phải chỉ một sớm một chiều, không phải không trải nghiệm qua nhiều điều, không phải không tự tỉnh lại nhiều điều. Nói khác đi, nếu trình độ nhận thức yếu, dễ bị sa lầy vào trong sự nhầm lẫn, thiếu sáng suốt, sẽ khống chế các đồng đội đồng chí của mình trong nhược điểm như thế, rõ ràng cũng thiếu sót về mặt đạo đức chính trị lẫn mặt bản thân về chính trị. Từ đó có thể nói được rằng mọi đường lối chính trị độc tài độc đoán là rất nguy hiểm, nguy hiểm cho bản thân chính mình, nguy hiểm cho nhiều người khác, nguy hiểm cho toàn xã hội nói chung, chẳng khác gì đang dần dần đúc lên một tảng bê tông nặng nề đè lên toàn xã hội mà trong lịch sử về sau dù là cả ngàn đời mình cũng không thể nào trốn chạy đâu được nữa. Mà trong những trường hợp như thế, rõ ràng mặt đạo đức chính trị là đã hoàn toàn hạn chế vì lỗi không sáng suốt, chỉ thụ động, chỉ nhu nhược hay tóm lại cũng chỉ đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết trong thực tế cho dù mọi ngôn ngữ hay hình thức nào che đậy bên ngoài theo cách giả dối và giả tạo cũng vậy.

3/ Bộ quy tắc ứng xử chung về đạo đức chính trị.

Như trên đã thấy, bất kỳ các phạm vi hoạt động nào trong đời sống cũng phải tuân thủ những nguyên lý cụ thể, rõ rệt, cơ bản, bó buộc, không thể chỉ lung tung, tùy tiện hay ngẫu phát, phương diện đạo đức hay phẩm chất chung của cá nhân và xã hội cũng thế, phương diện lý thuyết hay thực tiển chính trị cũng vậy, và phương diện đạo đức chính trị nói riêng cũng thế. Cho nên vạch ra được bộ các nguyên lý ứng xử này trong đời sống xã hội chính trị là rất cần thiết, nó nhằm giúp mọi người đều có được sự thống nhất, tránh được mọi tính mâu thuẫn và tính chủ quan, tùy tiện.

10) Chính trị nhất thiết phải mang ý nghĩa phục vụ chung, không thể chỉ mang ý nghĩa quyền lợi riêng

Chính trị thật sự mà nói là nghĩa vụ của mọi công dân, là quyền hạn hay quyền lực của mọi công dân, không phải là quyền lợi riêng của ai cả. Hai điều này rất dễ bị nhầm lẫn. Bởi quyền lực là ý nghĩa cộng đồng, ý nghĩa xã hội, ý nghĩa bổn phận và trách nhiệm chung nhất, trong khi đó quyền lợi thì dễ xé lẻ, dễ chủ quan, dễ tùy tiện, dễ mâu thuẫn và dễ tranh chấp nhau. Bởi vậy khi K. Marx nói chính trị là quyền lợi của giai cấp là một điều phản công lý, phản xã hội, điều cực kỳ phá hoại và phản động mà rất ít ai nhận thấy. Bởi nói như thế là trên ý nghĩa đấu tranh giai cấp, chỉ thấy quyền lợi riêng tư mà không thấy tính cách đạo đức chung, tức chỉ thấy cái lợi mà không thấy cái nghĩa, và nếu bên nào cũng chỉ vì cái lợi của mình thì đâu còn có chân lý, đâu còn có công lý, đâu còn ý nghĩa gì về đạo lý, đạo đức chính trị nữa. Đó thật là sự ngô nghê về quan điểm thực tiển của Marx, ông ta hạ thấp ý nghĩa con người xuống thành một sinh vật kinh tế thuần túy, tức một trạng thái hoang dã như trong tự nhiên mà không còn là ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa nhân bản nữa. Rõ ràng điều đó ngày nay để lại không ít những hệ lụy trong quan điểm của người cộng sản về ý nghĩa và mục đích của chính trị. Điều mỗi người đảng viên cộng sản ngày nay luôn quan tâm trước nhất là cái được gọi là sự nghiệp chính trị của bản thân họ. Tức công danh, địa vị, quyền lợi, vị trí quyền lực của họ trong hệ thống tổ chức. Mất cái đó coi như họ mất tất cả. Do đó chính trị chỉ còn là sự mưu cầu tư lợi mà không là gì khác. Mọi khẩu hiệu, mọi hành động bên ngoài mang tính hình thức, tính biểu kiến, đều trở thành những sự đấu tranh nhau, sự hòa hoãn nhau, sự toa rập hay sự dè chừng, sự ngờ vực nhau để mong củng cố, phát huy, tranh thủ cho cái gọi là sự nghiệp chính trị của mình, tức quyền lợi và mục đích bản thân luôn luôn duy nhất và sau cùng mà không phải cái gì khác. Có người nhận ra ý nghĩa đó và gọi là sự suy thoái, sự xuống cấp, nhưng thực chất gọi như thế là không đúng, bởi vì đây là nguyên tắc khách quan, không phải ý muốn chủ quan. Bởi bản năng hoang dã luôn luôn có trong mỗi con người, con người mà ít bản chất tốt, ít trang bị nhận thức hay ít trình độ học vấn đều gần hơn với bản năng đó, chỉ là lẽ tự nhiên mà không thể nào khác. Bởi khi chính trị không còn là khoa học khách quan phục vụ chung cho xã hội, nó trở thành chỉ như một ý thức hệ phục vụ giai cấp nắm quyền, làm nhiễu loạn các nhận thức trong sáng của mọi người, chỉ được huấn luyện theo cách một chiều, sự tuyên truyền đầy chất hình thức bề ngoài và chủ quan, tất nhiên sẽ khuyến khích những thành phần tiêu cực, thành phần kém hiểu biết nhất trong xã hội, vả lẽ nó còn được quy thành nguyên tắc là giai cấp công nhân lãnh đạo, giai cấp bần cố nông lãnh đạo theo kiểu máy móc, sai lệch, thế thì về lâu về dài qua thời gian, mọi hậu quả tất yếu phát sinh cho xã hội là điều không thể tránh, và mọi điều tiêu cực, mọi điều bế tắc trong phát triển xã hội chỉ là hệ lụy khách quan. Rõ ràng quan điểm phi khoa học của Marx trong ý thức hệ của ông ta làm lũng đoạn xã hội, làm phân hóa xã hội, làm trì trệ xã hội mọi mặt, đó không những là tội lỗi mà còn tội ác của ông ta đối với loài người về phương diện lý thuyết mà ông ta đã có. Và tất cả những gì đã diễn ra suốt một thế kỷ ở nhiều nơi thực chất đã cho thấy điều đó. Nhưng đó là phương diện của người nắm quyền hay chia chác quyền hành lẫn nhau, còn thực tế bản thân xã hội hay toàn thể người dân, tức những người bị cai trị thì thế nào?

Họ được coi là đối tượng để được phục vụ, nhưng đó chỉ là hình thức. Bởi họ hoàn toàn không còn quyền chính trị mà quyền chính trị là của người khác, tức của Đảng và của những đảng viên của Đảng. Cái đó được gọi là toàn quyền lãnh đạo hay lãnh đạo toàn diện. Kết quả đó xã hội trở thành chẳng khác chi như kiểu bò được nuôi để vắt sửa, trở thành một sân chơi để người ta thực hiện bao nhiêu những thử nghiệm, những chính sách cuộc chơi trên đó một cách vô tội vạ, vì không kết quả thì làm lại theo cách khác, vẫn lòng vòng theo cách cảm tính đó mà không là gì khác. Nên thay vì xã hội tự phát triển theo khách quan, nó trở thành phát triển theo chủ quan của những người tác quyền lên nó, khiến có khi nó chỉ đi thụt lùi nhưng vẫn được cơi lên thành phát triển, tức phần lớn là những sự phát triển hình thức, giả tạo, không khách quan hay không thực sự thực chất.

Đó là chưa nói mọi sự sợ hãi bao trùm lên toàn xã hội. Phần lớn dân chúng đều ngại nói đến chính trị, coi đó là điều cấm kỵ chỉ được dành riêng cho một số người đặc quyền, đó là những người nắm quyền, những người thừa hành nắm quyền mà không phải ai cũng tham gia hay đi ngược lại điều đó được. Có những quy định khắt khe trong các điều luật về hình sự mà ai cũng biết, nó sẵn sàng trấn áp bất cứ ai đi ngược lại nó, như vậy thực chất cũng khiến mọi người dân trong xã hội đều mất quyền công dân, đều mất hết pháp quyền mà họ tự nhiên có, khiến đều trở nên có thái độ thụ động chung về chính trị, bàng quan hay giả đò đóng kịch một cách miễn cưỡng, coi chính trị như không liên quan gì đến họ, thậm chí nhiều người tỏ rõ thái độ giả dối bảo mình không ưa chính trị, mình ghét chính trị, nên thái độ xa rời chính trị của nhiều người là thái độ phổ biến và rõ nét nhất. Tất nhiên xã hôi như vậy hoàn toàn là xã hội thụ động, xã hội kiểu bị trị, bị nô lệ vào người khác, xã hội bị mất hết mọi pháp quyền của mình, không phải là xã hội làm chủ như danh từ mỹ miều lạm dụng, bởi mọi quyền tự do dân chủ khách quan và đúng đắn không hề có, quyền độc lập tư duy hay chính kiến cũng như quyền biểu hiện nó cũng không hề có, chỉ luôn là xã hội được dẫn dắt đi theo một ý thức hệ hay đi theo những sự chủ quan riêng tư của một lớp người nhất định, một xã hôi như vậy trở thành phi xã hội thật sự, bởi vì nó không phải được mọi người phục vụ nó, nó chỉ trở thành công cụ đích thực chỉ nhằm để phục vụ, đáp ứng hay để tuyệt đối tuân thủ những cảm tính chủ quan của một thiểu số người vốn là bộ phận hay thành viên trong nó. Nghịch lý đó là đa số xã hội phải phục tùng thiểu số, hay thực chất cũng chỉ ít ỏi cá nhân nắm quyền nào đó theo cách họ tự có qua các diễn tiến lịch sử mà không ai tự do lựa chọn để bầu họ lên cầm quyền cả. Nhưng thực tế không có bất kỳ ai dám nói lên điều đó, bởi vì nó sẽ liền bị những ngôn từ cả vú lấp miệng em, kiểu lấy thịt đè người, lấy sức mạnh bạo lực áp đảo nên ai cũng ngại, cũng sợ, cũng thoái thác hết thảy. Điều đó cho thấy xã hội không thể tốt đẹp nếu nguyên lý vận hành của nó là không tốt đẹp, điều đó chỉ là khách quan tự nhiên, dầu nói ngược hay nói xuôi cũng thế, vì thực chất bao giờ cũng là thực chất, vì nguyên lý khách quan bao giờ cũng quyết định mọi việc mọi thực tế mà không bao giờ có thể khác đi được. Hay nói chốt lại, mọi nguyên lý độc tài độc đoán không bao giờ tốt đẹp như những nguyên tắc tự do dân chủ thực chất khách quan trong xã hội, nên việc xướng xuất nền độc tài giai cấp của Marx trong quá khứ thật sự là bé cái lầm, và dù cuối đời ông ta đã phủ nhận điều đó cũng không còn kết quả hay ý nghĩa gì nữa, đây là sự vi phạm đạo đức chính trị lớn nhất của Marx ít nhất cũng về mặt lý thuyết chính trị mà trong suốt lịch sử nhân loại từ xa xưa chưa có ai phải chịu trách nhiệm lớn bằng ông ta.

20) Chính trị nhất thiết phải là khoa học, không thể chỉ là cảm tính.

Trong cuộc sống không phải mọi người đều quan tâm đến chính trị cũng như quan tâm đến khoa học. Đó là do ý thức hay ham muốn về xã hội, ham muốn về chân lý khách quan quyết định. Bởi vì nói chung xã hội luôn luôn chủ yếu là xã hội bình dân, bởi thế mọi sự sống theo cảm tính và theo quyền lợi riêng cá nhân là phổ biến nhất, đó cũng chỉ là điều tự nhiên. Do đó ý nghĩa của khoa học hay của chính trị thường chỉ có nơi những thành phần ưu tú nhất trong xã hội, tức họ biết vươn lên trên những quán tình thường tình để đi đến những gì chân xác hơn, có ý nghĩa và có giá trị thu hút và nâng cao hơn. Tuy nhiên khoa học là giá trị chuẩn của lý trí, cũng như chính trị là ý nghĩa chuẩn của xã hội, bởi vậy chính trị luôn luôn cũng phải đi gần với khoa học là điều mà mọi người phải hướng tới cũng như xã hội phải hướng tới. Bởi chỉ có thế chính trị mới khỏi bị sai lầm, khỏi mang tính chủ quan, vì hướng đến lý tính là tính khách quan chung của nhận thức con người, và đó cũng là ý nghĩa đạo đức đáng nói nhất nơi con người. Đạo đức luôn là cái gì thống nhất mà không phải chỉ là cái gì riêng biệt, khoa học cũng mang ý nghĩa như thế, cho nên thật sự nền tảng của đạo đức vẫn là khoa học, ngược lại nền tảng của khoa học cũng chính là đạo đức mà không thể vượt qua đạo đức. Đó cũng là ý nghĩa của đạo đức trong chính trị nhưng là điều mà có thể một số người vẫn cảm thấy như xa lạ. Có nghĩa những cái gì chưa phải là khoa học, tức chưa được đưa ra kiểm nghiệm một cách chuẩn xác, đúng đắn, chưa thể bảo là khoa học mà chỉ mới là chủ quan hay cảm tính. Vì chủ quan và cảm tính phần lớn chỉ là thị hiếu, không gì bảo đảm được là khách quan hay phổ quát, tất nhiên mọi ý nghĩa khoa học của nó chưa thể bảo là có đủ, nên mọi tính cách cả tin vào đó có thể là sai lầm, và đó là điều cần nên lưu ý trước tiên nhất. Đặc biệt những học thuyết về xã hội, như ý thức hệ, nếu tự cho nó là chân lý có thể rất nhầm lẫn. Bởi vì nó hoàn toàn khác với khoa học tự nhiên hay khoa học cơ bản là toán học, vì trong những lãnh vực này độ chính xác luôn luôn cao, chúng trải qua những thí nghiệm cực kỳ nghiêm túc, xác đáng, đầy đủ, là điều mà khoa học xã hội không bao giờ có được. Tính chất lô-gích của toán học cũng luôn luôn chặt chẽ, tuy nó là một lô-gích hình thức, song thực chất không bao giờ có thể ngụy biện như kiểu thông thường mà các lý luận xã hội hay mắc phải, chưa nói đến những ý đồ chủ ý xuyên tạc, hay tuyên truyền vì những mục đích chủ quan hoặc giả tạo.

Nên chính trị đến được với mọi người là chính trị lý tưởng nhất, và khoa học cũng thế, khoa học đến với mọi người là khoa học mang ý nghĩa tốt nhất. Sự liên kết giữa ý nghĩa chính trị và ý nghĩa khoa học ở đây cũng vậy. Đây không những là quyền hiểu biết của tất cả mọi người mà cũng còn là quyền đóng góp của mọi người trong xã hội. Có nghĩa chính trị không thể chỉ dành riêng cho tầng lớp nào mà chính trị phải mang tính cách đại chúng, đó không những là nghĩa vụ, là quyền của mọi công dân, mà còn là nghĩa vụ của mọi nhà cầm quyền. Cho nên mọi nhà cầm quyền nào sử dụng tính cách chính trị ngu dân, chính trị mị dân nhằm lừa dối quần chúng, nhằm bịt mắt quần chúng, cốt chỉ dành độc quyền chính trị cho riêng mình, đó là phản chính trị, là phản động, là phi đạo đức chính trị. Mặt khác chính trị cũng không phải chuyện nói hươu nói vượn theo cách chủ quan, theo trình độ nhận thức thấp kém của mình, mà phải mang tính cách nhận thức đảm bảo, phải mang tính cách tri thức và trí thức cao, đó mới thật sự là chính trị khoa học mà không phải kiểu chính trị nhập tâm, quán tính, truyền miệng, áp đặt như chính trị kiểu ý thức hệ, thực chất chỉ là công cụ cho thiểu số, không bao giờ là năng quyền hay quyền lợi chung của đa số. Cho nên một xã hội tốt là xã hội ai cũng biết làm chính trị, cũng thích làm chính trị và quan tâm đến chính trị, cũng như ai cũng biết làm khoa học, thích làm khoa học, và quan tâm tới khoa học nơi mọi lãnh vực chung quanh mình. Nghĩa vụ của mọi công dân thật sự là vậy, nghĩa vụ của mọi nhà cầm quyền sáng suốt cũng phải là vậy, dân quyền cũng là vậy, nên mọi tính cách chính trị mù quáng, tuân thủ một chiều, tin tưởng một chiều, thực chất đều phản chính trị chân chính, đều phản con người, phản xã hội, nói chung là phản động một cách thực tế nhất mà ít người nhận ra điều đó. Ngoài ra một điều cũng cần nói là khoa học vẫn thường đưa đến kết quả của kỹ thuật, khoa học khách quan cũng vậy mà khoa học xã hội cũng vậy. Bởi vì kỹ thuật là công năng, công dụng, là ứng dụng của khoa học. Bởi vậy chỉ có chính trị theo nghĩa khoa học đích thực mới là khoa học về xã hội đích thực và mới mang lại những ứng dụng, những áp dụng, những nguyên tắc thực hành trong xã hội một cách hiệu quả, kết quả và tốt đẹp thật sự. Nên đạo đức chính trị hoặc cả đạo đức khoa học nói chung là như vậy, đó mới thật là ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội đích thực mà không phải chỉ kiểu nhân danh, kiểu giả tạo hay chỉ kiểu lừa dối.

(Còn tiếp)

V.H.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn