Trung Quốc bay thử trên đảo, Việt Nam làm gì?

clip_image002

Trung Quốc đã cho bay thử tại sân bay đảo đá Chữ Thập

Việc thử nghiệm thêm hai chuyến bay trên đường băng ở Đá Chữ Thập vừa qua thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, theo ý kiến của một chuyên gia Việt Nam.

Bắc Kinh hôm 6/1 cho đáp hai chuyến bay xuống hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Quần đảo Trường Sa.

Hai hãng hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm từ sân bay Hải Khẩu, theo Tân Hoa Xã.

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt ngày 07/01/2016, Thạc sĩ Hoàng Việt từ TP. HCM, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng việc thử nghiệm thêm hai chuyến bay đã thể hiện những tham vọng của Trung Quốc và áp đặt “những sự được gọi là đã rồi” trên Biển Đông thông qua sức mạnh của họ.

Theo ý kiến của chuyên gia Hoàng Việt, “chắc chắn việc bay thử nghiệm thứ hai này của Trung Quốc đã tiếp tục làm tăng lên lo ngại của Việt Nam về tình hình biển Đông căng thẳng, đe dọa hòa bình ổn định của khu vực”.

Tham vọng của Trung Quốc

Ông Hoàng Việt chia sẻ với BBC rằng việc thử nghiệm những chuyến bay đã thể hiện những tham vọng của Trung Quốc.

“Từ lâu tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm, chi phối Biển Đông. Mặc dù họ không có cơ sở pháp lí cũng như bị sự phản đối của cộng đồng quốc tế, họ vẫn tìm mọi cách để có thể thực hiện được nó và đặc biệt là thực hiện thông qua sức mạnh”.

“Bằng cách sử dụng sức mạnh, họ áp đặt những sự gọi là đã rồi lên tình hình Biển Đông. Chính vì vậy việc Trung Quốc ra tăng việc bồi đắp, xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo và cho thực hiện các chuyến bay, cũng một mặt là muốn thể hiện sự đã rồi và để cộng đồng quốc tế phải chấp nhận”.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa luôn luôn được ví như những tàu sân bay không thể đánh chìm. Chính vì vậy nếu cấu trúc địa lí được xây dựng trên Trường Sa như bây giờ và được trang bị phương tiện quân sự tốt thì sẽ trở thành sức mạnh đáng gờm và gia tăng thêm sức mạnh của Trung Quốc cả trên mặt đe dọa và thực tiễn trên khu vực Biển Đông”.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Chuyên gia này phân tích do phía Việt Nam luôn luôn khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên hành động xây dựng những quần đảo nhân tạo và thực hiện thử nghiệm chuyến bay trên những đảo mà Việt Nam khẳng định chủ quyền sẽ làm chủ quyền biển đảo của Việt Nam bị đe dọa

“Gần đây cũng có những máy bay, tàu chiến của Mỹ, Philippines, Úc di chuyển qua lại trên vùng Biển Đông và đều bị hải quân của Trung Quốc yêu cầu rời khỏi vùng biển “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

“Trung Quốc mặc dù chưa tuyên bố chính thức nhưng dường như đang áp dụng những bước đầu tiên trong vùng nhận dạng phòng không. Đây là những bước để Trung Quốc có thể thực hiện tham vọng thực tế là kiểm soát vùng Biển Đông”, ông Hoàng Việt phân tích.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam không những cần phải tăng cường sức mạnh quân sự của mình mà còn cần tăng cường sức lực biển.

“Sức lực biển cần tập trung trên nhiều lĩnh vực không chỉ là sức mạnh hải quân, mà phải là khả năng khai thác biển, cũng như khoa học biển và thương mại biển để có thể đấu tranh chủ quyền của mình”.

“Việt Nam cũng phải tích cực lên tiếng và kêu gọi cộng đồng Quốc tế lên tiếng để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc”.

“Gần đây học giả của Mỹ bà Bonnie Glaser cũng lên tiếng cho rằng nếu Mỹ thực hiện các chuyến bay tuần tra bằng máy bay chiến và tàu chiến trong khu vực mà Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo đó thì phiá Việt Nam cũng nên có những hành động tích cực hơn như phối hợp với Hoa Kỳ tuần tra. Đây cũng là gợi ý cần xem xét”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/01/160108_hoang_viet_trung_quoc_truongsa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn