Lối đi nào cho PetroVietnam?

Mi Lâm

Cuối tháng 2/2016, giá dầu thô vẫn loanh quanh 30USD/thùng. Nhiều kịch bản đã được dự báo cho ngành dầu khí Việt Nam sau khi dầu khí thế giới có rất nhiều thay đổi, các công ty dầu khí lớn đồng loạt cắt giảm chi phí, dừng giãn thi công các dự án thăm dò khai thác, thậm chí một số quốc gia còn lệnh “đóng băng” mức sản lượng khai thác dầu khí như Nga, Arab Saudi, Venezuela và Nigeria. Giá thành không bù đắp được chi phí sản xuất và các loại thuế liên quan dẫn đến điểm hòa vốn của nhiều mỏ đang ở “trên trời”, thực tế càng làm càng lỗ. Nhưng, liệu ngành dầu khí Việt Nam có thể ngừng khai thác dầu khí được không?

Nếu PetroVietnam dừng hoạt động tại tất cả các mỏ có tham gia (trong và ngoài nước):

  • Thu ngân sách nhà nước hàng năm sẽ giảm hơn 20%.
  • Ngân sách tốn thêm hàng chục triệu USD để làm thủ tục pháp lý/kỹ thuật để đóng các mỏ đang khai thác.
  • Ngân sách tốn thêm hàng chục triệu USD để bảo dưỡng duy tu thiết bị máy móc.
  • Ngân sách thiệt hại nhiều triệu USD vì thiết bị máy móc không vận hành thường xuyên sẽ hư hỏng (giàn khoan, tàu, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, …)
  • Hơn 8 vạn người lao động dầu khí cùng gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
  • Các ngành phụ trợ liên quan đến công nghiệp thăm dò khai thác dầu khí sẽ khủng hoảng, tiếp đó là hàng trăm vạn gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
  • Chính phủ sẽ phải nghiên cứu tìm cách bù đắp những thiếu hụt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Đừng tưởng sự tăng trưởng của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua không có vai trò đóng góp của PetroVietnam ở các dự án đầu tư trong và ngoài nước cùng tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp vô cùng quyết liệt, khẩn trương giai đoạn 2006-2010.

Khó có thể nói là nếu PetroVietnam dừng hoạt động thì xã hội sẽ dừng lại, không thể có chuyện đó, cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn dù thực tế sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu PetroVietnam dừng lại, đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đừng nhầm giữa PetroVietnam và “quả đấm thép” Vinashin ngày nào.

Vấn đề đặt ra là cần tạo tiền đề và động lực để PetroVietnam tiếp tục phát triển, vượt qua khó khăn nhất thời để phục hồi trong một thời điểm không xa. Một số bất cập liên quan đến chế độ chính sách của Nhà nước đối với PetroVietnam cần phải thay đổi. Đơn cử như thuế thu nhập doanh nghiệp thường được tính trên lợi nhuận gộp, nhưng đối với PetroVietnam thì lại tính trên doanh thu, vì thế xảy ra nghịch lý là nhẽ ra lợi nhuận ròng dương (+) thì lại âm (-) dẫn đến hệ lụy vô cùng tăm tối cho PetroVietnam, trong khi thực tế không đến nỗi như vậy. Những kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với Quỹ Tìm kiếm Thăm dò của PetroVietnam đã làm mất đi nhiều cơ hội trong việc tái đầu tư ở những thời điểm thuận lợi như hiện nay, khi có hàng loạt các mỏ được rao bán với giá rẻ từ các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Chính PetroVietnam chứ không phải bất kỳ ngành nào đã phải sử dụng “tiền trong túi” của mình để giúp cân đối tài chính cho quốc gia trong nhiều năm, để bây giờ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì Chính phủ lại thiếu quan tâm, hỗ trợ và định hướng. Không phải ngẫu nhiên mà trên nhiều diễn đàn báo chí trong nước, các cuộc hội thảo tìm lối thoát cho ngành dầu khí được PetroVietnam tổ chức đa dạng với sự góp mặt của nhiều cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, các lão thành tiền bối của ngành dầu khí, liên tục có các phát biểu tham luận hùng hồn của các CEO đương nhiệm ở các đơn vị thành viên chủ chốt như Vietsovpetro, PVEP, Lọc Hóa dầu Bình Sơn, PVD, … về kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tiếp tục ủng hộ sự phát triển của ngành dầu khí.

Thời điểm này là thời điểm cần định nghĩa chính xác nhất về ngành công nghiệp dầu khí với các lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác, chế biến, dịch vụ và nghiên cứu khoa học. Những bài học về đầu tư ngoài ngành vẫn còn nguyên đó, những thiệt hại về mặt kinh tế vẫn còn chưa được khắc phục hết, phần nào đã làm giảm hình ảnh của PetroVietnam trong “con mắt” của Chính phủ và rõ ràng, sẽ mất không ít thời gian để PetroVietnam lấy lại vị thế mà mình đã từng có.

Khủng hoảng là một quá trình lặp đi lặp lại, khác nhau về biên độ và khoảng cách thời gian, vấn đề nhận diện, cảnh báo và xử lý khủng khoảng luôn là vấn đề mấu chốt đặt ra cho các doanh nghiệp. Hy vọng rằng với những gì đang diễn ra với PetroVietnam sẽ là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai trong bối cảnh hội nhập WTO và TPP đang đến rất gần.

23/2/2016

M. L.

Tác giả gửi BVN.clip_image001

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn