“Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” (Mênh mông thế sự 29)

Tương Lai

Đó là thế ứng xử của nhà cầm quyền dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng vào ngày 17 tháng Ba năm nay, ngày Gạc Ma, 64 người con ưu tú của Tổ quốc ngã xuống trước mũi súng oan nghiệt của kẻ thù cố hữu: Trung Quốc xâm lược!

Mối oan nghiệt càng nặng nề hơn khi kẻ thù cố hữu này được Nguyễn Phú Trọng xem là những người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã bắn xối xả vào các chiến sĩ ta khi biết rằng các chiến sĩ và sĩ quan ta đã được lệnh từ cấp chỉ huy cao nhất của mình là không được nổ súng! Chuyện này thì không còn là “bí mật quốc gia” gì nữa khi mà sự thật oan nghiệt ấy đã được phơi bày trước công luận trong nước và thế giới.

Vậy thì “khạc chẳng ra” và “nuốt chẳng vào” cái gì? Là “khạc” và “nuốt” cái nỗi nhục mà Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo: “khởi đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới”! Sự cảnh báo ấy đã trở thành hiện thực đang gây nên nỗi đau giằng xé trong lòng mỗi người Việt Nam có lương tri từng biết đến lời nguyền lịch sử mà mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi tấc đất tấc biển, mỗi áng mây trên vòm trời của Tổ quốc đều nhắc nhở. Thì chẳng phải Vua Lê Thánh Tông từng bảo với “bọn Thái bảo Kiến dương bá Lê Cảnh Huy: Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ?... Nếu ngươi dám đem một thước một tất đất của Thái tổ truyền lại để làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di” mà Đại Việt sử ký toàn thư đã chép đó sao?

Nếu để mất “một thước, một tấc đất” của Tổ quốc đã phải tội tru di, thì táng tận lương tâm đục bỏ tên liệt sĩ hy sinh chống Trung quốc xâm lược trên bia mộ để biểu thị sự trung thành với những “mật ước ” ký kết với kẻ thù là tuyệt đối không nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới do Đặng Tiểu Bình phát động ngày 17.2.1979, thì phải xử tội gì đây? Hành động táng tận lương tâm ấy nhằm thực hiện một đường lối sai lầm, đi ngược lại truyền thống bất khuất quật cường của dân tộc kéo dài nhiều năm, do đó sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988 bị ém nhẹm sau “mật ước” nhục nhã đó dưới triều đại của Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và đặc biệt là của Nguyễn Phú Trọng, nhà “lý luận” về xây dựng đảng, thì phải tội “tru di” mấy đời đây? Nếu theo Luật Hồng Đức mà sử gia Phan Huy Chú đã coi “là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để an dân ” thì phải xử vào khung hình phạt nào trong thập ác điều của tội “mưu bạn” tức là phản bội tổ quốc (điều thứ 412 Luật Hồng Đức) thì cần xử ra sao đây?

Ấy là nhân nhắc đến lời Lê Thánh Tông mà liên tưởng đến điều thật là viển vông này, chứ với Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông ta thì luật là cái thá gì khi nó đặt dưới cái “Cương Lĩnh” mà ông ta đã ra sức nhào nặn lên kể cả thủ đoạn “phản điều chỉnh”. Nói vậy là vì, cuộc đấu tranh quyết liệt đã đưa đến quyết định của Đại hội X không công nhận tính toàn vẹn của Cương lĩnh 91 và phải sửa thì Đại hội XI lại coi “đó là việc thực hiện Cương lĩnh đã đạt những thành công có tính chất lịch sử”. Đó là một thủ đoạn xảo trá mà những người tham gia vào việc soạn thảo văn kiện của Đại hội XI đều nhớ rất rõ.

Đây là chuyện mà Gs Đào Xuân Sâm đã nhắc lại trong một Hội thảo tại Viện VIDS dạo tháng 8. 2014. Để hiểu hơn thủ đoạn xảo trá ấy, xin chỉ nhắc lại đôi dòng xoay quanh mấy từ “thành công có ý nghĩa lịch sử”.

Trước đây Đại hội IX rồi Đại hội X đã có nhận định “từ Đại hội VI là thời kỳ đổi mới đạt những thành công có ý nghĩa lịch sử”. Nhưng rồi với tư cách là thường trực tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh, Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đánh tráo nội dung nhận định trên để thành ra câu: “đây là giai đoạn thực hiện Cương lĩnh 91 thành công có ý nghĩa lịch sử”. Và thế là “để quán triệt tinh thần của Cương Lĩnh 91”, ông Trọng và bộ sậu của ông đã quyết liệt chỉ đạo việc áp đặt nội dung của “Cương Lĩnh 91” vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vào năm 2013 bất chấp những phản ứng đầy phẫn nộ của nhiều đảng viên, trí thức và nhân dân từng đưa ra những phản biện và đóng góp đầy thiện chí với hàm lượng trí tuệ sâu sắc và tâm huyết đối với sự tồn vong của dân tộc, vận mệnh của Tổ quốc.

Có điều ấy, vì thực chất Cương lĩnh 91 chính là sự khẳng định sự quyết liệt của Nguyễn Phú Trọng đeo đuổi quan điểm tư tưởng Nguyễn Văn Linh, đặt vận mệnh của Đảng lên trên vận mệnh của dân tộc biến kẻ thù xâm lược tổ quốc thành đồng chí tin cậy của Đảng.

Đến Đại hội XII, cũng bằng thủ đoạn ấy với sự “chỉ đạo” sít sao bởi nhiều kỳ tập huấn công phu từ “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” mà chiêu luân chuyển cán bộ từng được Lê Khả Phiêu ráo riết sử dụng được vận dụng một cách quyết liệt cùng với Chỉ thị 244 là một sản phẩm cực kỳ hữu hiệu và siêu nham hiểm để loại bỏ đối thủ. Điều này đã được trình bày trong “Mênh mông thế sự 27: Bất ngờ nhưng hiểu được” xin không nhắc lại nữa.

Chẳng đặng đừng mà phải gợi lại vài dòng nói trên để chỉ ra rằng cái thế ứng xử lúng túng như gà mắc tóc của triều đại Nguyễn Phú Trọng trong sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.2016 vừa rồi có cội nguồn sâu xa từ mối quan hệ với kẻ thù xâm lược đội lốt “đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” khởi đầu từ Nguyễn Văn Linh với Hội nghị Thành Đô tháng 9.1990.

Trước sự kiện “Bức tường Berlin” bị phá bỏ, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tiếp đó là sự kiện Thiên An Môn đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh đòi dân chủ của sinh viên và thanh niên ở Bắc Kinh khiến Nguyễn Văn Linh hoảng hốt trước viễn ảnh đen tối của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết, đã vội vã tìm đến Trung Quốc, kẻ vừa gây nên cuộc chiến tranh biên giới tàn khốc với hơn nửa triệu quân xâm lược tàn sát nhân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, máu Việt Nam đã đổ trước mũi súng xâm lược của Trung Quốc tại Gạc Ma năm 1988! Tìm đến nhằm mong “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” sẽ làm chỗ dựa để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng gây dựng nên.

Cho dù Đặng Tiểu Bình đã thẳng thừng nói rõ lập trường của Trung Quốc là hai nước “có thể là đồng chí chứ không thể là đồng minh” nhưng do não trạng đặt lợi ích của Đảng lên trên Tổ quốc và Nhân dân nên Nguyễn Văn Linh vẫn bằng mọi giá bám lấy Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hệ luỵ của não trạng ấy là sự lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nặng nề trên tất cả các mặt và đỉnh điểm là “Tuyên bố chung tháng 2.1999” với nội dung bịp bợm và lừa mị của phương châm 16 chữ ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu hảo, hợp tác toàn diện” biến thái của bốn mệnh đề “sơn thủy tương liên”, “lý tưởng tương thông”, “văn hóa tương đồng”, “vận mệnh tương quan” mà Giang Trạch Dân dẫn ra.

Trung Quốc được nhìn nhận là người anh em cùng chung ý thức hệ tin cậy nhất, chỗ dựa bền vững nhất cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thậm chí còn xem những hành động tội ác của kẻ xâm lược chỉ là “xích mích của anh em trong nhà”. Mà nói vậy là theo cái logic của “vận mệnh tương quan”: phải gắn chặt với Trung Quốc thì mới giữ được chế độ xã hội chủ nghĩa với sự toàn trị của Đảng, mà “còn Đảng thì còn mình”.

Ấy vậy mà từng có một câu bốc đồng của ông Trọng tại CSIS trong chuyến thăm Mỹ dạo tháng 7.2015: “Cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống.

Thay đổi cơ bản mang tính hệ thốngthay đổi cái gì vậy? Thay đổi cơ bản mang tính hệ thống thì còn đâu cái “vận mệnh tưởng quan” giữa ông với Tập Cân Bình? Sự thay đổi mang tính hệ thống ấy có được đưa vào nội dung của Hội thảo Lý luận hàng năm giữa Việt Nam và Trung quốc, hình thành nên một cơ chế ràng buộc mà thực chất là sự thao túng, áp đặt của Trung Quốc đối với thể chế chính trị thân Trung Quốc nấp dưới chiêu bài trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin do chính Nguyễn Phú Trọng là một bên “đồng sáng lập”?!

Để hiểu rõ hơn câu chuyện oái oăm nhầy nhụa này, cần phải ngoái nhìn lại quãng thời gian thăng trầm và đi đến sụp đổ của Hệ thống xã hội chủ nghĩa với Liên Xô làm thành trì tính từ “Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa” và “Tuyên ngôn của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân 65 nước” năm 1957 tại Maxkva được xem là “CƯƠNG LĨNH CHUNG CỦA CHÚNG TA” như tiêu đề cuốn Văn kiện Đảng do Nhà Xuất bản Sự Thật ấn hành tại Hà Nội năm 1957, đến sự kiện Bức tường Bá Linh bị phá bỏ năm 1989.

Ngay trong “Cương lĩnh chung” ấy đã hàm chứa những rạn nứt trong quan hệ giữa các đảng và các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt Xô-Trung về tư tưởng, thể hiện trong xung đột chính trị và ý thức hệ, dẫn đến đụng độ về quân sự tại biên giới hai nước vào tháng 4 và tháng 5 năm 1962, rồi đỉnh cao là cuộc chiến biên giới Xô-Trung năm 1969. Với mưu đồ bành trướng lấn chiếm biên giới của Bắc Kinh, ngày 2 tháng 3 năm 1969, một đơn vị biên phòng Xô Viết đã bị lính Trung Quốc khiêu khích và bất ngờ tấn công, khởi đầu cho việc thực hiện kế hoạch tác chiến mang tên “Trừng phạt” đã được bí mật chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu. Bị bất ngờ, bộ đội biên phòng Xô Viết đã tổn thất nặng nề khi quân chủ lực vẫn chưa được lệnh tham chiến nhằm tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Chỉ đến khi trước sức mạnh vũ khí bí mật pháo phản lực BM-21 của quân chủ lực Xô Viết thì các hoạt động ngoại giao mới có kết quả.

Thực ra thì trước khi Liên Xô và Hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Trung Quốc đã bắt tay với Mỹ để chống Liên Xô, xem Liên Xô là kẻ thù trực tiếp. Khi trở thành một trong ba cực Mỹ-Xô-Trung, thì Trung Quốc đã dùng Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi Đài Loan. Khi Liên Xô sụp đổ thì “Cương lĩnh chung của chúng ta” cũng chẳng còn, mô hình Xô Viết trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam cũng đã tự cáo chung.

Và thế là “Cương Lĩnh 91” kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đồng nghĩa với gắn bó với Trung Quốc, nơi đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc, “thành trì mới” của Chủ nghĩa Xã hội đang thoi thóp mà Nguyễn Văn Linh và bộ sậu của ông ta bám lấy để cứu vãn sự sụp đổ của Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Cái “Chủ nghĩa Xã hội” đã đẩy đất nước đi vào ngõ cụt, lạc hậu quá xa với các nước trong khu vực không theo cái “kim chỉ nam” mà dân tộc này buộc phải theo! Với Cương lĩnh đó, bất chấp mọi hành động chèn ép, áp đặt về đường lối chính sách và nhân sự, cúi đầu trước những hành động xâm lược trắng trợn chiếm đóng Hoàng Sa rồi đến Gạc Ma, lập căn cứ quân sự trên các đảo chìm, đảo nổi vừa được gấp rút xây đắp tại vùng biển thuộc chủ quyền của ta hay vùng biển còn tranh chấp ở Trường Sa, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông ta vẫn “kiên định” với “mười sáu chữ” và “bốn nguyên tắc” xem Trung Quốc là đồng chí đáng tin cậy nhất, chỗ dựa vững chắc nhất.

Nói thật vắn tắt thì “kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa” mà Nghị quyết Đại hội 12 nêu lên cũng có nghĩa là gắn bó chặt với Trung Quốc, đúng hơn, với Đảng Cộng sản Trung Quốc theo cái logic “vận mệnh tương quan”. Đấy là chưa nói từ khi Lê Khả Phiêu hớn hở đem cái của nợ mười sáu chữ do Giang Trạch Dân ban cho trong cuộc gặp năm 1999 và còn thêm từ “vàng” sau phương châm “mười sáu chữ” vào cho nó trang trọng và thắm thiết hơn, đến năm 2002 lai thêm tinh thần “bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để tăng thêm tính lừa mị và bịp bợm.

Bằng những gì đang diễn ra, nhân dân ta đã quá hiểu những hành động ăn cướp bằng “tình hữu nghị” đi liền với những thủ đoạn quân sự để cưỡng chiếm lãnh thổ dài hàng ngàn km dọc biên giới phía Bắc, rồi quần đảo Hoàng Sa và đang lấn chiếm một số đảo ở Trường Sa, xây dựng những căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Thế nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lại tự phơi bày chân tướng sợ giặc trong tuyên bố tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không?”.

Ông ta đã không tiên liệu được cái tai hại của người chuyên ngâm nga trầm bổng trên bài diễn văn viết sẵn của nghiệp tuyên giáo khi ngẫu hứng buột miệng nói ra những điều giấu kín trong gan ruột, khiến cho “mỗi lời là một vận vào khó nghe” mà hệ luỵ của đã vượt khỏi quá xa tầm vóc trí tuệ của ông. Vì cái Đại hội mà ông đã được bật đèn xanh tái nhiệm ghế Tổng Bí thư của Đảng mà ông xem những toan tính thâm hiểm và hành động xâm lược trắng trợn chỉ là “xích mích của anh em trong nhà”, cũng như tuyên bố tỉnh khô khi kẻ thù bắn giết ngư dân ta trên vùng biển chủ quyền là “tình hình Biển Đông không có gì mới”!

Chẳng thế mà Đại hội XII của ông Trọng vừa bế mạc chiều 28.1.2016 tại Hà Nội thì lập tức vào lúc 0h59 sáng 28/1/2016 (giờ Bắc Kinh) Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã phát đi bài xã luận “Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm là tín hiệu tích cực nhưng không tuyệt đối”*. Trong đó viết:Việc Nguyễn Phú Trọng đắc cử là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam… Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn nhất với đường lối của Nhà nước…chúc mừng vị lão đảng viên 72 tuổi này của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta hy vọng ông có thể dẫn dắt Việt Nam làm bạn tốt của Trung Quốc, để cho kế sách lớn phát triển của hai nước thích ứng với nhau… Công cuộc cải cách của Việt Nam được dư luận rộng rãi cho là thành công. Không gian chính trị để nó đi chệch con đường hiện nay và bước mạnh theo mô hình “cải cách” của phương Tây là rất nhỏ … Trung Quốc là hàng xóm lớn và chân thực của Việt Nam, Việt Nam gia nhập TPP nhưng việc Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ nhất của họ thì không thể thay thế. Điều càng quan trọng hơn là Trung Quốc, Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, con đường cải cách của Việt Nam từ cải cách kinh tế đến xây dựng đảng rồi ngăn ngừa sự thâm nhập của phương Tây, đều hấp thu nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc.

Chẳng thể nào kịp thời, đắc chí và trắng trợn hơn! Liệu ông Trọng sẽ trả lời cho công luận, cho những bức xúc của các tầng lớp nhân dân thế nào về những điều mà “người đồng chí đáng tin cậy cùng chung ý thức hệ với ông” vừa nói? Chắc ông sẽ im lặng. Im lặng vì cái “đại cục” mà Tập Cận Bình đã phán truyền tại phòng họp Diên Hồng tại toà nhà Quốc hội ở Ba Đình ngày 6.11.2016. Và cũng vì cái “cục lớn” khó nuốt nhưng lại không nhả ra được này mà nảy ra cái thế ứng xử lúng túng như gà mắc tóc trong sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.2016 vừa rồi.

Đàn áp, như đã từng làm trước đây, thì sợ làn sóng phẫn nộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của trí thức và thanh niên ngày càng dâng cao phản đối đường lối “hèn với giặc, ác với dân. Nhưng để cho dân tự do thực hiện đạo lý truyền thống dân tộc uống nước nhớ nguồn, thắp hương tưởng niệm những người con yêu quý của Tổ quốc đã chết trước họng súng Trung Quốc xâm lược, khơi dậy ý chí quật cường bất khuất của dân tộc trong dân, đặc biệt trong thế hệ trẻ, khi mà tâm lý ghét Tàu đang bùng lên mạnh mẽ và lan rộng chưa từng có khắp thôn cùng ngõ hẻm cũng như ở chốn phồn hoa đô hội, thì lại sợ “người đồng chí cùng chung ý thưc hệ đáng tin cậy” khiển trách là đã phá bỏ lời cam kết “vận mệnh tương quan”. Mà tương quan thật chứ chẳng chơi đâu, rồi “ăn làm sao nói làm sao bây giờ” khi cùng nhau rà soát lại những cam kết trong định kỳ Hội thảo Lý luận Trung-Việt hàng năm mà ông là một “đồng Chủ tịch sáng lập”.

Đấy là còn chưa tính đến tâm lý bất an trong nỗi sợ cố hữu mà kẻ đang nắm quyền lực như ngồi trên núi lửa phẫn nộ chưa biết sẽ phun trào vào lúc nào với nỗi ám ảnh “một đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy cả đồng cỏ rộng” khi mà sự mất lòng dân đã trải rộng ra như thảm lá khô! Chỉ một tàn thuốc lá cũng bốc cháy cả cánh rừng đại ngàn! Thì chẳng phải vì thần hồn nát thần tính mà ông Trọng phải huy động đến 5200 tay súng gồm cả công an và quân đội để “bảo vệ Đại hội” như báo chí chính thống đã đưa. Và rồi nhân danh Tổng bí thư, Bí thư quân uỷ Trung ương ông phải trực tiếp đi kiểm tra quân khu Thủ đô và Tổng cục Cảnh sát trước ngày khai mạc Đại hội XII đó sao?

Để thực hiện cái đường lối lập lờ, he hé cánh cửa mà ông trót dại tuyên bố với giới báo chí quốc tế là “dân chủ đến thế là cùng, không có dân chủ gì hơn nữa” để làm dịu bớt sự phẫn nộ của lòng dân, ông tạm bật đèn xanh cho Hà Nội, và chừng nào đó Sài Gòn, được tụ tập kỷ niệm ngày Gạc Ma, nhưng với quy mô thật hạn chế để không làm mất lòng người đồng chí đáng tin cậy có “vận mệnh tương quan” với ông.

Cũng chính vì thế, ở Sài Gòn, “thành phố mang tên Bác”, cả một bộ máy hùng hậu của Đảng, chính quyền, công an, dân phòng, v.v. được huy động để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất buổi lễ thắp hương tưởng niệm 64 người con thân yêu của dân tộc đã ngã xuống trước họng súng Trung Quốc xâm lược để bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng được cắm trên đảo Gạc Ma, xác lập chủ quyền đất nước. Cả “hệ thống chính trị”, hình ảnh thu nhỏ của bộ máy “chuyên chính vô sản” ra sức ngăn chặn, cưỡng chế, vây bắt, theo dõi một số người mà người ta cho rằng có khả năng làm cho buổi tưởng niệm tăng thêm sức mạnh khởi động lòng yêu nước chống Trung Quốc vốn âm ỉ sục sôi trong tim mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức và thanh niên.

Là nạn nhân của “quyết sách dân chủ đến cùng” mà ông Trọng chỉ đạo, xin chỉ gợi đôi dòng với tư cách là một nhân chứng.

Ngay từ chiều ngày 13.3.2016, bí thư Đảng uỷ Phường, Bí thư Chi bộ khu phố, những người phụ trách tổ dân phố (không biết chính xác) đã định đến giáo dục, thuyết phục theo luận điệu quá quen thuộc như đã nhiều lần: “Chú già rồi, ngoài 80 rồi, chú ở nhà cho khoẻ, vui với các con cháu, chăm nom thím đang bệnh nặng, mọi việc đã có Đảng lo”. Tôi hỏi lại: “Thế các vị quên mất lời cụ Hồ rồi à, trong thư gửi phụ lão vào tháng 9 năm 1945 cụ viết: “lão lai tài tận”… “lão giả an chi”. Việc đời để cho con cháu bầy trẻ làm… Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không… không làm được việc nặng nề, thì khua gậy đi trước để khuyến khích bọn thanh niên…”**. Họ câm như thóc, ngô nghê ngượng nghịu nói lảng sang chuyện khác! Vì thế, lần này tôi từ chối thẳng thừng cuộc “đến thăm”.

Thế là một bộ phận của “hệ thống chính trị” rút lui, đẩy lực lượng an ninh thô bạo thực thi nhiệm vụ “không có gì dân chủ hơn” của ông Trọng: bao vây ngăn chặn không cho lão già tám mươi “khua gậy đi trước để khuyến khích bọn thanh niên” từ 3g30 chiều ngày 13.3 cho đến 13g ngày 4.3.2016.

Rút kinh nghiệm lần trước, khi cả “hệ thống chính trị của bộ máy chuyên chính vô sản” thu nhỏ ở cấp Phường cả chục người bao vây ngăn chặn dưới cổng nhà, đã vô tình tạo địa bàn cho lão già ngoan cố này công khai lên án cái gọi là “dân chủ đến thế là cùng” của ông Tổng, quyết liệt tố cáo tội ác của Trung Quốc xâm lược và cái chủ trương đàn áp những người tổ chức tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ ngã xuống trong cuộc tàn sát, cướp phá của lính Tàu tại cuộc chiến tranh biên giới nổ ra ngày 17.1.1979. Hoá ra việc trấn áp một người lại biến thành một cuộc “mini meeting” kéo dài ở nhiều điểm ngăn chặn, còn đáng lo hơn. Cho nên, lần này họ áp sát cầu thang máy chắc là để sẵn sàng kín nhẹm đẩy lão già vào và chốt cửa lại.

Có lẽ họ vận dụng sáng tạo câu nói bay bướm của ông Trọng trong chuyến thăm Mỹ bằng cách nhắc lại lời của Theodore Roosevelt “bạn đã đạt được một nửa thành công. Quả là họ đã thành công, không chỉ một nửa, mà thành công thật xuất sắc. Hôm ấy vì đường huyết của lão già ngoan cố này lên quá cao, 287, lão buộc phải nằm yên không ra khỏi cửa để đến chiều may ra có thể đến một nơi không thể không đến: Đi viếng giáo sư Lý Chánh Trung, người từng chia sẻ nhiều ý tưởng tâm huyết trong thời kỳ cùng tham gia vào Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và viếng cụ thân sinh anh Huỳnh Kim Báu, người bạn thân thiết.

Ấy thế mà khi bệnh tật tạm buông tha thì những người “bạn dân” quen thuộc lại không chịu tha cho! Ba “chiến sĩ anh hùng” mặc thường phục mẫn cán bám riết theo xe suốt chiều dài chặng đường, tăng lên thành sáu khi ba “chiến sĩ anh hùng” khác canh gác nhà Lê Công Giàu được bổ sung khi lão già ngoan cố đón anh Giàu cùng đi! Cứ thế qua nhà Huỳnh Kim Báu, lên đến tận làng đại học quận Thủ Đức, trở về lại nhà anh Báu rồi về nhà, vẫn có xe hộ tống oai như cóc!

Một người bạn chụp được mấy tấm hình kỷ niệm quý báu này đã chuyển qua email. Nhưng có lẽ nên lưu vào “document” như tư liệu lưu trữ một thời “dân chủ đến thế là cùng”, xếp cạnh bài viết cùng tên về cuộc vây bắt, cưỡng chế thô bạo ngày 17.1.2016 đã đăng trên “Mênh mông thế sự 28” của Ban Điểm tin số 75, thì vui vẻ, tế nhị hơn với những người “bạn dân” cực chẳng đã phải vất vả vì mình. Làm thế cũng là cách học tập ông Trọng “nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, có ngồi đây mà… viết bài “Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” được không?”.

Nghĩ đi nghĩ lại cũng có có một điều ân hận. Giá hôm ấy cố nén giận, thò cổ ra nói với các “chiến sĩ anh hùng” rằng, các cháu về đi, hôm nay lão già ngoan cố bệnh, không ra thắp nhang và phát biểu tại tượng đài Trần Hưng Đạo đâu, chiều may ra mới đi viếng hai đám tang thôi, thì có phải đã đỡ bớt đi chút ít tiền thuế của dân nuôi ngần ấy người canh gác. Mà đâu chỉ mình lão. Cứ đếm sơ sơ mấy người quen biết cũng bị như lão thì có cả chục, còn tính cả những người lão không biết thì sẽ là bao nhiêu? Cứ nhân lên thử xem phải huy động ngần nào người, vừa chìm vừa nổi, chắc lương bổng, phụ cấp khác nhau, nhưng ngân sách chi cho những cuộc “hành quân xa tuy có nhiều gian khổ” độc đáo này thì quả là đáng phải tính toán phải không ông Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Nhưng dù có thế thì thấm vào đâu với cái giá “tránh đụng độ” để có được Đại hội XII mà kết quả của nó khiến ông “cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối… Đại hội vỗ tay nhiều quá, vỗ tay dài quá… không khí rất hân hoan”! Ông đang lâng lâng trong tâm trạng “Từ phen đá biết tuổi vàng, Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ” với người đồng chí cùng ý thức hệ đáng tin cậy đã hết lòng giúp mình đạt đến cái “hân hoan” tuyệt đỉnh ấy, thì ứng xử thế nào để vừa lòng người bạn tin cậy ấy có tốn kém chút ít chứ tốn nữa thì có “thấm thía” gì?

Tiền thuế của dân ư? Tuy là chuyện lớn nhưng đã có Chính phủ lo, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải tính, chứ ông là người chuyên trị chuyện định hướng xã hội chủ nghĩa cho đất nước, là giữ bằng được cái “kim chỉ nam” để làm cho xã hội đổi mới nhưng không đổi màu như tuyên bố của Lê Khả Phiêu trước đây khi chuẩn bị tiếp Tổng thống Bill Clinton dạo nào mà ông đã thuộc nằm lòng thì bận tâm làm chi cho hao hư thánh thể!

Thế là đứng trước cái thế lưỡng nan, một mặt phải mị dân, không thể tiếp tục chủ trương táng tận lương tâm, chà đạp lên đạo lý dân tộc cấm nhắc đến chiến tranh biến giới 1979, đục bỏ bia mộ liệt sĩ hy sinh tại biên giới, đàn áp tàn khốc những bưổi tưởng niệm các người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974, ở Gạc Ma năm 1988, đốn mạt hơn nữa, khi có đề nghị tìm xác hoặc hài cốt các liệt sĩ Gạc Ma vẫn còn nằm dưới biển thì Nông Đức Mạnh trả lời tỉnh khô “thôi cứ để yên như thế”, không cho đưa vào sách giáo khoa những sự kiện lịch sử nói trênmà phải dần dần cho báo chí chính thống đưa tin và bình luận về tội ác của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại phải bám vào Tập Cận Bình để giữ được cái ghế quyền lực đang quá bấp bênh.

Vì thế mới có những chủ trương, giải pháp đầy mâu thuẫn mà chuyện vừa kể về ngày 14.3.2016 chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Còn bao nhiêu ví dụ khác, xin chỉ nhắc đến việc sau đây:

Để yên cho xây dựng Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh, nhưng lại không cho xuất bản cuốn sách “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” do một Thiếu tướng anh hùng quân đội biên tập và đích thân mang tới Nhà xuất bản, để rồi hơn một năm sau vẫn không được xuất bản với những lý do hết sức mù mờ, khuất tất rất khó hiểu. Ấy thế nhưng cuốn “Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt” lại được xuất bản và phát hành tràn lan tại Việt Nam.

Ai hạ lệnh trì hoãn in một cuốn sách và ai bật đèn xanh cũng về chuyện in một cuốn sách? Hoãn chưa cho in cuốn sách này hay bật đèn xanh cho in tràn lan cuốn sách kia, đều nằm trong cái thế “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” cái “cục lớn” khó nuốt nhưng lại không thể khạc ra như đã nói đấy thôi. Cái thế ứng xử rối như gà mắc tóc sẽ còn diễn ra dài dài. Cho dù chỉ cố đạt “một nửa thành công” như ông Trọng phát biểu ở Mỹ dạo nào “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công” cũng khó, vì đã bao giờ ông Trọng tin đâu?

Câu trên là được soạn sẵn cho bài diễn văn đọc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) mà ông đã diễn rất thành công chứ đâu phải là ông nói thật lòng. Lời gan ruột thì ông đã gói ghém trong khúc “prelude” chuẩn bị cho bản hợp xướng công du Mỹ quốc mà trong “Mênh mông thế sự 5” ngày 19.7.2015 đã nói đến khi Nguyễn Phú Trọng mượn lời Nguyễn Văn Linh để khẳng định điều ông thật sự tin: “Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân”… vì vậy: “Kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta”. Đây cũng là lời nhắn gửi nhằm biểu tỏ lòng trung thành với “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” đáng tin cậy đang theo sát từng bước chân trong chuyến đi Mỹ của ông mặc dầu trước chuyến đi Mỹ ông đã vội vã sang Bắc Kinh để diện kiến thiên triều.

Vậy thì hôm nay đây, điều không ngờ nhất với ông không phải là không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối” mà là điều Tổng thống Obama vừa trả lời phỏng vấn nhà báo Jeffrey Goldberg của tạp chí The Atlantic về chính sách đối ngoại của Mỹ: “Nếu quan sát những gì chúng ta đã làm ở biển Đông, chúng ta đã huy động cả châu Á cô lập Trung Quốc theo cách khiến chính Bắc Kinh không ngờ. Liệu ông Trọng có vì tình đồng chí cùng chung ý thức hệ thắm thiết mà gắn kết với Trung Quốc, con quái vật Frankstein thế kỷ XXI, một quái vật không thể thuần hoá được trong trật tự quốc tế hiện hành và chính nó đang thách thức trật tự hiện hành?

Phải chăng điều mà ông đang “không ngờ” nhất, chính là điều mà các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức và thế hệ trẻ đang thể hiện bằng hành động ngày càng quyết liệt điều mà họ tin tưởng sâu sắc: “Tự do không tự dưng mà có. Tự do chỉ có thể giành được bằng đấu tranh và tự do phải được bảo vệ từng ngày trong đời sống của chúng ta”. Đó là lời của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, người phụ nữ từng được tôn vinh là người phụ nữ sáng giá nhất của thế giới đương đại, tại Hoa Kỳ vừa rồi.

Bà nói: “Một người phụ nữ như tôi có thể đứng trước quý vị hôm nay, cũng như Arnold Vaatz là thành viên của phái đoàn Quốc hội Đức có mặt ở đây hôm nay cũng đã từng phải ngồi tù ở Đông Đức chỉ vì tội là người bất đồng chính kiến… Bức tường với hàng rào thép gai và lệnh bắn bỏ bất cứ ai làm chúng tôi tưởng như không bao giờ có thể tới được bến bờ của thế giới tự do... Ở nơi trước đây là bức tường tăm tối, cánh cửa bất ngờ mở ra và tất cả chúng tôi bước qua cánh cửa ấy. Tất cả mỗi người từ đó bắt đầu có cơ hội xây dựng một điều mới để mang lại sự thay đổi và là bước đầu tiên cho hành trình mới.

Rồi sẽ có một ngày không xa, nhiều người Việt Nam hôm nay, nữ cũng như nam, trước hết là trí thức và thế hệ trẻ sẽ dõng dạc thét vang lời của Angela Merkel trên quê hương lầm than và quật khởi của mình. Nhiều cơ hội đập vỡ bức tường giam hãm cả dân tộc bị bỏ lỡ. Nhưng rồi “cánh cửa bất ngờ mở ra”, cái gì đến sẽ đến và đang đến.

Cuộc sống đang mở đường cho một “hành trình mới” không gì cản được.

Ngày 20.3.2016

T. L.

Tác giả gửi BVN.

__________________

*huanqiu.com 社评:阮富仲连任是积极但非绝对的信号 2016-01-28 00:59:00

** Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4. NXBCTrung QuốcG. Hà Nội 1995, tr.24

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn