Công bố danh sách dự án nguy cơ gây ô nhiễm – Một cảnh báo tốt

Thanh Trúc, phóng viên RFA

clip_image002

Một nhà máy nhiệt điện thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam, ảnh minh họa. Courtesy evn

Trong nỗ lực giữ sạch môi trường, Việt Nam cho công bố danh sách các dự án có nhiều khả năng cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi sinh, yêu cầu phải báo cáo cụ thể về việc phát thải cuối năm nay.

Từng bước ngăn chặn ô nhiễm

Bộ Công Thương Việt Nam vừa công bố danh sách các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó tên những công ty kinh doanh hàng đầu được nêu ra là Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam, Công Ty Dầu Khí Việt Nam, Tập Đoàn Công Nghiệp Than Khoáng Sản, Tập Đoàn Hóa Chất, Tổng Công Ty Thép, Tập Đoàn Dệt May, Tổng Công Ty Giấy.

Bên cạnh đó, tên 12 nhà máy điện và dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên cũng được đưa vào danh sách này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hột Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam, nói rằng đã có sản xuất thì mặt trái của nó là chất thải, mà các chất thải đó có khả năng làm cho môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất vân vân... bị ô nhiễm nếu không có các giải pháp cần thiết.

Bây giờ Bộ Công Thương đã công nhận là những dự án liên quan tới năng lượng, liên quan tới sản xuất công nghiệp nặng đã gây ô nhiễm và đã có được nhiều bài học nhãn tiền từ Bắc xuống Nam liên quan tới các công nghiệp này.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Vẫn theo lời ông, công khai danh sách các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, đặc biệt các tập đoàn kinh doanh lớn, là một việc làm nghiêm túc không chỉ đối với các đại công tý đó mà kể cả những dự án công nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một cảnh báo tốt, ông khẳng định tiếp, còn chuyện báo cáo hay không thì những qui định về bảo vệ môi trường của Việt Nam đã nói rất rõ:

Đối với những nhà máy hay xí nghiệp có nguồn ô nhiễm đến mức độ nào đó thì phải có kế hoạch tự quan trắc và tự thông báo kết quả quan trắc của mình đến các cơ quan quản lý các cấp, để có thể từng bước từng bước một ngăn chặn sự cố, ngăn chặn những mức quá tải đối với thiên nhiên trong hoạt động sản xuất của họ.

Ngoài yêu cầu các dự án có tên phải thẩm tra việc phát ra chất thải, phải thực hiện các giải pháp cần thiết để sự phát thải phù hợp với tiêu chuẩn của quốc gia. Điều này được tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh giải thích:

Tức là Việt Nam bây giờ đã có các qui chuẩn bắt buộc phải tuân thủ rồi. Ví dụ thải lượng nước  thải với hàm lượng nào đó thì phải tuân thủ phần xử lý để làm sao cho nó không vượt mức qui định. Đối với nước thải, khí thải, tiếng ồn, hoặc là rác thải, nhất là những rác thải nguy hại vân vân... từ trước đến nay đã có những yêu cầu và nhiều nơi đã thực hiện tốt rồi, thì bây giờ là nhắc lại với nhau mà còn yêu cầu gắt gao chặt chẽ hơn để cho các đơn vị sản xuất kinh doanh đó phải thực hiện nghiêm chỉnh. Hơn thế nữa nó cũng đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng là phải quản lý chặt chẽ tất cả những chuyện đó.

Tất nhiên là trong khi làm như vậy thì cũng có những cái chưa được rút kinh nghiệm. Đối với công tác quản lý hoặc sự phối hợp giữa các bộ ngành với các địa phương, cũng như chuyện truyền thông cho cộng đồng hiểu biết về vấn đề. Chúng tôi cũng đã học được bài học là đối với việc quản lý môi trường, phòng chống ô nhiễm, kể cả chuyện biến đổi khí hậu vân vân... cho nên cũng đang rất cố gắng.

clip_image004

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của đại học Cần Thơ. Courtesy photo

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của đại học Cần Thơ, cho rằng công khai danh sách các tập đoàn lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường là một bước tiến và một sự công nhận vô cùng quan trọng:

Bây giờ Bộ Công Thương đã công nhận là những dự án liên quan tới năng lượng, liên quan tới sản xuất công nghiệp nặng đã gây ô nhiễm và đã có được nhiều bài học nhãn tiền từ Bắc xuống Nam liên quan tới các công nghiệp này.

Đồng thời những công nghiệp sắp phát triển tới ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển miền Trung và một số tỉnh thành ở phía Bắc nữa, đang có nguy cơ là những nơi phát thải chất ô nhiễm ảnh hưởng tới cộng đồng.

Có rất nhiều bài học đã xảy ra rồi, một trong những bài học chẳng đặng đừng là danh sách cụ thể hình thành từ phản biện của giới khoa học gia cũng như từ phản ảnh của dư luận, báo chí và người dân bao lâu nay:

Một tinh thần không thể nào mà tránh khỏi ra những bằng chứng khoa học như vậy là bước tiến rất dài, khác với quan điểm ngày xưa là phát triển kinh tế mà bỏ qua các vấn đề về môi trường và những tác động với xã hội, với cộng đồng. Theo tôi đây là điều mà các nhà đầu tư và các công ty lớn của nhà nước phải cẩn thận hơn và phải áp những biện pháp kỹ thuật cũng như các giải pháp kiểm soát nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do các nhà máy nêu ra.

Lời cảnh báo đến chính quyền địa phương

Danh sách của Bộ Công Thương, tiến sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, đồng thời cũng là lời cảnh báo đến chính quyền địa phương các cấp là phải hết sức thận trọng trước những dự án đầu tư và sản xuất trong địa bàn tỉnh nhà:

Không thể nào đánh đổi sự phát triển kinh tế cho các vấn đề môi trường và hệ sinh thái vốn đã ngày càng xuống cấp, một số nơi đã tới cái khả năng mà khó có thể hồi phục được.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Không thể nào đánh đổi sự phát triển kinh tế cho các vấn đề môi trường và hệ sinh thái vốn đã ngày càng xuống cấp, một số nơi đã tới cái khả năng mà khó có thể hồi phục được. Tôi nghĩ đây là sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của lãnh đạo cấp trung ương và một số tỉnh thành.

Từ nhận thức này, ông nói tiếp, là trong tương lai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm sẽ càng ngày càng chặt chẽ hơn, sẽ có sự tham gia của các cộng đồng liên quan tới hoạt động của các nhà máy hoặc khu công nghiệp.

Việt Nam đã có luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước và nhiều văn bản hay dự luật khác về đánh giá tác động môi trường. Thực tế những điều luật hay qui định này có được tuân thủ hay không? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn:

Việc thực thi những luật đó chưa được chặt chẽ, cũng chưa có những cơ chế xử phạt một cách mạnh mẽ đối với những hoạt động gây ô nhiễm như vậy. Đồng thời, trong một thời gian dài, chính quyền các nơi đã làm ngơ trước những hoạt động kiểm soát ô nhiễm ở khu vực của mình, mục đích là thu hút đầu tư công nghiệp để tăng thu nhập cho địa phương hoặc đem nộp về trung ương.

Chủ trương không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế thì gần đây chúng ta mới nói tới nhiều, mặc dù các điều luật và các quí định pháp luật về môi trường trước đó đã có rồi và được tiếp tục sữa đổi theo hướng như vậy.

Tóm lại, phát triển kinh tế muốn bền vững và hiệu quả thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường cho có hiệu quả. Danh sách các dự án có nguy cơ cao và khả năng cao về việc gây ô nhiễm môi trường mà Bộ Công Thương công bố tuần trước là bước khởi đầu nhằm tháo gỡ những nguy hại và bất cập trong sản xuất kinh doanh của khu vực công nghiệp nặng, tiến sĩ Lê Anh Tuấn kết luận.

Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu các dự án có tên trong danh sách phải báo cáo kế hoạch phát thải của công ty vào thời gian cuối năm 2016 này.

T.T.

Nguồn: shttp://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/black-list-of-the-pollution-actors-tt-11042016110144.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn