Từ tình trạng bệ rạc trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tới nội dung lá thư của một học sinh gửi thầy giáo cũ

Trần Phong Vũ

Tệ trạng Giáo Dục Việt Nam đã tới đáy

Trong suốt mấy thập niên qua, người ta đã tốn quá nhiều giấy mực để bàn thảo và phê phán về tình trạng xuống dốc thê thảm của hệ thống giáo dục trong nước. Do lỗ hổng to lớn về sự thiếu vắng một triết lý giáo dục, cho đến nay sau hơn 7 thập niên cho miền Bắc và 41 năm cho riêng miền Nam, vì những ràng buộc tròng tréo vào những đòi buộc phi lý, hoang tưởng của ý thức hệ Mác-xít, nền giáo dục trong nước luôn rơi vào tình trạng khập khiễng, bất cập. Tình trạng bất cập này khởi từ việc phân chia hệ cấp đại học, các ngành chuyên môn, hợp lý hóa công việc soạn thảo chương trình giảng dạy, soạn sách giáo khoa… tới vấn đề học phí, học thêm giờ luôn là gánh nặng cho phụ huynh, không chỉ ở cấp đại học mà ngay từ các lớp mầm, lớp mẫu giáo.

Đã có rất nhiều lời ta thán cất lên trong giới phụ huynh, học sinh và sinh viên. Cách nay không lâu, trong một clip video do chính mình thực hiện, sinh viên Lê Văn Thành 20 tuổi ở Hà Nội đã công khai chỉ ra những khuyết tật nghiêm trọng trong nền giáo dục thời Xã Nghĩa. Anh nói tới tình trạng mua bán bằng cấp nhan nhản trong hệ thống đại học. Anh than phiền về tệ nạn quay cóp, tráo bài, bè phái, bán đề trong các kỳ thi, nạn bảo vệ thành tích trong hệ thống trường ốc khiến có nhiều thí sinh tốt nghiệp trung học trong khi trình độ học vấn chưa qua lớp 8 lớp 9! Nhắc tới nền giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam trước 30-4-1975, blogger Lê Văn Thành đánh giá rất cao vì được đặt trên triết lý giáo dục lấy Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng làm nền tảng và nhất là một nền giáo dục miễn phí toàn phần từ mẫu giáo cho đến hết bậc Trung học, điều dưới chế độ Cộng hòa xã hội cho đến đầu thập niên thứ hai đệ tam thiên niên vẫn chưa có.

Ngoài những bất cập liên quan tới chương trình giảng dạy, cách giảng dạy và nội dung sách giáo khoa, một tệ trạng khác không kém phần quan trọng. Đó là sự xuống cấp thê thảm về mặt đạo đức nơi học đường. Báo chí trong nước từng nói tới những chuyện không vui, thầy trò đánh giết lẫn nhau, cảnh hiệu trưởng, thầy giáo dụ dỗ nữ sinh làm chuyện tồi bại. Tệ hơn nữa có hiệu trưởng còn muối mặt mồi chài nữ sinh trường mình bán trinh cho các viên chức trong chính quyền để được cất nhắc!

Chưa hết, từ rất lâu các cô giáo phục vụ tại các tỉnh, huyện còn thường xuyên bị các quan chức địa phương buộc phải làm công tác phục vụ trong những cuộc vui chơi, các buổi liên hoan có sự tham dự của các quan lớn trong hệ thống đảng và nhà nước! Vì nỗi sợ bị kỷ luật, thậm chí bị sa thải, mất việc làm, nhiều cô giáo đành phải ngậm miệng làm những việc phi đạo đức, xúc phạm nghiêm trọng tới nghề làm thầy.

Giọt nước làm tràn ly

Vào thời gian giáo giới trong nước tưng bừng chuẩn bị Ngày Nhà giáo 20-11-2016, một chuyện động trời đã nổ ra. Đó là vụ 21 nữ giáo viên trẻ đẹp ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã này điều động đi hầu rượu, hát ca-ra-ô-kê phục vụ các quan chức nhà nước. Ngay sau đó, một loạt bài viết kèm theo hình ảnh phanh phui sự việc bệ rạc này được đưa lên mạng đã buộc Nhà nước không thể im lặng. Hôm 14-11 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phải ra trả lời trước Quốc hội. Vẫn với thói quen coi dân như cỏ rác, lên tiếng trong dịp này, ông Nhạ thay vì khiển trách các lãnh đạo bất xứng ngành giáo dục địa phương lại trắng trợn xỉ vả quy lỗi cho nạn nhân là các cô giáo. Ông nói:

“Ai sai tới đâu xử lý tới đấy, còn thầy cô không phát huy được bản lĩnh của mình, phẩm chất của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác. Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Tôi đề nghị nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã”.

clip_image001

Bộ trưởng GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí. Ảnh: internet

Bản tin trên mạng Dân Làm Báo cho hay, theo ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị xã Hồng Lĩnh, thì đây là chuyện bình thường. Ông cho rằng việc các cô giáo làm chiêu đãi viên đã có từ nhiều năm qua. Ông tuyên bố “Huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương”. Vẫn theo ông thì đây còn là “nhiệm vụ chính trị”!

Cung cách phát ngôn và hành xử của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch UBND Hồng Lĩnh trên đây đã tạo nên những phản ứng gay gắt trong giáo giới cũng như cộng đồng mạng khắp nơi trong nước.

Từ Nghệ An cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết nhận xét của cô về nguyên nhân sâu xa để UBND cũng như các cơ quan toàn quyền điều động nhân viên, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục:

“Đối với người giáo viên khi họ phải chạy bằng chạy chức họ phải bỏ một khoản tiền rất là lớn và khi bỏ khoản tiền lớn để xin việc vào biên chế thì họ muốn ở lại để làm việc. Chính vì muốn được ở lại để dạy học thì họ phải chấp nhận đánh đổi, chấp nhận điều kiện cấp trên đưa ra kể cả tiếp khách hay thậm chí có thể phải ngủ với quan chức thì họ vẫn phải chấp nhận đánh đổi.

Đời sống đạo đức của mình nó băng hoại đến như thế và đấy là vấn nạn nhức nhối. Cái đau khổ của họ là đạo đức, họ không thể nào giữ được đạo đức”.

Nhận định của cô Bích Hạnh cho thấy hai vấn đề. Thứ nhất, ngay trong hệ thống giáo dục cũng có chuyện hối lộ công khai để được vào biên chế (có nghĩa là được tuyển vào làm việc chính ngạch). Thứ hai: dù mang danh là cô giáo, nhưng vì không muốn bị mất điểm với cấp trên, thậm chí bị đuổi việc, nhiều trường hợp cô giáo phải thất thân, ép mình sống lang chạ với quan chức!

Được hỏi cảm nghĩ về chuyện bê bối này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một giảng viên đại học cho hay”

“Đây là quan niệm rất là phong kiến tức là xem dân, xem cấp thấp hơn giống như là ‘con dân’ trong xã hội phong kiến, biểu gì làm đó. Điều này tất nhiên là không chấp hận được, phải thay đổi nhưng không biết phải thay đổi cách nào khi nó xảy ra trong bối cảnh chung của Việt Nam. Tôi cho rằng lần này nó lộ ra vì có người than phiền, đưa lên báo chí mới thành om sòm”.

Rõ ràng bà muốn nói không phải bây giờ mới có chuyện tồi bại như thế trong ngành giáo dục mà đã hiện hữu từ lâu.

Trong khi ấy, ông Đinh Kim Phúc, giảng viên Đại học Mở, cũng là nhà nghiên cứu Biển Đông đã có những nhận định cứng rắn không che đậy. Ông nói: “Thông qua bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ mà VietnamNet phải rút bài rồi đưa lại bài khác, tất cả những gì trên báo chí nhất là báo Dân Trí đã đưa ra thì tôi nói với tư cách là một thầy giáo tất cả câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tôi đánh giá là trả lời của một tên đầu gấu bảo vệ cho những tên ma cô trong giáo dục Việt Nam hiện nay.

Từ ngày hôm qua đến nay dư luận Việt Nam rất là phẫn nộ. Phẫn nộ vì cách hành xử mất dạy của quan chức Hà Tĩnh khi điều các giáo viên đi tiếp rượu nhưng người ta lại quá phẫn nộ đối với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Tôi nói rằng nếu như vợ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam được điều đi để tiếp rượu thì Phùng Xuân Nhạ có lẽ sẽ không có những câu trả lời trước dư luận như thế”.

Về nội dung lá thư của một HS gửi ông thầy cũ.

Cũng trong những ngày sửa soạn mừng Ngày Nhà giáo 20-11, người viết bài này đọc được trên mạng xã hội lá thư của một học sinh tên Thuận gốc dân tộc nay đã trưởng thành, hồi âm ông thầy giáo cũ và cũng là người ơn của anh, sau khi nhận được tin nhắn trên facebook của thầy.

Đầu thư anh viết: “Nhận được tin nhắn trên facebook của thầy, em vừa mừng vừa buồn thầy ạ. Mừng vì thầy còn nhớ đến em sau gần mười năm không gặp, mừng vì thầy đã dùng facebook. Còn em buồn là vì nội dung tin nhắn của thầy”.

Tiếp theo là lời cầu chúc cho thầy cô sức khỏe và có nhiều niềm vui trong Ngày Nhà giáo. Sau khi gợi lại những cơn rét cắt da thịt mùa đông 1999 khi em với thân phận một học sinh người thiểu số, nghèo nàn không áo ấm, đi dép tới trường, ngồi run lẩy bẩy, tay lạnh cứng không viết được, anh nhắc tới ân nghĩa của người thầy cũ.

“Thưa thầy, em suốt từ nhỏ đến năm lớp 12 chưa hề biết chiếc áo ấm, áo khoác là gì. Lúc đó, em chỉ mặc một chiếc áo len mỏng, bên trong là một chiếc áo phông số, bên ngoài thêm một chiếc áo sơ mi, chân không hề có giày tất gì cả mà muôn đời là dép, lạnh 4 độ thì viết sao được thầy? Tối đó thầy và cô đã mang vào cho em một túi quần áo trong đó có một chiếc áo khoác mà thầy mặc lúc chiều đi dạy, đó là chiếc áo ấm đầu tiên trong đời của em, chiếc áo đó rất ấm và hiện nay em vẫn còn giữ ở quê. Ngoài ra, còn có chiếc áo “mút lào” cũ nhưng còn đẹp cộng với 2 chiếc quần bò (jeans), 4 cái áo sơ mi (2 cái mới) còn rất đẹp. Túi quần áo của thầy cô đã giúp em giữ ấm và có thể cầm bút viết tiếp và viết mãi đến tận sau này, những chiếc quần áo đó còn đi theo em đến tận 3 năm sau (trừ áo khoác đến bây giờ). Em không quên thầy ạ, không bao giờ quên… Năm lớp 12, thầy khuyên em nên thi vào ĐHSP Thái Nguyên là nơi trước đây thầy từng học, rồi thầy hứa lo cho sách vở tài liệu khi đi học, lo giới thiệu các thầy cô ở khoa Hóa ĐHSPTN cho em, rồi bảo ra trường thầy lo chỗ làm cho em… Nhưng em đã không nghe lời thầy, em muốn học trường khác, ngành khác. Em xin lỗi nhưng đó là lựa chọn của em và em muốn tự mình quyết định tương lai cho mình”.

Sau khi kể lại những chuyện đã qua trong đời mình, anh đi thẳng vào chủ đề muốn bày tỏ sau khi nhận được tin nhắn của thầy trên facebook.

“Thưa thầy, bây giờ em xin nói về nội dung tin nhắn của thầy:

‘Thuận, em còn nhớ những gì mà Đảng và Chính phủ đã làm cho em không?’

Em hơi bất ngờ vì câu hỏi của thầy, có vẻ như thầy hờn trách em gì đó, hay em làm sai gì đó? Em đã suy nghĩ gần 10 ngày nay vì tin nhắn của thầy, một người mà em vừa mang ơn vừa rất kính trọng. Có lẽ vì những ‘tin đồn’ về em nên thầy nhắn cho em phải không ạ? Em xin nói là ‘tin đồn’ đó có thật, và em thấy đó là con đường đúng đắn nhất cho tất cả mọi người. Nếu một người có lương tâm, có hiểu biết sẽ phải lên tiếng trước những bất công, trước những thực trạng tồi tệ của đất nước.

Em không muốn đao to búa lớn, không dám ‘lên mặt’ với thầy. Nhưng xin thầy hãy nhìn xung quanh, nhìn thực trạng đất nước, nhìn bằng tất cả trái tim và khối óc”.

Tránh chưa nói tới những chuyện xa xôi, người học sinh cũ tên Thuận gốc thiểu số nêu lên những câu hỏi nhức nhối liên quan tới những vấn nạn chất chồng từ bao nhiêu năm qua ngay trong hệ thống giáo dục của chế độ gọi là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa mà trọn đời ông thầy và cũng là ân nhân của anh đã lăn lộn sống chết trong đó.

“- Có chuyện chạy chọt cho con vào trường này trường kia không?

- Có chuyện bớt xén, tham nhũng trong các dự án giáo dục, dự án xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trong các trường không?

- Có chuyện lạm thu, thu tiền của phụ huynh học sinh một cách vô tội vạ không?

- Có chuyện ‘chạy, mua’ nơi làm việc, mua biên chế, chạy chuyển trường không?

- Có chuyện ‘đường dây’, cơ cấu trong bổ nhiệm lãnh đạo các trường và cả các cơ sở GD không?

- Có chuyện bớt xén tiền ăn, tiền hỗ trợ học sinh các trường nội trú, bán trú không?

- Có chuyện trù dập học sinh để bắt học sinh đi học thêm không?

- Có chuyện chạy vạy các danh hiệu ‘giáo viên dạy giỏi’, ‘trường chuẩn’…không?

- Có chuyện học sinh như những con vẹt, như cái máy không?

- Có chuyện chạy theo thành tích mà làm hỏng rất nhiều thế hệ học sinh không?

Còn nhiều những thứ khác nữa thầy ạ, đó không phải là ‘hiện tượng cá biệt’.

Những thứ đó là căn bệnh của giáo dục, một căn bệnh phải chữa từ gốc rễ, không thể chắp vá. Mà gốc rễ của vấn đề là ‘triết lý giáo dục’, là thể chế chính trị”.

Tiếp theo đó, như một thôi thúc không thể cưỡng lại từ lương tâm trong sáng của một người trẻ yêu nước hằng thiết tha trăn trở khi nghĩ tới tiền đồ dân tộc, Thuận nói thẳng những suy nghĩ chân thật của anh.

“Hiện nay, có lẽ thầy cũng nhận thấy giáo dục của Việt Nam mình đang là một hệ thống nói dối khổng lồ. Có ai biết Chủ nghĩa xã hội là gì đâu mà đòi đào tạo con người, đào tạo người học thành những con người “Xã hội chủ nghĩa”? Còn nhiều chuyện về giáo dục lắm, nhưng đó mới chỉ là một mảng của đất nước này. Còn kinh tế, còn hệ thống luật pháp, còn quyền con người, còn dân chủ thật sự, còn ô nhiễm, còn nợ công, còn tham nhũng, còn y tế, còn tàn phá tài nguyên, còn mất đất đai biển đảo vào tay giặc, còn sự vô cảm, suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội… Những thứ đó là sai lầm có hệ thống và nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó có thầy và em, đến gia đình và con cháu của chúng ta nữa thưa thầy”.

Sau khi bộc trực nói ra những bệ rạc dưới chế độ hiện nay mà qua sự kiện ông thầy cũ của anh đã biết vào facebook hẳn ông đã nhận ra, Thuận thẳng thẳn hỏi thầy:

“Vậy thầy bảo em phải làm sao? Im lặng trước những chuyện đó, sống như một cái máy, sống vô cảm bịt tai, bịt mắt lại để khỏi nghe khỏi thấy? Hay cố gắng ‘chen chân’ vào hệ thống đó để kiếm ăn kiếm sống mặc kệ những người xung quanh? Xin thầy hãy cho em biết, em phải làm sao thầy ơi? Giá như em ngu dốt, mất trí, hoặc thiểu năng đi để khỏi nhìn khỏi nghe khỏi nghĩ thì hay biết mấy.

Còn chuyện ơn Đảng ơn Chính phủ, em xin phép được ‘cãi lại’ thầy.

Những thứ bọn em là người dân tộc thiểu số được ‘hưởng’ khi đi học như sách giáo khoa, chăn màn, cơm ăn, không phải đóng học phí… tất cả những thứ đó là tiền từ ngân sách tức là từ nguồn thuế của người dân. Chính Đảng và Chính phủ cũng đang phải ăn bám vào nguồn thuế, phí của dân thì lấy gì ra để ‘bố thí’ cho người dân tộc như bọn em? Nếu mang ơn, em phải mang ơn tất cả những người dân đóng thuế của đất nước này. Mong thầy tha lỗi vì em đã dám nói thẳng, nói thật…”

Em biết, thầy lo lắng cho em, có thể rất giận em. Nhưng có lẽ thầy cũng nhận thấy, em làm đúng, nghĩ đúng. Em không dám trách thầy, hay giận thầy, chỉ mong rằng thầy hiểu cho em. Em không biết nói gì hơn, chỉ mong thầy cô luôn bình an khỏe mạnh. Bất cứ khi nào em cũng mong nhận được tin nhắn, cuộc gọi của thầy. Nếu có thể, xin thầy hãy thường xuyên nói chuyện với em, để thấy rằng em vẫn như ngày xưa vẫn là đứa học trò của thầy.

Một lần nữa chúc thầy cô bình an, mạnh khỏe”.

Người ta không rõ sau khi đọc hồi âm của người học trò năm xưa ông thầy suy nghĩ và phản ứng ra sao. Điều người ngoại cuộc không khỏi mang tâm trạng ngạc nhiên vừa vui vừa buồn khi đọc lá thư của Thuận.

Vui vì giữa một xã hội xuống cấp đến tận đáy như Việt Nam ngày nay vẫn còn hiện hữu những ngưới có lòng bác ái như ông thầy của trò Thuận. Nhưng ngạc nhiên và buồn vì với một người trí thức có từ tâm lại biết sử dụng những phương tiện truyền thông tân tiến như facebook hẳn phải nghe, phải thấy nhiều điều. Vậy mà khi hay tin người học trò cũ can đảm quên mình, dấn thân vào con đường hiểm nguy, đấu tranh cho quyền sống, quyền tự do của đồng bào, lẽ ra ông phải vui mừng chứ tại sao lại u mê gửi ra một lời nhắn tin như thế?

Một ngày cuối tháng 11-2016

T.P.V.

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/11/27/10-865-tu-tinh-trang-be-rac-trong-he-thong-giao-duc-vn-toi-noi-dung-la-thu-cua-mot-hoc-sinh-gui-thay-giao-cu/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn