Độc tài, Dân chủ và Của cải: đối thoại thay vì đối đầu

Trần Minh Thảo

Viết nhân được tin tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 và được xem các bài viết:

1. Dân oan phải chăng không tranh đấu cho nhân quyền?! – Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi

2. Thư gửi một số người bạn – Nguyễn Thị Tử Huy

3. Về một liên minh chính trị của người Việt hải ngoại – Nguyễn Thị Từ Huy

4. Đã đến lúc cần phải đối thoại - Chu Hảo

Phải chăng của cải nói chung là động lực của các cuộc “thay ngôi đổi chủ” trong lịch sử nhân loại, là khẩu hiệu hành động của các tổ chức, dòng họ, cá nhân và thường đưa đến thắng lợi cho ai tập hợp được số đông dựa trên ‘của cải’ trong các xã hội có cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”? Bên cạnh của cải là vấn đề sinh tồn của mỗi cá nhân và tập thể liên quan đến việc chiếm hữu của cải?

1. Donald Trump không ‘bay trên mây’?

Trong lịch sử tranh đoạt quyền lực chính trị của nhân loại, ai, thế lực nào giành được quyền phân chia của cải xã hội cho phe nhóm thường được vinh danh là vĩ đại, Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Lênin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Fidel Castro... đều được nhóm kế thừa tôn xưng là vĩ đại. Xem ra chế độ quân chủ và phe xã hội chủ nghĩa Mác Lê có nhiều người vĩ đại hơn phe tư bản chủ nghĩa. Người tạo ra môi trường cho một thành phần vô danh, bị trị trở thành chủ nhân của cải xã hội đích thị là vĩ đại, đời đời sống mãi.

Donal Trump khi tranh cử tổng thống Mỹ cũng đã dùng của cải làm khẩu hiệu lôi kéo người dân (cấm dân nhập cư giành công ăn việc làm, trục xuất lao động chui, đưa công ăn việc làm trở lại Mỹ, tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng hóa, tăng thu nhập cho lao động…). Tuy vậy Donald Trump không vĩ đại vì không giương khẩu hiệu ‘cướp của nhà giàu chia cho người nghèo’, ‘tước đoạt lại’…n hưng cũng có ý kiến nói Donald Trump đã vận dụng khác đi khẩu hiệu ‘tước đoạt lại’ của Mác-Lê. Các cuộc nổi dậy, cách mạng và bầu cử dân chủ mà thành công phải chăng là có cùng khẩu hiệu hành động: phân chia lại của cải xã hội tuy cách thức thì ngược nhau? Một bên thì ‘tước đoạt lại’, ‘cướp của nhà giàu chia cho người nghèo’ bằng vũ lực và vẫn làm tiếp khi đã nắm toàn quyền, một bên thì dựa vào pháp luật, tự do đối thoại.

Của cải và dân chủ là hai phạm trù đối lập? Xã hội dân chủ thì của cải được làm ra nhiều hơn vì tính sáng tạo, quyền tư hữu, tính minh bạch trong phân phối được đề cao? Xã hội thiếu dân chủ thì của cải làm ra ít hơn và thường lọt vào tay nhóm có quyền? Của cải và dân chủ không đối lập nhưng lại có khi vì của cải mà một nhà nước dân chủ biến thành nhà nước độc tài và ngược lại. Và khi một phong trào dân chủ không có phương án chính trị phù hợp cho vấn đề của cải thì vẫn không lôi kéo được xã hội như nhóm chủ trương”cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” (đấu tranh giai cấp)? Do vậy ta hiểu được tại sao phong trào duy tân của Phan Châu Trinh lại không lôi kéo được dân tham gia bằng khẩu hiệu “tước đoạt lại”,”cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chuyển hóa một chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ pháp trị do đó phải coi giải quyết vấn đề của cải là vấn đề hang đầu, then chốt. Tại sao?

“Cái sổ hưu” còn mất tuy nhỏ nhưng có tác dụng ‘khủng bố’ trong nội bộ quyền lực cai trị rất lớn vì ‘cái sổ hưu’ là biểu tượng cho ưu thế phân phối và chiếm hữu của cải của chế độ. ‘Nợ máu trả bằng máu’, ‘không sổ hưu’ mang ý nghĩa khủng bố làm cho quyền lực cai trị có chỗ dựa để răn đe nội bộ, phải toàn diện, tuyệt đối, không tự diễn biến, không tự chuyển hóa để không phải mất tất cả.

Đó là vấn đề cốt tử của cuộc vận động dân chủ hóa đất nước.

Có nên tạo ra ‘khủng bố’ của cải kể cả cuộc sống của tầng lớp cai trị để đòi hỏi dân chủ, nhân quyền?

Đòi hỏi dân chủ mà bỏ qua vấn đề của cải thì phải chăng các tập hợp, liên minh, phong trào dân chủ đang ‘đi trên mây’?

Tại sao nhà nước độc tài kiên trì độc tài? Vì độc tài lo sợ bị tước đoạt lại kể cả sinh mạng? Nếu một nền chính trị dân chủ thực sự được thiết lập ở Việt nam thì chế độ ấy có tìm cách tước đoạt lại, có thực hiện hành vi ‘nợ máu phải trả bằng máu’ ngắn gọn là ‘trả thù’, điều mà đảng, nhà nước đang cảnh báo trong nội bộ?

2. Hồi tố, bất hồi tố

Việc cường quyền thẳng tay trấn áp các đòi hỏi dân chủ, nhân quyền dù được biện minh với nhiều lý lẽ thì vẫn lộ ra bản chất của vấn đề: giành quyền phân phối và chiếm hữu của cải xã hội một cách tuyệt đối và vĩnh viễn.

Do đó đòi hỏi dân chủ thực chất là đưa ra phương án chế độ dân chủ bảo đảm không đụng đến tài sản và tính mạng những cá nhân, phe nhóm đang có toàn quyền phân phối, chiếm hữu của cải hiện nay? Đồng thời gửi một cảnh báo: không dân chủ thì mất tất cả.

Hồi tố, bất hồi tố là từ ngữ pháp luật, bài viết tạm dùng nó để nói về việc ít liên quan đến pháp luật: chế độ Dân chủ tới đây có moi móc chuyện cũ để trừng phạt ai đó? Đã có những cuộc thay đổi ‘moi lại chuyện cũ’ mà quyết liệt nhất là cách mạng vô sản Nga, Tàu, Việt Nam, Cuba… Những nước không cộng sản hay cộng sản như đông Âu (trừ nước Nga của Putin) khi thay đổi thì ít nghe nói đến ‘tước đoạt lại’, trả thù tràn lan, dài ngày; của cải xã hội không chạy hết vào tay tầng lớp thống trị mới.

Một nhà nước dân chủ ở Việt nam nhất định sẽ được thiết lập lại có chủ trương ‘tước đoạt lại’, ‘trả thù’ như Đảng và Nhà nước hiện nay lo sợ? Đấy là ý nghĩa của hai từ hồi tố, bất hồi tố trong bài viết.

Hồi tố thì có một bộ phận tán thành nhưng quyền lực cai trị cố sống cố chết bám lấy quyền lực vì lo sợ mất ‘cái sổ hưu’ tức là mất tất cả kề cả tính mạng. Đấy là việc các thành viên trong bộ máy cai trị động viên, khủng bố nhau giử chặt quyền lực và cũng là lời hô hào của một bộ phận hoạt động dân chủ (không loại trừ có cả DLV).

Bất hồi tố là không moi móc chuyện cũ, không ‘tước đoạt lại’, không chủ trương ‘nợ máu trả bằng máu’ do một số tổ chức, cá nhân XHDS chủ trương nhưng cũng vấp phải chỉ trích.

Hồi tố hay bất hồi tố là chuyện lớn của sự nghiệp, của quá trình dân chủ hóa, phát triển đất nước và cần nhiều cuộc đối thoại để thống nhất hành động giữa người dân và quyền lực cai trị.

Đối thoại để thống nhất giải pháp là con đường thay đổi hòa bình, ổn định cho dân tốc Việt. Nhưng muốn đối thoại thì cần một đề cương, một dự án cho cuộc đối thoại. Các liên minh, phong trào, tổ chức dân chủ, xã hội dân sự cần học bài học của Donald Trump: dân chủ chính là cách phân phối của cải, chính trị coi của cải xã hội là trung tâm là chính trị ‘không bay trên mây’.

3. Cần một đề cương đối thoại

Nội dung bao trùm của dự án, đề cương đối thoại là gì? Người viết rút bài học từ nhiều biến cố lịch sử nhân loại và từ việc Donald Trump thắng cử ở Mỹ thì: của cải là ưu tiên số một. Ai soạn ra đề cương đối thoại: các tổ chức XHDS. Để làm được việc đó, các tổ chức XHDS cần thống nhất ý chí trong một mặt trận, một liên minh mà tuyên ngôn chính trị nếu có là: Hồi tố hay bất hồi tố vấn đề chiếm hữu của cải xã hội của tầng lớp thống trị khi nền chính trị dân chủ được thiết lập.

Nếu quyền lực cai trị không chịu đối thoại thì sao? Có thể suy ra là không đối thoại để thiết lập chế độ dân chủ thì tất yếu là đối đầu và mất tất cả (đó là quy luật lịch sử). Lo sợ, rồi ra sức trấn áp cả đối thoại lẫn đối đầu thì rõ ràng Việt nam đang trong tình trạng bế tắc toàn diện, tiến thoái như gà mắc tóc.

Nên chăng phải coi “đối thoại về hồi tố, bất hồi tố” là khẩu hiệu hành động của phong trào, liên minh, tổ chức dân chủ?

T.M.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn