Đuổi kịp và vượt… Campuchia

Nguyễn Duy Nghĩa

Đuổi kịp và vượt… Campuchia là quyết tâm khi tỉnh Sóc Trăng mới đây cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm để tìm hướng ra cho hạt gạo Việt Nam. Tham gia đoàn có cả GS-TS Võ Tòng Xuân, một trong những nhà nông học hàng đầu của nước ta.

Từ đầu năm 2016 đến nay cung cầu gạo thị trường thế giới bấp bênh, giá đỏng đảnh, xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm sút cả về số lượng và kim ngạch, khiến đã gióng lên hồi chuông: “Kìm cương đà giảm sút xuất khẩu gạo”. Ngược lại xuất khẩu gạo của Campuchia vẫn tăng, nhất là về trị giá. Ngoài phần giống ta ở chỗ là bán chủ yếu sang Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu khá nhiều sang các thị trường ăn gạo cao cấp, với giá vượt 65% giá bình quân của thị trường đạt 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng từ đầu năm đến nay có tới vài chục lô hàng bị trả về với các lý do như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sai quy cách đóng gói hoặc vi phạm điều khoản hợp đồng... Trong những thành công của Campuchia trong xuất khẩu gạo thì điểm nổi bật là gạo của Bạn đã có thương hiệu gạo trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam vẫn cứ trầy trật. Quốc gia này mới gia nhập thị trường lúa gạo thế giới với thị phần khiêm tốn mà đã sớm trở thành hiện tượng thú vị, thách thức thật sự đối với cầu thủ có 20 năm chinh chiến – Việt Nam.

Bài học mang tên “Gạo Campuchia” đã được nhắc nhỏm đến khá nhiều đại loại như ngành nông nghiệp Campuchia đã có những bước đi rất bài bản nhờ được sự đầu tư của chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Hạt gạo đã có thương hiệu, giá xuất khẩu vượt trội. Quốc gia xuất khẩu gạo nào cũng vậy, thành công không chỉ đơn thuần là có hạt gạo mà còn cả một quy trình với chuỗi các yếu tố đặc biệt là thương mại. Vậy còn những bí kíp gì mà Việt Nam chưa giải mã được dù đã đi trước bạn hai thập kỷ, nếu tính từ thời thực dân, phong kiến, tay sai bán nước, vựa lúa Phương Nam từng xuất cảng gạo, thì thâm niên càng đáng nể.

Có lẽ vậy, phải sang tận nơi “mắt thấy tai nghe” những điều họ làm được. Dù mới là Đoàn cấp địa phương nhưng lại có cả nhà Nông học tầm quốc gia. Hệ trọng lắm, không thể hàm hồ chép miệng lại tạo cớ “rồng rắn lên mây”!

Đồng đất quê ta qua bao cuộc bể dâu nay vẫn quẩn quanh manh mún bới chính sách “hạn điền” trong Luật đất đai 2013 o ép rằng mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất chỉ từ 2-3 ha cho mỗi loại đất. Mà muốn đưa lên sản xuất lớn phải tích tụ ruộng đất, tạo ra cánh đồng mẫu lớn. Nhưng nếu vậy thì người cày sẽ mất ruộng, quay lại kiếp làm thuê dưới cái tên mỹ miều “Công nhân nông nghiệp” cho Chúa đất thời đổi mới, nhà chức trách sẽ mất quyền hạch sách. Vậy sang học tập bạn cái gì đây?

Học tập về trồng lúa ư? Ta đã từng tự hào là cái nôi của nền văn minh lúa nước, cử nhiều đoàn chuyên gia đi đó đây truyền dạy kinh nghiệm, lại có tài năng như Bác sỹ Nông học Lương Định Của, từ bỏ vinh hoa từ Nhật Bản về quê hương lăn lộn với cây lúa, lấm lem bùn đất, làm Trạm phó giữa cánh đồng mà Trạm trưởng mới có bằng… Trung cấp.

Là nhà nông hẳn ai cũng nhớ từ xa xưa, ông cha ta đã vạch quy trình cho cây lúa là “nhất nước – nhì phân – tam cần – tứ giống”. Nhưng có lẽ thời mới nên mọi cái đã đổi thay. Nguồn nước trời cho nay cũng trở nên eo hẹp vì nhiều dòng sông ngọn suối đã ô nhiễm, đen đặc, kênh mương ngập ngụa rác rều. Nước ngọt cho người đã hiếm huống hồ lại hào phóng cho lúa. Muốn có nước phải xì tiền. Thời thị trường dù định hướng nhưng đừng giàu trí tưởng bở là “nước sông công lính”.

Phân bón lúa thời nay đã khác. Nay xa lạ thứ phân hữu cơ truyền thống từ chuồng chăn nuôi gia đình mà nay chỉ biết đến phân hóa học, rảnh tay, sạch tay nhưng cũng đội giá hạt lúa. Nông thôn ngày nay hầu như không còn chuồng lợn, chuồng trâu bò gia đình mà đã có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trâu bò xếp hàng vào lò mổ, đã có máy cày làm đất. Phân rác sinh hoạt vô tư thải ra cống rãnh chất đống khắm khú khắp cuối làng, đầu xóm. Làng quê không còn thanh bình, khi mùa lúa về đâu còn “Luá gặt rồi để lại rơm thơm”. Tiền nhập phân bón hóa học + nhập thuốc bảo vệ thực vật (hai thứ này chủ yếu dùng cho cây lúa) một năm đến tiền tỷ USD, trong khi xuất khẩu lúa cũng quẩn quanh 2-3 tỷ Mỹ kim. Phân bón truyền thống là đồ xịn. Phân hóa học có khi là của giả, báo hại nhà nông và cả hãng sản xuất chân chính.

Dân cày vẫn một nắng hai sương. Nhưng trồng ra hạt thóc bây giờ nhiêu khê lắm. Đã không còn thuế nông nghiệp nhưng thân lúa mềm mại vốn chỉ biết vui đùa trong nắng ban mai nay oằn mình cõng phí chồng lên phí cùng các khoản đóng góp xã hội “tự nguyện”. Đã vậy mà cũng không chắc ăn, không hiểu sao bây giờ nảy nòi chuột bọ côn trùng nhung nhúc đua nhau phá tàn ăn hại đến thế.

Nói đến cây lúa lại chạnh lòng nghĩ đến những cánh đồng lúa. Chỉ một chữ ký, một nét kẻ trên bản đồ quy hoạch là đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp nuốt chửng cả vùng “bờ xôi ruộng mật”. Trái ngược, lại có nơi dân cày chê ruộng. Mọi hy vọng dồn về Đồng bằng Sông Cửu Long thì nay bị o ép cả hai mặt. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ở thượng nguồn thủy điện chặn dòng nay nước chỉ lững lờ trôi. Đã ba mùa nay không có mùa nước nổi, làm gì còn cánh đồng cò bay lả bay la. Đến cánh cò cũng phiêu bạt, con nào liều mạng bám trụ có mà vào… nồi lẩu.

Để thóc giống ngày xưa đơn giản, gặt hái vụ này chọn hạt mẩy đều làm giống vụ sau, thì nay thóc giống cũng phải mua. Mua thóc giống nội một phần, phần khác lại nghiện giống nhập ngoại. Giá thành đội lên đã đành nhưng có nghi ngại rằng có giống ngoại nhập từ phương Bắc chỉ sai hạt một vụ, vụ sau lụi, thành thử mùa nào cũng phải… theo lao. Còn nghe đồn giống lúa Ma Lâm mã số 202 cũng ở bên ấy, đúng là siêu năng suất nhưng gạo chỉ đáng chỉ để nuôi gà, chăn vịt.

Còn nếu cho rằng sự quan tâm của chính phủ, hỗ trợ quốc tế… là những nguyên nhân thành công của bạn, so đọ chắc gì đã bằng ta. Bao nhiêu Chính sách, Chiến lược, Chương trình mục tiêu hướng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và về cây lúa. Chí ít có hai Bộ đồng tình với hai Hội là Hội nông dân Việt Nam rồi Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam đủ ban bệ, từ trên xuống tận cơ sở, đội ngũ hùng hậu những người tâm huyết với nông nghiệp, cây lúa, hạt gạo. Bao nhiêu Viện nghiên cứu quốc gia, Viện vùng trọng điểm lúa đông nghịt các Viện sỹ hàm cấp đầy mình, đào tạo trong nước, tu nghiệp bên ngoài. Tuổi của Hiệp hội Lương thực (chủ yếu là lo xuất khẩu gạo) tương tự với thâm niên xuất khẩu gạo thời ta với đội ngũ Hội viên - thương nhân dạn dày thương trường, tinh thông buôn bán. Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển Nông thôn chắc hẳn có mục tiêu vì nông thôn phát triển, cho những mùa vàng bội thu. Biết bao cuộc Tọa đàm, hội thảo khán phòng sang trọng, hùng hồn chém gió vì cây lúa. Cũng có cả các Tổ chức quốc tế về nông nghiệp đặt Đại diện thường trực tại Việt Nam cùng những dự án nước ngoài về nông nghiệp. Song rốt cuộc xuất khẩu gạo của Việt nam vẫn lẽo đẽo theo sau người Thái, còn với Campuchia thì sang… học kinh nghiệm. Mất mùa lo là cái chắc. Được mùa lại lo mất giá. Bức tranh “Tam nông toàn cảnh” thế nào cứ ra khỏi nội đô là rõ. Làng quê từ ngàn đời, người thân cô thế độc chỉ biết bám cây lúa là lam lũ nhất trong những người hẩm hiu. Giờ vưỡn thế.

Chợt thấy bạn vừa nhỉnh hơn mình sang học hỏi ngay là thức thời, biết mình, biết ta. Khiêm tốn là đỉnh cao của khoa học, là thuộc tính tự nhiên của nhà cách mạng! Với tinh thần ấy chắc đoàn của Sóc Trăng sẽ học được chán vạn điều hay mang về để hành. Nhưng chiêm nghiệm lâu nay nườm nượp đoàn xuất ngoại học được cả vạn cái hay, song về hành thì chán chết và lại đổ riệt do cơ chế. Song với tinh thần khởi nghiệp – “khởi đầu sự nghiệp mới cho cây lúa Việt” thì vẫn không muộn. Muộn cũng còn hơn, bằng không cứ nước chảy bèo trôi thế này, có lẽ sẽ đến ngày hạ quyết tâm “Đuổi kịp và vượt Campuchia”, thì hay biết mấy!

N.D.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn