Ly rượu mừng giữa cuộc bể dâu

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Mùng một Tết Đinh Dậu, trong một buổi chiều xuống, thành phố như tan vào một dấu lặng thanh thản, tôi chợt nghe bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vang lên. Giai điệu như ngọn gió xuân dịu dàng, đáp xuống mái hiên của các ngôi nhà cao tầng, len vào từng căn phòng nhỏ, chảy vào trong tim người giữa mùi hương trầm nhè nhẹ. Ly rượu mừng lại vang lên, bất hủ, rót thật đầy vào không khí đón Tết trong lòng người bao thế hệ.  Bài hát như nói thay giấc mơ của nước Nam về một tương lai mới, mà con người khát khao biết mấy về một tương lai sẽ được tắm trong tự do và an bình.

“Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do”.

Bài hát mơ về tự do đó, đã bị giam cầm hơn 41 năm. Chỉ mới năm ngoái, khi những câu hát này vang lên trong ngỏ hẻm, bên ly cà phê vỉa hè, khe khẽ trên môi những người yêu nhạc... cũng đồng nghĩa với thái độ chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì đó là một bài hát nằm trong danh sách bị đóng dấu cấm.

Như một giấc ngủ dài đến mức quên thức dậy, bất chợt một ngày, người ta hay tin bài hát Ly rượu mừng đã không còn bị cấm nữa. Chuyện được nghe, được hát Ly rượu mừng chỉ như điều thoảng qua tai, mà lý do cấm hay không còn cấm đều mơ hồ như nhau. Vì bởi không cần việc nhà cầm quyền cho phép, những con người Việt Nam vẫn hát và vẫn lắng nghe nó từ Nam chí Bắc, thản nhiên, từ rất lâu rồi.

Trên các trang báo nhà nước, người ta dễ dàng tìm thấy trong lúc này các bài viết tung hô việc thôi cấm đoán bài hát Ly rượu mừng, với cách nói như là một sự “giải oan”. Ở nơi đâu đó, nhạc sĩ  Phạm Đình Chương và những tiền nhân ắt hẳn đã nhìn nhau bật cười, “oan gì mà giải”? Những người đã đóng góp và xây dựng nên đất nước này từ bao đời nay, từ Nguyễn Ánh, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh... cho đến Phạm Đình Chương nếu có nỗi niềm gì, có lẽ cũng chưa cần đến sự lên tiếng đơm đặt của những người dựa trên tinh thần chủ nghĩa cộng sản. Nếu có phán xét, đó là quyết định và quyền của nhân dân Việt Nam trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là một hệ thống kiểm duyệt văn hóa dựa vào tư duy chính trị ngoại bang, của Mác hoặc Mao.

Trong câu chuyện về bài hát Ly rượu mừng, thật buồn cười khi nhìn lại cách thức của chế độ kiểm duyệt văn hóa được kiểm soát kiên trì ở Việt Nam từ bao nhiêu năm nay. Những người có trách nhiệm luôn luôn giỏi trong các vai diễn lố bịch của mình: khi cấm thì cao giọng với đủ lý do quan trọng tầm ruồng, nhưng khi ngừng cấm thì cũng giỏi trình diễn sự nhân đạo hay cao cả vô nghĩa nào đó.

Dù không còn bị cấm, nhưng ước mơ trong bài hát Ly rượu mừng, về tự do và bình đẳng, dường như vẫn còn quá xa vời. Sau năm 1975. Sách vở của miền Nam bị đốt, bị cấm. Hàng ngàn bài hát bị đưa vào song sắt. Con người và tri thức miền Nam Việt Nam bị phế bỏ hoặc bị tước đoạt các giá trị của mình.

Năm 1992, ca sĩ Ngọc Sơn bị bắt và kết án tù do hát và ghi âm hàng trăm bài hát “không được cấp phép”. Nhưng rồi từ năm 2012, các ca khúc như vậy lại xuất hiện một cách bình thường trên truyền hình. Dòng nhạc bolero từ năm 1977 bị hàng trăm các bài báo, truyền hình... phê phán trong chiến dịch bài xích “một nền văn hóa đồi trụy”. Thế rồi, hôm nay, 2017, lại là những bài hát được các nhà sản xuất và biên tập viên xã hội chủ nghĩa săn đón và giới thiệu nồng nhiệt trên truyền hình.

Năm tôi 7 tuổi. Khi ngồi ở trước hiên nhà trên đường Trần Quý Cáp, trên tay là cuốn truyện tranh Tintin, bất ngờ tôi bị kéo giật đi bởi một nhóm người mang băng đỏ – những người của “Bên thắng cuộc” được lệnh truy lùng và hủy diệt sách vở miền Nam. Ngay sau đó, nhà tôi bị ập vào lục soát. Sách kiếm hiệp của Kim Dung, truyện Quỳnh Dao, và những cuốn truyện tranh Spirou (Phan Tân Sĩ Phú), Strumpf (Xì Trum), Johan and Peewitt (Lữ Hân Phi Lục)... bị mang ra trước nhà đốt bỏ, như một trong những cuộc hành hình văn hóa đang diễn ra khắp nơi lúc đó. Rồi 20 năm sau, tôi lại nhìn thấy những cuốn sách đó được phát hành với những lời giới thiệu trân trọng đến mức có thể tạo nên những nụ cười mỉa.

Bài hát Ly rượu mừng vang bên tai tôi, khiến gợi nhớ biết bao điều. Nhớ những tác phẩm văn học miền Nam bị đem ra đấu tố như những tội đồ. Nhớ những nhạc sĩ miền Nam im lặng nhìn nhau, nói nhỏ về những tác phẩm của mình đang bị xé bỏ. Nhớ những thế hệ Việt Nam bị kết tội vì nhân thân, đã không được vào đại học, đã vào trại tù cải tạo... Hôm nay, mọi thứ như đang tốt dần lên. Có người nói với tôi rằng Ly rượu mừng được xóa án là một niềm vui của đổi mới. Nhưng tôi thì thấy đó là một trong những lần chùi rửa vội vàng của bộ máy kiểm duyệt, nhằm che bớt đi sự thù hằn và đen tối trên gương mặt, để có thể bước vào thế kỷ văn minh.

Bài hát chúc một non sông thanh bình, khiến ai yêu nước Việt cũng đều thấy day dứt. Ly rượu mừng xuân được nâng lên vào thời khắc này, xao xuyến nhắc quê hương đang đứng trước cuộc bể dâu khôn cùng bởi những kẻ tham tàn và bọn phản bội. Giấc mơ một ngày mai sáng trời tự do lại dậy lên trong lòng tôi về một ngày mai sáng trời tự do. Mong tổ tiên dẫn lối dân tộc này. Ngày ấy, ắt phải đến.

T.K.

Nguồn: https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2017/01/29/ly-ruou-mung-giua-cuoc-be-dau/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn