Báo chí nước ngoài viết chuyện cắt điện ở Việt Nam

http://tintuconline.vietnamnet.vn/Library/myImages/5/2008/04/anhgoc/Dien28a.jpg

Điện cắt triền miền và trên diện rộng, không chỉ đảo lộn sinh hoạt của người dân mà còn gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có khối đầu tư nước ngoài. Báo chí Mỹ, Pháp và Đức đều có bài về vấn đề này ở Việt Nam.


Cứ đến mùa khô, tình trạng thiếu điện lại xảy ra. Ảnh: Forbes

Vài tiếng sấm rền vang đang đem lại niềm hy vọng cho miền Bắc Việt Nam mấy ngày qua, nhưng thực tế nó không có nhiều ý nghĩa với Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nơi mà mực nước đã gần tới "điểm chết" - ngưỡng không thể duy trì sản xuất điện bình thường.

"Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong vài thập kỷ qua", ông Bùi Đức Long ở Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương nói với AFP. Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình Nguyễn Khắc Thục cũng nói năm nay hạn hán bất thường.

Sản lượng của Hòa Bình giảm sút từ vài tháng qua. Nhà máy chỉ hoạt động bình thường nếu mực nước đạt 117 mét. Nhưng sau những đợt xả nước tưới cho đồng ruộng, mực nước tại nhà máy vào cuối tháng 5 chỉ đạt 83 mét, sau đó xuống 81 mét, chỉ cao hơn mực nước chết vỏn vẹn một mét. Dưới mực nước chết, hoạt động sản xuất sẽ bị tiết giảm tối đa. Và nếu mực nước xuống dưới 75 mét, nhà máy phải ngừng hoạt động.

Thủy điện Hòa Bình được xây dựng trong vòng hơn 15 năm, công suất thiết kế 1.920 MW. Bắt đầu hoạt động năm 1994, nhà máy hiện đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc và khoảng 15% của cả nước.

Song chừng đó vẫn chưa đủ. 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam thiếu tổng cộng 2 tỷ kWh. Trong khi đó, Nhà máy thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW vẫn trong quá trình xây dựng và phải đến 2012 mới đi vào vận hành.

Thiếu điện đang đe dọa hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với những ngành hàng xuất khẩu, cho dù các quan chức trấn an rằng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt.

"Ít nhất mỗi tuần một lần công ty tôi lại bị cắt điện", bà Phạm Thị Liễu, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu may mặc MSA-HAPRO nói với hãng thông tấn Đức DPA.

Vị Giám đốc này cho hay Công ty của bà đã phải mua một máy phát điện cũ với giá 21.000 đôla để duy trì sản xuất. Và nếu dùng máy phát điện, mỗi ngày công ty phải chi thêm 3.000 đôla nhiên liệu chạy máy, cao gấp 6 lần so với giá điện mà nhà độc quyền EVN cung cấp.

Trình bày trước Quốc hội mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết ngành điện tăng trưởng 13% một năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế, song thiếu điện vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân trong đó có chuyện thiếu nước vào mùa khô. Phó thủ tướng cũng cho rằng doanh nghiệp sử dụng điện kém hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng và các ngành công nghiệp nặng khác.

Theo Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước, các công ty dệt may có thể tiết kiệm 15-40% lượng tiêu thụ điện nếu áp dụng công nghệ sản xuất mới. Mức tiết giảm có thể được của các doanh nghiệp sắt thép, xi măng lên đến 50%.

Tuy nhiên hãng tư vấn chiến lược Oxford Analytica - nơi quy tụ hơn 1.000 chuyên gia, học giả từ Đại học Oxford và nhiều trường, viện nghiên cứu danh tiếng khắp thế giới - lại có quan điểm khác. Trong bài viết đăng trên tạp chí Forbes hôm 21/6, các chuyên gia này cho rằng chỉ đạo hành chính cùng sự chậm chạp trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành những tổ chức nhạy bén hơn với các tín hiệu thị trường đã khiến nền kinh tế oằn mình gánh chịu quá nhiều chi phí. Mà bằng chứng hiển nhiên chính là ngành điện.

Từ năm 2000, Việt Nam đặt nhiệm vụ cải tổ ngành điện lên hàng đầu. Một hành lang pháp lý cho hoạt động điện đã được xây dựng, trên cơ sở nghiêm túc tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước. Các khâu vận hành, truyền tải và phân phối điện sẽ từng bước chuyển đổi để đến năm 2020 cả hệ thống sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh.

Nhưng đến nay, kết quả đạt được từ quá trình cải cách còn rất khiêm tốn. Các loại kế hoạch 5 năm lần lượt ra đời thay thế cho kế hoạch cũ, với những tầm nhìn và chiến lược mới. Nhưng thực tế hành động và lời nói của Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), những đơn vị chịu trách nhiệm chính trong sản xuất điện năng, vẫn theo lối cũ, chậm chạp và uể oải.

Biểu giá điện cũng là một vấn đề phải bàn kỹ. Giá thấp khiến các khoản đầu tư mới trở nên kém hiệu quả về kinh tế. Bằng chứng suốt thời gian qua cho thấy giá cả cần phải được ấn định phù hợp để ngành điện hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Năm 2005, Bộ Công nghiệp mời gọi vốn đầu tư nước ngoài vào 15 dự án sản xuất điện độc lập (IPP), với mục tiêu nâng tỷ lệ điện mua ngoài từ 14% năm 2005 lên 33% trong năm 2010. Nhưng 4 năm trôi qua, kế hoạch này chưa nhúc nhích được bước nào, một phần vì không thể thống nhất về chi phí sản xuất điện. Nhiều nhà đầu tư độc lập đã lũ lượt kéo tới Hà Nội, chờ đợi và mất dần hứng thú, khiến mục tiêu thu hút 4 tỷ USD vốn ngoại mỗi năm càng trở nên xa vời.

Sản lượng điện tại Việt Nam tăng trưởng 13-15% một năm và cứ mỗi tháng lại có thêm một vài nhà máy mới hòa vào điện lưới quốc gia. Nhưng nhu cầu tiêu thụ cũng ở mức khá cao, bình quân 10-15% mỗi năm từ nay đến 2030. Riêng năm nay, dự báo nhu cầu điện tăng thêm 18% khi các hoạt kinh tế tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cả năm 6,5%, so với tốc độ 5,3% của năm ngoái.

Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tháng trước đã phải lên tiếng về tình trạng thiếu điện. Cơ quan này dự báo với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện năng như hiện nay, Việt Nam cần 70-80 tỷ USD đầu tư hạ tầng trong 5-10 năm tới.


Theo: Vnexpress
Nguồn: http://www.info.vn/society/facts/16292-bao-chi-nc-ngoai-vit-chuyn-ct-in--vit-nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn