Hàng không chậm chuyến, hủy chuyến - điều đã được cảnh báo sớm

TS Trần Đình Bá

Hội Khoa học kinh tế VN

Hàng không là một loại hình vận tải cao cấp, hiện đại, có tốc độ cao, tiết kiệm thời gian nhất, song tình trạng Hàng không Việt hiện nay đang rơi vào tình trạng chậm chuyến, dồn chuyến, hủy chuyến với những số liệu giật mình tới mức Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố “sẽ không xin lỗi thay Hàng không” và sẽ có cuộc họp chính thức với Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 11/7/2014 liên quan đến việc chậm, hủy, dồn chuyến của các hãng hàng không mà cơ quan này vừa có báo cáo tình hình 6 tháng hoạt động trước đó.

Các hãng hàng không bất lực trước thị phần vận tải

Các hãng hàng không nước ta có được một thị phần vận tải với lượng khách đi máy bay càng ngày càng tăng mà các loại hình vận tải bằng ô tô, tàu hỏa, tàu sông phải ganh tỵ mơ ước. Vậy nhưng vì sao các hãng hàng không lại để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến, dồn chuyến tới mức gây lãng phí lớn cho các hãng và lãng phí thời gian cho hành khách đến vậy?

Theo Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 5 tỷ lệ chậm, hủy trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là 25% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 16%. Như vậy tính trung bình cứ 4 chuyến bay lại có một chuyến bị chậm hoặc hủy.

Theo tổng kết 6 tháng đầu năm cũng do cục HKVN công bố, VJA có tỷ lệ chậm hủy chuyến cao nhất với 51%, tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%. Còn tại Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO), 17% chuyến bị hủy, hoãn.

Vì vậy nên hiện nay vận tải Hàng không chỉ đảm đương được 0,3% thị phần hành khách và hàng hóa đang bị xếp cuối bảng trong 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, Hàng hải, đường sắt, rồi mới đến hàng không), chỉ bằng 1/10 đường sông và chỉ bằng 1/2 đường sắt trong khi quản lý khai thác một lượng tài sản trên 70 tỷ USD về hạ tầng, nhân lực và phương tiện.

Các hãng hàng không đã lỗ, lại càng thua lỗ hơn do chậm chuyến, hủy chuyến và các trục trặc kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho các hãng hàng không và khiến cho nhiều hãng phải phá sản như ICA, MCA và kiệt quệ phải tái cơ cấu như JPA vào VNA.

Hàng không “gà què” cái chết đã được báo trước!

Mọi loại doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi phải tính được chính xác bài toán hiệu quả kinh tế giữa đầu vào, đầu ra… chi phí nhiên liệu, nhân công, hao mòn thiết bị máy móc. Hàng không còn có đặc thù riêng, quan trọng nhất là bài toán hiệu quả kinh tế đường bay. Vậy nhưng đã và đang “chết lâm sàng” vì loại “virut” đặc biệt này ngay trên cơ thể cường tráng, trong đó có hàng không quốc gia VNA, JPA và VJA…, một số hãng nhỏ đã “chết” thực sự như ICA, MCA.

Nguyên nhân do đội ngũ tiến sĩ chuyên gia kinh tế của cục HKVN, của Vụ Vận tải, Vụ KHCN, chuyên viên kinh tế VNA và các hãng khác như VJA, JVA… tính không đúng bài toán hiệu quả kinh tế đường bay nên cứ tưởng là có lãi nhưng thua lỗ nặng nề. Chỉ riêng đường bay thẳng Hà Nội -TP HCM, nhóm chuyên viên kinh tế cao cấp VNA tính tiết kiệm được 9 phút, các tiến sĩ Cục HKVN tính được chỉ tiết kiệm 2,5 phút nên cùng nhau rút ra kết luận là “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng”, “ bay trong vòng lãnh thổ để đảm bảo quyền điều hành”. Sự thật tính toán bằng toán học cao cấp thì đường bay đó lãng phí tới 26 phút bay với máy bay có tốc độ nhanh nhất là Boeing 777 đang có. Như vậy tính bình quân đường bay này lãng phí tới 25% chí phí sản xuất. Riêng đường bay HN-Cần Thơ lãng phí tới 28,1%, đường bay HN-Phú quốc lãng phí tới 38% .

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi ròng chỉ đạt khoảng 5-10% chi phí sản xuất là điều mơ ước, vậy mà hầu hết các đường bay nội địa nước ta lảng phí tới 25% chi phí sản xuất thì không lỗ mới là chuyện lạ!

Lãnh đạo một doanh nghiệp hàng không đã chua xót trước báo giới: “Chúng ta đang bó tay nhìn hàng không thua lỗ. Không thể có thị trường lành mạnh khi mà tất cả các hãng tham gia đều thua lỗ. Nếu không có cơ chế tháo gỡ thì sớm hay muộn các hãng hàng không nội địa sẽ yếu đi và không đủ sức cạnh tranh”.

Con số lãng phí quy đổi về thời gian lãng phí trên bầu trời tính ra trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 thời giá hiện nay là 175 triệu USD. Như vậy mỗi năm hàng không “đốt” không gần một chiếc máy bay trị giá 150 triệu USD, kèm theo đó là lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, 25.000 giờ bay phải thuê phi công ngoại, chi phí cho tiếp viên, nhân viên bay… thì Cục HKVN đã “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của tất cả các hãng hàng không trên những đường bay nội địa. Đây cũng là lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội địa thua lỗ nặng nề là vậy.

Chỉ tính riêng chuyện chậm chuyến, trễ chuyến mỗi năm khoảng 1.000 giờ bay do với lãng phí đường bay tới 25.000 giờ thì gấp tới 25 lần. Đó là con số biết nói để nhân dân hình dung được sự trì trệ do lãng phí tại ngành vận tải cao cấp đặc biệt này!

clip_image002

Hàng không Việt vừa nhếch nhác, vừa liên tục bị hoãn, đổi, dồn chuyến bay khiến các "thượng đế" không khỏi nản lòng. Ảnh: Internet.

Hàng không Việt đang thực sự bị bần cùng hóa bởi học thuyết “ bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” mà Cục HKVN “liên minh” với VNA đang áp đặt tới mức bức tử các hãng hàng không trong cảnh “gà què ăn quẫn cối xay” bị bần cùng hóa tới mức thiếu phương tiện bay, thiếu phi công, máy bay già cỗi không có tiền để đi đại tu, bão dưỡng nâng cấp. Bần cùng sinh cẩu thả, sáu tháng có tới 500 vụ vi phạm an toàn hàng không trong đó có hàng trăm sự cố kỹ thuật do đội bay lèo tèo 90 chiếc đã bước vào thời kỳ phải “đại tu” nhưng thiếu tiền, thiếu thiết bị thay thế nên đã xảy ra hàng trăm vụ trễ chuyến, hủy chuyến do trục trặc kỹ thuật như nổ lốp, xì lốp, rơi lốp, trục trặc hệ thống dưỡng khí…

Chính VNA là hãng “ông lớn”, là nơi có giá vé “móc túi” cao hơn các hãng khác cũng phải chịu chung cảnh bị bần cùng này, VNA đang là nơi xảy ra nhiều vụ trục trặc kỹ thuật và chậm chuyến, hoãn chuyến.

Càng hủy chuyến, chậm chuyến các hãng hàng không rơi vào cảnh lỗ chồng lên lỗ tới mức nhiều hãng phá sản và đang bị bần cùng.

Cục HKVN - tác giả của một “học thuyết”!

Bài toán kinh tế quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp Hàng không. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước bằng việc phải hạch toán lại toàn bộ bài toán hiệu quả kinh tế đường bay để không biến mình thành một ICA, MCA chết bất đắc kỳ tử trên những đường bay “tự sát” cho những thí nghiệm của “học thuyết bay vòng” mà Cục HKVN áp dụng.

Thực tế sau khi chết lâm sàng, ICA, MCA được Cục HKVN ưu ái năn nỉ gọi mời vào bay tiếp đã không còn bản lĩnh và sinh khí để bay, lúc này các hãng hàng không nhận thức ra vấn đề thì đã quá muộn!

Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng chính Cục HKVN không chịu đổi mới, mang tư duy bảo thủ trì trệ của thời bao cấp, áp dụng công nghệ đường bay của những loại máy bay “bà già” trên những đường bay thời “Bảo Đại” và “công tử Bạc Liêu” trước 1945. Cục HKVN đang vi phạm luật Doanh nghiệp và đang bức tử các doanh nghiệp HK trong cảnh bị bần cùng hóa và đã để xảy ra chậm chuyến hủy chuyến!

Trước thực trạng nhức nhối này, Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và có giải pháp khắc phục đồng thời báo cáo Bộ chậm nhất vào ngày 11/7 tới.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân ở bài toán hiệu quả kinh tế đường bay. Phải đổi mới công nghệ hàng nước nhà từ “Bài toán hiệu quả kinh tế Đường bay …”.

clip_image004

Tiến sĩ Trần Đình Bá đang thuyết minh về “Phương pháp tính hiệu quả kinh tế đường bay…” trước 300 tiến sĩ là thứ trưởng, cục trưởng HKVN ngày 13/2/2012 tại hội trường Bộ GTVT. Nguồn ảnh: Báo GTVT

“Hiệu quả kinh tế đường bay…” là thuốc chữa đặc trị cho thực trạng bần cùng hóa hàng không. Hy vọng Bộ trưởng GTVT quyết liệt đổi mới hàng không như đã từng làm ở “Bộ Đường sắt” mới có thể hy vọng cứu được sự nghiệp hàng không nước nhà.

T.Đ.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn