Người tiêu thụ và trận chiến mậu dịch

Vũ Hiến

Trận chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức khai hoả vào lúc 12:01 sáng hôm Thứ Sáu 6/7 vừa qua sau khi chính quyền Mỹ cho áp đặt thuế lên một số mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc có trị giá $34 tỷ. Chính quyền Bắc Kinh ngay sau đó đã trả đũa bằng cách cũng áp đặt thuế nhập cảng của họ lên một số sản phẩm mua từ Mỹ ngang bằng trị giá, trong đó có thịt heo, đậu nành và xe hơi.

clip_image002

Việc giá cả tăng trên các món hàng nhập cảng trong tương lai là điều mà các kinh tế gia tiên đoán là sẽ phần nào gây ảnh hưởng đối với một số ngành kinh doanh cũng như với người tiêu thụ là chúng ta. Chính phủ Mỹ cũng đã cho áp đặt thuế lên các sản phẩm thép, nhôm, tấm thu năng lượng mặt trời (solar panels) và máy giặt nhập cảng từ những quốc gia như Canada, Mexico, Liên Âu và Nhật Bản.

Ngay vào lúc này thì chưa có ai dám đưa ra kết luận là trận chiến mậu dịch này sẽ kết thúc ra sao. Cũng hôm Thứ Sáu, Bộ trưởng Thương mại của Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ là đã “phát động một cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới từ trước tới nay.” Tổng thống Donald Trump một ngày trước đó lên tiếng đe dọa Bắc Kinh là sẽ còn tiếp tục đánh thuế nhập cảng lên nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc với trị giá có thể lên đến $450 tỷ.

Với việc áp đặt thuế lên một số mặt hàng của Mỹ, Trung Quốc nay đã chính thức gia nhập vào nhóm những quốc gia nói ở trên trong việc trả đũa chống lại chính sách mậu dịch của chính phủ Hoa Kỳ, và nâng tổng số trị giá các mặt hàng xuất cảng của Mỹ bị đánh thuế lên khoảng $75 tỷ cho đến cuối tuần vừa qua. Mặc dù vậy, con số này cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng trị giá $1,5 ngàn tỷ các mặt hàng mà nước Mỹ xuất cảng trong năm ngoái; tuy nhiên ở một số ngành công nghiệp trong nội địa nước Mỹ đã bắt đầu cảm thấy có sức ép.

clip_image004

Trận chiến mậu dịch khai hỏa – nguồn China Law Blog

Trong đợt đánh thuế đầu tiên này, chính quyền Hoa Kỳ đã cố tránh để không gây ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu thụ nội địa, và nhiều sản phẩm mà các gia đình người Mỹ vẫn thường mua từ Trung quốc, như máy truyền hình và giầy dép, hiện nay vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nhưng ở mặt khác, một số những công ty trong nội địa nước Mỹ nếu cần phải mua những sản phẩm từ Trung Quốc thì bị ảnh hưởng, vì trong đợt đánh thuế này, chính phủ Mỹ nhắm phần lớn vào những sản phẩm trung gian và các loại máy móc mà một số công ty ở Mỹ cần cho công việc sản xuất của họ, và khi những sản phẩm này được làm ra thì giá thành sẽ cao hơn trước, và cuối cùng thì người tiêu thụ ở Mỹ hay ở những nơi khác phải trả với giá cao đó.

Nhìn vào danh sách các sản phẩm nhập cảng từ Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế, người ta đếm được tổng cộng 545 mặt hàng, ngoài những mặt hàng mắc tiền như xe hơi còn có thịt bò, hải sản, bơ sữa và những nông sản khác, được chính quyền Trung Quốc chọn để nhắm đánh trực tiếp vào những khu vực nông nghiệp và công nghiệp ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ nơi đa số thành phần cử tri đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử 2018.

Cũng như ở nhiều cuộc tranh chấp trước đây với các quốc gia khác, lần này Trung Quốc cũng đã không bỏ cơ hội lợi dụng tình hình hiện nay để tuyên truyền và tìm cách đặt họ vào vị trí như một nước thất thế phải tự bảo vệ mình trong cái trật tự thương mại toàn cầu. Một số giới chức cao cấp của Bắc Kinh còn tìm cách mô tả những lời đe dọa của Tổng thống Trump đòi đánh thêm thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc có trị giá lên đến $450 tỷ như là một nguy cơ cho sự thịnh vượng chung của thế giới.

clip_image006

Thảm họa cho thị trường chứng khoán Trung Quốc – nguồn Ảnh AP / Mark Schiefelbein

Các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng đã đồng thanh phụ họa theo. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đã tránh không cường điệu hoá để làm cho tình hình căng thẳng về mậu dịch trong nước leo thang quá mức, chẳng hạn như kêu gọi tẩy chay hàng hoá của Mỹ.

Hiện nay Trung Quốc đang là thị trường chính của nhiều nhãn hiệu của Mỹ như Apple, Nike, Starbucks và General Motors. Chiến thuật khích động người tiêu thụ trong nước tẩy chay các mặt hàng ngoại quốc chứng minh có mang lại hiệu quả khi chính quyền Bắc Kinh sách động trong những cuộc tranh chấp trước đây với Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines. Tuy nhiên, nếu lần này Trung Quốc cũng làm vậy và nhắm vào các sản phẩm của Mỹ thì sẽ không thành công và có thể gây thiệt hại cho chính họ. Là vì những sản phẩm như iPhone, xe Chevrolet và nhiều sản phẩm khác mà các công ty Mỹ bán ra ở Trung Quốc cũng lại được sản xuất trong chính nội địa Trung Quốc, và do công nhân Trung Quốc làm. Kêu gọi người tiêu thụ nội địa không mua những sản phẩm này thì cũng có nghĩa là công nhân Trung Quốc sẽ mất việc.

Hiện dư luận tại Trung Quốc đang có hai quan điểm trái chiều. Một số người tiêu thụ nói rằng họ sẵn sàng không mua điện thoại iPhone hoặc xe hơi của Mỹ để ủng hộ cho chính sách của nhà nước. Nhưng một số không nhỏ khác thì lại tỏ ra lo ngại. Thịt bò và nhiều mặt hàng nhập cảng cao cấp khác của Mỹ – là những sản phẩm sẽ phải chịu giá cao.

Những lo ngại về vệ sinh và sức khoẻ trong mấy năm gần đây đưa tới việc ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc chỉ thích mua thực phẩm được nhập cảng từ Mỹ và những nơi khác.

clip_image008

Đối với người dân Trung Quốc, hàng nhập cảng từ Mỹ là một bảo đảm của sự an toàn và phẩm chất tốt. Nguồn: reuter.com

Trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal cách đây không lâu cho biết hệ thống Sam’s Club (thuộc công ty Walmart), mà chúng ta thấy có mặt ở hầu khắp nước Mỹ, hiện đang là một trong số ít cửa hiệu mà giới trung lưu của Trung Quốc ưa chuộng. Là vì khi họ mua thực phẩm ở cửa hiệu này thì họ biết chắc những thực phẩm đó an toàn, và những món hàng nhập cảng khác, tuy giá có cao hơn sản phẩm nội địa, nhưng họ biết phẩm chất của những món hàng đó là thật mà không sợ bị lừa. Trong khi nhiều sản phẩm nội địa không đạt tiêu chuẩn cao như hàng nhập cảng, hơn nữa ở nhiều nơi lại là hàng giả, và do đó nhiều người dân Trung Quốc chấp nhận mua giá cao để biết chắc là họ mua được hàng thật.

Nhưng nếu giá các mặt hàng này trở nên cao quá thì đây có thể trở thành một vấn đề cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Lạm phát là thước đo kinh tế mà Bắc Kinh vẫn hằng quan tâm và lo ngại. Trong quá khứ, tình trạng giá cả tăng đã góp phần tạo ra bất ổn chính trị. Chính phủ Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì chính sách kiểm soát giá cả và trợ cấp cho các công ty sản xuất nội địa để giữ cho lạm phát ở mức thấp, nhưng nếu tình hình tranh chấp mậu dịch tiếp tục leo thang, thì nói chung, nhiều mặt hàng cũng sẽ trở nên mắc mỏ hơn rất nhanh.

Mà không chỉ thịt bò Mỹ mới bị tăng giá, nhiều sản phẩm nội địa Trung Quốc có liên quan đến đậu nành nay mai cũng sẽ tăng giá. Một phần ba số đậu nành nhập cảng vào Trung Quốc trong năm ngoái là từ Mỹ, mà hầu hết là để sản xuất dầu ăn và chế biến thực phẩm cho gia súc. Ðánh thuế lên đậu nành của Mỹ cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải mua với giá cao hơn ở quốc gia cung cấp đậu nành lớn nhất của họ là Brazil, nơi mà giá mỗi bao đậu nành đã tăng trong thời gian qua do giá cả của thị trường tự điều chỉnh cho phù hợp với việc tăng thuế.

Thế nên, bài toán kinh tế trong trận chiến mậu dịch rất rắc rối và không ai biết trước được đáp số. Có điều chắc chắn là khi túi tiền của người tiêu thụ bị ảnh hưởng thì người ta sẽ lên tiếng và lúc đó chính quyền sẽ phải lắng nghe.

V.H.

Nguồn: http://baotreonline.com/nguoi-tieu-thu-va-tran-chien-mau-dich/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn