Vợ một tử tù

Mai Quốc Ân

Chúng tôi đã có dịp gặp được bà Mai Thị Khuyên (sau đây xin được gọi là chị Mai Thị Khuyên cho bớt phần khách sáo, vì chị Khuyên nay mới độ tuổi 40), vì vậy cũng được hiểu thêm chút ít từ khi chị ra Hà Nội, kêu oan cho chồng. Chị kể, qua thời gian gần một tháng trời chờ đợi kết quả phúc đáp công văn của Chủ tịch nước; sống tạm ở Hà Nội, dù nỗi đau buồn và khắc khoải vẫn canh cánh bên lòng, chị đã học hỏi và cảm nhận được rất nhiều điều mới mẻ... chị nói, vì quá thương chồng nên liều mình ra đất thủ đô, bất chấp mọi xa lạ, bơ vơ...  Nhưng chị chưa bao giờ tưởng tượng rằng, mới bước chân tới nơi, chị đã được bao người xa lạ mà quá thân thương, dường như đã tường tận hoàn cảnh của mình, dang tay chăm sóc giúp đỡ, chỉ bảo từng ly từng chút. Rồi chị lại có thể gặp được những người dân oan như mình, nào chị Cấn Thị Thêu cùng bà con Dương Nội, nào anh Đoàn Văn Vươn cùng gia đình và bà con ở Cống Rộc, tận Hải Phòng... Những cuộc gặp gỡ tự nhiên trở thành gần gũi thân thương ấy đã động viên chị rất nhiều, khiến chị thêm nhiều hi vọng.

Chị cũng cho chúng tôi biết thêm về sự đồng tình thông cảm của bà con ở “trong kia” đối với anh Hiến và những người dân bị cướp đất như gia đình chị. Kể cả những gia đình có chồng con là nạn nhân của chính anh Hiến, như ông Điểu Hải (cha đẻ anh Điểu Vinh), bà Dương Thị Mai (mẹ anh Dương Văn Tiến), ông Điểu Bao (cha đẻ anh Điểu Tào). Những bậc cha mẹ ấy đã quá chừng độ lượng mà nói: giờ chúng tôi không hận kẻ cầm súng bắn chết con tôi, họ cũng chỉ vì cuộc sống, vì mảnh đất thân thương; chúng tôi chỉ hận kẻ đã đưa con tôi vào chỗ chết (là công ty Long Sơn)...

Thật cảm động chứng kiến tình nghĩa cao cả của những người dân hiền lương chân chất ngoài Bắc trong Nam thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi thiết tha mong cho ước nguyện cứu chồng của chị Khuyên sớm được thành hiện thực. Và cũng tin rằng, chính quyền càng dồn nén người dân đến bước đường cùng thì người dân càng sớm thức tỉnh và gắn kết chặt chẽ, rộng khắp với nhau hơn để chống lại, và sẽ chống một cách khôn ngoan.

Nguyễn Nguyên Bình

Bà Mai Thị Khuyên là vợ tử tù Đặng Văn Hiến- người nông dân nổ súng ở Đak Nông hồi tháng 10/2016. Bất chấp mội lo lắng, khuyên can, người phụ nữ này đã từ trong rừng ra thị trấn Gia Nghĩa (Đak Nông) bắt xe khách ra Hà Nội để nộp đơn xin ân xá cho chồng ở Phủ Chủ tịch nước.

Tìm hiểu về thân phận khốn cùng của người đàn bà có thân xác gầy gò ấy, chỉ có thể thở dài thương cảm…

Duyên ở xứ Nùng, số nơi miền Thượng

Vợ chồng bà Khuyên, ông Hiến đều là người Nùng ở Lạng Sơn. Nắm 1997, cô nông dân tên Khuyên cùng anh cán bộ y tế cộng đồng xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là Đặng Văn Hiến nên duyên chồng vợ. Họ thương nhau vì sự ít nói, chăm làm rồi đến với nhau.

Năm 1998, hai vợ chồng sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên Đặng Thị Nhung. Nhưng đồng lương eo hẹp của chồng và những luống rau quần quật của vợ gặp cảnh mất mùa, sâu bệnh khiến cuộc sống không dư giả của họ càng gặp khó khăn hơn.

Khó khăn kéo dài mấy năm, họ được một người họ hàng bên nhà bà Khuyên cho biết đất trong Tây Nguyên trồng cây, làm vườn tốt hơn xứ Lạng. Cũng ngần ngừ trước cảnh phải ly hương nhưng rồi hai vợ chồng cũng đi đến quyết định rời quê đến miền đất mới mưu sinh. Năm 2005, họ rời Lạng Sơn bản quán để vào miền Thượng

Đến Tây Nguyên, hai vợ chồng thuê đất trồng sắn (khoai mì). Gần hết vụ thì có một người Dao tên Diếp đã khai khẩn trước đó bán giấy tay vườn điều. Dốc hết tiền túi ít ỏi và vay mượn thêm họ hàng, năm 2006 họ mua lại vườn điều 5-6 tuổi đó.

Những này ở Tây Nguyên, vốn kiến thức y tế và 7 năm làm.việc trong lĩnh vực này của Đặng Văn Hiến có đất dụng võ. Bà con không chỉ tiểu khu 1535 có bệnh gì đều hỏi Hiến, nhờ chữa. Bởi khu vực họ sống đúng nghĩa ô yên chướng khí. Ánh nắng 8-9 giờ sáng chưa đủ xua đi những cụm mây lững lờ ngang triền dốc. Thứ không khí thung lũng không có gió đối lưu này rất độc, hít vào nhiều có thể ho ra máu. Các bệnh ngoài da, sốt rét, đau bụng,… của bà con cũng được Hiến chữa chạy tận tình. Bệnh nặng hơn thì sơ cứu rồi mới chở đi viện nên cũng yên tâm. Vì điều này cộng thêm tính chăm chỉ nên dân tiểu khu 1535 thương Hiến hết mực.

Phận số không may đeo bám họ dai dẳng, chỉ 2 năm sau ngày mua được “miếng đất cắm dùi” thì chính quyền tỉnh Đak Nông “giao đất trên bản đồ” cho công ty Long Sơn. Vườn điều của gia đình Hiến, vườn điều của nhiều hộ dân khác và các rẫy hoa màu lâu năm bỗng “vào trong” dự án. (Xin nói thêm là không chỉ có Đak Nông mà các tỉnh khác ở Tây Nguyên cũng có tình trạng giao đất vô tội vạ như vậy.)

Mọi việc chưa dừng lại hay nói đúng hơn là bi kịch chỉ mới bắt đầu, từ năm 2008-2016, mấy chục cuộc xô xát lớn nhỏ ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông. Công ty Long Sơn tổ chức những cuộc cưỡng chế tự phát với các công nhân là người dân tộc bản địa được trang bị vũ khí tự chế, gạch đá. Bạo lực diễn ra liên tục.

Từ năm 2008-2016, việc cưỡng chế với những trận đòn tàn khốc, việc đốt phá chòi dân, rẫy điều xảy ra liên tục. Trong một cuộc họp an dân tại tiểu khu 1535, những người dân đã nói trước máy quay của công an, biên phòng và nhà báo một sự thật kinh khủng:

Công nhân Long Sơn đánh phụ nữ mang thai đến sảy thai, đánh phụ nữ đang bế con đến rơi con xuống đất, kéo cụ già 94 tuổi dựa vào gốc điều rồi đập cán gỗ vào ngực phun máu tại chỗ,… Những người ở tiểu khu 1535 chìa đầu, chìa tay chân, cởi áo để tôi xem những “vết thù” chằng chịt. Cá biệt, có trường hợp của ông Trần Văn Thanh bị bảo vệ công ty dùng rựa chém bay cả một vạt sọ. Ông Thanh may mắn sống sót nhưng mất đi khả năng nói, chỉ còn ú ớ và mỗi ngày đều đối diện với những cơn đau đầu quằn quại, rúm ró cả người.

Như nhiều nạn nhân khác, gia đình của bà Khuyên, ông Hiến không nằm ngoài vòng xoáy bạo lực ấy. Bà Khuyên có kể lại khi gặp tôi và các luật sư (sau ngày ông Hiến đầu thú) rằng đó là những ngày “khổ sở, uất ức không cách nào tả hết”.

Và chồng bà Khuyên đã nổ súng sau tám năm dài kìm nén…

Níu một hy vọng

Tôi đi cùng bà Khuyên và vài người làng ở tiểu khu 1535 đến thăm nuôi Đặng Văn Hiến ở trại tạm giam tỉnh Đak Nông hồi đầu tháng 7/2018. Thông báo vắn tắt một số chuyện xong tôi hỏi Đặng Văn Hiến. Anh Hiến, anh có tin vào công lý không? Hiến đáp: “Tôi vẫn tin vào công lý nhà báo ạ!”. Ông Hiến cảm ơn tôi và định nói gì đó nữa nhưng tôi biết thời gian thăm tù có hạn nên nhường điện thoại cho bà Khuyên nói chuyện. (Tù nhân chỉ được nhìn người thân qua một lớp kính và nói chuyện qua điện thoại.)

Hai vợ chồng nhìn nhau. Ánh nhìn đó không có từ ngữ nào có thể kể hết ra sự yêu thương. Ánh nhìn còn có cả nỗi xót xa vì bị ngăn cách. Có sự bất lực vì thân phận bé nhỏ. Có cả những tâm sự trùng trùng mà nghẹn lời chực khóc….

Ngày tòa xử vụ nổ súng Đak Nông ở phiên phúc thẩm (bị hoãn), có rất nhiều người dân từng là nạn nhân của công ty Long Sơn tìm đến. Cũng có rất nhiều người từng là nạn nhân của việc “thu hồi đất trên giấy” tìm đến để nhìn vào bản án rồi tính tiếp. Tôi nói với bà Khuyên: “Chị hãy bình tĩnh!”. Bà khuyên nói với tôi trong nước mắt điều gì cũng không nghe rõ vì quá ồn ào.

Ngày tòa xử lại vụ nổ súng Đak Nông ở phiên phúc thẩm (sau khi hoãn), vẫn y án tử cho Đặng Văn Hiến. Bà Khuyên khụy xuống, khóc nấc trước sân tòa. Rất nhiều người có mặt ở đó cũng khóc…

Đạo nghĩa vợ chồng hay đạo nghĩa làm người đôi khi phải trải qua những đớn đau, khuất nhục, nhọc nhằn hay sự kém may mắn để kiểm chứng. Nói thêm một chút về Đặng Văn Hiến- chồng bà Khuyên- đó là một người cần cù, làm việc quần quật ngày đêm để nuôi vợ, nuôi con. Dân tiểu khu 1535 rất thương Hiến. Ngày Hiến đầu thú, toàn bộ dân tiểu khu 1535 đã khóc, dân mạn Bình Phước giáp Đak Nông cũng đến tiễn đưa. Ngày xử Hiến ở sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều người ở Tây Nguyên nhưng không phải chỉ Đak Nông tìm đến.

Đặng Văn Hiến đã bắn người, tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng Hiến không vì cướp của mà bắn người, không ai có thể phủ nhận điều đó!

Chỉ là tôi thực sự ngưỡng mộ cách bà Khuyên không bỏ bất cứ cơ hội nào đi tìm những hy vọng le lói để cứu mạng người đầu ấp tay gối của mình. Trộm nghĩ, bà Nguyễn Thị Tồn năm xưa ra triều đình Huế gõ trống kêu oan cho chồng chắc cũng khốn khổ như bà Khuyên thời này ra thủ đô xin ân xá cho chồng. Họ, đều có một tình yêu mãnh liệt với chồng và còn tin vào công lý! Thứ công lý tôi cho rằng thuần khiết, đúng nghĩa chứ không phải thứ công lý biến dạng, tha hóa.

Một vĩ thanh nhiều điều phải nghĩ

Một người bạn đời như vậy dễ có mấy ai? Đó là cách tôi nghĩ về bà Khuyên.

Bà Khuyên- vợ một tử tù- vợ của một người nổ súng để bảo vệ những gốc điều vợ chồng họ trồng trước khi có công ty Long Sơn. Thậm chí, những gốc điều ấy, ngôi nhà tồi tàn ấy của họ còn có trước khi thành lập tỉnh Đak Nông (1/2004). Trước khi chồng của người đàn bà này nổ súng, suốt 8 năm trời gia đình họ nói riêng và những hộ dân ở tiểu khu 1535 nói chung bị đánh đập bởi những giang hồ đội lốt bảo vệ công ty, tài sản của họ bị cướp phá bao nhiêu lần chính họ cũng không còn nhớ rõ.

Bà Khuyên- vợ một tử tù- vợ của một kẻ nổ súng làm chết 3 người nhưng chính họ và rất nhiều hộ dân khác đã làm đơn khiếu nại, tố cáo suốt 8 năm những xã, huyện, tỉnh đều im lặng… Sự im lặng ấy đáng sợ quá! Nhưng còn đáng sợ hơn khi có những trường hợp người dân làm đơn tố cáo công ty Long Sơn tổ chức đánh người, cướp phá tài sản thì bị chính người của cơ quan công quyền “năm tóc, tát liên hồi” và thách thức đi tố cáo tiếp. Tố cáo tiếp, mọi thứ vẫn rơi vào im lặng đến ngày súng nổ….

Sự im lặng khiến những phận người khốn khổ xuống tận cùng đáy xã hội!

Bà Khuyên đã khóc vì mừng khi Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp Bộ Công an kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến bị tuyên tử hình và báo cáo Chủ tịch nước. Nhưng có lẽ điều cần thiết là sự kháng nghị và phiên giám đốc thẩm để xét xử lại vụ án.

Bởi quá nhiều tình tiết có lợi cho Đặng Văn Hiến như phạm tội lần đầu, đầu thú, thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả, được người nhà các nạn nhân đã chết xin miễn án tử,… đã bị bỏ qua. Trong khi đó, các cá nhân liên quan trực tiếp đến suốt 8 năm hành hạ người dân lẫn nhiều người tham gia tấn công, phá hoại tài sản gia đình Đặng Văn Hiến thì kẻ không xuất hiện tại tòa, kẻ được giảm án. Thậm chí, mấy chục trường hợp không được triệu tập đến để làm rõ.

Sự nghiêm minh của pháp luật đã bị tổn hại khi những thân phận giàu bi kịch như ông Hiến, bà Khuyên xuất hiện. Vậy thì đối tượng cần xử nghiêm chính là kẻ đã “đạo diễn” ra thảm cảnh ấy. Để không còn những người đàn bà đội đơn ra tận trung ương xin ân xá hay kêu oan cho chồng…

M.Q.A.

Nguồn: FB Quốc Ân Mai

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn