Để Sài Gòn vào kỷ nguyên mới

Lê Học Lãnh Vân

1.7.2025

(1)

Tôi nhìn sự “sắp xếp lại giang san” này, theo cách viết của báo Thanh Niên, như một cuộc cách tân can đảm. Thực sự, tôi mong một cuộc sắp xếp mạnh hơn, đưa Việt Nam thành liên bang với khoảng sáu bảy hay một chục bang, không chỉ sắp xếp về địa lý mà còn cách tân dứt khoát về triết lý và phương cách quản trị quốc gia, xã hội. Mong muốn đó là chưa thể được trong điều kiện hiện nay, cho nên có thể coi sắp xếp này là một bước trung gian không?

Dù sao, đây cũng là một chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện ý muốn cách tân. Chúng ta sẽ cùng góp sức và cùng chờ xem những động thái tiếp theo có giúp đạt mục tiêu phát triển cho tới năm 2030, 2045 như đã đặt ra. Mục tiêu chính cho năm 2045 là trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Tôi nhìn công cuộc này như một cố gắng của chính quyền đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới theo cách thức gần gũi hơn với các đòi hỏi của thực tiễn phát triển quốc gia. Trong hoàn cảnh thế giới đầy bất ổn, loạn lạc, trong hoàn cảnh Trung Quốc đang gặp khó khăn nội bộ không thể che giấu, Việt Nam giữ được hòa bình, ổn định và có chương trình phát triển rõ rệt sẽ giúp thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước và mau chóng nâng vị thế cạnh tranh.

Cuộc sắp xếp được khởi xướng bởi ông Tô Lâm, và ông mới nắm đại quyền chưa được một năm, thời gian tương đối ngắn cho một cuộc sắp xếp quá lớn. Chắc chắn có những khó khăn chưa lường hết, có những mặt chưa nghiên cứu kỹ, có những câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo và khoa học, có những nguồn lực chưa biết huy động từ đâu... 

Cho nên, trên con đường tiến về mục tiêu đó, tôi nghĩ cần hết sức khiêm tốn và chuẩn bị cho các bất trắc có thể xảy ra. Tinh thần hồ hởi, phấn khởi cần thận trọng hòa với lo toan kỹ trị... 

Trong sự sắp xếp này, tôi có vài thắc mắc...

Giá trị thương hiệu Sài Gòn và những địa danh khác

Kinh tế tư nhân...

Nền tảng văn hóa, sắc tộc.

Mời anh chị đọc các thắc mắc vào ngày mai.

(2)

Thương hiệu Sài Gòn

Xin thưa với anh chị, dù lòng tôi mang đầy tình thương yêu hai chữ Sài Gòn, những dòng này không được viết vì tình yêu của riêng mình, mà vì giá trị kinh tế của thương hiệu Sài Gòn. Với hiểu biết và kinh nghiệm của tôi khoảng trên 20 năm trước, các bạn quốc tế có tầm nhìn xa trọng rộng về kinh doanh luôn tiếc thương hiệu Sài Gòn. Lúc đó, những cái tên thương hiệu như Microsoft, Boing, General Electric, DuPont được định giá khoảng vài trăm t cho tới tám chín chục t đô-la Mỹ. Lúc đó Việt Nam đang có đà tiến mạnh và cũng được giới kinh doanh quốc tế trông chờ cất cánh theo hướng rồng bay!

Lúc ấy, có hai dự án làm ra sản phẩm của một tập đoàn đa quốc gia rất lớn dành cho thị trường Đông Nam Á. Có hai địa điểm sản xuất được đưa vào chung cuộc, Thái Lan tại vùng Bangkok, và Việt Nam, tại vùng phát triển kinh tế phía nam, vùng Sài Gòn. Trong các tiêu chuẩn đưa ra để chọn lựa nơi đặt nhà máy như mức thuế, mức ưu đãi, luật kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, có tiêu chuẩn giá trị thương hiệu địa phương. Hai lần đó, Việt Nam không được chọn làm nơi đặt dây chuyền sản xuất vì giá trị thương hiệu địa phương thấp hơn dù điểm cho các tiêu chuẩn khác không thấp. Trong số những người chấm điểm, có hai vị thân thiết với Sài Gòn đầu thập niên 1960, một là phụ trách Shell và một phụ trách Hoffman La Roche.

Theo cách đánh giá chung, giá trị thương mại của một địa danh sẽ được tính trên giá trị của tất cả các sản phẩm có mang tên địa danh đó, hoặc chịu ảnh hưởng của địa danh đó. Giá trị thương hiệu có thể được ước lượng khoảng 30% giá trị kinh doanh. Chỉ cần lướt nhanh các sản phẩm hay ngành kinh doanh như bia Sài Gòn, địa ốc, du lịch, khách sạn, ẩm thực, dịch vụ, sân bay, cảng biển... ta có thế ước lượng giá trị thương hiệu của Sài Gòn khoảng hàng chục t đô-la Mỹ! Nếu có sự giúp sức của cả nước, giá trị này đạt hàng trăm t đô la không khó.

Sài Gòn có các nhân tố của một thương hiệu thành công mà nhiều địa phương khác không có. Khó có cái tên nào, dù được kính trọng trong nước, có thể thay thế được Sài Gòn trong vị trí thương hiệu quốc tế có giá trị cao tính theo đô la Mỹ. Đó là thời gian tích tụ tình cảm và thanh danh. Cái tên tạo trong lòng người trong và ngoài nước sự rung động cộng hưởng của lịch sử, văn chương, nghệ thuật, triết học, giáo dục, xã hội, thị trường, tính cách con người... Hàng trăm năm nay người trong và ngoài nước đã quen với một Sài Gòn thanh lịch, hiếu khách, văn minh. Quả thật, giá trị thương hiệu Sài Gòn được tạo qua hàng trăm năm mở cõi với bao công sức cha ông, khó có thương hiệu nào thay thế được. 

Ngoài Sài Gòn, Miền Nam còn những địa danh khác với giá trị thương hiệu cao. Trong cuộc sắp xếp lại này, sau ngày 1/7/205, những địa danh nào còn, mất? Địa danh có thương hiệu cao mất đi nghĩa là quyền lợi quốc gia bị mất, tiến trình phát triển giá trị thương hiệu địa phương bị đứt gãy làm chậm đà phát triển quốc gia.

Trong tiến trình phát triển tương lai, có cách nào phục hồi những thương hiệu đó làm giàu mạnh cho tổ quốc không?

(3)

Kinh tế tư nhân

Để bước vào kỷ nguyên mới, kinh tế tư nhân phải là động lực chính. Sài Gòn là địa phương có nền kinh tế lớn nhất nước, khi hợp nhất cùng với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo một địa phương rất mạnh về kinh tế. Về GDP: chiếm khoảng 28% - 30% cả nước. Về giá trị công nghiệp: chiếm khoảng 52% - 55%. Về giá trị dịch vụ: chiếm khoảng 38% - 40% cả nước. 

Một cực kinh tế lớn như vậy, lại có kinh nghiệm kinh nghiệm với kinh tế tư nhân hàng thế kỷ, muốn phát triển kinh tế phải thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. 

Muốn phát triển kinh tế tư nhân, chắc chắn phải cần tự do kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân với nhiều ưu đãi nhằm phát triển nền móng vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa..

Chỉ ưu đãi như hạ thuế các loại có đủ không? 

Bài này cho rằng điều quan trọng hơn là kinh tế tư nhân cần được đưa vào vị trí ngang bằng với vị trí của hệ thống hành chánh công. Không bên nào có thể uy hiếp bên nào.

Giới kinh doanh tư nhân chắc nhiều người cảm nhận bị sự quản lý quá chặt bởi hệ thống hành chánh công. Muốn qua sông phải lụy đò, một công ty nhỏ và vừa muốn hoạt động được phải chịu lụy bao nhiêu đò quản lý công! Sự quản lý chặt chẽ lần lần biến thành nhũng nhiễu, và bên bị nhũng nhiễu là công ty không có cách tự vệ. Chắc đại đa số các người kinh doanh đồng ý rằng chi phí giấu mặt rất cao. 

Điều này gây các hậu quả tai hại cho sự phát triển quốc gia, chỉ kể vài hậu quả như dưới đây:

1) Giới kinh doanh tài ba có thể chịu đựng buổi đầu, khi có đủ lực tài chánh họ bỏ nước tìm nơi đất lành chim đậu tại quốc gia khác.

2) Chi phí sản xuất tại Việt Nam đắt đỏ hơn chi phí nhập thành phẩm nước ngoài về bán, hệ quả là nền sản xuất Việt èo uột vì người kinh doanh không sản xuất trong nước.

3) Hệ quả gián tiếp khác, khi tham nhũng không kiểm soát được, là kinh doanh trung chuyển (transshipping) cùng với gian lận chứng minh xuất xứ từ Việt Nam trong bẫy thu nhập trung bình. Năng lực sản xuất và trình độ công nghệ Việt Nam càng tụt hậu!

Bài viết này cho rằng muốn phát triển kinh tế tư nhân, điều kiện rất quan trọng là phải bảo vệ doanh nhân tư nhân, giao họ phương tiện tự vệ khi bị nhũng nhiễu. Phương tiện đó là sự xét xử độc lập khi họ khiếu nại hay kiện cơ quan sở, ban, ngành liên quan khi bị chèn ép, bị đối xử bất công. Với cách tổ chức xét xử như bây giờ, e rằng không hay rất rất ít doanh nghiệp tư nhân dám kiện bộ máy hành chánh công vì đã thấy trước sự thua kiện và tiếp theo đó là công ty mình càng bị siết chặt kiểm soát hơn nữa.

Tâm lý bất mãn, khi dễ, uất ức tích tụ dần. Tinh thần cộng tác tư – công vì quyền lợi chung của xã hội, của quốc gia mất dần, chỉ còn sự cộng tác ăn chia trong tinh thần xổi ở thì. Và hoài bão xây dựng các tập đoàn, công ty lớn mạnh bị dập vùi ngay lúc công ty mới được xây dựng! Nền kinh tế tư nhân có lớn mạnh được không trong hoàn cảnh như vậy? Lý tưởng và đạo đức kinh doanh có tồn tại được không trong hoàn cảnh như vậy?

L.H.L.V.

Nguồn: FB LVan Le

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn