“Hoạ trung hữu phúc”? (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 86)

Tương Lai

Cơn bão “Covid-19” thét gào từ Vũ Hán bên Tàu đang lan nhanh khắp các châu lục trên quả đất đã quá chật chội, mà khốn khổ thay, cái bán đảo hình chữ S của ta lại sát cạnh nách với quốc gia gần tỷ rưỡi dân, nơi sinh ra ổ dịch! Sự tấn công của con virut ghê tởm này sẽ còn lan nhanh ào ạt gấp trăm vạn lần hơn nửa triệu quân Tàu Đặng Tiểu Bình xâm lược ngày 17.2.1979  rầm rộ vượt qua 6 tinh biên giới “núi liền núi, sông liền sông” để tàn sát dân lành nước ta.

Một đồng một cốt, những tai ương chướng hoạ này cứ như  đồng loã với vụ thảm sát dân lành Đồng Tâm, khiến trong đầu tôi chập chờn một triết lý Lão Tử: “Trong hoạ, phúc thường mọc sẵn. Trong phúc, hoạ thường chờ sẵn (Hoạ hề phúc chi sở ỷ, Phúc hề hoạ chi sở phục).

Vậy thì cái gì đang chờ sẵn đây?

Cái gì? Khi mà vào những ngày giáp Tết Canh Tý đã xảy ra cuộc thảm sát cực kỳ dã man cụ lão nông Lê Đình Kình! Trong “tiếng oan dậy đất án ngờ loà mây” ấy, ngay ngày hôm sau Nguyễn Phú Trọng đã cấp tập hạ bút ký lệnh truy tặng ba người vâng lệnh thực hiện cuộc thảm sát! Chao ôi sắc lệnh của Chủ tịch Nước! Sắc lệnh tôn vinh cuộc thảm sát trời không dung, đất không tha mà chúng tôi đã viết trong thư gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ngày 31.1.2020 ấy.

Cái gì? Như ai đó đau đớn thốt ra “Bỗng nhiên người dân Trung Quốc thấy từng tốp người vận đồ bảo hộ y tế tới từng "căn hộ" xung quanh mình khiêng xác của những người hàng xóm của mình đã chết rục tự bao giờ đem đi hoả thiêu mà chẳng có được một tiếng khóc than tiễn đưa lần cuối và tự hỏi liệu khi nào tới lượt của mình mà người đứng đầu đảng và nhà nước biệt vô âm tín cả tuần lễ. Bỗng nhiên... Bỗng nhiên... Bỗng nhiên... Còn nhiều, rất nhiều những điều bỗng nhiên khác nữa mà người dân Trung Quốc đang nhận ra”.

Vâng đang nhận ra, như những lời trong bài thơ vĩnh biệt của bác sĩ Li Wenliang ở Vũ Hán, người đầu tiên dũng cảm công bố hiểm hoạ “Corona” đã bị nhà cầm quyền trấn áp và khi được buông tha, anh đã can trường dấn thân cứu người để rồi là người bác sĩ đầu tiên chết vì lây nhiễm loại virut khủng khiếp mà anh đã cảnh báo:

Tôi đã ra đi rồi.

Tôi thấy họ lấy cơ thể của tôi,

Đặt nó vào một cái túi,

Ở đó có nhiều đồng bào.

Cũng ra đi giống như tôi,

Bị đẩy vào lửa trong lò thiêu

Lúc bình minh.

              Xin tạm biệt những người tôi yêu mến.

                 Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi.

                   Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,

                     Có ai đó sẽ một lần nhớ đến,

                     Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật càng sớm càng tốt

                     Cố gắng cho bạn biết sự thật càng sớm càng tốt

Xin vâng, phải làm cho nhân dân biết sự thật càng sớm càng tốt, vì thế mà các nhà trí thức Trung Quốc Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan 张千帆) của Đại học Bắc Kinh, một trong những học giả đầu đàn về luật hiến pháp tại Trung Quốc, và Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun, 許章潤) của Đại học Thanh Hoa, người cách đây không lâu đã gây chấn động với bài tiểu luận đặc sắc, trực tiếp phê phán chính sách của Tập Cận Bình “Nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta hiện nay” đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ:

Khi thảm kịch này mới bùng phát đầu tháng Một, bác sĩ Li và bảy chuyên viên y tế khác đã bị cảnh sát cảnh cáo vô căn cứ. Nhân phẩm của họ quá bé mọn trước bạo quyền của cảnh sát chống lại tự do ngôn luận. Ba mươi năm nay, người Trung Quốc đã từ bỏ tự do để đổi lấy an toàn, để giờ đây lún vào một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, bất an hơn bao giờ hết. Một thảm họa nhân đạo đang cận kề. Toàn bộ phần còn lại của thế giới đang lùi xa khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn sự lây lan của virus, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng cô lập toàn cầu chưa từng thấy. Tất cả những điều đó là cái giá phải trả cho việc từ bỏ tự do và áp chế ngôn luận. Mô hình Trung Quốc đang trở thành phao bọt. Song các nhà chức trách vẫn đang lo khóa miệng dân hơn lo ngăn chặn dịch bệnh. Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hành chính đã vượt quyền hạn, thực thi tình trạng khẩn cấp mà không công khai tuyên bố. Họ đã sử dụng việc kiểm soát dịch bệnh như một cái cớ để tước đoạt bất hợp pháp những quyền được hiến pháp bảo trợ của công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại và quyền sở hữu tư nhân. Đã đến lúc những điều đó phải kết thúc. Không thể có an toàn nếu không có tự do ngôn luận...”.

Hứa Chương Nhuận cùng một số trí thức khác đã viết thư ngỏ gửi lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc đề xuất lấy ngày 6 tháng 2, ngày Li Wenliang chết vì Covid-19 là ngày Tự do ngôn luận Quốc gia. Cũng chính ông đã bộc bạch nỗi niềm của một người trí thức đích thực: “Viết bài văn này, dự cảm tất sẽ có tội phạt vào thân, nếu bài viết này mà là bài văn cuối cùng của tôi, cũng không phải là điều không thể. Nhưng đại dịch trước mắt, trước có vực sâu, thì trách nhiệm ở mình, không thể chối từ, không thể tránh né. Nếu chăng không bằng kẻ giết lợn bán thịt.

Chính vì Vì nghĩa mà căm phẫn, như triết học phương Tây có nói, chính là nghĩa và phẫn, chỉ có nghĩa và phẫn. Như tiên hiền của nước ta có nói nhân và nghĩa chính là lòng người và đường con người đi, chính vì đó mới làm cho học giả chốn trai phòng trở thành phần tử tri thức, cho đến khi đặt cả tính mạng mình vào đó. Xét cho cùng, tự do, một thứ tồn tại siêu nghiệm và là rốt ráo của hành động, một hiện tượng thế giới mang đầy tính thiêng, là bẩm tính để con người trở thành người, con dân Hoa Hạ cũng không ngoài điều đó. Mà tinh thần thế giới, vị thần ở trên mặt đất, không phải ai khác, đó chính là sự sán lạn của quan niệm tự do.

Chính vì vậy, bạn tôi, trăm vạn đồng bào của tôi, dẫu biển lửa trước mặt, có gì mà sợ! Mảnh đất dưới chân này, người tình sâu mà ơn bạc, ít phúc mà nhiều họa. Người từng chút một hao mòn lòng nhẫn nại của chúng tôi, Người từng bước từng bước chặt đứt sự tôn nghiêm của chúng tôi. Tôi không biết nên nguyền rủa, hay nên cúi đầu lễ tán, nhưng tôi biết. Tôi thấu hiểu một cách rõ rằng, khi nhắc đến người, tôi không cầm được nước mắt, quặn thắt lòng đau.

.... “Tôi không muốn nhẹ nhàng để bước vào đêm tối, Tuổi già phải thét gào đốt cháy trước khi trời tối Gào thét, gào thét, những ánh sáng đang dần tàn lụi.”  Bởi vì, thư sinh vô dụng, một tiếng thở dài, chỉ có thể cầm bút làm kiếm, đòi công đạo, tìm chính nghĩa. Giữa trận đại dịch này, mắt trông cảnh loạn, mong cho đồng bào, mười bốn ngàn ngàn anh chị em tôi… Hàng ngàn vạn dân lành vĩnh viễn không có cơ hội rời khỏi mảnh đất này, người người cùng thét gào phường bất nghĩa, kẻ kẻ vì chính nghĩa đốt cháy mạng mình, đâm thẳng đêm đen mà hướng đón bình minh, cùng nhau chung sức, chung lòng, chung mệnh, ôm lấy ánh mặt trời của tự do sẽ phải tới đối với mảnh đất này!”

Những người trí thức Trung Quốc đáng kính ấy đang cùng chúng ta, những người trí thức Việt Nam nặng lòng vì đất nước, day dứt quặn đau vì số phận của nhân dân cùng nhau sẻ chia ý chí dấn thân vì “đại dịch trước mắt, trước có vực sâu, thì trách nhiệm ở mình, không thể chối từ, không thể tránh né...”. Chúng tôi, trong thư gửi các nhà lãnh đạo ngày 21.1.2020 cũng đã viết: “Sự thật rồi sẽ vẫn là sự thật cho dù có thể tạm thời bị che lấp bởi nhiều lý do phức tạp, những mưu toan mờ ám nhưng  sớm muộn thì thì rồi sự thật vẫn được phơi trần. Đó sẽ là một đòn chí mạng vào cái thể chế chính trị mà các vị đang cố chứng minh là tốt đẹp. Càng nhiều lấp liếm, càng lắm quanh co, càng tăng thêm nghi ngờ và phẫn nộ của công luận trong nước và thế giới”.

Có lá thư ấy vì trước khi bùng nổ đại dịch Covid-9 thì người trí thức Việt Nam có lương tri đã phải vật vã dằn vặt về trách nhiệm của người trí thức biết nghĩa và phẫn, “vì nghĩa mà căm phẫn” trước tội ác trời không dung, đất không tha của vụ thảm sát Đồng Tâm với cái chết thảm khôc của lão nông Lê Đình Kình, người đảng viên 84 tuổi đời và 58 tuổi đảng do chính cái đảng mà ông hết lòng tin tưởng bắn chết ông, phanh thây ông. Chúng tôi cũng đã hành động như những người trí thức của quê hương Lỗ Tấn: “Gào thét, gào thét, những ánh sáng đang dần tàn lụi. Cầm bút làm kiếm, đòi công đạo, tìm chính nghĩa, đâm thẳng đêm đen mà hướng đón bình minh”.

Cơn đại dịch Covid-19, ở một chiều cạnh nào đó, đang làm loãng đi những di chấn của vụ thảm sát Đồng Tâm. Nhưng, từ một chiều cạnh khác, bộ mặt thật của một xã hội bị dồn nén, áp chế, bưng bít thông tin, che giấu sự thật, dối trá, lừa bịp trong một thể chế toàn trị phản dân chủ đã được phơi bày ra trước mắt. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc qua ngòi bút phê phán của học giả Hứa Chương Nhuận mà cứ như đó là bản sao thực trạng của xã hội Việt Nam ta, một xã hội được khoác chiêu bài “cùng chung ý thức hệ XHCN, lý tưởng tương thông vận mệnh tương quan” với cái thể chế toàn trị mà ông Hứa phê phán:

Chính trị bại hoại, đạo đức sạch trơn. Giữ gia nghiệp, thâu tóm giang sơn, đã thành hạt nhân của đám thượng tầng trong chính thể. Mở miệng ra là “nhân dân quần chúng” chẳng qua chỉ là đơn vị đo thuế, dưới những con số quản lý là “cái giá phải trả” cho một lòng ổn định vương quyền, chỉ để cúng dường vô số phường sâu mọt trong chính thể cực quyền.

Trong chính thể dưới trên che giấu bệnh dịch, hết kéo lại kéo, chỉ xoay quanh những “hạt nhân” đèn xanh đèn đỏ, ca vũ thăng bình, càng lộ rõ làm gì có sinh mạng dân đen con đỏ, mà dám lý luận mạng người hơn cả. Đến việc phát sinh, vừa làm mất mặt, còn táng tận thiên lương, người gặp tai ương toàn dân đen trăm họ.

Gốc quyền còn đó, mà bất lực và loạn tượng khắp nơi, bọn an ninh mạng dốc lòng vì bạo chính, không khác khuyển ưng, thêm giờ thêm điểm chặn đường tin tức, mà tin tức không đường mà chạy, ấy chính vì đặc vụ chính trị lên ngôi, Quốc (gia) an (toàn) ủy (ban) biến thành trung tâm sức mạnh, tuy chẳng thể thêm nay lại càng vô dụng.

Thực ra, người xưa sớm đã nói rồi, chặn miệng dân còn hơn chặn lũ, quản lý mạng có bằng tài thánh, cũng sao ngăn mười bốn ngàn ngàn miệng thế cùng reo, cổ nhân nào có nói chi sai! Mọi việc khắp cả muôn, tưởng quyền lực không gì không thể, đắm chìm trong hô hào “lãnh tụ” để lừa mình, mà rốt cuộc nào che cho nổi”.

Đúng vậy, làm sao mà che cho nổi những sự thật đã phơi bày bởi sự kích hoạt của đại dịch Covid-9! Dù vậy, lúc này không phải là lúc để “đắm đò giặt mẹt”! Sẽ là vô trách nhiệm nếu chỉ biết bươi móc những yếu kém, lúng túng đang bộc lộ trong guồng máy quản lý và vận hành xã hội cứ rối như gà mắc tóc. Nhưng, lại phải dám thẳng thắn nhìn ra những khuyết tật trầm kha vốn nằm sâu trong lục phủ ngũ tạng của một cơ thể quá suy nhược vì một mô hình phát triển lạc hậu đáng ra phải vứt bỏ nhưng lại được duy trì để giữ bằng được cái ghế quyền lực gắn chặt với lợi ích được tích luỹ từ cái thể chế toàn trị phản dân chủ. Mà đáng sợ hơn, cái ghế quyền lực ấy lại đang bị trói quá chặt với “người đồng chí cùng ý thức hệ XHCN” về mọi mặt. Đặc biệt là về kinh tế và chính trị.

Tôi bỗng nhớ đến một ý tưởng vừa đọc được trên mạng về một tấm bảng lớn đặt trên đường phố Budapest của Hungary ghi lời của bá tước Széchenyi István (1791-1860), người sáng lập nước Hungary hiện đại, “người Hung vĩ đại nhất” khiến nảy ra ý cần chép ra đây:

Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó. Nếu vì một lý do gì đó, những kẻ xuẩn ngốc hay bẩn thỉu ngồi lên đầu một dân tộc sáng suốt và trung thực, thì dân tộc ấy cần phải tống cổ lũ ăn hại ấy xuống đáy địa ngục càng nhanh càng tốt. Nhưng nếu một chính phủ tệ hại có thể tồn tại dài lâu ở vị trí của mình, thì chắc chắn là phần lỗi nằm ở dân tộc ấy. Khi đó, dân tộc ấy hoặc chết tiệt, hoặc vô học thức”.

Dân tộc Việt Nam ta chắc chắn không là “dân tộc ấy”! Vậy thì “phần lỗi” nằm ở đâu?

Ở đâu, nếu “một chính phủ tương xứng với nó” chưa chứng minh được nó là của dân, do dân và vì dân khi mà lòng tin của dân không dành cho nó. Bởi lẽ nó không do dân bầu lên, mà là bị áp đặt theo quy trình sắp xếp nhân sự rất tù mù nên không thể công khai và minh bạch để cho “dân biết, dân kiểm tra” như vẫn rêu rao vì lẽ chúng được quyết định từ một nhúm người đã giành quyền thao túng bộ máy quyền lực trong cuộc tranh quyền đạt vị giữa các thế lực gầm ghè đối chọi nhau với sự câu kết, bảo kê của các nhóm lợi ích. Liệu có thể mượn lời học giả Trung Quốc Hứa Chương Nhuận khỏi dài dòng:  “Chính trị bại hoại, đạo đức sạch trơn. Giữ gia nghiệp, thâu tóm giang sơn, đã thành hạt nhân của đám thượng tầng trong chính thể”. Đất nước sẽ còn phải trầm luân đến bao giờ nữa đây? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”, ong ong trong đầu óc tôi câu thơ Huy Cận trong bài “Các vị La hán chùa Tây Phương”.

   Để giải toả bớt những nặng nề trĩu nặng tâm tư, nhân Rằm tháng Giêng, tôi không vào chùa để hỏi các vị La hán mà lên núi lạy Phật. Ngước nhìn lên tượng Phật, tôi cầu cho đất nước sớm vượt qua vấn nạn trầm luân. Tôi cầu siêu thoát cho cụ Lê Đình Kình mà cái chết đã hoá thành bất tử được phiêu diêu nơi cực lạc. Rồi tiếp đó, tôi đến thắp hương trước CỌC GỖ BẠCH ĐẰNG, biểu tượng sống động của khí phách “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (藤 江 自 古 血 猶 紅) dựng trước đền thờ “HỒN THIÊNG SÔNG NÚI” trong “ANH LINH TỘC VIỆT” mà âm thầm tự vấn:  làm sao để xứng đáng với ông cha, làm sao để không xấu hổ với non sông đất nước. Lòng tự dặn lòng như vậy, tâm hồn như được thanh thoát giữa những hoài niệm nơi đây, nơi tôi từng tìm đến trong ngót nghét ba thập kỷ qua. Nhưng trong mênh mông những hoài niệm ấy, vẫn không sao vơi được nỗi day dứt về vận nước.

Làm sao không day dứt được khi đất nước đang phải sống liền kề với lũ ngạo ngược mà cái mộng bành trướng luôn nằm sâu trong tâm thế của chúng muốn biến nước ta thành chư hầu. Thì chẳng phải chúng muốn giữ mãi cái dấu ấn nhơ nhuốc “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (銅 柱 至 今 苔 已 綠  Cột đồng đến giờ đã xanh  rêu) đó sao! Là hậu duệ của Mã Viện (năm 42 trước Công nguyên), tên tướng xâm lược từng dựng cột đồng trên lãnh thổ đã chiếm được sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát, nhằm nuôi dưỡng khát vọng biến nước ta thành chư hầu, bè lũ Tập Cận Bình đang đẩy tới toan tính ấy một cách nham hiểm hơn, xảo quyệt hơn.

Nham hiểm hơn, xảo quyệt hơn, vì chúng đã “hiện đại hoá” dục vọng bành trướng của cha ông chúng xưa kia bằng cái gọi là ý thức hệ XHCN với nguyên tắc mười sáu chữ bịp bợm, biến cái đó thành chiếc mũ kim cô thít chặt đầu óc của một nhúm thế lực cầm quyền phản dân, hại nước, hèn với giặc ác với dân cúi đầu khuất phục chúng để quyết giữ cái ghế quyền lực ruỗng nát. Vậy thì phải nghĩ sao đây cái mệnh đề mà Széchenyi István, “người Hungary vĩ đại nhất” đặt ra vừa dẫn ở trên “Mỗi dân tộc đều có một chính phủ tương xứng với nó”. Thế là phải quay lại với triết lý của Lão Tử: “Trong hoạ, phúc thường mọc sẵn. Trong phúc, hoạ thường chờ sẵn”.

Phải chăng nên tìm về cái hệ luỵ của đại dịch Covid-19 liền sau vụ thảm sát ghê rợn mà không một chính phủ nào trong cái thế giới văn minh thế kỷ XXI này dám làm. Chính cái ấy đã kích hoạt sự thức tỉnh của người dân lần tìm ra sự thật lâu nay được giấu kín.

Sự thức tỉnh phải chăng chính là cái mầm mọc sẵn từ cái hoạ của cơn đại dịch kia và hành động điên rồ trong cơn hoảng loạn của bộ máy quyền lực đẩy tới cuộc thảm sát Đồng Tâm trời không dung đất không tha nọ? Cái mầm ấy sẽ từng ngày từng ngày lớn lên, mọc cành, đơm hoa, kết trái trước mọi bão táp giập vùi. Sự thức tỉnh ấy sẽ làm cho người dân dám đối diện với điều mà Voltaire từng cảnh báo: “Rất nguy hiểm khi cho là đúng về những vấn đề mà chính quyền hiện tại cho là sai”.

Tính sao xuể những người từng gánh chịu sự nguy hiểm ầy khi dám thẳng thắn và trung thực nói lên sự thật mà chính quyền bưng bít, trước hết là người trí thức, đương nhiên là người trí thức đích thực. Phải nhấn mạnh điều này vì có một sự thật đáng buồn là đang nhan nhãn những người tự xưng là trí thức đóng vai trò giá áo túi cơm cúi đầu vâng chịu sự sai phái của quyền lực dể mon men chui vào cái hệ thống quyền lực ấy.

Ấy vậy mà ngừời trí thức đích thực lại là người “dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm – dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào như Karl Marx từng chỉ ra. Đó là lý do khiến cho họ luôn là tấm bia công kích của nhà nước toàn trị phản dân chủ. Mà việc đầu tiên mà cái nhà nước này làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên giới trí thức, bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội.

Những bất lực và rối loạn trong sự vận hành guồng máy xã hội trước đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm sự khủng hoảng trầm trọng về xã hội, đặc biệt là về kinh tế, hệ luỵ trực tiếp và sâu xa của sự yếu kém sức mạnh nội sinh được khởi động và lớn mạnh từ bên trong chứ không chỉ dựa vào nguồn lực bên ngoài có nguyên nhân từ sự mai một, phân tán và mất dần đi bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội ấy. Đúng hơn, không thu hút và gắn kết được tầng lớp tinh hoa của đất nước, những trí thức chân chính, những nhà khoa học có thực tài và tệ hơn, đẩy họ ra xa để chỉ tụ tập quanh người cầm quyền những kẻ giỏi nghề ăn theo nói leo, thành thạo nịnh bợ để dễ bề sai phái. Có thể hiểu tại sao học giả Trung Quốc Hứa Chương Nhuận phải gào thét lên “vì chính nghĩa đốt cháy mạng mình, đâm thẳng đêm đen mà hướng đón bình minh, cùng nhau chung sức, chung lòng, chung mệnh, ôm lấy ánh mặt trời của tự do sẽ phải tới”.

Trong một thể chế toàn trị phản dân chủ nối dài nền chuyên chế phương đông từng ngự trị hàng ngàn năm, để cho mặt trời tự do xuyên thủng được khối mây đen dày đặc ấy sẽ là cực kỳ gian nan. Càng gian nan hơn khi dân tộc ta đang phải gánh chịu sự áp đặt nặng bề của chủ nghĩa bành trướng với màu sắc mới của “hoàng đế Tập Cận Bình”.

Nếu như trước đây các học thuyết tư tưởng của pháp gia và nho gia đều ra đời trên cơ sở kinh tế và xã hội của chế độ chuyên chế Trung Quốc, chúng bổ sung cho nhau, gắn kết với nhau đê tạo nên chủ nghĩa bành trướng thiên triều với những đặc trưng mang dấu ấn của chế độ chuyên chế đó, thì nay nó lại được “hiện đại hoá” để dễ lừa bịp và chinh phục đối thủ. Tuy nhiên, chế độ chuyên chế vốn đã mang trong lòng nó những yếu kém và khuyết tật khó thay đổi, nên để tồn tại, nó buộc phải dựa vào sự lừa dối với những thủ đoạn thâm hiểm. Càng yếu kém lại càng quỷ quyệt hơn trong cách đe dọa, trong sự lừa dối và ngụy thiện để mê hoặc và chinh phục đối thủ. Muốn chống lại chủ nghĩa bành trướng ấy, phải đập vỡ cái nền tảng từ đó nó được hình thành và lan ra.

Cho nên, phải dân chủ hoá xã hội thì mới tạo tiền đề lay chuyển và làm sụp đổ cái nền tảng ấy. Cũng có nghĩa là muốn có tự do thì phải có dân chủ. Ấy vậy mà cái kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội vẫn đang còn bị chi phối bởi ảnh hưởng của cái di sản nho giáo trọng nhân tâm nhưng kỵ dân chủ được chế độ chuyên chế toàn trị khuếch đại lên trong cái chiêu bài ý thức hệ XHCN, thì tiến trình dân chủ hoá lại càng phải đương đầu với tầng tầng lớp lớp những rào cản. Trong đó cái rào cản lớn nhất là lý do tồn tại và cũng là điểm tựa lớn nhất của thế lực chuyên chế độc đảng hiện nay. Bởi lẽ, dân chủ cũng đồng nghĩa với sự cáo chung của thể chế hiện tồn!

Trong bối cảnh đó, có lẽ cần bàn thêm đôi điều về EVEFTA và EVIPA đang làm phân tâm trong một số người dấn thân cho công cuộc dân chủ hoá đất nước. Cũng đã từng có mong muốn EU không thông qua các hiệp định trên để làm áp lực cho chính quyền phải có những bước tiến thật sự của nhân quyền và dân chủ. Nhưng rồi Nghị viện Châu Âu đã thông qua EVFTA & EVIPA vì sự tính toán khôn ngoan của họ trên nhiều bình diện rộng hơn, phức tạp hơn. Cho nên không thể không thấy đây là một bước tiến đáng mừng.

Cần nhớ rằng, kể từ việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ngày 13.10.2000 tại Washington, điều người ta không muốn nói ra là trên thực tế, hiệp định đó đã góp phần tạo lập nền tảng cho những cải cách quan trọng, giúp tạo ra lực chuyển đổi và phát triển kinh tế, xã hội nước ta trong mười năm qua. Mà quan trọng nhất là tạo điều kiện để có thể bớt dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nay với EVEFTA và EVIPA, sẽ tạo thêm những tiền đề mới cho quá trình ấy. Quá trình biến đổi kinh tế, xã hội để càng giảm dần sự phụ thuộc vào cái quốc gia nuôi mộng siêu cường luôn muốn lấy thịt đè người, dồn ép đối tác, khoác áo quân tử nhưng lòng dạ tiểu nhân!

Dĩ nhiên không vì thế mà quên rằng, mọi ngôn từ tốt đẹp từ cửa miệng đều gắn liền với lợi ích được gói kín trong nhiều lớp giấy! Mà lợi ích dân tộc luôn là động lực chi phối mọi giải pháp và sách lược ngoại giao của bất cứ mối quan hệ hợp tác nào. Cho dù vậy, trong một chiều cạnh khác, nếu biết khai thác một cách khôn ngoan những dữ kiện được tạo ra từ những hiệp định ấy, phong trào dân chủ hoá xã hội sẽ có thể được đẩy tới vững chắc hơn.

Đương nhiên, dân chủ và nhân quyền không thể là quà biếu tặng hoặc ân huệ được ban phát! Dân chủ và nhân quyền cũng không thể được mang đến từ lòng tốt của ai đó. Dân chủ và nhân quyền là thành quả của một quá trình đấu tranh cam go và quyết liệt, thậm chí cả tù đày và không loại trừ sự đổ máu. Đó là một thách đố khắc nghiệt cho những ai dám dấn thân vì sự nghiệp cao cả trong một hành trình dài lâu. Tôi nhớ Albert Camus từng nói rất xúc động: “Rất bình thường khi cho đi một phần nhỏ cuộc đời để không đánh mất nó toàn bộ”.

Phải vậy thôi. Bởi lẽ là hy hữu, nếu chưa nói là chẳng một ai giành lấy quyền lực với mục đích sẽ buông bỏ nó khi chưa buộc phải làm như vậy vì bất khả kháng! Lịch sử đầy rẫy những trang bi thảm về tính quy luật nghiệt ngã mà rất dễ hiểu ấy. Nhưng tuân theo quy luật nghiệt ngã ấy mỗi người đều nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã góp vào đó.

Đây là sự khuyến cáo của Michel Foucault – nhà triết học Pháp thế kỷ XX, một đúc kết có ý nghĩa của lời cảnh báo thật thâm thuý thấm đẫm chất triết lý. Đừng quên rằng, Michel Foucault là tác giả trong lĩnh vực khoa học nhân văn được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới mà The Times Higher Education Guide đã đưa tin. Lưu ý điều ấy vì những chuyện thế sự tôi trình bày trong bài viết này với chủ đề hoạ trung hữu phúc đều dính dáng đến chuyện “nhận được” và “góp vào” như nhà triết học phương Tây nói đến.

Mà đâu chỉ với nhà triết học phương tây, ở phương Đông càng nhiều những đúc kết thâm trầm giàu sức răn đe mà ở đây chỉ xin dẫn ra hai câu khá tiêu biểu:  “Lưới trời lồng lộng, báo ứng rất nhanh (Thiên võng khôi khôi, Báo ứng thậm tốc 天网恢恢報應甚).

Dung dị hơn, mời đọc câu ca dao quen thuộc:

Đời xưa quả báo còn chầy. Đời nay quả báo thấy ngay nhãn tiền”!

Quả vậy, quả báo thấy ngay nhãn tiền đấy, thưa các ngài!

Ngày 17.2.2020

Chú thích ảnh, từ trên xuống

  1. Bác sĩ Li Wenliang ở Vũ Hán, người đầu tiên dũng cảm công bố hiểm hoạ “Corona”

  2. Quạ kêu trên bầu trời Vũ Hán

  3. Những chiếc điện thoại của những chủ nhân được đưa vào lò thiêu ở Vũ Hán

  4. Tập Cận Bình trên trang bìa tạp chí L'Express tuần lễ từ 14 đến 21/02/2020

  5. Lên núi lễ Phật

  6. Lạy Phật, cầu nguyện cho đất nước thoát cảnh trầm luân, cầu nguyện cụ kình được siêu thoát

  7. Thắp hương trước Cọc gỗ Bạch Đằng đặt tại đền “Anh linh Tộc Việt”

  8. Thư gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc

T. L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn