Hoa Kỳ đã học cách yêu chuộng nhân quyền như thế nào

 Tất cả bắt đầu với nỗ lực bền bỉ của một vị tổng thống: Jimmy Carter.

Jason Nguyen, Huong

Lịch sử của khái niệm nhân quyền trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ ngắn hơn nhiều người vẫn nghĩ. Nó chỉ mới tồn tại chưa đến 50 năm – và phần lớn là nhờ vào nỗ lực bền bỉ của một vị tổng thống: Jimmy Carter.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, ngày 20/1/2017. Ảnh: Saul Loeb/AFP via Getty Images.

Trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã hoàn toàn rút lui khỏi những cam kết về quyền con người – những thứ tạo nên đặc trưng của Hoa Kỳ trong suốt hơn 40 năm qua, bất kể đảng phái. Mọi chuyện có thể sẽ khác từ tháng Một năm tới, nhưng vẫn đáng để chúng ta tìm hiểu ngọn nguồn từ đâu mà truyền thống yêu chuộng nhân quyền lại xuất hiện ở Mỹ.

Bài viết này được lược dịch từ bài “How the United States Learned to Love Human Rights” đăng trên Foreign Policy ngày 29/09/2020 – trước ngày sinh nhật thứ 96 của Jimmy Carter. Bài viết là trích đoạn trong cuốn sách của Jonathan Alter kể về cuộc đời của Carter: His Very Best: Jimmy Carter, a Life.

Vào một ngày đầu thập niên 1980, Jimmy Carter đang đi dạo trong khuôn viên Đại học Emory ở Atlanta, không lâu sau thất bại trong cuộc tranh cử trước Ronald Reagan, với tâm trạng buồn bã (và gần như suy sụp). Tại đó, ông gặp Karl Deutsch, một nhà khoa học chính trị nổi tiếng đến từ Đại học Harvard, Deutsch nói với Carter rằng, sau một nghìn năm nữa, sẽ chỉ còn một vài tổng thống Hoa Kỳ còn được nhớ đến, và Carter sẽ nằm trong số đó nhờ vào đóng góp của ông về vấn đề nhân quyền. Carter trào nước mắt.

Đối với ông, bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948 có tầm quan trọng tương đương với bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông tin rằng các giá trị trong đó là sự nối tiếp từ Bài giảng trên núi trong Tin mừng theo Thánh Matthew. Tại đó, Chúa Jesus dạy con người cách mà họ nên đối xử với nhau.

Tuy nhiên, việc đưa “nhân quyền” vào vị trí trung tâm quá trình hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là không hề dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Các nhà hoạch định chính sách ngoại giao lúc này, dưới danh nghĩa “lợi ích quốc gia”, ưu tiên việc lên án các nước cộng sản xâm hại quyền con người, nhưng lại dung túng cho những kẻ độc tài khác cũng làm điều tương tự.

Carter hiểu tiêu chuẩn kép này khiến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trở nên trống rỗng về mặt đạo đức. Những tổng thống mạnh mẽ, vững vàng, đại diện cho các siêu cường sẽ trừng trị những kẻ bắt nạt ngay cả khi họ là đồng minh; còn những tổng thống yếu ớt, luôn sợ hãi, đến từ những quốc gia đang thoái trào, sẽ bỏ qua cho tội ác của các đồng minh nhằm đeo đuổi những lợi ích nhạt nhòa.

Carter là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và vững vàng, mặc dù không phải lúc nào ông cũng thể hiện điều đó ra bên ngoài. Sức mạnh bên trong của ông đến từ tín ngưỡng tôn giáo và niềm tin đạo đức. Carter cảm nhận rằng Chúa đã tạo ra nước Mỹ “để làm một tấm gương cho thế giới” và rằng nước Mỹ là “quốc gia đầu tiên tâm huyết theo đuổi những nguyên tắc đạo đức và triết học nền tảng”. Theo nghĩa đó, chính sách mới của Jimmy Carter nảy mầm từ những lý tưởng sáng lập nên Hoa Kỳ, và ước nguyện thờ phụng chúng của cá nhân ông.

Việc đưa nhân quyền trở lại cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại giúp chuyển khái niệm này từ một vũ khí trong thời Chiến tranh Lạnh thành điều mà Carter gọi là “ngọn hải đăng cho nhân loại”. Nó bắt đầu một phong trào quốc tế lớn mạnh với đầy năng lượng và ý nghĩa, quốc tế hoá cuộc đấu tranh dân quyền của Mỹ, và đặt ra một tiêu chuẩn luân lý mới trong việc đánh giá năng lực của các nhà lãnh đạo ở khắp nơi – một tiêu chuẩn mà bản thân chính quyền Mỹ hiện nay không đáp ứng được.

***

Carter không phải là một chuyên gia diễn thuyết; ông thường nói vấp ngay cả những câu “ăn tiền nhất” của mình. Cây viết Murray Kempton nói rằng trên truyền hình, Carter là một người “lạnh như băng”. Nhưng nỗ lực bền bỉ nhằm đưa “quyền con người” vào trong bộ từ vựng quốc tế của ông thì không lạnh chút nào.

Trong chiến dịch tranh cử năm 1976, Carter không ngừng nhấn mạnh các vấn đề nhân quyền. Đó là một chiến thắng chính trị, dung hợp được từ những người cấp tiến chỉ trích lựa chọn ủng hộ các nhà độc tài của Ngoại trưởng Henry Kissinger lúc bấy giờ, các cử tri thuộc những nhóm thiểu số bị ảnh hưởng tại các quốc gia do Liên Xô kiểm soát sau Bức Màn Sắt, đến những người theo đạo Thiên Chúa lo lắng về đàn áp tôn giáo, và những người Do Thái lo ngại rằng các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ bị nhốt mãi ở Liên Xô. Carter tuyên bố ý định của ông một cách mạnh mẽ trong bài diễn văn nhậm chức, với câu nói “cam kết của chúng ta đối với nhân quyền phải là tuyệt đối”, mặc dù những thính giả hiểu chuyện đều biết rằng thế giới lúc đó quá rối loạn để làm được vậy.

Chính sách mới của Carter lúc đầu vẫn mang tính chọn lọc và thiếu nhất quán, đặc biệt khi áp dụng với các đồng minh chiến lược quan trọng. Các lợi ích thiết yếu được ưu tiên hơn là mối bận tâm về đạo đức. Điển hình nhất là trong trường hợp Iran, khi Carter ca ngợi nhà vua Iran và chỉ nhắc đến những hành vi lạm quyền của lực lượng cảnh sát chìm tại Iran trong các cuộc họp kín giữa đôi bên. Vào năm 1979, nhà vua Iran bị Ayatollah Ruhollah Khomeini hạ bệ. Sự ủng hộ của Carter đối với hoàng gia thất sủng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng con tin tại Tehran, khi hàng chục nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt giữ làm con tin ngay sau đó.

Nhưng ngay cả khi mang màu sắc tiêu chuẩn kép và đạo đức giả, thông điệp ở đây là hoàn toàn rõ ràng: Lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ đi từ việc thuần túy quảng bá các lý tưởng của Hoa Kỳ đến việc đưa ra những lời phê bình trực tiếp đối với các quốc gia cụ thể kèm theo những biện pháp trừng phạt rõ ràng. Carter đặt ra các điều kiện liên quan đến nhân quyền để các quốc gia được nhận viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, và thậm chí là các khoản vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các điều kiện này dựa trên những tiến bộ của các quốc gia đó nhằm chấm dứt việc giết người trái luật, bắt giữ không qua xét xử, kiểm duyệt, và những hành vi xâm phạm nhân quyền khác. Ông gây áp lực đó lên cả những nước theo chế độ cộng sản lẫn không cộng sản.

Đồng thời, Carter cũng nỗ lực tạo ra một cách nghĩ khác về những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ. Trong một bài phát biểu quan trọng tại Đại học Notre Dame, ông tuyên bố rằng nước Mỹ nay đã “thoát khỏi nỗi sợ hãi quá mức đối với chủ nghĩa cộng sản”, thứ khiến họ “làm bạn với bất kỳ kẻ độc tài nào chia sẻ cùng một nỗi sợ”.

Carter chạm đến địa hạt mà chưa có bất kỳ tổng thống Mỹ thời hậu chiến nào dám đụng đến: một quan điểm khác về chiến tranh Việt Nam.

“Trong quá nhiều năm, chúng ta đã sẵn lòng áp dụng cùng thứ nguyên tắc và những hành động sai trái giống như các đối thủ, và đôi khi bỏ rơi các giá trị của chính mình”, ông nói về quyết định tham chiến tại Việt Nam. “Chúng ta đã lấy lửa đấu với lửa, không hề nghĩ rằng lửa đáng ra nên được dập tắt bằng nước.” Tự do nên là nguồn nước mạnh mẽ đó. Các nhà độc tài sẽ không thể tiếp tục biện minh cho sự áp bức của mình bằng cách nói rằng họ chỉ đang chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Trong một bài diễn văn khác năm 1977, Carter phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng các quốc gia sẽ phải từ bỏ các ý niệm truyền thống về chủ quyền: “Không thành viên nào của Liên Hợp Quốc có thể tuyên bố rằng việc họ đối xử tệ mạt với công dân của mình là chuyện của riêng họ.” Quan điểm bao trùm hơn của ông gửi đến cộng đồng quốc tế, là sự tự do trên thực tế có thể giúp các quốc gia an toàn hơn, khi chính quyền được người dân ủng hộ một cách chân thành. Dưới thế giới quan mới đầy sức mạnh đó, nhân quyền không chỉ tương thích với lợi ích quốc gia, mà còn có thể nâng cấp các lợi ích đó.

Còn trong chính quyền Hoa Kỳ, Carter đã thể chế hóa khái niệm nhân quyền bằng việc thành lập Bộ Nhân quyền và Các vấn đề Nhân đạo Liên bang (State Department Bureau of Human Rights and Humanitarian Affairs). Đây là bộ phận có trách nhiệm ban hành báo cáo về các hành vi xâm phạm nhân quyền của các nước trên thế giới. Các “báo cáo quốc gia” này có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng các quyết sách của chính quyền Carter.

***

Các chính sách mới của Jimmy Carter nhất quán và hiệu quả nhất ở phía Tây bán cầu, nơi Hoa Kỳ duy trì được ảnh hưởng lớn.

Ông đã thuyết phục được Thượng viện thông qua Hiệp ước kênh đào Panama – một thành tựu vĩ đại – và từ đó lan tỏa thiện chí khắp châu Mỹ Latin. Các nhà độc tài khi đó đến Washington để ký hiệp ước đều hứa với Carter rằng sẽ tôn trọng nhân quyền. Ông còn gửi đến họ tín hiệu rằng cái thời mà nước Mỹ nhắm mắt làm ngơ trước hành vi lạm quyền của các quốc gia để nhập khẩu nguyên liệu thô từ họ đã kết thúc. Việc đó gây sốc cho những chính quyền đã từng kề vai sát cánh với nước Mỹ chống lại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng chính sách mới của Carter không ngừng bị Chiến tranh Lạnh cản trở. Sự kiện vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở châu Á dưới nhiệm kỳ của Jimmy Carter là nạn diệt chủng Khmer Đỏ đẫm máu ở Cambodia. Từ năm 1975 đến năm 1979, đoàn quân của Pol Pot đã giết khoảng 1,7 triệu người, khoảng dân số. Năm 1978, Carter tuyên bố Cambodia là “nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới”, và đã cùng cộng đồng quốc tế lên án chế độ này. Tuy vậy, sau này, ông thừa nhận rằng mình “đáng lẽ đã nên phản đối họ mạnh mẽ hơn”. Can thiệp quân sự trực tiếp không phải là một lựa chọn, nhưng những gì Carter làm sau đó không phải là điều khiến ông tự hào.

Cuối năm 1978, Việt Nam (lúc đó được hậu thuẫn bởi Liên Xô) đã cho quân vào Cambodia và đánh bại chế độ Khmer Đỏ (được hậu thuẫn bởi Trung Quốc). Đó đáng lẽ là một tin vui cho vị tổng thống, mặc dù ông chưa hiểu hết mức độ thảm họa ở Campuchia. Nhưng Carter đối mặt với một thế lưỡng nan chính trị và đạo đức. Ông hiểu rằng việc công nhận trận đánh của Việt Nam vào Cambodia có nghĩa là công nhận hành vi can thiệp bạo lực, và làm phức tạp những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc lúc bấy giờ. Để chiều theo ý Bắc Kinh, Carter phải chỉ trích chính quyền Hà Nội. Một lần nữa, Carter lựa chọn các cân nhắc địa chính trị thay vì đạo đức.

Dù vậy, di sản các chính sách nhân quyền của Jimmy Carter có sức sống bền bỉ một cách đáng ngạc nhiên. Dưới thời Tổng thống kế nhiệm Carter là Ronald Reagan, Ngoại trưởng Alexander Haig dù nói rằng nhân quyền sẽ được giữ ở vị trí “ghế sau” trong các chính sách chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng cả ông và các nhà hoạch định chính sách khác dưới thời Reagan đều không từ bỏ hoàn toàn các chính sách dưới thời Carter. Nhiều người (bao gồm Elliot Abrams, trợ lý ngoại trưởng về nhân quyền của Reagan) tái xuất trong những vị trí quan trọng trong chính quyền của George W. Bush, người đã đưa mục tiêu mở rộng các giá trị dân chủ trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.

Từ đó, những hạt giống mà Carter đã gieo dần dần kết trái. Đến năm 1981, Brazil, Bolivia, Peru và Uruguay đã thoát khỏi chế độ độc tài. Argentina quay lại dân chủ vào năm 1983; vị tổng thống mới, Raúl Alfosín, tự xưng là một “Carterite” (một người theo Chủ nghĩa Carter), nói rằng chính sách nhân quyền của Mỹ đã cứu hàng nghìn mạng sống. Tầm ảnh hưởng của Carter còn đóng góp vào việc xây dựng nền dân chủ ở Chile, Ecuador, Colombia, Costa Rica, và kể cả Paraguay. Vào những năm 1970, chỉ có một hoặc hai quốc gia Mỹ Latin theo thể chế dân chủ; nhưng vào đầu những năm 2000, chỉ còn một hoặc hai là không theo.

Nhiều sử gia thời Chiến tranh Lạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của “quyền lực mềm”: các yếu tố văn hóa phi quân sự đã tạo ra thay đổi bên trong những xã hội đóng kín (độc tài). Carter là một trong những người đầu tiên tin tưởng rằng âm nhạc phương Tây có thể giúp xóa bỏ hệ thống Xô Viết. Vào năm 1977, Nhà Trắng đã sắp xếp để giúp Nitty Gritty Dirt Band thành ban nhạc rock & roll đầu tiên của Mỹ được chơi trên đất Nga.


Jimmy Carter được mệnh danh là “Tổng thống Rock & Roll”. Ảnh chụp từ bộ phim tài liệu cùng tên của đạo diễn Mary Wharton. Nguồn: Greenwich Entertainment.

Đó là một hành động hòa trộn các giá trị Tây phương vào khối Xô Viết mà Mikhail Gorbachev sau này nhận xét “đã giúp giới trẻ ở đó hiểu rằng ngoài kia còn có một cuộc sống khác”. Dobrynin, người giữ chức đại sứ Xô Viết ở Washington qua năm thời tổng thống, thừa nhận trong hồi ký rằng những chính sách nhân quyền của Carter có một vai trò quan trọng trong việc Liên Xô nới lỏng gọng kìm tại Nga và khu vực Đông Âu. Một khi quá trình tự do hóa đã bắt đầu, nó không thể bị kiểm soát, Dobrynin kết luận.

Vaclav Havel, nhà biên kịch đồng thời là người bất đồng chính kiến, trở thành Tổng thống Cộng hòa Czech năm 1993, đã mô tả các tác động này dưới góc độ tâm lý. Ông nói rằng các chính sách của Carter không chỉ truyền cảm hứng cho ông trong tù, mà còn làm giảm sự “tự tin” của khối Xô Viết, đe dọa sức mạnh và tính chính danh của nhà nước. Trong khi đó, sự tự tin của các tổ chức nhân quyền ở Đông Âu tăng lên. Một phong trào toàn cầu thành hình, khi các chế độ độc tài cả cánh tả và cánh hữu ngả mình xuống dưới cuộc cách mạng dân chủ quét qua toàn cầu vào những năm 1980 và 1990.

Những người bất đồng chính kiến trong những thập niên này không còn thấy cô đơn khi cánh cửa nhà tù đóng lại. Quan trọng hơn, như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ gần đây, khái niệm nhân quyền đã được khắc sâu vào trong những cuộc hội thoại toàn cầu: “Carter đã giới thiệu một thứ ngôn ngữ minh nhiên về nhân quyền cùng những khái niệm mà trước đó chỉ đóng vai phụ trong các chính sách ngoại giao.” Obama xem Carter là một người dẫn đường cho những lãnh đạo kế nhiệm, những người đã học được rằng “bắt chước John F. Kennedy và Ronald Reagan nói về Hoa Kỳ như một ngọn đuốc tự do là không đủ, ngọn đuốc ấy phải thật sự soi sáng một nơi nào đó.”

J.N.H.

Nguồn: Luật Khoa

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn