Những “căn phòng vọng” của “cử tri một-vấn-đề” và cách để thoát ra

Nam Quỳnh

Chúng ta rất thường xuyên ở yên trong thực tế chính trị của riêng mình và nghĩ đó là cả thế giới.

 
Minh họa: Elena Lacey/Getty Images

Có thể là võ đoán, nhưng tôi cho rằng có rất nhiều thành viên trong cộng đồng những người ủng hộ dân chủ đa nguyên ở Việt Nam đang tự giới hạn bản thân họ trong những thực tế chính trị khép kín đến ngột ngạt.

Để minh họa, ta thử xem xét một tình huống tư duy giả tưởng về hai nhân vật: anh A và chị B.

Thực tế chính trị của anh A

Anh A sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nơi người Kinh cùng chủng tộc với anh chiếm 85,4% dân số.

Từ bé, anh A đã được dạy dỗ kỹ càng về sự nguy hiểm của Trung Quốc và những tội ác mà Trung Quốc đã gây ra ở Việt Nam.

Lớn lên, cứ vài năm anh lại phải bức xúc một lần trước những động thái quá quắt của Trung Quốc trên Biển Đông. Chứng kiến Trung Quốc xây đảo, lập thành phố trên những vùng còn tranh chấp chủ quyền trên biển, anh luôn thấy bực tức.

Trên trang Facebook của mình, anh A theo dõi nhiều nguồn tin quốc tế nhưng quan tâm lớn nhất của anh chính là “thế giới đang làm gì để kiểm soát âm mưu bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc”.

Qua “ô cửa sổ” Facebook của mình, anh A dễ nhìn thấy một thực tế rằng Hoa Kỳ là thế lực quân sự mạnh nhất có khả năng kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. Và thực tế rằng kể từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền thì Hoa Kỳ ngày càng có nhiều các động thái chống Trung Quốc và các động thái phản đối việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

Thực tế chính trị của chị B

Chị B là người gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ. Chị sống ở một thành phố có 27,6% dân số là người da trắng, 33,2% dân số là người châu Mỹ Latin, 32,8% dân số là người châu Á và 2,8% là người gốc châu Phi.

Từ bé, chị B đã được dạy dỗ kỹ càng về một xã hội Hoa Kỳ lý tưởng, nơi mọi người dân đều có quyền bình đẳng và được tôn trọng nhân phẩm bất kể màu da và nguồn gốc chủng tộc của họ.

Lớn lên, chị B nhiều lần có va chạm với nạn phân biệt chủng tộc. Chị từng nhiều lần bị miệt thị bằng những ngôn từ phân biệt chủng tộc. Chị trải nghiệm được rằng chính vì màu da của chị mà chị phải làm việc chăm chỉ gấp đôi gấp ba một người da trắng thì mới có được mức độ ổn định tài chính tương tự.

Trên trang Facebook của mình, chị B theo dõi nhiều nguồn tin trong nước và quốc tế nhưng quan tâm lớn nhất của chị chính là “làm sao để đưa nước Mỹ gần hơn đến những lý tưởng cao đẹp về bình đẳng chủng tộc”.

Qua “ô cửa sổ” Facebook của mình, chị B dễ nhìn thấy một thực tế rằng Hoa Kỳ của chị đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về mặt sắc tộc. Và thực tế rằng từ khi Tổng thống Trump lên cầm quyền thì sự chia rẽ sắc tộc và nạn phân biệt chủng tộc ngày càng trở nên phổ biến.

Khác biệt giữa các thực tế chính trị

Chị B không thể tưởng tượng được rằng Tổng thống Trump quan trọng như thế nào với ưu tiên chống Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông của anh A.

Dĩ nhiên, vì chị B đã không hề có trải nghiệm lớn lên với một cảm nhận mãnh liệt được nuôi dưỡng mỗi ngày về các mưu đồ bá quyền của Trung Quốc như anh A.

Tất cả những gì chị B biết về tranh chấp Biển Đông đó là nó là một tranh chấp chủ quyền tại một vùng biển đảo xa xôi nào đó mà chị sẽ không bao giờ cần phải đặt chân tới. Tranh chấp Biển Đông hiện lên trong tâm trí chị B như một dòng tít báo chị chỉ ngó qua vài giây chứ chẳng buồn click vào.

Anh A thì không thể tưởng tượng được rằng việc phải sống trong một xã hội đa sắc tộc đang rối loạn vì các chia rẽ sắc tộc ít nhiều được Tổng thống Trump khơi gợi là ra sao.

Dĩ nhiên, vì anh A chưa bao giờ phải va chạm với những văn hóa khác văn hóa người Kinh của anh, anh A cũng chưa bao giờ bị kỳ thị chủng tộc hay bị buộc vào hoàn cảnh phải tranh giành, so đo bản thân mình với những con người có màu da khác.

Tất cả những gì anh A biết về các vấn đề kỳ thị chủng tộc ở Mỹ là qua các nguồn tin tiếng Việt mà anh có thể tìm được, và các nguồn tin đó không tạo cho anh chút thiện cảm nào về các phong trào đòi quyền lợi của người da màu. Họ hiện lên trong mắt anh như một thế lực của bạo loạn và vô trật tự, chứ không phải của những đòi hỏi xã hội dựa trên những lý tưởng cao đẹp.

Trong mắt chị B, anh A đang đánh giá quá cao vai trò chống Trung Quốc của ông Trump và đang ích kỷ đặt ưu tiên chống Trung Quốc của anh ta lên trên mối lo ngại về chia rẽ sắc tộc và nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội của chị.

Trong mắt anh A, chị B chỉ đang thổi phồng những lo ngại về chia rẽ sắc tộc và nạn phân biệt chủng tộc vốn có thể thật sự đã như thế từ bao đời nay và chả phải do ông Trump tạo ra.

Ai đúng? Ai sai? Và thực tế chính trị nào là thực tế chính trị phù hợp nhất để đánh giá Tổng thống Trump?

Chính trong hoàn cảnh giả định này, chúng ta có thể nhìn ra những giới hạn của lối tư duy theo kiểu cử tri một-vấn-đề (single-issue voter).

Giới hạn lớn nhất của lối tư duy đó chính là nó tối giản hóa việc đánh giá một lãnh đạo chính trị thành một tiêu chuẩn hạn hẹp bên trong một thực tế chính trị tù túng. Nó chối phắt đi những tiêu chuẩn và những thực tế chính trị khác.

***

Anh A và chị B trong thí nghiệm tư duy của chúng ta có thể chẳng bao giờ cần hợp tác với nhau. Một người là cử tri ở Việt Nam, nơi cử tri chưa bao giờ thực sự có quyền bầu ra lãnh đạo cho mình. Một người là cử tri ở Mỹ, nơi cử tri cãi nhau như mổ bò về mọi vấn đề. Nước sông không phạm nước giếng.

Cùng lắm, anh A chỉ có thể mắng chị B là “ngu dốt” khi bị “mụ mị” bởi những thứ lý tưởng chủng tộc cao siêu. Cùng lắm chị B chỉ có thể mắng anh A là “ích kỷ” rồi thở phào là anh A không có quyền bỏ phiếu ở Mỹ.

Khi không có mục tiêu chung, mọi thảo luận chính trị chỉ đi đến các ngõ cụt.

Nhưng kết cục có thể sẽ khác nếu chúng ta đưa vào một kịch bản giả định thế này: Khả năng chống Trung Quốc thành công của Việt Nam tỷ lệ thuận với tình trạng ổn định và đoàn kết xã hội của Hoa Kỳ.

(Kịch bản này không nhất thiết đúng và không mang tính áp đặt. Nó chỉ có vai trò thúc đẩy thí nghiệm tư duy.)

Kịch bản giả định:

Trong một nước Mỹ ổn định và đoàn kết, nơi các tranh cãi và thù hận sắc tộc được đưa về mức thấp, chính phủ Mỹ có thêm thời gian và nguồn lực để giải quyết các vấn đề khác như dịch COVID-19 và các vấn đề bang giao ngoại quốc.

Chị B không còn phải lo lắng quá nhiều về các rủi ro bạo lực sắc tộc hay nạn kỳ thị chủng tộc dâng cao. Trong thời gian rảnh có thêm, chị B tìm đọc nhiều hơn về quê cha đất tổ và các vấn đề tại đó.

Tình cờ, chị B làm quen với anh A qua một nhóm chia sẻ thông tin về tranh chấp Biển Đông.

Trò chuyện và chia sẻ thêm với anh A, chị B dần hiểu rõ hơn tính nghiêm trọng của tranh chấp Biển Đông và các âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Chị B dần xác định các rủi ro của Trung Quốc với Việt Nam là một mối quan tâm cũng quan trọng với chị không kém các vấn đề chủng tộc.

Cùng với sự thuyết phục nhiệt tình và kiên nhẫn của anh A, chị B quyết định tận dụng quyền công dân tại Mỹ để vận động cho việc Hoa Kỳ phải có quan điểm nhất quán và chính sách cứng rắn tại Biển Đông.

Kể từ đó, đối với anh A, chị B từ một kẻ “ngu dốt” gây khó chịu trên mạng trở thành một đồng minh chống Trung Quốc vững mạnh tại Mỹ.

Như vậy, dù không phải là một cử tri Mỹ, anh A đã tối đa hóa khả năng ảnh hưởng của mình lên chính sách Biển Đông của chính quyền Washington. Đó là điều mà có lẽ cả cái “tút” Facebook nhiều like nhất của anh cũng khó mà làm được.

Hết kịch bản giả định-

Trong tình huống giả định trên, có hai yếu tố quan trọng mang tính bước ngoặt: nỗ lực thuyết phục (từ anh A) và nỗ lực lắng nghe (từ chị B). Như một vũ điệu valse phải có hai người, việc vun đắp sức mạnh chính trị phải có nỗ lực từ cả hai phía.

Chính khi cần thuyết phục nhau để tạo thành một liên minh có sức mạnh chính trị, người ta mới có động lực vươn ra ngoài không gian chật hẹp của tư duy cử tri một-vấn-đề.

Không thể phủ nhận rằng tư duy kiểu cử tri một-vấn-đề phổ biến là vì nó hữu dụng và tiện lợi.

Lối tư duy đó cơ bản là quy đổi một câu hỏi rộng “Tôi có nên bầu cho người này không?” sang một câu hỏi có/không đơn giản “Người đó có làm được việc X không?”.

Quá trình đưa ra quyết định chính trị theo đó có thể được tập trung vào một hay một vài câu hỏi nhất định. Nó giúp cho một người đỡ phải mất thời gian quá lâu để suy nghĩ về quá nhiều vấn đề. Theo đó, họ không phải tốn quá nhiều thời gian tìm hiểu quá nhiều thông tin, hay cân đo đong đếm quá nhiều các quan điểm.

Những người chọn tư duy theo cách này không có nghĩa là họ lười suy nghĩ. Họ có thể đơn giản là đang đầu tư lượng thời gian, công sức có hạn của họ vào một câu hỏi chính trị theo cách hợp lý nhất đối với họ (vâng, não đã đủ nếp nhăn và “nhà còn bao việc” chứ có phải chỉ có mỗi chuyện chính trị đâu).

Tuy nhiên, các vấn đề lớn nhất của tư duy cử tri một-vấn-đề chính là tính hạn hẹp và ngắn hạn của nó. Những người chọn nghĩ theo cách này có thể đang đánh đổi một ít tiện lợi ngắn hạn để đổi lấy một lô những vấn đề về dài hạn.

Nghiêm trọng hơn, các nhóm cử tri một-vấn-đề có thể trở nên lạc lõng trong một xã hội có nhiều hơn một thực tế chính trị đan xen lẫn nhau và không ngừng thay đổi.

Chẳng hạn, ông Trump có thể có các phát ngôn bừa bãi thổi bùng thù hận sắc tộc trong ngắn hạn nhưng những chính sách kinh tế của ông lại giúp cải thiện đời sống của đa số người da màu về lâu dài. Hoặc giả, chính sách ngoại giao Mỹ có thể thay đổi từ chống Trung Quốc chuyển sang hợp tác với Trung Quốc như họ đã từng làm năm 1972.

Trong những tình huống giả định này, tư duy một-vấn-đề có khả năng trói buộc chính cử tri đó vào một tiêu chuẩn đã tiêu tan và một thực tế không còn tồn tại.

Quan trọng hơn cả, làm sao có thể đảm bảo đa nguyên chính trị khi chỉ đánh giá một lãnh đạo chính trị bằng độc nhất một tiêu chuẩn trong một thực tế chính trị?

Việc lựa chọn chỉ một góc nhìn sẽ khiến chúng ta mất đi sự ủng hộ và hợp tác của những nhóm người ủng hộ các tiêu chuẩn và các thực tế chính trị khác. Như thế cũng có nghĩa là đánh mất cơ hội giải quyết các vấn đề chính trị trong một xã hội đa nguyên.

Có lẽ tư duy cử tri một-vấn-đề vẫn sẽ còn phổ biến chừng nào mà tham vọng chính trị của đa số người Việt vẫn chỉ là những chiến thắng oanh liệt trong các vụ cãi vã trên Facebook. Nhưng với những người muốn thay đổi, tôi muốn chia sẻ cách mà tôi đã luyện tập quan sát những thực tế chính trị khác nhau.

Từ sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tôi bắt đầu có thói quen dùng nhiều tài khoản Facebook để theo dõi những trang tin tức và các nhóm thuộc nhiều khuynh hướng quan điểm chính trị khác nhau, và khác quan điểm của mình.

Nhờ vậy, tôi nghiệm ra rằng chính Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất – đang góp phần tạo ra các bong bóng thực tại rất khác nhau cho từng người, thông qua thói quen tìm kiếm sự đồng thuận trên mạng. Giáo sư kinh tế Cass Sustein gọi đó là một căn phòng vọng (echo-chamber), nơi mà người ta chỉ còn nghe được ý kiến của chính mình.

Nếu chúng ta luôn chỉ tương tác (like, share, theo dõi, bình luận, thả tim v.v.) với những người có chung quan điểm, và hùa theo “dìm hàng” những quan điểm khác biệt, những căn phòng vọng xung quanh chúng ta sẽ ngày càng hẹp lại, và ồn hơn.

Lối thoát ra khỏi căn phòng vọng của mỗi người có thể bắt đầu từ việc trải nghiệm mạng xã hội qua nhiều “ô cửa sổ” khác nhau, đặc biệt là những ô cửa nằm ngoài tưởng tượng của mình. Sự đa dạng đó mới phản ánh đúng thế giới.

N.Q.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn