Các tổng kho biên giới phía Bắc nói với ta điều gì?

Nguyễn Tấn Thọ 

Vấn đề cạnh tranh giữa hàng tiêu dùng Việt Nam (VN) với Trung Quốc (TQ) đã diễn ra, ngày càng nghiêm trọng, trước khi có việc xây tổng kho ở ngay biên giới. Hàng TQ chất lượng không kém VN (có khi hơn) nhưng giá rẻ hơn và cước phí giao hàng rẻ hơn nhiều (ngay cả đơn hàng giá trị nhỏ cũng có thể được miễn phí giao hàng)… Sự hấp dẫn đó lôi kéo theo nhiều công ty phân phối VN bán hàng TQ trên mạng, hoặc làm trung gian nhập hàng TQ về bán cho khách VN và … khiến nhà sản xuất VN ngày càng cạnh tranh mệt mỏi. Dự báo là nhiều thương hiệu VN sẽ còn mất thị phần tiếp tục trong thời gian tới.


Tôi (người viết tút này) đã trực tiếp hỏi nhiều người VN hay mua hàng online. Họ cho biết: Đặt mua hàng quốc tế trên Shopee phí vận chuyển rẻ, giá sản phẩm cũng rẻ hơn hàng trong nước. Có vẻ là từ lúc Trung Quốc mở nhiều tổng kho ở biên giới Việt Nam, đơn hàng còn giao nhanh hơn trước kia. Họ cũng thuê người Việt “live” bán hàng Tàu nữa, nếu khách thắc mắc về sản phẩm, người Việt nói sõi tiếng Hoa cũng có thể trả lời trực tiếp trên “live” luôn. 

Một trong những lý do khiến TQ có thể bán và giao hàng cực rẻ như vậy là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ TQ… nhưng họ thực hiện việc này rất khéo, có hệ thống, khó tìm đủ số liệu để nếu muốn, kiện TQ ở WTO.

Nước Mỹ từ thời Trump đã phản ứng bằng cách đánh thuế lên hàng TQ… nhưng cũng không giải quyết được căn cơ.

Việt Nam thì còn phải ngại TQ trả đũa, không những chỉ bằng biện pháp thương mại mà cả các lãnh vực khác, gay go hơn.

Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, nếu chủ trương tự do cạnh tranh, không thuế nhập, không kiểm soát, thì rõ ràng việc TQ bán hàng rẻ như thế này là có lợi cho người tiêu dùng VN. 

Nhưng vấn đề là nếu cứ thả nổi như thế thì doanh nghiệp Việt Nam làm sao cạnh tranh và nền kinh tế VN sẽ đi đến đâu? Thêm nữa, với hệ thống AI hiện nay, chi phí marketing sẽ cực rẻ và ngay chi phí vận chuyển cũng cực rẻ (không cần “cửu vạn” nữa, nghĩa là chi phí rẻ hơn mà chẳng cần trả bảo hiểm và trả tiền hưu trí). 

Chiến tranh thương mại thời kỳ mới: Cuộc chiến xuyên quốc gia giữa Mỹ và Tàu 

Đầu tháng 1/2024, Reuters đã có một điều tra về tình hình này.

Khẩu hiệu “cửa hàng như một tỷ phú” của Temu đang gây sốt với người tiêu dùng Hoa Kỳ. Cùng với các đồng nghiệp Shein và TikTok, nhóm 3 chủ thể TQ này có vẻ sẽ thách thức thị phần khổng lồ của Amazon.com.

Công ty mẹ Pinduoduo (PDD.O) của Trung Quốc chỉ mới giới thiệu thương hiệu bán lẻ Temu cho người mua sắm ở Mỹ vào tháng 9 năm 2022 và đã thu hút được 60 triệu người tiêu dùng hàng tháng với 2 loại hàng: quần áo và đồ gia dụng giá rẻ.

Tương tự, Shein, ban đầu được thành lập ở Trung Quốc và sau đó, thay “quốc tịch” Singapore, cạnh tranh cả với Temu bằng hàng thời trang nhanh hợp mốt và rẻ tiền. Sau đó, có công ty truyền thông mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, cũng đang tìm cách mở rộng thương mại điện tử quy mô lớn ở Hoa Kỳ, theo tin của hãng Bloomberg tuần qua.

Hiện tại, Shein và Temu đang chiếm thị phần so kè với Amazon. Temu chiếm gần 17% số nhà bán lẻ giảm giá, không quá xa Dollar Tree (DLTR.O), trích dẫn số liệu từ hãng Earnest Analytics. Trong khi đó, doanh thu hàng đầu của Shein đã tăng vọt lên 23 tỷ USD, theo tờ Wall Street Journal, vượt qua nhà bán lẻ H&M.

Amazon có mọi lý do để lo lắng về sự thống trị ngày càng tăng của các công ty TQ. Cần biết là tại Trung Quốc, chỉ mất 4 năm để Douyin của Pinduoduo và ByteDance chiếm được 25% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc trong khi Alibaba đã giảm thị phần từ 80% xuống còn 50%, theo hãng Bernstein tính toán.

Trong nội bộ nền thương mại Mỹ, Amazon hiện cũng đang đấu tranh với Ủy ban Thương mại Liên bang HK. Cơ quan này đã kiện gã khổng lồ thương mại điện tử trị giá 1,5 nghìn tỷ USD Amazon vì hành vi độc quyền, bao gồm cả hành vi tính phí các nhà cung cấp chỉ để bán sản phẩm trên nền tảng này. Amazon đang bác bỏ các tuyên bố của Uỷ ban Thương mại liên bang HK và chứng minh rằng hai đối thủ cạnh tranh mới của TQ đang nhanh chóng giành được chỗ đứng trên thị trường HK mới là điều đáng lo ngại. 

Amazon gần đây đã thực hiện một loạt thay đổi triệt để do áp lực cạnh tranh. Thế lực Amazon vẫn còn mạnh áp đảo. Số lượng người dùng Prime ở Hoa Kỳ vào năm ngoái, ước tính khoảng 168 triệu, theo Business of Apps, cao hơn khoảng 14% so với năm 2021. Hiện nay, giá trị thị trường của Amazon tăng 75%, đã tăng thêm 660 tỷ USD trong một năm. Cổ đông của Amazon còn chưa lo ngại nhiều, vì họ đang thắng (dù Temu, Shein và TikTok đang tiếp tục giành chiếm thị phần lớn của Amazon). Nhưng các nhà lãnh đạo Amazon thì… đang lo lắng.

Đối phó thế nào trong cuộc chiến xuyên quốc gia này?

Việc các nước Tây phương nhất là Mỹ trước đây có lúc đã phải chật vật cạnh tranh với hàng Nhật và kiếm cách áp đặt để Nhật tự hạn chế đã là một kinh nghiệm thiết thực. Và bây giờ với TQ thì sao? 

Như vậy, cần hiểu việc TQ "xây tổng kho ở biên giới Việt Trung” không phải chỉ là việc TQ nhắm “chơi” VN trong cuộc chiến hàng tiêu dùng. 

Đây là chiến lược cạnh tranh toàn cầu của họ. Khi gặp khó khăn lớn từ suy thoái kinh tế trong nước, và khi cuộc chiến thương mại offline giữa TQ và HK càng căng thẳng thì họ càng phải sống chết đẩy hàng xuyên biên giới.

Câu hỏi là VN hay Mỹ cần làm gì về chính sách "kiểm soát" kinh tế và thương mại quốc tế chứ không phải hò hét xem "TQ có ý đồ gì?".

Rất nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng VN đã nêu câu hỏi: Hàng TQ thì qua VN rất dễ dàng, nhưng hàng hóa của VN mang qua TQ thì bị kiểm duyệt rất khó khăn, dễ bị chặn lại, không thể vào TQ. Vậy chúng ta đối phó tình hình này thế nào?

Biết rằng lợi thế cốt lõi của hàng tiêu dùng TQ xuất khẩu là chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và lại rất khôn khéo của chính quyền TQ, thì nhiều DN đã hỏi, thế thì chính sách hỗ trợ của chính quyền Việt Nam cho doanh nghiệp VN chúng ta hiện đã có gì mới trong tình thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, nguy hiểm hiện nay?

Riêng với người tiêu dùng Việt, việc không bán được hàng ắt sẽ dẫn tới nạn doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tràn lan, khó khăn sẽ dồn tới các gia đình, chúng ta có nghĩ đầy đủ về khía cạnh này chưa? Từng doanh nghiệp Việt nhất thiết phải thay đổi chiến lược canh tranh trong tình hình gay gắt sắp tới, việc này đã được thực hiện ra sao?

Câu nói cay đắng, thôi, không bán được hàng thì tính chuyện bán mình thôi. Câu than rất "đời" đó có làm đứt ruột những người quản lý nhà nước không, bởi khi doanh nghiệp “bơ vơ” giữa biển khó khăn, rồi phải tự xử, thì hậu quả đâu chỉ mình họ gánh chịu?

Đã đến lúc việc tính toán lại chiến lược cạnh tranh không còn là vấn đề sống còn của từng doanh nghiệp nữa rồi.

N.T.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tấn Thọ

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn