Phản ứng cúa một số mạng Trung Quốc trước việc quốc tế hóa Biển Đông

Dương Danh Dy
Không ai lạ gì chủ nghĩa dân tộc cực đoan là phương thuốc mà nhà nước Trung Quốc luôn đem ra dùng để cứu chữa những vết thương trong nội tình nước họ. Nhưng giữa thời buổi toàn cầu hóa này mà lại trắng trợn hô hào làm cướp biển đối với một nước “anh em” cùng chung ý thức hệ, một nước mà mình từng nêu nguyên tắc chung sống ngọt xớt “16 chữ vàng”, thì kể cũng lạ thay. Tuy vậy, bài viết trên trang mạng Hoàn cầu mà nhà nghiên cứu Dương Danh Dy tóm lược dưới đây cũng để lòi một cái đuôi, cho thấy tâm lý canh cánh sẵn có từ lâu của ông bạn láng giềng phương Bắc. Kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, “anh Hai” bao giờ cũng lo sợ Việt Nam ngả hẳn sang phía Mỹ. Cho nên, trong những lời hùng hổ đòi đánh chiếm ngay biển đảo của nước ta, cái đuôi “kiềng Mỹ” vẫn lộ ra như đuôi con hồ ly trong truyện truyền kỳ.


Bauxite Việt Nam
Vùng biển "lưỡi bò" Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. - Ảnh: tuoitre.com.vn


Cuối tháng 11 năm 2009, Học Viện Ngoại giao, và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khoa học: “Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”. Trong số 150 đại biểu tham dự cuộc hội thảo này, có 54 đại biểu đến từ 22 nước và vùng lãnh thổ. Đây là cuộc hội thảo quốc tế quan trọng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam của những nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông ở trong và ngoài nước. Với tinh thần thẳng thắn, khách quan xây dựng và cầu thị, các học giả đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá, phương án giải quyết vấn đề …

Điều đáng chú ý là mặc dù có tới 6 đại biểu tham gia hội thảo với 4 bản tham luận, nhưng dường như Trung Quốc cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của cuộc hội thảo này, và trước một số lời “trực tiếp nhằm vào Trung Quốc” của một số đại biểu quốc tế tại hội thảo, các đạị biểu Trung Quốc hầu như không đáp lại và giữ một thái độ khá ôn hòa…

Thế nhưng sau khi cuộc hội thảo kết thúc, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lập tức lên tiếng, nhưng họ hầu như không “bài bác chống đỡ, phê phán…” một số luận điểm trực tiếp nhằm vào họ như: “Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa”, “ đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý”, “ Thực tiễn địa chính trị của khu vực cùng tồn tại trong cái ao của Trung Quốc” v v. của các đại biểu quốc tế đọc trong hội thảo mà chỉ nhằm vào mục tiêu: lên án Việt Nam là người “đầu têu ra” chuyện quốc tế hóa Biển Đông và tỏ quyết tâm chống lại đến cùng.

Không những thế, gần đây họ cón tỏ thái độ, có thể nói là “cực lỳ hiếu chiến và nguy hiểm ”. Xin trân trọng giới thiệu:

“Mạng Hoàn cầu” ngày 7/2/2010 viết: cùng với việc áp dụng chính sách mới trong tranh chấp tại Biển Đông của Việt Nam, vấn đề Biển Đông đang đứng trước xu thế phức tạp hóa. Việt Nam đang “lặng lẽ” nhưng “ra sức” thúc đẩy “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.

Sách lược “quốc tế hóa” mà Việt Nam áp dụng là liên hiệp với các nước nhỏ Đông Nam Á để nhằm giành được ưu thế trong đàm phán với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Từ đầu năm đến nay, ngoài việc bổ nhiệm Chủ tịch quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thể hiện “chủ quyền”, bắt ngư dân Trung Quốc, không ngừng gia tăng xây dựng sức mạnh quân đội ra, gần đây Việt Nam còn kiến nghị các nước thành viên Asean rằng Asean sẽ là một tập đoàn quốc gia tiến hành đàm phán với Trung Quốc nhằm chống lại đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc

Việc Việt Nam mời 54 học giả của 22 nước tham gia cuộc hội thảo về Biển Đông nói trên, hiển thị nguy cơ này đang leo thang, vấn đề Biển Đông đang phát triển theo xu thế “quốc tế hóa” mà Việt Nam hy vọng.

Trước tình hình đó, Trung Quốc không thể chỉ nhẫn nhịn và kháng nghị. Biện pháp tốt nhất để hóa giải nguy cơ tại Biển Đông là nhằm thẳng vào kẻ cầm đầu, thực thi chiến thuật “muốn bắt giặc phải bắt vua trước” kiên quyết đánh Việt Nam, bắt vua giặc Việt Nam trước, trấn áp các cường đạo nhỏ khác, rồi giải quyết triệt để nguy cơ Biển Đông.

Hiện nay, muốn đối phó với Việt Nam, muốn từ mặt quân sự đánh bại Việt Nam đòi lại chủ quyền ở Biển Đông không phải là chưa có đầy đủ điều kiện, không phải là không có hàng không mẫu hạm thì không đánh được, cũng không phải đánh Việt Nam là khống chế không nổi chiến tranh, càng không phải là sĩ quan, binh lính chúng ta không thể đánh nhau, mà điều then chốt là phải quả đoán đưa ra lựa chọn.

Trong điều kiện hiện nay phải dùng quyết tâm như năm xưa chống Mỹ viện Triều để đối phó với Việt Nam, chỉ cần có lòng anh hùng khí khái giống như chống Mỹ viện Triều, nhất định Trung Quốc sẽ đánh thắng cuộc xung đột cục bộ này.

Có điều Mỹ chính là kẻ xúi giục hậu trường của Việt Nam, giả sử cuộc chiến bùng nổ ở Biển Đông, Mỹ không thể bàng quan, nhưng Mỹ và Việt Nam chưa có hiệp nghị quân sự, sự ủng hộ của Mỹ khẳng định khó có thể chi phối cục diện chiến tranh.

Chẳng lẽ chúng ta đợi đến sau khi Mỹ và Việt nam ký hiệp định quân sự mới động vũ ư ?

2/3/2010

DDD


Bài tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn