ĐÃ ĐI VỚI NHÂN DÂN THÌ THƠ KHÔNG THỂ KHÁC

(Tham luận của Ngô Minh tại Đại hội Hội Nhà văn VIII)

clip_image002

Nhà thơ Ngô Minh

Đỗ Phủ là nhà thơ đời Đường, cùng với Lý Bạch được coi hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Bản thân ông 15 năm cuối đời là người bần hàn, khốn khó, đói rách. Một lần Đỗ Phủ chạy giặc trên chiếc đò nhỏ trên sông Tương, nhịn đói đã 10 ngày. Sau đó chức sắc trong vùng biết tin, đem rượu thịt mời. Ông ăn uống no say rồi bị “thương thực”, lăn ra chết. Gọi là chết no, nhưng thực chất là chết đói. Vì thế thơ ông thấm đẫm nỗi đau của người dân cùng khổ. Nói về Đỗ Phủ, trong bài thơ “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” của Phùng Quán có khúc thơ rất thống thiết: Đã đi với nhân dân / Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng / Thơ chết áo đắp mặt… Tôi muốn nhân chuyện thơ Phùng Quán về Đỗ Phủ để nói vài ý kiến ngắn về lối đi của nhà văn trên con đường văn chương thăm thẳm để có tác phẩm đích thực mà người đọc luôn mong đợi. Gần mực thì đen/Gần đèn thì sáng. Nhà văn đi với ai thì sẽ viết ra thứ văn chương đó.

Có thể khẳng định rằng, lịch sử các tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt Nam trước năm 1945 đều là lịch sử của sự đồng hành của nhà văn với người dân cùng khổ. Cổ điển có Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch), thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu v.v... Hiện đại trước cách mạng có Chí Phèo, Sống mòn của Nam Cao, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, truyện ngắn Thạch Lam, Kim Lân, thơ của Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Hồ Zếnh, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên v.v. Nhiều người làm quan to cỡ Tổng thống, Thủ tướng, về hưu là không còn ai nhớ, hoặc chỉ còn cái tên ghi trong kỷ yếu. Nhưng những cái tên như Kiều, Lục Vân Tiên, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Chị Dậu, Tám Bính, Xuân Tóc Đỏ, Vợ Nhặt v.v. dù họ là nhân vật do nhà văn hư cấu, lại ở tầng lớp tận cùng đáy xã hội vẫn sống mãi trong lòng hàng trăm triệu người đọc qua nhiều thế hệ, vì họ là CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC. Đó là tầm cỡ tài năng của nhà văn, đồng thời đó cũng là sản phẩm của cuộc hành trình “đi với nhân dân” của các nhà văn muốn phá tung xã hội ngột ngạt, đồng thời nói lên khao khát một lẽ sống lớn. Những nhà văn lớn đó không ăn lương chính quyền để viết. Đó chính là văn chương mang tầm thời đại, vượt qua nhiều thời đại mà chúng ta đang khát khao, mong ước.

Trong hai cuộc kháng chiến, những nhà văn Việt Nam đã ra trận với bộ đội và nhân dân để làm nên chiến thắng đánh đuổi hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Sự đồng hành đó đã làm nên những tên tuổi nhà văn [chống Mỹ] tạc vào lòng người như Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Ngô Kha, Trần Quang Long, Phùng Quán, Nguyễn Minh Châu, Lê Anh Xuân, Thanh Hải, Trang Thế Hy, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo v.v. Rồi trong 35 năm hòa bình, cũng có không ít nhà văn nhờ “đi với nhân dân” đã có những tác phẩm “xé rào” trong văn học làm xúc động người đọc như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, thơ của Thi Hoàng Nguyễn Quang Thiều v.v.

Nhưng, 20 năm Miền Bắc “xã hội chủ nghĩa” và 35 năm cả nước “xã hội chủ nghĩa” từ sau Đại thắng Xuân 1975 đến nay, các nhà văn “đi cùng nhân dân” là bộ phận nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Còn đa số các nhà văn đều đi với quyền lực. Nhà thơ Đỗ Hoàng, bạn tôi có câu thơ thật chính xác: Anh là nhà thơ nhà nước. Nhà văn nhà nước là nhà văn công chức, nhà nước trả lương cho để viết văn. Họ có lương, có chức quyền, bổng lộc, được cấp đất cấp nhà, cuộc sống ổn định. Nên phải viết thế nào đó để làm vừa lòng cấp trên mới mong bảo vệ được cái ghế và bổng lộc dài dài. Nhà văn nhà nước chỉ viết về cái tốt của chính thể, không khai thác sâu cái xấu xa, đểu giả, tàn bạo của bọn quan tham, không đi sâu vào số kiếp, thân phận, nỗi khổ của nhân dân, vì viết như thế sẽ bị coi là “nói xấu chế độ”. Mặc dù trong cuộc sống muôn đời, cái xấu, cái đau khổ bao giờ cũng nhiều hơn cái tốt. Trong chiến tranh, thứ văn chương tuyên truyền “ta thắng địch thua”, “địch xấu ta tốt” có tác dụng kịp thời động viên người lính ra trận. Lâu ngày, thứ văn chương ăn xổi ấy đối với một số nhà văn lại trở thành “mực thước”, “bất khả thay đổi”. Vì thế khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… họ liền la lối, quy chụp, kết án. Một bộ phận “nhà văn nhà nước” khác thì biết tỏng tòng tong thứ văn tuyên truyền ấy không phải là văn chương đích thực, nó chỉ có tác dụng nhất thời, nhưng vẫn cứ viết như thế, vì sợ bị phê phán, sợ bị mất chức quyền. Thế là thành một thế hệ nhà văn biết mà không nói, không viết, sợ thành ra hèn. Kể cả các nhà văn tiền chiến tham gia cách mạng, biết rất rõ thế nào là sáng tạo văn chương, vẫn sẵn sàng làm các “đại nhân hèn” để được chức quyền bổng lộc. Nhiều tác phẩm văn chương cách mạng của họ không vượt qua được tác phẩm “thời tiền chiến” khi họ còn rất trẻ. Với họ, luôn thu mình lại, thậm chí khúm núm, tự răn mình “ăn cây nào rào cây đó”, chỉ viết ra những tác phẩm phục vụ các chủ trương làng nhàng. Ngay từ năm 1958, nhà văn Nguyễn Tuân - một người nổi tiếng tài hoa và sống ngay thật đã từng nói với bạn bè "Mình tồn tại tới giờ là do biết sợ". Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký ngày 18-3-1958: "Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai, sợ rồi một ngày kia người ta đem ra liên hệ". Ngày 10-7-1959 ông viết: "Thấy không khí vẫn có cái gì nằng nặng. Không ai nói một ý gì khác. Ít ai suy nghĩ. Trên bảo thế nào cứ y thế. Ít ai ra khỏi cái khuôn sáo của công thức".

Tệ hơn, có nhà văn còn đánh đu với bọn quan chức tham nhũng để được bữa nhậu, kiếm cái phong bì, lô đất làm nhà. Có nhà văn còn viết và đăng bài ca ngợi tán dương những người bán đất Tây Nguyên cho ngoại quốc, đưa người ngoại quốc vào đóng chốt ở Tây Nguyên, đe dọa sự tồn vong của quốc gia. Tây Nguyên là tử huyệt của đất nước. Đòn điểm huyệt Tây Nguyên tháng 3-1975 của Quân đội ta đã làm cho cả hệ thống quân đội Sài Gòn sụp đổ là một minh chứng. Thế mà có nhà văn vẫn nhắm mắt ca ngợi cái Tổng Công ty đưa người nước ngoài vào Tây Nguyên. Có lẽ cũng vì thế mà trong 3.000 chữ ký của trí thức trong bản Kiến nghị gửi lên Đảng, Nhà nước đề nghị dừng ngay việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên do nhà văn - Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hai người khác phát động, tôi đếm chỉ có vài ba chục nhà văn Việt Nam ký tên. Các nhà văn nhà nước của ta đang trở nên vô cảm với vận mệnh Tổ quốc, hay là vì bảo vệ niêu cơm của mình mà im lặng? Thật là hoàn cảnh.

Trong lúc các nhà văn nhà nước com-lê cà vạt, xe con đi họp, hội thảo, nghe Tuyên giáo xác định chủ đề tuyên truyền quý này, quý khác, thì “nhà thơ nhân dân” Trần Vàng Sao - người có bài thơ nổi tiếng “Bài thơ của người người yêu nước mình” - nghèo đói ở góc thôn Vỹ Dạ Huế vẫn ngồi lắc lư với chén rượu và những câu thơ: mả cha cuộc đời quá vô hậu / cơm không có mà ăn / ngó lui ngó tới không biết thù ai / những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất… / một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa...”, “...muốn được say rượu / họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng”… Năm 2009, nhà văn Nguyễn Hoa, Hoàng Minh Tường vô Huế mời anh vào Hội Nhà văn: “Ban Chấp hành sẽ đặc cách hai suất cho hai người vào Hội năm nay là anh Việt Phương và Trần Vàng Sao. Anh Việt Phương đã viết đơn rồi…”. Nhưng khi tôi đánh máy sẵn cái đơn để anh ký vào thì Trần Vàng Sao chắp tay xá xá: “Mi cho tao lạy. Tao sợ vô Hội Nhà văn nhà nước lắm!”. Lực lượng nhà văn nhà nước ngày càng đông đảo thì Hội Nhà văn cũng như các Hội Văn nghệ địa phương bị hành chính hóa nặng nề. Suốt ngày họp hành, tập huấn chủ trương, quan điểm. Đó là cản trở lớn nhất đối với việc tự do sáng tác. Hành chính hóa đến độ mục tiêu của nhà văn không còn là phấn đấu có tác phẩm để đời nữa, mà phấn đấu để được là Chủ tịch, Phó chủ tịch, làm Trưởng ban, Trưởng phòng này nọ… để chẳng viết gì cũng là nhà văn lãnh đạo!

Từ những hoàn cảnh như vậy, 50 năm qua đã sinh ra loại văn chương minh họa chủ trương chính sách. Sinh ra văn học công nhân, văn học công an, văn học ngành này ngành khác. Những loại văn học đó không vì cuộc sống, thân phận con người lao động mà chỉ tán dương ngành nghề, tán dương doanh nghiệp vớ vẩn. Năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có bài đăng trên báo Văn nghệHãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” làm xôn xao dư luận. Người ta ngạc nhiên rồi giãy nảy lên, rồi phản ứng gay gắt vì người ta tưởng văn chương lâu nay là thứ văn chương thật. Rồi Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến với những phát kiến trong phê bình lý luận làm thay đổi tư duy độc tôn lạc hậu trong văn học chính thống một thời với những khái niệm như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”… Lúc đó các nhà văn nhà nước bị sốc, la toáng lên là “Phủ nhận thành tựu văn học cách mạng”. Nhưng đến hôm nay ngẫm lại những điều Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu nói hơn 20 năm trước mới chính xác làm sao, tâm huyết và trách nhiệm với văn chương Việt làm sao! Nguyễn Minh Châu bảo “Phải đổi mới gấp thôi, nếu không nhà văn sẽ xa rời nhân dân, văn chương chúng ta sẽ không có độc giả”. Đó là quá trình vận động đổi mới trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn cuối đời. Không có những suy ngẫm gan ruột đó, thể hiện tư tưởng đi với nhân dân đó, không thể có Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, hay Khách ở quê ra gây chấn động dư luận lúc bấy giờ... Ngay cả những “nhà văn làm lãnh đạo gạo cội” một thời như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, cuối đời cũng đã sám hối quyết liệt. Với thơ Di cảo, Chế Lan Viên đã vô cùng dằn vặt trước sự vô nghĩa của những giá trị trong ý thức hệ văn chương một thời mình từng say mê, hăm hở: Sau này / Anh đọc thơ tôi nên nhớ / Có phải tôi viết đâu! Một nửa / Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi / Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười / Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ - tôi giết ... Hay: Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ / Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn (Thơ Di cảo). Nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi, người hai lần giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn (Đại hội 2 và 3) đã thổ lộ lúc cuối đời: Người tôi còn nhiều bùn tanh / Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ / Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ / Nhiều dây nhợ tự buộc mình. Nhà văn Nguyễn Khải trong bút ký cuối đời Đi tìm cái tôi đã mất đã chua xót nhận ra một đời viết văn của mình “đã giả dối một cách thành thực” (chữ của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn). Nhà văn coi cái Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của mình như… “cái bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc”. Mà cái đời văn ấy lại chính là “cái tài sản tinh thần thâu góp một đời” mà “về già nhìn lại” “chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì”. Một lời tự sự quá ngậm ngùi, mặn đắng. Nhà văn đau xót viết: “Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.... Tại sao các nhà văn cách mạng rất chí cốt, đến cuối đời lại ngộ ra như thế? Đó là không kể nhiều nhà văn đảng viên hẳn hoi đã ly khai Đảng trong mấy năm gần đây. Đây là vấn đề đặt ra vô cùng nghiêm túc đối với Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề rất hệ trọng là quản lý nhà văn và văn chương như thế nào để phát huy tự do sáng tạo. Các nhà văn hôm nay hãy suy nghĩ về những sự sám hối muộn màng của các nhà văn lớn nói trên để mà thức tỉnh, để mà biết mình nên đi với ai.

Đúng như Nguyễn Khải nói, hiện nay ở cơ sở, Đảng - nhân dân không còn như trước nữa. Việc Đảng đảng làm. Việc dân dân làm. Tệ nạn dối trá, tham nhũng đã đến lúc ung thư di căn trầm trọng đến mức trong con mắt của người dân ông đảng viên cán bộ cấp nào cũng là “thằng tham nhũng”. Báo cáo láo là căn bệnh kinh niên. Tăng trưởng GDP của thành phố, tỉnh nào cũng từ 12 đến 15%/năm. GDP cả nước là con số cộng của sự tăng trưởng của các địa phương, các Tổng Công ty, thế mà GDP cả nước năm 2009 chỉ 6,2%. Tại sao vô lý vậy? Chỉ con số đó thôi đủ thấy là các địa phương báo cáo láo như thế nào. Rồi người dân khốn khổ vì bị mất đất, mất ruộng do quy hoạch treo, do đền bù không minh bạch, thậm chí do các chức sắc bày ra dự án ma để ăn cướp đất dân để chia nhau. Nếu dân không chịu, họ dùng lực lượng công an, dân phòng để “cưỡng chế” cho bằng được. Cả anh hùng Ngọc Sương của Nông trường Sông Hậu cũng bị kết án tù vì không chịu giao đất cho bọn “ăn đất”. Dân mất đất kéo lên Hà Nội, TP HCM khiếu kiện thì bị bắt tống lên xe trả về địa phương rồi vu lên là do “kẻ xấu xúi giục”. Tổng Công ty Điện lực (EVN) sau khi được Chính phủ cho tăng giá điện là lập tức cắt điện luân phiên suốt tháng 6/2010 rồi. Nông dân cả nước điêu đứng vì không có điện bơm nước để cấy lúa. Nhìn cảnh tượng bà cụ già toát mồ hôi hột ngồi quạt cho cháu ngủ suốt đêm trời nóng đến 40 độ mà ứa nước mắt. Sau một tháng đày đọa nhân dân trong tối tăm nóng nực, giữa tháng 7/2010 họ lại đòi tăng giá điện! Thật là lũng đoạn hết chỗ nói.

Bức xúc nhất là tình trạng sa sút về văn hóa. Đây là cái gốc đẻ ra mọi tha hóa trong xã hội, bởi vì nó đảo lộn hoặc vô hiệu hóa nhiều giá trị, luật pháp, thước đo và chuẩn mực. Vụ mua dâm nữ sinh ở Hà Giang là biểu hiện tột cùng của sự đồi bại: một thầy Hiệu trưởng cưỡng dâm nữ sinh vị thành niên. Một Bí thư Đoàn dắt gái cho cấp trên. Một Chủ tịch tỉnh nhiều năm trác táng sa đọa, giao cấu với trẻ con vẫn ngang nhiên điều hành chính quyền. Một công an ép cung, dựng án giả. Một tòa án phán những bản án oan! Thật là tồi bại. Còn bao nhiêu ông Tỉnh trưởng, Bộ trưởng đồi bại chưa bị lộ?

Vì không còn niềm tin vào chính thể, nên người dân khắp nước phải kêu cứu trời phật, thần linh. Nhiều quan tham từ trung ương tới địa phương do lo sợ bị lộ đã đổ xô đi lễ Bà Chúa Kho sì sụp, cúng tiền tỷ để nâng cấp chùa này chùa khác. Thế là cúng bái, bói toán, cầu đồng, đốt vàng mã ngút trời. Sự sa sút về văn hóa đang gây ra nhiều tác động tàn phá, để lại hệ quả lâu dài. Có thể thấy rõ sự tàn phá này trong lĩnh vực giáo dục: Học giả bằng thật, Tiến sĩ dỏm, mua điểm, mua bằng… đã thành lẽ sống của cả thầy và trò. Trong thực thi pháp luật thì án xử theo lệnh trên, trong bộ máy tổ chức cán bộ thì ăn tiền hối lộ, chạy chức chạy quyền, chạy việc. Tôi có đứa cháu ruột học Đại học Lâm nghiệp ra trường, muốn xin vào cảnh sát môi trường công an tỉnh để được bảo vệ rừng. Người ta đòi 250 triệu đồng mới vô được! Bán cả gia tài bố mẹ cũng không có số tiền ấy. Theo học giả Nguyễn Trung thì “Nhiều hiện tượng tiêu cực phổ biến gần như trở thành một loại văn hóa sống của không ít người trong hàng ngũ chức sắc đã tới mức gây nhức nhối trầm trọng trong xã hội, có thể khái quát như sau:

  • Cơ hội tranh thủ vơ vét
  • Tài nguyên tranh thủ khai thác
  • Đất đai tranh thủ chia chác
  • Thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp (chất lượng thấp, giả và rởm)
  • Việc khó đùn cho tương lai hoặc cho người khác”.

Có thể nói tham nhũng và dối trá đã tạo ra một “giai cấp” gọi là “giai cấp lãnh đạo”. Đã là lãnh đạo từ trung ương đến tỉnh huyện, ông nào cũng giàu sụ. Có một tay Chủ tịch tỉnh, khi chưa được cơ cấu Chủ tịch tỉnh thì đi xe đạp “chân co chân duỗi”. Sau một nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh, có xe hơi xịn, nhà lầu ba bốn tầng cho mình, nhà lầu cho con trai, con gái, khách sạn 3 sao để kinh doanh, còn có cả 15.000 mét đất thành phố cho thuê làm nhà hàng và đang xây một trường đại học để “kinh doanh giáo dục”… Con gái của một vị lãnh đạo có cái nhà nghỉ mát ở Nha Trang sang hơn chục lần Biệt thự vua Bảo Đại. Đảng ta hô hào cán bộ nhân dân “Học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng lãnh đạo cao cấp của Đảng dù đã có nhà cao cửa rộng ở tỉnh, ở Hà Nội, vẫn được cấp hàng ba bốn trăm mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội, giá trị một lô đất lên tới 90 tỷ đồng, có thể làm được 1.800 cái nhà tình nghĩa. Cụ Hồ không có nhà, không có đất, thế thì lãnh đạo đất nước có học tập làm theo cụ Hồ không? Dù biện hộ như thế nào thì đây cũng là việc làm không thể gọi tên gì khác ngoài “chia chác đất đai tài sản quốc gia”, ”tham nhũng”. Trung ương làm sẽ tạo tiền lệ để Bộ, ngành cấp đất cho nhau, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Xã ủy làm văn bản cấp đất cho nhau, tạo thành một chiến dịch “ăn đất” được bảo hộ. Từng việc một, những kiểu vơ vét như thế càng làm cho khoảng cách giữa dân và Đảng, Nhà nước càng doãng ra thêm. Thậm chí có nơi dẫn đến đối địch.

Tình hình xã hội phân chia giàu nghèo như vậy, đạo đức cán bộ sa đọa như vậy, nhà văn phải làm gì? Phải cùng Đảng và Nhà nước đưa những tên lãnh đạo sa đọa đạo đức, ăn cướp, ăn cắp của dân, của Nhà nước ra pháp trường công luận. Làm sao để có những tác phẩm ngang tầm thời đại? Ở nhiều Đại hội nhà văn vấn đề này đã được đặt ra nghiêm túc, nhưng không tìm được lối thoát. Văn chương vẫn cứ làng nhàng. Rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh xuất bản liên tục hàng năm, nhưng chưa có tác phẩm nào vượt qua được Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh viết cách đây hơn 20 năm. Trộm nghĩ, nếu được viết về tất cả các đề tài, viết về bộ mặt ghê tởm gớm ghiếc của bọn tham nhũng và dối trá ở mọi cấp để nhân dân phán xét; đồng thời phải có những tác phẩm mô tả chân thực cuộc sống của người dân bị đè nén, cướp bóc khốn khổ hiện nay để cho nhà nước thấy được bộ mặt thật của đời sống mà lâu nay bị bọn dối trá tung hỏa mù, chắc chắn văn chương ta sẽ đồng hành với nhân dân từ trong nguồn cội. Để có những tác phẩm để đời như Truyện Kiều, Tắt đèn, Chí Phèo, Dông tố, Cánh đồng bất tận… đòi hỏi phải có sự đổi mới, cởi mở của cơ quan quản lý văn nghệ. Chỉ cần một môi trường sáng tác bình thường như các nước Châu Á thôi, văn chương Việt Nam sẽ nở hoa trái bốn mùa. Bây giờ thì môi trường đó chưa có. Con đường có hai lề. Chỉ đi “lề phải” thôi thì không thể thành đường. Nhà văn vi phạm luật pháp, phạm vào các điều cấm kỵ của đạo lý như tuyên truyền chiến tranh, cổ động mại dâm, phỉ báng dân tộc… sẽ bị phán xét. Còn các tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội, viết về cuộc sống chân thực của người lao động không vi phạm pháp luật đều phải được tôn trọng. Không có ai có quyền đứng trên pháp luật để ngăn chặn nhà văn viết về đất nước mình, nhân dân mình.

Nhưng nói gì thì nói, muốn có tác phẩm hay nhà văn phải có tài, có tâm với nhân dân, có chính kiến mạnh và có bản lĩnh vững vàng, không run sợ trước bất cứ thế lực nào, mới đủ tâm lực để có những tác phẩm văn chương đích thực. Tình hình đất nước, xã hội bức xúc hiện nay là thời cơ vàng để các nhà văn viết được những tác phẩm để đời. Chúng ta không làm văn chương cho một thế hệ, cho một nhóm người. Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử… làm văn chương vì Con người Việt Nam muôn đời. Cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ bày tỏ chính kiến của mình, không in lúc này thì sẽ in lúc khác. Bây giờ là thời đại Internet, điều kiện để công bố tác phẩm rất rộng mở. Chúc các nhà văn mãi đi với nhân dân dù con đường cam go, nguy hiểm.

Ôi,

Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác

Huế, đầu tháng 8/2010

NM

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn