27/7: Thêm một dịp lòng người ly tán hay cơ hội hàn gắn vết thương lòng, thúc đẩy đại đoàn kết?

Trở lại với tư tưởng Hoàng Xuân Hãn để hướng đến một nền văn hoá dân tộc đoàn kết, thống nhất, rộng mở thay vì tôn thờ chủ nghĩa

Trọng Thành

Ngày 27/7 lại về. Đối với người Việt đây là một ngày gây các tâm trạng nhiều cung bậc, thậm chí hết sức trái ngược: từ xúc động đến thờ ơ, từ suy tư, ám ảnh đến bất bình, phẫn nộ…

Bức ảnh "Hai người lính": Chiến sĩ Quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo và quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hoà Bùi Trọng Nghĩa, chụp tại Quảng Trị, Xuân 1973, sau Hiệp định Genève. Tác phẩm của nghệ sĩ Chu Chí Thành, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trước hết tôi xin được dẫn lại cảm nghĩ của một người bạn Facebook, thế hệ 5x: 

“Ngày mai là 27 tháng Bảy – lòng bỗng chùng xuống. Có lẽ không chỉ riêng mình. Có thể trong ai đó ở nơi nào đó, cũng như ở đây, đều có một nỗi nhớ không gọi tên – về một người thân, một người đã không còn trở lại sau chiến tranh. Mình không biết rõ vì sao lại cảm thấy chênh vênh đến thế mỗi khi đến ngày này. Chỉ biết, có những vết thương lịch sử không còn chảy máu, nhưng vẫn âm ỉ trong lòng người sống. Nếu ai đó đang lặng đi vì một ký ức như thế, thì mình hiểu, và xin được cùng nhau lặng im, như thắp một nén nhang trong gió”.

… Ngày 27/7 gắn liền với cuộc chiến tranh Việt Nam 30 năm. Năm 1947, ít tháng sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, chính phủ kháng chiến Việt Nam đã chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương binh, theo đề nghị của Quân đội Quốc gia Việt Nam (sau được đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam), để thể hiện “lòng biết ơn những người hy sinh xương máu” để bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc chống ngoại xâm. Ngày 27/7 sau đó đã trở thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ. 

Tuy nhiên, chiến tranh không dừng lại sau khi Quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1954. Phải 21 năm sau nữa Việt Nam mới tái thống nhất. Những giai đoạn chiến tranh sau 1954 có tính chất của cuộc chiến chống can thiệp nước ngoài, nhưng cũng là một cuộc nội chiến, theo nhiều chuyên gia, nhà quan sát. 

Trong lúc đông đảo người Việt Nam tin tưởng 27/7 là ngày toàn dân tưởng nhớ đến các thương binh liệt sĩ, không ít người thờ ơ với ngày này, thậm chí coi đây là ngày của chính quyền cộng sản dành cho những thương binh, liệt sĩ cộng sản, ngày của BÊN THẮNG CUỘC. 

Trên mạng từ nhiều năm nay lưu truyền bài “THƠ CHO NGÀY 27 THÁNG 7” 

Hôm nay lại đến ngày hăm bảy,

Tử sĩ miền Bắc nhận hoa tươi,

Tử sĩ miền Nam nằm bó gối,

Cỏ úa, mồ hoang luống ngậm ngùi

Ngày xưa ôm súng ra tiền tuyến,

Anh là “giải phóng”, tôi “quốc gia”,

Bọn mình đầu xanh, đời lận đận,

Đánh trận, đêm đêm khóc, nhớ nhà…

Súng đạn vô tình với tuổi trẻ,

Một chiều anh gục giữa rừng sâu,

Tôi lấy nghĩa trang làm chỗ nghỉ,

Bia mộ ngàn thu cũng bạc màu.

Bốn mấy năm rồi, mau quá nhỉ!

Bọn mình đã thịt nát xương tan,

Hận thù trả lại người dương thế,

Chia sớt cùng nhau chút mộng tàn.

Ngày Hai Mươi Bảy, anh hồ hởi,

Lời tuyên dương, hoa trái đủ đầy,

Còn tôi đất lạnh, trời hiu hắt,

Nén hương tàn ai thắp đâu đây!

Bọn mình chưa hết thời trai trẻ,

Đã sớm thành tử sĩ vô danh,

Cùng giống nòi, cũng da vàng, máu đỏ,

Ai rẽ chia người chết cho đành!

(Lê Nguyễn)

Có tiếng nói kêu gọi dành ngày 27/7 cho “tất cả thương phế binh, liệt sĩ cả 2 miền Nam, Bắc”. Một doanh nhân sinh sống tại miền Nam có nhiều gắn bó với chính quyền hiện nay (anh Nguyễn Thiện Đức) chỉ ra ba đặc điểm của ngày 27/7, mà anh coi là không ổn. Thứ nhất là có sự không công bằng trong việc tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, chống can thiệp Mỹ và xâm lược Trung Quốc nói chung. Thứ hai là có sự bất công khi các tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chống xâm lược Trung Quốc không được Nhà nước nhìn nhận. Và thứ ba là ngày 27/7 nhìn chung vẫn là một ngày “xa lạ” với đông đảo người dân miền Nam, nhất là giới trẻ, không coi đây là một ngày tưởng niệm của cả nước. 

Trong nội bộ chính quyền Việt Nam, cũng từ nhiều năm nay đã có những tiếng nói bất bình về thái độ kỳ thị đối xử với những thương binh, tử sĩ của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Năm nay, cựu thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin trong một bức thư gửi “các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước” dịp này, đã kêu gọi “tìm kiếm, quy tập hài cốt các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa mất tích trong chiến tranh, đồng thời hỗ trợ gia đình họ thực hiện nhu cầu tâm linh, rất thiêng liêng đối với mọi người dân Việt”. Kêu gọi nhà nước tìm kiếm hài cốt của các binh sĩ Việt Nam Cộng hoà (tương tự như tìm hài cốt binh sĩ Mỹ chết tại Việt Nam) không đồng nghĩa với việc tưởng nhớ, nhưng rõ ràng đây đã là một bước tiến. 

***

HOÀNG XUÂN HÃN VÀ NHỮNG NGƯỜI NỖ LỰC ĐỂ BỚT TỔN THẤT MÁU XƯƠNG CHO VIỆT NAM 

Nói đến ngày 27/7 không thể không nhớ đến học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996). 

Nhiều người biết tiếng Hoàng Xuân Hãn, như một nhà khảo cứu tiên phong của nền sử học Việt Nam với các tác phẩm kinh điển như Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo Triều Lý (1949), La Sơn Phu Tử (1952)..., nhiều khảo cứu về văn chương cổ điển Việt Nam (Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều… ), về Lịch Việt Nam… Ông là tác giả của Từ điển Danh từ khoa học cho người Việt (năm 1942), cũng như phương pháp phổ cập Quốc ngữ với cách đọc “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu…”. Chương trình giáo dục của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về cơ bản chính là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được xác lập trong thời gian ngắn ngủi khi ông làm bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim (*). 

Vì sao nói đến ngày 27/7 không thể không nhớ đến Hoàng Xuân Hãn? 

Ngày thương binh liệt sĩ để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh xương máu, nhưng cũng có thể là ngày để tưởng nhớ những người đã nỗ lực giúp cho đất nước bớt tổn thất xương máu. Xét theo nghĩa này thì không thể không nhớ đến học giả Hoàng Xuân Hãn và những người cùng chí hướng với ông. 

Năm 1974, ông là người có bài viết đứng đầu trong số các học giả có bài trong ba số đặc biệt “Kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam Bắc phân tranh thời Trịnh Nguyễn” (26, 27 và 28), của Tạp chí Sử Địa do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương. Loạt bài viết ra đời một năm sau khi Hiệp định Paris về lập lại hoà bình cho Việt Nam được ký kết, và đúng vào lúc Trung Quốc tiến chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. 

Hoàng Xuân Hãn chọn chuyển dịch hai chương trong truyện lịch sử chữ Hán Nam-triều Công-nghiệp diễn-chí (của Nguyễn Khoa Chiêm thế kỷ 18) nói về cuộc tấn công bất thành của quân Trịnh miền Bắc chống lại quân Nguyễn ở miền Nam. Chiến dịch tấn công Lũy Trấn Ninh thất bại, chấm dứt cuộc chiến 30 năm, mở ra thời kỳ hoà bình 100 năm giữa hai miền. 

***

BÀI “ĐÚNG 300 NĂM TRƯỚC” NHẮC LẠI BÀI HỌC LỊCH SỬ, KÊU GỌI NGƯỜI VIỆT MỞ LÒNG VỚI NHAU 

Tác phẩm Hoàng Xuân Hãn lựa chọn để dịch lại thể hiện rõ lập trường của Tạp chí Sử Địa về chiến tranh Việt Nam. 

Vì ý nghĩa quan trọng của lập trường này, chúng tôi xin dẫn lại đầy đủ lời dẫn của Toà soạn Tạp chí Sử Địa

“… một tình-cờ lịch-sử hy-hữu đã xảy ra, tái-diễn y như thế, vào 300 năm sau, cũng năm Nhâm-Tý (1972), một trận thư-hùng đã xảy ra vào mùa hè và cũng đến tháng chạp năm Nhâm-Tý (1973), thì hội-nghị Paris ký-kết vào ngày 27-1-1973 đem lại sự ngưng chiến cho dân tộc Việt-Nam ở cả hai miền. Và rồi mùa xuân Quí-Sửu (1973), cũng là mùa xuân đầu tiên đón gió Hoà-Bình sau những năm chiến tranh vô cùng ác-liệt.

Lịch-sử bao giờ cũng cho ta những bài học đắt-giá nhưng cũng vô cùng quý-giá. 

Nhóm Chủ-trương Tập-San Sử-Địa xin đem những lời tâm-huyết, tha-thiết nhất, chân-thành nhất, khẩn-thiết nhất kêu gọi những vị có trách-nhiệm đến cuộc chiến này, nhất là những ai chủ-trương kéo dài chiến-tranh hãy nghĩ đến con đường tương lai dài của dân-tộc, đến sự công-minh của lịch-sử. 

Chủ-nghĩa nào cũng hay, lý-tưởng nào cũng đẹp, nhưng chủ-nghĩa, lý-tưởng cũng như tất-cả những gì mệnh danh tốt-đẹp nào khác cũng chỉ như là chiếc áo đẹp, mà dân-tộc chính mới là thân người. Áo có thể thay đổi chứ người không thể đổi thay. Đừng vì chiếc áo mà làm cho thân người phải mang thương tích hay bị huỷ-diệt. 

Một chủ-nghĩa mạnh tới đâu, thịnh mãi và cũng có hồi suy, đó là lý đương-nhiên. Có đế-quốc nào mạnh bằng đế-quốc La Mã hồi đầu Công-nguyên, có chủ-nghĩa nào mạnh bằng chủ-nghĩa thực dân vào thế-kỷ 19. Nhưng rồi tất-cả cũng không thể tồn-tại được mãi với thời-gian vô tận. Chỉ có những dân-tộc kiên-cường mới còn tồn-tại mãi. Một chủ-nghĩa ngoại-lai, một thế lực ngoại-bang, dù thế-nào cũng phải coi chừng để khỏi bị lợi-dụng, hại cho dân-tộc. 

Điều bi-thảm nhất, tai-hại nhứt hiện nay không những chỉ là sự tàn-phá ghê-gớm của guồng-máy chiến-tranh tối-tân mà là còn là sự khác-biệt, sự tương-phản lớn lao giữa hai nền văn-hoá, nếp sống của cả hai miền Nam Bắc, khiến những di-hại phân-ly khi xưa được đào sâu, khiến mọi người e ngại đến sự thuần-nhất, đến sức-mạnh dân-tộc, nếu một mai, đất nước chúng ta thống-nhất trở lại. 

Nhóm chủ trương Tập-San Sử-Địa tha thiết kêu gọi tất-cả những người Việt bất-cứ ở nơi đâu, trong nước hay ngoài nước, bên này hay bên kia, nhất là những nhà văn-hoá hãy nghĩ đến việc làm san bằng sự khác-biệt ấy, để tránh những di-hại về sau.

Một nền văn-hoá dân-tộc thống-nhất đích-thực sẽ là lý-tưởng tốt đẹp nhất của thế-hệ chúng ta hiện nay” (1).

***

HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC ĐOÀN KẾT - THỐNG NHẤT, RỘNG MỞ THAY VÌ TÔN THỜ CHỦ NGHĨA 

Cũng trong số tạp chí đặc biệt này, phần “Cảm nghĩ của dịch giả (Hoàng Xuân Hãn)” (***) đã đề xuất rút ra một số bài học và đề xuất một số đường hướng cơ bản để hướng đến một “nền văn-hoá dân-tộc thống-nhất đích-thực” ấy. 

Bài học lớn là không thể để “cốt nhục tương tàn” (2), và kẻ hưởng lợi chính là các thế lực ngoại bang đang rắp tâm xâm chiếm lãnh thổ, quần đảo Hoàng-sa vừa mất là bài học nhãn tiền (3).

Hoàng Xuân Hãn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc quan niệm quốc gia, tổ quốc phải “nới rộng”, quan niệm “con rồng cháu tiên” không còn “hợp thời”: “Dân Việt đã trở nên, như hầu hết dân-tộc khác, một dân-tộc phức-tạp: vốn gốc Văn-lang, nhưng trải qua gần nghìn năm Bắc-thuộc, đã thành có lai Hán, lai Đường, rồi sáp nhập nhóm Thái, nhóm Chàm, nhóm Khờ-me, nhóm Nam-dương, nhóm Minh-hương, nhóm Khách-trú, và ngày nay lại thêm lai Âu, lai Mỹ, lai Ấn, lai Phi. Nói tóm lại dân Việt-nam là dân sinh và sống trên một giải đất chung, chịu chung một nền văn hoá dần-dần tạo nên và tiếp tục-tiến bộ… Tất-nhiên rằng lịch-sử ấy gồm nhiều cuộc tranh-giành chiến-đấu, nhưng chính trị phải nhắm tương-lai và thực tế mà làm; tôn-chỉ và tấm gương lịch-sử giữ phần dẫn-đạo đại-cương.

Học giả Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng hai (năm 1998) và giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) (**). Một số người cho rằng Hoàng Xuân Hãn thân chế độ cộng sản. Tuy nhiên, kể từ khi ra đi đến khi mất, ông không bao giờ trở về nước, bất chấp việc từ cuối thập niên 1980, chính quyền ngỏ ý muốn mời ông về. Ông Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp, một người gần gũi với Hoàng Xuân Hãn, đã đặt câu hỏi về việc này. Học giả trả lời: “Chừng nào trong nước chưa có tự do tư tưởng thì bác không về” (4). 

Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Giao, học giả Hoàng Xuân Hãn “gần như không phát biểu công khai chính kiến của mình”, “việc tham chính hai lần của ông quá ngắn ngủi (tổng cộng vài tháng), và suốt nửa thế kỷ tiếp theo, ông hầu như không hoạt động chính trị (và khi có hoạt động thì rất ít ai biết)”. 

Trên thực tế, chính kiến của Hoàng Xuân Hãn đã được thể hiện rất rõ ràng qua các số Tạp chí Sử Địa “Kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam Bắc phân tranh thời Trịnh Nguyễn” cũng như qua một số thông điệp khác với báo chí của ông. 

HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC ĐOÀN KẾT - THỐNG NHẤT, RỘNG MỞ THAY VÌ TÔN THỜ CHỦ NGHĨA, để tránh thêm tổn thất xương máu cho người dân, tránh rơi vào nội chiến huynh đệ tương tàn, là quan điểm nhất quán xuyên suốt của ông. 

Dịp 27/7 hàng năm, trở lại với tư tưởng Hoàng Xuân Hãn có thể giúp người Việt có cơ hội HÀN GẮN VẾT THƯƠNG LÒNG, TÁI LẬP ĐẠI ĐOÀN KẾT. 

*

Ghi chú: 

(*) “Tháng 8/1945, Việt-Minh nổi dậy cướp chính quyền, mặc dù cơ cấu xã-hội, chính-trị quc gia hầu hết bị họ thay đổi. Ấy vậy mà chương trình giáo-dục Việt-ngữ Hoàng-xuân-Hãn họ vẫn phải tiếp tục duy trì, sau đó mới cải tiến dần đần một số chi tiết, nhưng căn bản vẫn không sao thay đổi được” (trích Tạp chí Sử-Địa, số 27, 28, tr. 249). Vấn đề nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này tiếp tục sử dụng như thế nào chương trình Hoàng Xuân Hãn đáng được nghiên cứu chi tiết. 

(**) Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước Việt Nam được truy tặng học giả Hoàng Xuân Hãn về khoa học xã hội và nhân văn với cụm công trình: Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, Lịch và Lịch sử Việt Nam.

(***) Phần "Cảm nghĩ của dịch giả" nói trên đã được đăng tải trong Cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, NXB Giáo dục, Hà Nội, tập 2: Trước tác - Lịch sử, tr. 740 - 741. 

1/ Mời tham khảo các số của Tạp chí Sử Địa qua địa chỉ https://letungchau.blogspot.com/.../10/tap-san-su-ia.html...

2/ Trong chú thích 20 bài “Đúng 300 năm trước” (dịch tác phẩm Nam-triều Công-nghiệp diễn-chí), Hoàng Xuân Hãn trích Đại Nam Liệt truyện tiền biên, quyển 2, trang 11a, kể “sau khi Bắc-quân đã rút, phàm những Bắc-quân bị bắt đều sai cấp tiền lương, quần áo mà thả về, chứ không giết một ai. Lại lập một đàn trong thành Trấn-ninh, khao-tế trận vong tướng sĩ, và đặt ngoài thành một đàn để uỷ-tế trận vong tướng sĩ của Bắc-quân (trang 46, số 27-28). 

3/ Ít năm trước khi qua đời, trong một cuộc trả lời phỏng vấn bà Thuỵ Khuê về giai đoạn lịch sử này, Hoàng Xuân Hãn nhận định: “Năm 73, lúc có sự hòa hoãn hai bên, nếu ông Thiệu lúc ấy biết điều thì cũng đương còn một giai đoạn hay được đấy. Nhưng hồi đó, ông Thiệu nghe Mỹ quá, cho nên không biết cách hòa hoãn”.

Nhìn qua, diễn đạt của Hoàng Xuân Hãn “nếu ông Thiệu lúc ấy biết điều thì cũng đương còn một giai đoạn hay được đấy…” có thể khiến một số người cho rằng học giả ngây thơ, phi thực tế. Nhưng nếu suy ngẫm kỹ hơn, và căn cứ vào thực tế lịch sử về sự rút quân và rút viện trợ không thể tránh khỏi của Mỹ, thái độ khăng khăng tử thủ đến cùng của ông Nguyễn Văn Thiệu cũng là điều cần được xem xét và đánh giá xác đáng. Nhận xét “…đương còn một giai đoạn hay được đấy…” phải chăng đã chuyển đạt cách tiếp cận coi trong tính khả thể của lịch sử dựa trên các điều kiện thực tế của sử gia Hoàng Xuân Hãn? 

Link bài http://thuykhue.free.fr/hxh/lichsu.html

4/ Nguyễn Ngọc Giao “Hoàng Xuân Hãn: Con người và chính trị”, Diễn đàn 07/03/2008. 

https://www.diendan.org/.../hoang-xuan-han-con-nguoi-va...

Trang bìa tạp chí Sử Địa 1974: “Kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam Bắc phân tranh thời Trịnh Nguyễn”

 

Trái: Học giả Hoàng Xuân Hãn thời trẻ

Phải: Bài học “O tròn như quả trứng gà…”

T.T.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn