Cơ quan Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về 86 triệu USD chi cho Việt Nam để nhận 25 bộ hài cốt?

Mỹ Hằng – BBC Tiếng Việt

23 tháng 7 2025

Cơ quan đặc trách thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về khoản chi 86 triệu USD cho Việt Nam để tìm kiếm hài cốt?

Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh (DPAA), thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đã chính thức phản hồi với BBC News Tiếng Việt về thông tin "lãng phí tiền thuế của dân Mỹ" khi chi trả cho Việt Nam tới 86 triệu USD trong suốt một thập kỷ qua, chỉ để nhận về 25 bộ hài cốt lính Mỹ

Trước đó, Liên minh Quốc gia Gia đình Tù binh và Người mất tích Mỹ ở Đông Nam Á (National League) tung ra báo cáo khẳng định Lầu Năm Góc đã chi trả 86 triệu USD cho Việt Nam trong chín năm (2016-2024), chỉ để xác minh được 25 trường hợp lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).

Đây là các khoản thanh toán trực tiếp cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Báo cáo, đề ngày 21/6, được viết dựa trên việc rà soát các báo cáo thường niên của DPAA từ năm 2016 đến 2024.

Công tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam do Bộ Quốc phòng Mỹ và Văn phòng Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP) phối hợp thực hiện từ sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, mà theo truyền thông Việt Nam là đạt được "thành tích tích cực".

Báo cáo của National League được viết bởi Tiến sĩ George J. Veith, một nhà sử học quân sự có uy tín và là chuyên gia về các quân nhân mất tích, người từng thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam về các binh sĩ Mỹ mất tích.

DPAA đã hoạt động tại Việt Nam trước khi hai cựu thù thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995. 

Cơ quan này ra đời từ nỗ lực của những người vợ các tù binh chiến tranh Mỹ tại Việt Nam, những người yêu cầu các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn nữa để đưa chồng họ trở về nhà.

Hải quân Hoa Kỳ khiêng quan tài chứa hài cốt của thủy thủ mất tích sau vụ tai nạn trực thăng trong Chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1967, hình chụp tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bang Virginia vào ngày 2/5/2013.

'Sự hy sinh không thể định giá bằng tiền'

Trong email gửi tới BBC News Tiếng Việt hôm 16/7, ông Kelly McKeague, Giám đốc DPAA, xác nhận có 752 trường hợp lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã được xác định danh tính trong suốt bốn thập kỷ qua. 

"Trong suốt 40 năm qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm và hồi hương hài cốt của các quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Những nỗ lực nhân đạo của DPAA nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả Chính phủ và Nhân dân Việt Nam", ông Kelly McKeague cho hay.

Trước câu hỏi của BBC rằng phải chăng con số 25 hài cốt được hồi hương trong chín năm là quá ít, ông Kelly McKeague giải thích rằng việc xác định danh tính "các trường hợp còn lại ngày càng khó khăn hơn và đòi hỏi sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai quốc gia".

Để tăng hiệu quả, DPAA và VNOSMP đã cải thiện các quy trình nhằm nâng cao tính chính xác của các hoạt động tìm kiếm, đồng thời ứng dụng các kỹ thuật mới như khảo sát bằng máy bay không người lái và quét sonar (dò tìm bằng sóng âm) dưới nước, theo ông Kelly McKeague.

Theo các số liệu do ông Sean Everette từ bộ phận Quan hệ Công chúng của DPAA cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, kể từ năm 2015, DPAA đã triển khai hơn 97 đội điều tra và 167 đội khai quật tới Việt Nam để phối hợp tìm kiếm.

Ngay cả trong thời kỳ hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến 2021, phía Việt Nam, thay mặt DPAA, vẫn tiến hành 30 đợt tìm kiếm và khai quật độc lập.

Về vấn đề kinh phí chi trả cho công tác tìm kiếm, xác nhận và hồi hương hài cốt lính Mỹ, DPAA nói rằng các khoản tiền đã trả là "nguồn kinh phí cần thiết cho công việc nhân đạo cao quý này".

Quân nhân và công nhân Mỹ đang tìm kiếm hài cốt của những quân nhân "mất tích trong chiến tranh" (MIA) Việt Nam năm 1991.

Cụ thể, chi phí mà DPAA trả cho VNOSMP bao gồm các phần việc: các chuyến bay tới các khu vực hẻo lánh, dựng lán trại tại hiện trường, rà phá bom mìn chưa nổ, thuê một lực lượng lao động địa phương đủ lớn (có khi lên hơn 100 người) để khai quật, hoàn thổ, sử dụng thiết bị khai quật chuyên dụng cho các địa hình phức tạp, và nhiều khoản chi phí khác.

Theo ông Sean Everette, trong 10 năm qua, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã giúp xác định được 35 trường hợp quân nhân mất tích, trong đó 19 trường hợp từ các hoạt động khai quật chung, một trường hợp từ công tác tìm kiếm của một đối tác phía Hoa Kỳ và 15 trường hợp từ nguồn thông tin phía Việt Nam.

"Những người đã được xác định danh tính – cả những người vẫn còn mất tích – không chỉ là những con số, và sự hy sinh cao cả của họ không thể định giá bằng tiền", ông Sean Everette nói.

"Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một hình mẫu hợp tác cho các quốc gia khác trên thế giới. Ngay cả trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, phía Việt Nam đã công nhận tính nhân đạo trong sứ mệnh của chúng tôi và cho phép chúng tôi vào tìm kiếm người mất tích. Kể từ đó, quan hệ song phương ngày càng phát triển và sâu sắc", ông Sean Everette viết trong email gửi BBC News Tiếng Việt hôm 12/7.

Một trong những ví dụ đáng chú ý được ông Sean Everette dẫn chứng để nêu bật thành tựu hợp tác giữa hai bên là việc Việt Nam bàn giao hài cốt và các vật dụng của Trung tá Hải quân Paul C. Charvet thuộc Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ hồi tháng 9/2020. 

"Nhờ chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã có thể đưa người anh hùng này trở về với mẹ ông – khi đó đã 101 tuổi – chỉ một thời gian ngắn trước khi bà qua đời", ông Sean Everette cho hay.

Những quan ngại 

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với VNOSMP, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để đề nghị bình luận về các đánh giá của National League, nhưng không nhận được phản hồi. 

Trong khi đó, Tiến sĩ George J. Veith, người viết báo cáo của tổ chức đại diện cho các gia đình tù binh và quân nhân Mỹ mất tích, nói với BBC rằng phía National League và các gia đình người Mỹ còn đang tìm kiếm thân nhân mất tích trong Chiến tranh Việt Nam chỉ muốn đưa ra các bằng chứng cho thấy việc DPAA xưa nay luôn nói phía Việt Nam "đang hợp tác rất tuyệt vời" là không đúng sự thật, từ đó tạo áp lực để DPAA phải thay đổi một số chính sách liên quan.

Theo ông George J. Veith, trong các giai đoạn trước, con số hài cốt lính Mỹ được khai quật lớn hơn nhiều. 

Cụ thể, từ đầu những năm 1970 đến khoảng năm 1983, Hà Nội đã bàn giao cho Mỹ khoảng 270-280 hài cốt lính Mỹ. 

Con số này được đưa ra trong một báo cáo của Robert L. John – Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề tù binh chiến tranh/người mất tích (DASD) của Mỹ, xuất bản tháng 6/1999.

Báo cáo này, mang tên Hoạt động thu thập và hồi hương hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam, là kết quả của ba năm phối hợp nghiên cứu với nhiều nhà phân tích và chuyên gia tại Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp - Kiểm kê Toàn diện và Phòng Thí nghiệm Nhận dạng Trung ương, Hawaii.

Theo Tiến sĩ George J. Veith, so với con số nói trên thì con số 25 quả thực là quá khiêm tốn.

Mặc dù thừa nhận rằng công tác khai quật càng về sau có thể càng khó khăn hơn, do những nơi dễ tiếp cận hơn đã được triển khai trước, nhưng ông George J. Veith cho rằng có những yếu tố cho thấy công tác này lẽ ra đã có thể được thực hiện tốt hơn và đỡ tốn kém hơn.

Cụ thể, Việt Nam trong nhiều năm qua đã thu thập và lưu trữ, trưng bày nhiều tài liệu, vật dụng liên quan đến tù binh hoặc lính Mỹ tử trận trong các bảo tàng, nhưng những vật này chưa bao giờ được bàn giao hay thảo luận với DPAA. 

"Điều chúng tôi muốn nói là DPAA cần phải gây sức ép lên chính phủ Việt Nam, đặc biệt là VNOSMP, và phải làm việc chặt chẽ hơn với họ để tiếp cận những tài liệu đó, để tìm hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam", ông George J. Veith nói với BBC.

Theo vị sử gia này, về mặt lịch sử, chính quyền cộng sản Việt Nam xem các hài cốt hoặc vật dụng cá nhân liên quan đến hài cốt lính Mỹ như một nguồn lợi chính trị hoặc kinh tế. 

Chẳng hạn, Việt Nam đã sử dụng hài cốt của quân Pháp sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất để phục vụ lợi ích của mình, ông George J. Veith cáo buộc. "Họ có một quy trình và hệ thống đã tồn tại nhiều năm như vậy".

Sau chiến tranh, chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận với Việt Nam, không công nhận về mặt ngoại giao. 

"Theo thời gian, Việt Nam đã tập hợp được một số hài cốt lính Mỹ và vật dụng liên quan. Họ muốn dùng những hài cốt đó làm đòn bẩy để buộc chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, khôi phục quan hệ ngoại giao, cho phép họ gia nhập Liên Hợp Quốc", ông George J. Veith nói. 

Báo cáo xuất bản năm 1999 của Robert L. John đề cập ở trên chỉ ra rằng, theo các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, quyết định hồi hương hài cốt lính Mỹ được đưa ra ở cấp Bộ Chính trị, và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "đề xuất thời điểm có lợi nhất về mặt chính trị" cho việc hồi hương.

Quan ngại của ông George J. Veith là vẫn còn hàng trăm bộ hài cốt chưa được tìm thấy, nhưng vấn đề tìm kiếm chúng  từng rất quan trọng giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam trong các giai đoạn trước đây – theo thời gian, đã "bị đẩy xuống tận đáy bảng ưu tiên". 

"Chính phủ Mỹ – tin tưởng và dựa vào đánh giá của DPAA – đã chuyển sự chú ý sang những vấn đề khác như quyền sở hữu trí tuệ, người t nạn, thuyền nhân, an ninh và ma túy…

"Nhiều vấn đề khác đã trở nên quan trọng hơn nhiều, bởi các cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ Mỹ nghĩ rằng 'vấn đề này đã được giải quyết rồi, giờ chúng ta có thể chuyển sang các vấn đề khác'.

"Hiện nay, vấn đề người Mỹ mất tích (USMIA) được gộp chung vào một mục gọi là 'Di sản chiến tranh'. Mục này bao gồm người Mỹ mất tích, chất độc da cam, người khuyết tật và việc xử lý dioxin.

"Vì thế, một vấn đề từng nằm trong số những ưu tiên hàng đầu giữa Việt Nam và Mỹ giờ đây chỉ là một trong nhiều vấn đề, thậm chí còn không nằm trong top đầu.

"Khi ông Trump thực hiện các biện pháp áp thuế, ông ấy thậm chí không nghĩ tới chuyện người Mỹ mất tích mà chỉ tập trung vào các vấn đề kinh doanh...", Tiến sĩ George J. Veith chỉ ra các vấn đề, mà theo ông, đang gây trở ngại cho công tác tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông George J. Veith, phía Việt Nam hiện đang có quy định chỉ được khai quật tới độ sâu 0,5 mét và phía Mỹ "vì một số lý do nào đó đã đồng tình", nhưng việc này khiến quá trình khai quật kéo dài vô tận và không hiệu quả.

"Tôi không hiểu vì lý do gì mà họ không cho phép đào sâu hơn. Chúng tôi chỉ biết những gì họ đang làm, chứ không biết lý do tại sao", ông George J. Veith nói. 

"Chúng tôi cần làm việc chặt chẽ hơn với VNOSMP để có được các hồ sơ của Việt Nam và ngừng việc giấu giếm thông tin.

"Ngoài ra, tôi nghĩ cũng cần thay đổi cách làm việc. Chúng ta cần ngừng việc chỉ đào các hố thử nghiệm sâu 50 centimet. Cần phải được phép đào sâu hơn. Có rất nhiều điều có thể làm để tăng tỷ lệ tìm được kết quả".

Theo Tiến sĩ George J. Veith, đã nhiều năm nay không có bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao nào về các vấn đề nói trên, mà việc trao đổi giữa hai bên "diễn ra ở mức rất thấp, chỉ giữa DPAA và VNOSMP".

"Tôi nghĩ chúng ta cần có một cuộc thảo luận ở cấp cao hơn giữa chính phủ Mỹ và những quan chức phù hợp của Chính phủ Việt Nam", ông George J. Veith cho hay.

M.H.

Nguồn: BBC.com

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn