Có hay không có tội danh “lập quỹ trái phép” trong vụ án Nông trường Sông Hậu?

PGS. TS. Vũ Trọng Khải

Cuối cùng, vụ Anh hùng lao động Trần Ngọc Sương cũng kết thúc có hậu: Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ quyết định đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với bà Trần Ngọc Sương kể từ ngày 17/1/2012. Tuy nhiên Viện vẫn cho rằng bà Trần Ngọc Sương đã có hành vi phạm tội “lập quỹ trái phép” nhưng xét hoàn cảnh lịch sử xảy ra sai phạm và những tình tiết giảm nhẹ, công lao đóng góp của gia đình và cá nhân của bà Trần Ngọc Sương nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ Luật Hình sự.

Trong bài viết dưới đây, PGS. TS. Vũ Trọng Khải khẳng định hoàn toàn không thể gán tội “lập quỹ trái phép” cho bà Trần Ngọc Sương. Vì thế, việc đình chỉ vụ án là do đây là án oan, chứ không phải nhờ “cơ quan chức năng” khoan hồng. Trả tự do cho bà Trần Ngọc Sương chưa đủ. Cần phải trả hoàn toàn danh dự cho người nữ anh hùng này.

Bauxite Việt Nam

Cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, quan liêu và bao cấp đã nhà nước hóa toàn bộ nền kinh tế, theo đó, doanh nghiệp chỉ là đơn vị nhận nguồn lực đầu vào, sản xuất và giao sản phẩm (đầu ra) theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về số lượng, chất lượng, giá cả; doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền tự chủ kinh doanh.

Chuyển sang kinh tế thị trường, trong giai đoạn khởi đầu, với Nghị định 217CP và 25CP, Chính phủ thực hiện việc “mở rộng quyền tự chủ kinh doanh” cho doanh nghiệp; doanh nghiệp được lập kế hoạch 3 phần (A, B, C). Trong kế hoạch A, nhà nước giao cho doanh nghiệp chỉ tiêu cung cấp nguồn lực đầu vào và nộp sản phẩm (đầu ra) với giá quy định; trong kế hoạch B, nhà nước bảo đảm cung ứng một phần nguồn lực đầu vào, phần còn lại doanh nghiệp tự lo liệu và do đó chỉ phải giao cho nhà nước một phần sản phẩm (đầu ra) tương ứng với tỉ lệ đầu vào theo giá quy định; phần sản phẩm còn lại, doanh nghiệp có quyền tự tiêu thụ, cân đối lời - lỗ; trong kế hoạch C, doanh nghiệp tự cân đối cả đầu vào - đầu ra, lời ăn, lỗ chịu. Do đó, nếu có lời, doanh nghiệp có thêm nguồn thu để tái đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên của mình. Như vậy, trong cơ chế quản lý “nửa chừng xuân” này, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp được coi là một “phạm trù chủ quan”, do nhà nước xác định và mức độ tự chủ của doanh nghiệp có thể thay đổi theo “thời tiết” chính trị và “tư duy nhiệm kỳ” của người cầm quyền.

Trong bối cảnh đó, “quỹ công đoàn” được thiết lập ở Nông trường Sông Hậu. Những mảnh đất “đầu thừa, đuôi thẹo”, bờ kênh, ven đường nội đồng được nông trường giao cho nông trường viên sử dụng để trồng chuối, bạch đàn,… Đối với hoa lợi thu được, Giám đốc Trần Ngọc Hoằng quy định cho người lao động được hưởng 1/3, còn 2/3 nộp vào “quỹ công đoàn” để sử dụng vào mục đích phúc lợi xã hội của cán bộ công nhân viên nông trường và thưởng cho những ai có công giúp nông trường phát triển. Vì thế, “quỹ công đoàn” được lập là hợp pháp, hợp đạo lý và hợp tình, công khai, minh bạch.

Nền kinh tế ngày càng chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, nhất là từ khi luật doanh nghiệp có hiệu lực (năm 2000), doanh nghiệp ngày càng có quyền tự chủ kinh doanh hơn và vai trò lịch sử của Nghị định 217CP và 25CP chấm dứt mà không cần có một văn bản pháp lý nào phủ định nó. Quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp trở thành một phạm trù khách quan, được nhận thức là thuộc tính vốn có của doanh nghiệp và doanh nhân, không có quyền tự chủ kinh doanh thì không có doanh nhân và doanh nghiệp; không có doanh nhân và doanh nghiệp thì không có hoạt động kinh doanh; không có hoạt động kinh doanh thì không có nền kinh tế thị trường.

Quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện bằng việc doanh nghiệp có quyền tự quyết định sản xuất cái gì, với qui mô bao nhiêu, mua nguồn lực đầu vào ở đâu, bán sản phẩm (đầu ra) cho ai, lúc nào, với giá cả bao nhiêu, theo phương thức thanh toán nào..., và do đó doanh nghiệp tự cân đối tài chính, lời ăn, lỗ chịu; Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có quyền làm bất cứ cái gì mà luật pháp không cấm. Trong khi đó, công chức nhà nước và bộ máy quản lý nhà nước chỉ được làm điều gì mà luật cho phép, để hạn chế sự lạm dụng quyền hạn. Đó là những điều kiện pháp lý tối thiểu để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường hiện đại và trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp phải làm tròn 4 chức năng:

- Tìm kiếm lợi nhuận tối đa

- Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn cho nhà nước

- Bảo vệ môi trường sinh thái

- Phát triển nguồn nhân lực và chăm lo đời sống vật chất, văn hóa cho người lao động.

Luật pháp đã có những quy định để doanh nghiệp thực hiện 4 chức năng này, như luật thuế, luật bảo vệ môi trường, luật lao động,…

Trong hoàn cảnh mới này, “quỹ công đoàn” của Nông trường Sông Hậu lại càng có đủ cơ sở pháp lý và đạo lý để tồn tại, phát triển, và hơn thế nữa có thể đổi tên thành “quỹ giám đốc” để nó hoạt động có hiệu quả hơn. Bởi vì, để động viên kịp thời, có hiệu lực cao đối với bất cứ ai (không kể người trong và ngoài nông trường) có đóng góp nổi trội vào sự phát triển của nông trường, giám đốc nông trường có quyền sử dụng quỹ này để thưởng cho họ trong khuôn khổ “quy chế hình thành và sử dụng của quỹ giám đốc”.

Với gần 9 năm (từ tháng 4/2000 đến 30/6/2008) làm giám đốc nông trường Sông Hậu của bà Trần Ngọc Sương, “quỹ công đoàn”, mà nay có thể gọi là “quỹ giám đốc” chỉ có hơn 9 tỷ đồng, tính ra mỗi năm chỉ có hơn 1 tỷ đồng. So với doanh số mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng của Nông trường Sông Hậu, thì con số này thật là quá nhỏ nhoi.

Như vậy, xét về mặt định tính, “quỹ công đoàn” của nông trường Sông Hậu là hợp pháp; xét về mặt định lượng, quỹ này quá nhỏ so với khả năng và nhu cầu phát triển của Nông trường Sông Hậu trong giai đoạn hiện nay. Không có một văn bản pháp luật nào cấm doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, lập quỹ công đoàn hay quỹ giám đốc, sau khi doanh nghiệp đã làm tròn 4 chức năng nói trên.

Ngay cả ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chế độ lương với những thang, bảng, mức lương do nhà nước quy định chỉ được doanh nghiệp áp dụng để tính mức trích lập quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tính mức lương hưu trí. Trên thực tế, mức lương, tiền thưởng cuối năm của nhân viên và các cán bộ quản lý bậc cao và bậc trung thường cao hơn hàng chục lần mức lương, thưởng do nhà nước quy định. Hãy nhìn vào Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam… thì sẽ rõ (lương giám đốc có thể tới 100 triệu đồng/tháng). Về bản chất, quỹ dùng để trả lương, thưởng cao hơn mức quy định của nhà nước ở các doanh nghiệp này và quỹ công đoàn ở Nông trường Sông Hậu là không giống nhau nhưng về hình thức pháp lý thì chúng lại giống nhau. Thế mà không ai nói là họ lập quỹ trái phép! Mặc dù mức thu nhập cao của các doanh nghiệp này phần lớn nhờ vào vị thế độc quyền và sự ưu đãi to lớn nhiều mặt của Chính phủ. Thậm chí có doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, không hoàn thành 4 chức năng nêu trên vẫn trả lương và thưởng cao hơn hàng chục lần so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp.

Tuy rằng luật pháp có “độ trễ”, thường lạc hậu so với thực tiễn đời sống và “án tại hồ sơ”, tòa chỉ căn cứ vào pháp luật hiện hành để xử, dù nó đã lạc hậu. Nhưng trong trường hợp Nông trường Sông Hậu, luật pháp hiện hành không cấm lập quỹ công đoàn được hình thành từ hoa lợi thu được trên những mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo”, do công nhân nông trường làm ra trên cơ sở được cung cấp đầy đủ, với chất lượng cao các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác từ Nông trường Sông Hậu. Đành rằng do tính lạc hậu của luật pháp, thậm chí có sai lầm do nhận thức hạn chế của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, nên nhiều khi doanh nghiệp phải làm sai luật pháp để tồn tại và phát triển, theo quy luật “2 cái sai thành 1 cái đúng”.

Điều đó đã được chứng minh qua các điển hình “xé rào”, tiên phong phá vỡ cơ chế cũ để phát triển của rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp anh hùng trong thời kỳ đổi mới được Chủ tịch nước phong tặng trong thời gian qua. Do đó, trong trường hợp này, người ta có thể phong anh hùng hay bỏ tù những con người năng động đó đều được, tùy theo góc độ xem xét là đạo lý hay pháp lý hiện hành. Thế nhưng điều này cũng không đúng đối với “quỹ công đoàn” và nguyên giám đốc Trần Ngọc Sương ở Nông trường Sông Hậu. Bởi vì với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo 4 chức năng nói trên, Nông trường Sông Hậu hoàn toàn có thể lập “quỹ công đoàn” để phục vụ nhu cầu quản lý kinh doanh của mình mà không bị pháp luật cấm. Không có tội danh “lập quỹ trái phép” ở những doanh nghiệp đã hoàn thành 4 chức năng nói trên, trong nền kinh tế thị trường. Tội danh lập quỹ trái phép chỉ có thể có ở các cơ quan công quyền sử dụng ngân sách nhà nước hay quỹ có nguồn gốc nhà nước do các công chức lãnh đạo lập ra để phục vụ lợi ích cục bộ hoặc cá nhân họ mà thôi. Bởi vì như trên đã nói, công chức chỉ được làm những gì mà luật cho phép chứ không phải luật không cấm.

V. T. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn