Đừng biến ông bà, tổ tiên chúng ta thành cái sọt rác

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Hiện nay, nông dân và “tâm lý tiểu nông” đang trở thành cái sọt rác, mà những người vỗ ngực tự hào là người thành thị quăng vào đó tất cả thói hư tật xấu của mình.

Làm người thành phố nhất là người ở Thủ đô sướng thật, vì người thành phố đang tự cho rằng mình toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Người ở thành phố mà làm chuyện xấu thì đích thị là bọn nông dân nhà quê mới lên lập nghiệp, dân thành phố chính gốc mà làm chuyện bậy bạ là do, bởi, bị… tập nhiễm “tư duy tiểu nông”.

Nông dân luôn chịu thua thiệt, làm được hột lúa nhưng hễ giá lúa lên thì Chính phủ hạ giá lúa để chống lạm phát, Chính phủ lại còn toa rập với Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày quỉ kế mua lúa tạm trữ để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân, nông dân nói hoài rằng cơ chế mua lúa tạm trữ là cơ chế bất lương, vậy mà năm 2012 này vẫn mua tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu, nói thét giống như xách đàn đi khảy tai trâu nên làm biếng nói.

Chuyện liên quan đến thu nhập, đến đói no mà còn làm biếng nói, thế nên, việc người ta chê nông dân ngu, nông dân dốt, nông dân tệ thế này, nông dân tệ thế nọ… thì cũng chắt lưỡi một tiếng rồi làm thinh.

Thế nhưng, khi người ta nói căn tính nông dân là quen chửi bới, thì nhịn hết nổi, buộc phải vào chốn thị phi, để phân trần phải trái.

Ở Hà Nội, chủ quán bún, quán cháo mắng chửi khách hàng đến ăn, thay vì tìm hiểu tại sao những chủ quán này lại hỗn hào như vậy, thay vì tìm hiểu tại sao khách hàng lại bỏ tiền ra ăn để nghe người ta chửi, thì ông PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội kết luận một cách ngang phè: “Chính cái mặt trái của căn tính nông dân quen chửi bới vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội” là nguyên nhân khiến chủ quán chửi khách hàng. (1)

Ông giá đứng trên lập trường quan điểm rỏ ràng rằng: người Hà Nội gốc không có người xấu, cho nên, chủ quán chửi khách chắc chắn là nông dân từ nông thôn lên thành phố.

Không biết ông Giá định nghĩa thế nào là người Hà Nội gốc, ở Hà Nội mấy đời thì được gọi là người Hà Nội gốc, vì theo tôi cứ phăng lần lên khoảng 10 đời thì chắc sẽ lòi ra gốc nông dân của tổ tiên người Hà Nội.

Thưa ông Giá, nông dân chúng tôi rất hiền hoà, đôn hậu. Cãi nhau lâu lâu cũng có, chửi lộn với nhau là chuyện hãn hữu, còn chủ quán mà nổi hứng chửi khách ăn là tuyệt đối không có, bởi vì những chủ quán ba trợn chửi khách hàng chắc chắn phải dẹp tiệm, vì chẳng ai thèm đến ăn.

Cho nên, giả sử, nếu người nông dân ở thôn quê thì hiền hậu mà lên thủ đô lại hỗn hào thì do tập nhiễm căn tính thành thị nên hỗn hào đấy, thưa ông Giá.

Nhận định “căn tính nông dân quen chửi bới” là một nhận định vô căn cứ xúc phạm đến hàng triệu nông dân, nên muốn nói vậy ông Giá phải chứng minh cụ thể, nhưng nhớ đừng dựa vào ca dao tục ngữ, cái đó quá xưa rồi Diễm, nông dân của ngày hôm nay là nông dân của thế giới phẳng.

Năm 2009 đội bóng đá TP HCM đá dở rớt hạng, ông Dương Trọng Dật cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng đội bóng rớt hạng là do “TP HCM đang trở thành “vùng trũng của tư duy” với kiểu tư duy tiểu nông mà tầm nhìn không vượt quá được “lũy tre làng”. (2)

Cũng theo ông Dật, quản lý đô thị kém, kẹt xe ở TP HCM cũng là do “tư duy tiểu nông” gây ra chứ cán bộ quản lý đô thị và dân thành phố vô can: “Thứ tư duy ấy, đáng sợ hơn, không chỉ ngự trị và làm tan tác thế mạnh của thể thao. Nó hiện diện ngày càng nhiều trong các mặt đời sống của thành phố.”.

Nông dân học ít nhưng có lòng tự trọng

Nông dân trình độ học vấn thấp đó là một thực tế, nhưng người nông dân rất hiền hoà, đôn hậu và đôi khi quá thật thà.

Láng giềng luôn giữ hoà khí rất sợ mích lòng nhau, còn chủ quán ở nông thôn thì tôn trọng khách hàng, lớn tiếng với khách hàng chứ đừng nói chửi là mất khách, đồn ra là quán phải đóng cửa.

Nông dân học ít lại nghèo nhưng có lòng tự trọng. Trong đám tiệc, chủ nhà nói nặng một tiếng mà dọn ra nem công chả phượng cũng nguýt ngang bỏ về chẳng thèm ăn, còn bỏ tiền ra đi ăn quán để cho chủ quán chửi là chuyện chẳng bao giờ có.

Không biết những người ở thủ đô vì món ăn quá ngon không kềm chế được, hay vì khoái nghe người ta chửi mình mà vác mặt đến các quán bún mắng, cháo chửi để vừa ăn vừa nghe chửi vậy nhĩ?

“Tâm lý tiểu nông” là tâm lý của ông bà tổ tiên ta đấy

Bà Thạc sĩ Tâm lý học Ngọc Lan viết bài “Tâm lý của người nông dân Việt Nam: Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực” (3) (bài viết về tâm lý nông dân nhưng những nhận định về tính xấu của nông dân lại được chứng minh bằng tục ngữ, nên không thuyết phục, có dịp tôi sẽ nói riêng về bài viết này) cho biết: tâm lý tiểu nông là tâm lý của người nông dân sống trong nền kinh tế tiểu nông dưới chế độ phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến hà khắc.

Như vậy, những người nông dân có tâm lý tiểu nông chính là ông bà, tổ tiên của chúng ta. Hay nói chính xác tâm lý tiểu nông là tâm lý của ông bà, tổ tiên chúng ta.

Ông bà, tổ tiên của chúng ta sống ở những năm lâu lắm rồi, nằm ở thời chưa văn minh, tầm nhìn hạn hẹp là điều đương nhiên, nói rằng những người làm bậy hiện nay là có “tâm lý tiểu nông” khác nào mắng ông bà mình ngu dốt.

Vậy mà, bất hạnh thay, một số người vỗ ngực tự xưng là người thành thị, người Hà Nội gốc, người trí thức có học lại đổ thừa tất cả các thói hư tật xấu và cả sự dốt nát của họ là do “tâm lý tiểu nông”.

Ông bà, tổ tiên chúng ta có cái nhìn hạn hẹp hơn chúng ta là điều đuơng nhiên, nhưng nói rằng những người thời nay làm sai, làm bậy và do họ có cái nhìn giống ông bà, tổ tiên là một cách không sai nhưng bất hiếu.

Tiếng Việt của chúng ta có đủ từ để diễn tả thói hư tật xấu của người thành thị, đủ từ để diễn tả sự dốt nát của các ông cán bộ, thì can cớ gì người thành thị làm bậy, cán bộ ngu dốt lại đổ thừa cho “tâm lý tiểu nông”, tức đổ thừa cho ông bà, tổ tiên chúng ta. Hà cớ gì lại dùng cụm từ “tâm lý tiểu nông” để biểu hiện cho tất cả những mặt tiêu cực của xã hội ngày nay, và của tất cả thói hư tật xấu của người thành thị. Mắc mớ gì mà đem ông bà, tổ tiên ra bêu riếu?

Ông bà, tổ tiên chúng ta đâu có biết đá banh là cái chi chi, đá banh phải có tư duy đá banh phải am tường kỹ thuật và chiến thuật đá banh, vậy mà đá banh thua rớt hạng người ta dõng dạt đổ thừa là tại đá banh mà có “tâm lý tiểu nông”.

Xin hỏi quí vị vỗ ngực xưng là trí thức thành thị, giả sử vị cán bộ quy hoạch dốt nát về quy hoạch, nhưng có tâm lý thành thị giống quí vị – không có một chút nào “ tâm lý tiểu nông” – thì việc quy hoạch thành thị có tốt lên chăng?

Cho nên, cán bộ quy hoạch dở, huấn luyện viên bóng đá tệ chưa chắc là do họ có “tâm lý tiểu nông” mà chỉ đơn giản là cán bộ dốt và huấn luyện viên cũng dốt.

Thói xấu không chừa một ai, nó không tránh người thành thị, cho nên phải chấp nhận mình xấu thì mới sửa đổi được, ngược lại, thói hư tật xấu nào cũng đổ thừa cho nông dân và “tâm lý tiểu nông” thì người thành thị không thể nào sửa được tật xấu của mình.

Coi chừng, cứ cái đà này, sẽ đến lúc, người dân thành thị la rầy con học dốt như sau: “Mày học dốt vì tư duy tiểu nông” (có tư duy giống tư duy của ông bà, tổ tiên của mày).

Trộm nghĩ:

Tiểu nông đích thị tổ tiên.

Chê lên chê xuống thiệt điên hơn khùng.

H. K.

(1) http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Can-tinh-nong-dan-o-nguoi-Ha-Noi-gay-ra-van-hoa-bun-mang-chao-chui/188281.gd

(2) http://www.tin247.com/cu_lao_doc_cua_bong_da_va_%E2%80%9Cvung_trung_tu_duy%E2%80%9D-1-21475078.html

(3) http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/tam-ly-cua-nguoi-nong-dan-viet-nam.516111.html

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN,

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn