Vì sao một ký giả am tường “chứng cứ lịch sử về Biển Đông của Việt Nam” như Bill Hayton xin visa vào Việt Nam hai lần đều bị Nhà nước từ chối?

GS Nguyễn Văn Tuấn đọc cuốn sách Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở Á Châu (The South China Sea: The Struggle for Power in Asia) công bố ở Hoa Kỳ mới đây cảm thấy ngạc nhiên trước một cây bút người Mỹ mà nắm vững lịch sử chủ quyền biển Đông rành rẽ như Bill Hayton, đồng thời cũng lấy làm lạ về một người có quan điểm gần gũi Việt Nam như ông ký giả này mà hai lần xin visa vào nước ta dự Hội nghị về Biển Đông và tìm kiếm thêm tư liệu cho cuốn sách của mình lại không được nhà nước CSVN chấp nhận.

Chúng tôi thì chẳng lạ gì chuyện đó.

Thưa GS, khi người ta đang sống trong tâm trạng lo lắng thường trực về nguy cơ bị truống khỏi chiếc ghế quyền lực không biết lúc nào (nói là “hệ tư tưởng XHCN lung lay” cho có vẻ to tát, kỳ thực là “độc quyền phe đảng” lung lay, mà “độc quyền phe đảng” thì bảo lưu cho cái ghế mình đã ngồi chễm chệ trong gần suốt 70 năm) thì còn nghĩ được gì về những chữ thiêng liêng như TỔ QUỐC, QUỐC GIA, DÂN TỘC... vốn nằm ngoài hiểu biết và trí tuệ của họ – những kẻ xuất thân từ “khoai sắn: “Ngày xưa khoai sắn sống lang thang / Bãi cát cồn khô mé núi hoang / Không hỏi đòi chi hồn giản dị / Quanh năm bè bạn chị em làng / Một buổi cờ son lên nối ngôi / Sao thiêng nghiêng xuống luống cày tồi / Sắn khoai hăm hở về dinh chiếm / Quyền sống trên miền rối cỏ hôi...” (Tố Hữu) (Nên nhớ các sách ABC chủ nghĩa cộng sản vẫn giải thích cộng sản là vô tổ quốc). Bởi thế, họ làm sao có được cái nhân cách ngời ngời của một Mạc Ngọc Liễn, Thái phó nhà Mạc, vào năm 1594, khi quân lính của Mạc đang thua lụn bại trước sức tấn công vũ bão của phe Trịnh Tùng, biết mình bệnh nặng sắp chết ông vẫn viết thư căn dặn khẩn thiết vua Mạc Kính Cung, dù vương triều Mạc có mệnh hệ gì cũng “nhất thiết chớ mời người Minh vào nước ta, để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than. Đó cũng là tội không gì nặng bằng” (Đại Việt sử ký Bản kỷ tục biên, Q.XVII, tờ 48b – 49a).

Không! Họ không có được lấy một phần trăm phẩm chất cao quý con nhà ấy đâu. Nghĩ thế cũng đã là sang trọng cho họ quá! Xuất thân “khoai sắn” thì đi đến đâu chỉ phá phách tanh bành đến đấy theo cung cách “ăn xổi” là đủ – Rồi từ hôm ấy bọc Hoàng cung / Lớp lớp khoai xanh mướt vạn vồng... (Tố Hữu, bài đã dẫn). Đào xới cả vườn ngự lên mà trồng khoai trồng sắn thì làm sao quản lý nổi một đất nước có lịch sử bề thế hàng nghìn năm về cả vật chất lẫn tinh thần, để đến nỗi dẫn đến tình trạng cả một nước tuột dốc không phanh, “nát như tương” về mọi mặt, như cơ sự ngày hôm nay thì đủ rõ (xin xem Chùm bài lên tiếng về công an “bôi lem” đất nước và bài Ngập sâu trong lòng dân... tiếp sau bài này).

Thì ý niệm về “bảo vệ Tổ quốc” cũng trong một chiều hướng như thế đó. “Khoai sắn” cho nên tầm nghĩ chỉ có một mẩu, mới bị dỗ ngọt mà hớt hải kéo nhau đến hội nghị Thành Đô năm 1990. Ngẫu nhiên được thượng lên chiếc ngai vàng, cứ ngỡ là của “trời cho”, phải quyết giữ lấy và cướp thêm cho “toàn vẹn núi sông”, nên kiên trì dốc người dốc của đánh chiếm suốt 20 năm trong nội bộ “người trong một nước”, với cái “cao vọng” “đốt cháy cả rặng Trường Sơn” để giành cho được “một nửa kia” bằng bất kỳ giá nào. Còn khi lâm thế bí với giặc ngoài thì lại vội nghĩ trước sau gì mình cũng là “chư hầu”, bèn lệnh ngay cho quân lính hứng đạn chịu chết chứ không mảy may tự vệ, như ở Gạc Ma năm 1988. Mâu thuẫn mà thống nhất, khôn g có gì là lạ.

Hãy cứ xem dưới đây hình ảnh những kẻ đang toa rập với nhau quyết tiếp tục khấu đầu “4 tốt, 16 chữ vàng” trước bọn bành trướng Đại Hán, ngay giữa tình thế cả nước đang sục sôi vì giàn khoan HD 981của chúng ngang ngược cắm vòi sâu vào hải phận nước ta và làm cả thế giới kinh ngạc – đấy cũng là một kiểu chạy mánh “ăn xổi” chứ còn gì nữa:

clip_image002

Bên hành lang QH ngày 21-5-2014, với đôi mắt lim dim, khuôn mặt thật gợi cảm và cái miệng dẻo, ông Vũ Mão đang cúi đầu trước ngài TBT mà rằng: “Chúng ta nên nói với nhân dân thế nào về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ đối ngoại hai nước? Tôi cho rằng, 16 chữ ấy có thể có lúc không đạt được nhưng nó vẫn là cái mong muốn muôn thuở”.

Còn vô số những hình ảnh khác nữa, cứ tự do chường ra khắp đó đây, vừa bẽ bàng với quốc tế mà ngay trong nước, hang cùng ngõ hẻm nào cũng phải bàn tán, xì xào. Nhưng thôi, chỉ một hình ảnh ấy cũng đã đủ để giải thích lý do ký giả Bill Hayton hai lần không được cấp phép vào Việt Nam. Có ai dại gì đi cấp phép cho cái anh nhà báo tuy có con mắt nhìn tinh tường về Biển Đông làm lợi cho đất nước mình đấy, nhưng lại cũng không kém sắc sảo để xoi mói đến tận... những chiếc ghế trong thâm cung mà người ta đang cố bám chặt, lâu bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nước mất ư? Thì đã có vàng ký gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ và có nhà mua sẵn ở Mỹ đâu đấy cả rồi, lo quái gì.

Bauxite Việt Nam

Từ chối bạn, chào đón kẻ thù

Nguyễn Tuấn

Có lẽ các bạn đã biết kí giả Bill Hayton vừa mới xuất bản một cuốn sách có tựa đề là "The South China Sea: The Struggle for Power in Asia" (Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở Á Châu). Tôi chưa đọc cuốn sách (và chắc cũng không có thì giờ đọc trong tương lai gần) nhưng có nhận bài điểm sách của David Brown đăng trên Asia Sentinel(1). Đọc bài điểm sách này, tôi thấy sách có lẽ là nguồn thông tin tốt cho những ai còn quan tâm đến chủ quyền biển đảo và sự đe dọa của Tàu cộng đối với Việt Nam.

clip_image003

Trong sách, Bill Hayton chứng minh rằng những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Tàu cộng dựa trên chứng cứ lịch sử là rác rưởi. Ông chỉ ra rằng những chứng cứ đó không thể nào đứng vững khi xem xét đến các văn chứng của triều Nguyễn của Việt Nam. Từ 1750, triều Nguyễn đã điều các đội hải quân ra trấn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội quân triều Nguyễn còn có chức năng cứu vớt thuyền bị nạn, và mỗi chuyến hải hành, họ ghi lại trong sử sách rất cẩn thận.

Ấy thế mà Việt Nam ngày nay ngưng "lải nhải" (chữ của bài điểm sách) về chủ quyền mang tính lịch sử của mình! Thay vào đó, Việt Nam cầu khẩn thế giới tuân thủ theo luật biển UNCLOS (1994). Thái độ đó gián tiếp nói rằng Việt Nam công nhận chủ quyền của Tàu Cộng trên những quần đảo họ đã đánh chiếm bằng vũ lực từ Việt Nam. Còn Tàu Cộng thì họ biết các yêu sách và chứng cứ của họ yếu, nên họ dùng vũ lực và tẩy não. Họ tẩy não người Tàu rằng chủ quyền của Tàu Cộng ở Biển Đông là không thể chối cãi, rằng các nước nhỏ như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai đang chiếm biển đảo của Tàu!

Nhưng đoạn tái bút của bài điểm sách mới là thú vị vì liên quan đến cá nhân tác giả. Bill Hayton là phóng viên của đài BBC và từng công tác ở Việt Nam trong thời gian 2007-2008. Dù Bill Hayton có quan điểm và phát biểu có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh duy trì chủ quyền biển đảo, nhưng ông không được Việt Nam chào đón. Thật ra, Chính phủ Việt Nam cấm không cho ông vào Việt Nam! Năm 2012, Hayton xin visa để vào Việt Nam dự hội nghị về biển đảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, nhưng đơn của ông bị bác. Vài tháng sau, ông lại đệ đơn xin visa vào Việt Nam để phỏng vấn các quan chức cho cuốn sách này, và một lần nữa, Chính phủ Việt Nam không cho ông vào. Hệ quả là ông không có nhiều chất liệu để viết về Việt Nam trong cuộc đấu tranh chủ quyền về biển đảo. Do đó, phần liên quan đến Việt Nam trong cuốn sách này tương đối "mỏng" so với các phần khác.

Phải nói thái độ của Chính phủ Việt Nam thật khó hiểu. Theo suy nghĩ bình thường, trong khi các học giả Việt Nam chưa viết được hay chưa đủ khả năng viết được một cuốn sách như Bill Hayton, thì đáng lẽ phải chào đón một người có quan điểm "gần" Việt Nam như Bill Hayton đến Việt Nam, hay ít ra là cung cấp dữ liệu cho ông ấy. Nhưng suy nghĩ bình thường đó có lẽ không ăn khớp với suy nghĩ của Nhà nước. Nghe nói trong thời gian làm ký giả ở Việt Nam, Hayton đã có những bài làm cho Chính phủ Việt Nam không hài lòng. Nhưng tôi nghĩ việc nào ra việc đó, có thể những bài đó không hợp gu với Chính phủ, nhưng về Biển Đông thì nên sử dụng mọi quan điểm và dữ liệu từ mọi nguồn để đem lại lợi ích cho chủ quyền quốc gia.

Nếu Chính phủ Việt Nam chào đón các học giả Tàu vào Việt Nam tham dự hội nghị (và đó là quyết định hoàn toàn đúng) thì Việt Nam chẳng có lý do gì để từ chối không cho người bạn như như Bill Hayton vào Việt Nam.

N.T.

(1) http://www.asiasentinel.com/book-review/south-china-sea-struggle-power-asia/

Sách "The South China Sea: The Struggle for Power in Asia", xuất bản bởi Yale University Press, dày 320 trang, giá bán 28 USD.

Nguồn: https://www.facebook.com/drtuannguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn