ĐIỆN LÀ ÁNH SÁNG NHƯNG LẠI TÙ MÙ

Tô Văn Trường

Nói đến điện tức là năng lượng nhưng trước hết là nói đến ánh sáng, nói đến sản phẩm tuyệt vời mà con người có thể tạo ra. Điện là sáng, vậy mà ở nước ta xem ra nó vẫn cứ tù mù! Tù mù không phải do sụt áp, do quả tải mà là tù mù trong cách tính giá thành, giá bán điện. Vì sao nên nỗi?
Điện sinh ra ánh sáng, nhưng nó lại được nuôi dưỡng trong tù mù, nên nó điên nặng lắm. Trong một nền kinh tế thị trường, lẽ ra dùng nhiều sẽ được giảm giá thì ở nước ta lại dùng nhiều thì bị tính theo giá lũy tiến là có bàn tay độc quyền nhà nước trong đó. Nhưng ngược đời là phần thu trội lên lên vì tính theo giá lũy tiến đó không được nộp cho ngân sách nhà nước, mà ngành điện được hưởng trọn vẹn.  Có thể nói đây là một hình thức bóc lột lợi dụng danh nghĩa nhà nước để thu lợi riêng.
Chúng ta  đều biết điện có thể được tạo ra từ việc đốt than đá, khí tự nhiên, nhiên liệu dầu, từ năng lượng hạt nhân hay thủy điện, khai thác từ gió, ánh sáng mặt trời, hoặc lấy nhiệt từ lòng đất (địa nhiệt). Yếu tố truyền tải điện từ trạm phát điện đến khách hàng cuối dựa trên một mạng lưới truyền dẫn và phân phối phức tạp, gọi là lưới truyền tải điện hoặc lưới điện.

Sơ đồ dịch vụ điện ở Mỹ

Nguồn: Dự án phát triển giáo dục năng lượng quốc gia
Ủy ban điều tiết điện lực liên bang (FERC)
Do việc cấp điện (phát) và nhu cầu (phụ tải) phải là cân bằng liên tục, các đơn vị điều hành hệ thống điện phải liên tục điều chỉnh quy mô phát điện đến phụ tải trên lưới điện. Ví dụ: tối ưu hóa các nguồn phát trong khi duy trì độ ổn định với chi phí thấp nhất (không cắt giảm điện trừ khi trong trường hợp bất khả kháng không thể dự báo được trước).
Mô hình cấp điện cạnh tranh
Ngành công nghiệp năng lượng điện ở Mỹ đã thay đổi đáng kể từ năm 1990. Các yếu tố cạnh tranh đến phát điện tạo ra bởi công nghệ, yếu tố thị trường và chính sách của chính phủ đã cho phép người dùng tại một số bang được quyền lựa chọn nhà cung cấp. Ngoài ra, việc hình thành một số thị trường bán buôn ở quy mô khu vực đã tăng tính hiệu quả của thị trường và sự minh bạch về giá.
Phương thức tính giá điện ở Mỹ
Ở Mỹ, họ chia ra làm 2 phần:
  1. Dây dẫn cao thế, tới một vùng thường chỉ có 1 đường dây (cũng như đường xá chỉ có một) vì tính chất độc quyền thiên nhiên nên giá phải bị kiểm soát.
  2. Ở một vùng có thể có nhiều nhà máy sản xuất điện nên có thể tự do cạnh tranh giá, dùng đường truyền (theo giá kiểm soát) dẫn đến người tiêu thụ.
Người sử dụng nhiều như công ty có thể có hợp đồng với người sản xuất điện mua theo giá thương lượng. Ở một vùng mà người sản xuất điện độc quyền cung cấp điện, giá bị kiểm soát.
Giá bị kiểm soát là giá đầu vào (nguyên liệu, dịch vụ, lao động) cộng chi phí khấu hao đầu tư (tính theo giá thay thế) cộng phần trăm lợi nhuận. Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá thành là giá đầu vào và giá thay thế đối với tài sản cố định thay đổi. Giá thành công khai minh bạch nên người dân dễ dàng chấp nhận giá điện theo thị trường  bởi các hợp đồng được ký kết.
Giá điện ở Việt Nam
Ngay cả nhiều chuyên gia trong ngành điện cũng không được biết công thức tính giá điện mà chỉ biết Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công thương quy định về thực hiện giá bán điện.  Đây là Thông tư liên quan đến loại người tiêu thụ và loại giá được hưởng, chứ không liên quan đến giá người sản xuất điện được phép tính.
Giá điện Việt Nam  thấp hơn các nước nhưng lương bổng, sinh hoạt cũng thấp hơn nhiều. Trong cái “rẻ” của giá điện, phải nghĩ đến phần lớn vốn xây dựng các dự án điện quốc doanh là từ vốn ODA, vay lãi suất thấp, vốn nhà nước, phải kể đến thủy điện chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu điện. Trong đó thì nhà máy thủy điện  Hòa Bình và Thác Bà đã khấu hao hết từ lâu. Khấu hao hết không có nghĩa là không tính phần sửa chữa để  tiếp tục khả năng cùng một lượng điện. Tuổi đời càng cao, sửa chữa có thể càng lớn. Đó là chưa kể phải chi thêm để nâng chất lượng máy móc.
Ngoài vấn đề chi phí sản xuất các nguồn điện khác nhau, thông tin về sử dụng và đơn giá sử dụng điện trong các ngành khác nhau hay các loại tiêu dùng (cho sản xuất hay cho tiêu dùng của chính phủ và hộ gia đình) cũng không thể tìm được để giúp phân tích về sử dụng.
Để kiểm soát ngành điện, cần có công thức tính giá, thông tin về lượng  cung, chi phí cũng như thông tin về lượng dùng, giá cho từng loại khách hàng. Còn về nhiệt điện, Việt Nam chưa nhập than và dầu khí nhiều để phát điện, nên giá nhiên liệu đầu vào cũng thấp.
Việt Nam đang bán điện với giá trung bình cỡ 7cent/kWh tương đương với Thái Lan và Trung Quốc. Từ ngày 16/3/2015 mức giá điện mới được áp dụng tăng 7,5% , thực tế nhiều gia đình đã phải trá giá điện tăng gấp 2-3 lần do cách phương pháp tính lũy tiến của ngày điện lợi cho người nghèo thì ít nhưng lợi cho ngành điện thì nhiều.
Trong khung cảnh nền  kinh tế  của ta đang ở giai đoạn quá độ nên nó đang hỗn độn, không theo  hẳn thị trường mà cũng không còn như thời bao cấp, nên dựa trên cơ sở nào để phán quyết đúng sai cho một sự việc cụ thể quả là khó. Kêu ca của người tiêu dùng, giải thích của EVN – ai cũng có lý cả. Có điều ai cũng thấy rõ là với mô hình doanh nghiệp nhà nước nói chung thì cứ mập mờ vai trò kinh doanh (để giải thích về tính tự chủ của doanh nghiệp khi có vẻ đang thắng thế và chi tiêu quá tay) của một doanh nghiệp với vai trò xã hội (để giải thích khi làm ăn thất bát). Riêng một số tập đoàn (như EVN) còn độc quyền thì còn sự tùy tiện và khi không có cạnh tranh thì khó nói tới hiệu quả.
Xét về khía canh kinh doanh, sản xuất thì điện Việt Nam đang sản xuất ở mức phải trợ giá thông qua nhiều cách khác nhau và điều này thì không tốt trên bình diện chung cho đất nước vì nó trái quy luật kinh tế nhưng tăng giá điện thì dân phản đối mạnh vì thu nhập còn khó khăn và giá thành  sản xuất điện tù mù, không rõ ràng minh bạch.
Giá điện thấp gây ra nhiều hệ lụy như không phát triển được năng lượng tái tạo không có được công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp vì việc cân đối giá thành thì công nghệ tiết kiệm năng lượng không có lãi suất bằng so với công nghệ lạc hậu hơn và đầu tư thấp hơn. Ý thức tiết kiệm điện của người dân thấp hơn đặc biệt với những người giàu tiền điện chẳng đáng kể.
Giá điện thấp cũng hại cho đất nước vì nhiều công ty FDI lợi dụng giá rẻ sản xuất nhiều lĩnh vực tiêu tốn năng lượng như xi măng, sắt thép, tận dụng nhân công rẻ trong nước để sản xuất còn thì nguyên phụ liệu nhập từ nước ngoài và sản phẩm thì xuất khẩu. Vậy thì cái bù giá điện của ta so với cái lợi về thuế họ đóng khiến cho ta chẳng còn lãi nữa.
Dân than phiền
Nhiều người dân ca thán ngành điện giảm chỉ số công tơ tháng thấp điểm để tăng ở tháng cao điểm. Thông thường vào tháng tết nguyên đán và tháng nắng nóng cao điểm, bao giờ nhu cầu sử dụng điện cũng tăng đột biến.
Ví dụ: Tháng 5/2015, ngành điện thường sử dụng “chiêu độc” như sau: điện 1 hộ gia đình thực tế là 151 kw. Nhưng khi thanh toán thì Ngành điện chỉ tính 101kw, để chuyển sang tháng sau 50 kw. Việc này, do bộ phận kinh doanh xử lý bằng cách ghi tăng, giảm chỉ số cuối của công tơ hàng tháng. Sang tháng 6, là tháng cao điểm nắng nóng nên lượng sử dụng = 351 kw, tăng so với tháng 5 = 200 kw. Nhưng vì tháng trước còn để lại 50 Kw nên hoá đơn thu tiền điện tháng này sẽ là 401kw. Vì vậy số 50 kw để lại tháng trước sẽ được tính vào giá luỹ tiến cao nhất (giá từ 401 kw trở lên) = 2.587 đ/kw, thay vì nếu tính từ tháng trước chỉ có 1.786 đ/kw (đơn giá từ 101 kw – 200 kw).
Với “chiêu” này thì số tiền ngành điện sẽ “móc túi” được của gia đình nói trên là: 50kw x (2.587 – 1.786) = 40.050đ, tính cả VAT = 44.055đ.  Thời điểm chốt số công tơ theo định kỳ hàng tháng chỉ cần chậm thêm 1 – 2 ngày thì mức tiêu thụ điện sẽ tăng, theo đó số tiền cũng tăng vọt theo giá luỹ tiến như nói trên. Cái cần là “minh bạch hóa” giá thành thì xã hội mới có thể chia sẻ, thông cảm được.
Đề xuất công thức tính giá điện
Nhiều chuyên gia ngành điện cũng không được biết giá điện ở Việt Nam được tính trên cơ sở nào? Kể cả những lần tăng giá?  EVN thì tiếp tục muốn độc quyền nhưng lại không muốn kiểm soát. Người dân thì chỉ muốn giá rẻ. Có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề năng lượng, hoặc là tăng cung hoặc là giảm cầu bằng cách tăng hiệu năng.
Cầu khó giảm và hiệu năng khó tăng nếu như giá năng lượng rẻ như hiện nay. Điều này chưa được phân tích kỹ lưỡng ở Việt Nam vì không thấy nơi nào cung cấp đủ số liệu. Hay nói cách khác  mọi lời nói và mọi con số của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị bây giờ không có bảo chứng (thế chấp), lại “tiền hậu bất nhất” thì làm sao mà phân tích đánh giá cho chuẩn xác?.
Tôi không phải chuyên gia về giá, nhưng dựa trên cơ sở khoa học và căn cứ vào thực tế, có thể đề xuất công thức tính giá điện như sau:
 là hệ số nguyên liệu, dịch vụ, lao động, khấu hao tài sản, tỷ lệ lãi đối với một đơn vị điện.
 là giá hay chỉ số giá của thành phần k trên.
Như vậy giá điện/chỉ số giá điện là giá tổng hợp dựa trên các yếu tố trên. Hệ số  dựa vào điều tra giá thành sản xuất điện theo một công nghệ nhất định. Giá sản xuất từ  nhà máy thủy điện thấp hơn giá sản xuất từ xăng dầu.
Để tính khấu hao thì phải biết giá trị máy móc, nhà xưởng dùng trong sản xuất. Vì giá thị trường của các loại này thay đổi nên phải tính theo giá thay thế .
Nếu đã biết công thức và các hệ số thì có thể dễ dàng tính chỉ số giá (hay độ điều chỉnh giá) khi biết giá các thành phần. Và nếu mọi sự đều minh bạch thì mọi thành phần xã hội đều có thể dễ dàng đi đến thỏa thuận về điều chỉnh giá để bảo đảm rằng người đầu tư điện có thể có lợi nhuận so với mức lợi nhuận trung bình trong xã hội và người tiêu thụ không phải bị “chém giá” một cách tù mù.
Lời kết
Nói đến giá điện là vấn đề là giá và hệ thống quyết định giá nằm ngoài ảnh hưởng chính trị và phe nhóm. Để so sánh việc sử dụng điện tạo ra 1 đồng US GDP thì Việt Nam dùng gấp 3-4 lần so với Philippines, Singapore và cao hơn nữa so với Úc.  Không những thế,  điện  sử dụng ngày càng tăng để tạo ra 1 đồng GDP, và hệ số dùng cao nhất châu Á. Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép doanh nghiệp phù phép làm giàu, đồng thời không cản trở sự vận hành hữu hiệu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việt Nam hiện nay thủy điện đã cạn, xăng không đủ dùng và chỉ còn than (lại xuất khẩu trái phép) năng suất lao động thấp nên giá điện phải tăng là tất nhiên. Tuy nhiên, việc tăng giá điện phải do một cơ quan nhà nước quyết dựa vào một công thức minh bạch, chứ không thể dựa vào quyền tăng của điện lực. Tiền thu do tăng giá, vượt giá thành và lợi nhuận cho phép, nên đưa vào quĩ phát triển năng lượng tái tạo thay vì sử dụng vào việc khác.
Ở Việt Nam, nên có một nghiên cứu nghiêm túc, chi tiết về năng lượng tái tạo để thay thế dần năng lượng hóa thạch sẽ bị cạn kiệt trong tương lai gần.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn