Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống?

Lê Anh Hùng

So với cách đây chừng 10 năm, thậm chí 5 năm, lực lượng những người đấu tranh ở Việt Nam hiện nay đã đông hơn rất nhiều, dù cũng phải thừa nhận là chưa thực sự mạnh, chưa đủ sức thách thức chế độ.

Tuy nhiên, trong giới đấu tranh vẫn còn mỏng và khá rời rạc ấy lại đang tồn tại một cuộc tranh luận về cách thức xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam, và liên quan đến nó là đường hướng phát triển phong trào dân chủ trong giai đoạn bước ngoặt hiện nay. Đó là câu hỏi: thể chế dân chủ ở Việt Nam sẽ ra đời như thế nào?

Từ những hiểu biết khiêm tốn của mình, sau đây chúng tôi xin mạo muội vạch ra các kịch bản về sự ra đời của chính thể dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam.

1. Dân chủ được xây dựng từ dưới lên: chính thể dân chủ lý tưởng

Khái niệm dân chủ – democracy – trong tiếng Anh bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp là demos, nghĩa là “nhân dân”, và kratia, nghĩa là quyền lực. Do đó, trong tiếng Anh hay tiếng Hy Lạp, nguyên nghĩa của từ dân chủ là “quyền lực nhân dân”. Trong tiếng Việt, dân chủ được hiểu nôm na là “nhân dân làm chủ”.

Nếu coi chế độ dân chủ như một cấu trúc xã hội thì cấu trúc đó bao gồm các tầng nấc được sắp xếp theo hình kim tự tháp: công dân/cử tri – thôn/xóm – xã/phường – quận/huyện – tỉnh/thành phố – quốc gia. Và như bất cứ một cấu trúc nào, để đảm bảo chế độ dân chủ là một cấu trúc vững chắc, nó phải được xây dựng từ nền móng bên dưới, tức là từ những công dân/cử tri. Đó là quan điểm của những người cho rằng một chính thể dân chủ lý tưởng phải được xây dựng từ dưới lên (bottom-up democracy).

Nếu quan niệm thể chế dân chủ phải được xây dựng từ dưới lên thì đối tượng mà cuộc cách mạng dân chủ hướng đến phải là người dân. Như vậy, các nhà dân chủ cần phát động một phong trào khai mở dân trí: giúp cho người dân hiểu được các quyền con người, quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam hay các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; khuyến khích người dân tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự; hướng dẫn họ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình (bất bạo động) nhằm chống lại tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong xã hội cũng như những điều luật phi lý, bất công trong hệ thống pháp luật…

Khi dân chúng thức tỉnh và liên kết được với nhau thông qua các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời biết cách đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, họ sẽ lựa chọn được người đại diện xứng đáng của mình trong bộ máy công quyền, bắt đầu từ cấp thấp nhất là thôn/xóm, cho đến cấp cao nhất là bộ máy chính quyền trung ương. Lúc này, chính những người dân đã giác ngộ chính trị kia sẽ quyết định từ chế độ chính trị của đất nước cho đến các chính sách, quyết sách hàng ngày của bộ máy công quyền thông qua lá phiếu và người đại diện chính trị của mình.

2. Dân chủ được áp đặt từ trên xuống

Dân chủ được áp đặt từ trên xuống là nền dân chủ vận hành theo ý chí chủ quan của thiểu số nắm quyền lực chính trị trong xã hội. Các chế độ cộng sản là những nền dân chủ được áp đặt từ trên xuống, theo ý chí chủ quan của các lãnh tụ cộng sản, cho dù chúng vẫn được gọi một cách mỹ miều là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Dân chủ được áp đặt từ trên xuống không phải không thể vận hành, mà thậm chí nhiều khi còn vận hành rất tốt, chẳng hạn như nền dân chủ ở Hồng Kông hay Macao thời thuộc địa.

Ở Việt Nam, chế độ dân chủ có thể được xây dựng từ trên xuống thông qua những kịch bản sau:

2.1. Đảng CSVN ban hành một bản Hiến pháp dân chủ trước khi tự phân hoá thành những chính đảng độc lập và cạnh tranh nhau để cầm quyền.

2.2. Đảng CSVN thừa nhận các đảng phái chính trị đối lập, mời họ hiệp thương để đưa ra lộ trình dân chủ hoá đất nước, bắt đầu bằng việc xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ.

3. Dân chủ được xây dựng vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống

Đây là sự kết hợp của hai quá trình song song.

Những người đấu tranh thức tỉnh dân chúng thông qua các hình thức “khai dân trí” và hướng dẫn họ tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự. Dưới sự dẫn dắt của các thủ lĩnh dân chủ, đây là lực lượng nòng cốt của cuộc đấu tranh chống lại những bất công vốn ngày càng lan tràn trong xã hội. Cuộc cách mạng xã hội sẽ bắt đầu khi những cuộc đấu tranh như thế gắn kết với nhau và ngày một lan rộng.

Cách mạng xã hội thường bùng phát từ một ngòi nổ nào đấy, trong bối cảnh tình trạng áp bức và bất công ngày càng chất chứa và dồn nén giống như thùng thuốc súng chỉ còn chờ mồi lửa. Vụ một thanh niên bán hàng rong ở Tunisia tự thiêu vì bị cảnh sát tịch thu xe bán hàng rong sau khi anh từ chối hối lộ đã châm ngòi cho cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” là một ví dụ điển hình.

Ở Việt Nam, thực trạng kinh tế nhà nước ngấp nghé bờ vực phá sản, với mức nợ công vượt ngưỡng an toàn cùng tình trạng ngân khố rỗng tuếch từ trung ương đến địa phương, việc Trung Quốc không ngừng lấn tới hòng hiện thực hoá cuồng vọng độc chiếm Biển Đông, hay vấn nạn ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng trên khắp cả nước (như đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung vừa qua)… là những ngòi nổ tiềm tàng có sức công phá rất lớn, đủ sức khiến chế độ lung lay.

Đứng trước các cuộc đấu tranh ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ của chúng, cộng với sự ruỗng mục và rệu rã từ bên trong hệ thống, nhà cầm quyền cộng sản buộc phải đánh giá tương quan lực lượng để đưa ra quyết sách đối phó. Họ hoặc (3.1) chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với các lực lượng đối lập để hiệp thương và thoả thuận về một lộ trình dân chủ hoá đất nước; hoặc (3.2) tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh, dẫn đến đổ máu và sớm muộn gì cũng đẩy đất nước vào cơn cuồng loạn bạo lực.

Nếu phương án (3.1) được lựa chọn, nền dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ được xây dựng vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống. Việc một bộ phận dân chúng bắt đầu thức tỉnh, đòi thực hành quyền dân chủ kèm theo những quyền lợi chính đáng, cộng với việc bản Hiến pháp mới sẽ được toàn dân phúc quyết một cách công bằng sẽ đảm bảo tính chất “từ dưới lên” của chính thể dân chủ mới. Trong khi đó, việc (một bộ phận) lãnh đạo Đảng Cộng sản cùng các chính đảng đối lập đồng thuận về một lộ trình dân chủ hoá đất nước, bắt đầu bằng việc xây dựng một bản Hiến pháp mới, chính là nhân tố “từ trên xuống” của quá trình hình thành chế độ dân chủ.

Nếu phương án (3.2) diễn ra, đốm lửa ban đầu rất dễ bùng lên thành một cuộc đại hoả hoạn mà nhà cầm quyền khó lòng dập tắt, bởi sự công phẫn tựa như chiếc lò xo bị dồn nén trong dân chúng suốt hàng chục năm trời chỉ còn chờ cơ hội bung ra. Vì vậy, chẳng chóng thì chầy, đất nước cũng bị nhấn chìm trong vòng xoáy bạo lực.

Tuy nhiên, viễn cảnh trên vẫn chưa phải là mối nguy lớn nhất. Hiểm hoạ lớn nhất ở đây là: Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội Việt Nam rơi vào khoảng trống quyền lực khi chế độ cộng sản sụp đổ trong bạo lực để ra tay chiếm nốt phần còn lại ở Trường Sa, đồng thời xua quân vào Việt Nam để ít nhất là đảm bảo một Việt Nam hậu cộng sản không đi theo quỹ đạo của Mỹ và thậm chí biến Việt Nam thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới. Đây là mưu đồ mà Bắc Kinh đã toan tính từ rất lâu, thể hiện qua việc họ đã và đang từng bước chiếm lĩnh các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng thông qua các dự án kinh tế trá hình trên khắp Việt Nam.

Như vậy, chính thể dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ ra đời một cách tương đối êm thấm nếu thực tiễn chính trị diễn ra theo 4 kịch bản là (1), (2.1), (2.2) và (3.1), đồng thời mọi mầm mống khiến đất nước rơi vào cảnh cuồng loạn bạo lực như kịch bản (3.2) đều bị loại trừ.

4. Lựa chọn kịch bản nào?

Kịch bản (1) gần như sẽ đảm bảo chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam là một nền dân chủ lý tưởng. Lý do đơn giản là một cấu trúc được xây dựng khoa học và chặt chẽ từ dưới lên sẽ đảm bảo cho nó vận hành thông suốt và bền vững.

Tuy nhiên, kịch bản này lại rất thiếu thực tế, ở chỗ quá trình khai mở dân trí cho hàng chục triệu người và tập cho họ thói quen thực hành dân chủ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Quan trọng hơn, trước khi khả năng đó trở thành hiện thực, chế độ cộng sản Việt Nam đã sụp đổ từ lâu dưới sức nặng của những sai lầm chồng chất và mang tính hệ thống của nó.

Kịch bản (2.1) và (2.2) cũng khó xẩy ra, bởi hiếm khi giới cầm quyền tự nguyện từ bỏ quyền lực. Cho dù hiện tại và sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều đảng phái đối lập, nhưng chỉ sự tồn tại của các đảng phái không thôi mà thiếu các hoạt động đấu tranh hiệu quả, đặc biệt là sự ủng hộ của quần chúng, thì vẫn chưa đủ khiến nhà cầm quyền phải sợ hãi.

Như vậy, kịch bản khả dĩ nhất cho một nền dân chủ hậu cộng sản ở Việt Nam là kịch bản (3.1), khi giới cầm quyền hiểu được điều phải đến sắp sửa xẩy ra và, trước khi các cuộc đấu tranh bắt đầu lan rộng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát, họ chủ động ngồi vào bàn đàm phán với các lực lượng đối lập.

5. Kinh nghiệm Myanmar

Có nhiều bài học về các cuộc cách mạng dân chủ trên thế giới mà chúng ta cần học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, trong đó cuộc cách mạng ở Myanmar có lẽ là bài học gần gũi nhất với Việt Nam cả về thời gian, không gian lẫn hoàn cảnh.

Sự chuyển mình ngoạn mục của Myanmar đem đến cho chúng ta ít nhất hai bài học. Thứ nhất, để quá trình chuyển đổi diễn ra êm thấm, Myanmar đã kiên quyết thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc.[i] Thứ hai, thành công của Myanmar là nhờ sự “đồng thanh tương ứng” từ hai phía: lực lượng đấu tranh dân chủ được lãnh đạo bởi bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, và chính quyền quân phiệt Myanmar được lãnh đạo bởi Tổng thống Thein Sein với sự hậu thuẫn của Thống tướng Thanswe, nhà lãnh đạo tối cao của Myanmar từ 1992 đến 2011.

Đứng trước tình hình nguy nan của đất nước và biết không thể tiếp tục chế độ cai trị độc tài để đẩy đất nước vào vực thẳm, giới lãnh đạo quân sự Myanmar đã quyết định thực hiện “lộ trình cải cách dân chủ 7 bước” từ năm 2003. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi một mặt bắt đầu hợp tác với chính quyền quân sự từ năm 2011 khi tham gia cuộc bầu cử quốc hội bổ sung vào năm đó, một mặt đảm bảo không trả thù, không truy cứu, không tịch thu tài sản của giới tướng lĩnh.

Với việc Quốc hội Myanmar bầu ông Htin Kyaw, trợ thủ thân tín của bà Aung San Suu Kyi, làm Tổng thống ngày 15/2/2016, “lộ trình cải cách dân chủ 7 bước” do chính quyền quân sự Myanmar đề ra từ năm 2003 đã kết thúc. Dân chủ là một quá trình. Và dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến Myanmar thành một nền dân chủ hoàn chỉnh và vận hành tốt, nhưng những gì đang diễn ra ở xứ sở chùa vàng đã có thể được coi là hình mẫu của cuộc cách mạng dân chủ vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống.

6. Vai trò của giới tinh hoa

Về mặt lý thuyết, một nền dân chủ lý tưởng cần được xây dựng từ dưới lên, với mỗi công dân đóng vai trò một viên gạch dân chủ trong toà nhà dân chủ. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng ta lại thiếu điều kiện lý tưởng để thực hiện điều đó.

Song thật may mắn, bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại một nhân tố đủ sức bù đắp cho sự thiếu vắng điều kiện lý tưởng nói trên. Đó là giới tinh hoa trong xã hội. Họ có thể là các thủ lĩnh trong giới đấu tranh dân chủ, các nhân sỹ, trí thức độc lập... hay cũng có thể là những thành phần cấp tiến trong chính cái chế độ sắp bị xoá sổ kia.

Thomas Jefferson, tác giả chính của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và là vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, từng nhận xét về những đại biểu tham dự hội nghị soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ năm 1787: “Đó thực sự là cuộc quần tụ của những người con của thánh thần”. Trên thực tế, họ đã làm nhiều hơn những gì mà họ được uỷ thác và trông đợi. Nếu thiếu những đại diện tiêu biểu cho tầng lớp tinh hoa đó, bản Hiến pháp lâu đời nhất của nhân loại, nền tảng cho sự ổn định và phát triển của cường quốc số 1 thế giới, chắc chắn đã không thể ra đời.

Nếu không tính các bản Hiến pháp của chế độ Việt Nam Cộng hoà thì Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ nhất trong số 5 bản Hiến pháp của Việt Nam kể từ năm 1945 đến nay, dù dĩ nhiên nó vẫn còn không ít khiếm khuyết. Và tương tự như Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp 1946 cũng được thai nghén bởi những người con ưu tú nhất của một dân tộc mà hơn 95% dân số còn mù chữ. Đáng tiếc là nó đã chết yểu trước khi được phúc quyết để trở thành bệ phóng cho cả dân tộc.

Hy vọng sắp tới đây, những thành phần tinh hoa của dân tộc ở cả bên trong lẫn bên ngoài hệ thống sẽ bắt tay với nhau để vạch ra lộ trình dân chủ hoá cho đất nước.

7. Ngăn chặn cơn cuồng loạn bạo lực và hiểm hoạ Trung Quốc

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đang gấp rút hiện thực hoá mưu đồ thôn tính Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới đầu thế kỷ 21: đó là tạo ra nhiều gọng kìm hòng kiềm toả và bóp nghẹt Việt Nam từ mọi phía – biên giới phía Bắc, biên giới Lào - Việt, biên giới Campuchia - Việt Nam, Biển Đông và vùng duyên hải Việt Nam.

Kế hoạch thôn tính Việt Nam về mặt quân sự được thực hiện song song với mưu đồ thôn tính Việt Nam về mặt chính trị, kinh tếvăn hoá. Trong trường hợp chế độ cộng sản sụp đổ mà Việt Nam chưa bị “Hán hoá” thông qua chiến lược thôn tính về chính trị, kinh tế và văn hoá, đồng thời để ngăn chặn một Việt Nam hậu cộng sản đi theo quỹ đạo của Mỹ, Bắc Kinh sẽ phát động chiến tranh với Hà Nội cả trên Biển Đông lẫn trên đất liền.

Bốn gọng kìm chính trị - kinh tế - văn hoá - quân sự nhằm vào Việt Nam đều được xây dựng dựa trên một trụ cột chính: các nhân tố Trung Quốc trong ban lãnh đạo Việt Nam. “Nhân tố Trung Quốc” mà chúng tôi muốn nói tới ở đây chính là tân Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải – một người Hán trá hình và là nhân vật gần đây đã được một tác giả độc lập uy tín nhận định là “con bài tủ trong chiến lược Hán hoá Việt Nam” – cùng những kẻ đã bị ông ta và Trung Nam Hải khống chế, thao túng.

Nếu ban lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết tâm cố thủ trong cái lô cốt độc tài, buôn dân bán nước như những năm qua thì một trong hai khả năng sau sẽ xẩy ra: (i) trước khi được dân chủ hoá, Việt Nam đã trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới của Trung Quốc; và (ii) chế độ cộng sản sụp đổ trong cảnh cuồng loạn bạo lực, biến Việt Nam thành miếng mồi ngon cho đội quân xâm lược đến từ phương Bắc.

Con bệnh ung thư CSVN đang bước vào giai đoạn cuối; những ung nhọt của nó như thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh sẽ phát tác ngày càng nhiều, thậm chí dồn dập, và đến lúc mọi nỗ lực cứu vãn của nhà cầm quyền đều vô vọng. Hình ảnh hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đổ ra đường chào đón Tổng thống Obama ở Hà Nội ngày 23/5 và đặc biệt là ở Sài Gòn ngày 24/5 thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ của quần chúng để bày tỏ khát vọng tự do - dân chủ.

Như vậy, để kịch bản dân chủ hoá đất nước diễn ra như chúng tôi đã trình bày trên đây, chúng ta cần ngăn chặn cả hai khả năng (i) và (ii) nêu trên. Muốn vậy, chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải ngăn chặn và loại bỏ “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải. Ông ta cùng những kẻ đã bị ông ta và Bắc Kinh khống chế, thao túng không chỉ đã và đang ra sức “Hán hoá” nền chính trị - kinh tế - văn hoá - quốc phòng của Việt Nam, mà còn tìm cách vùi dập bất kỳ mầm mống nào cho một tương lai dân chủ ở Việt Nam.

Lực lượng đấu tranh dân chủ, giới nhân sỹ trí thức, cũng như những thành phần tiến bộ khác trong xã hội, không thể cứ tiếp tục né tránh vấn đề Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh và là tác giả của hàng loạt “chiến tích” khác cho Trung Quốc [ii]. Chừng nào ông ta còn ngồi trong Bộ Chính trị, chừng đó Bắc Kinh còn kiểm soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và mọi giải pháp cho một Việt Nam dân chủ đều bị bóp chết từ trong trứng nước. Dưới sự chỉ đạo tinh vi và quyết liệt của ngài Bí thư Thành uỷ, phong trào dân chủ ở Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại [iii].

8. Vai trò của Hoa Kỳ

Cùng với sự trỗi dậy của Nga, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc, việc Hoa Kỳ bị sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afganistan đã khiến họ đánh mất vị thế độc tôn từng giúp họ duy trì trật tự thế giới đơn cực vốn kéo dài hơn một thập niên sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Ý thức được hiểm hoạ Bắc Kinh không chỉ thách thức vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình mà còn đe doạ hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới, từ cuối năm 2011, Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương hầu kiềm toả Trung Quốc ngay trên “sân nhà” của họ. Việt Nam vốn dĩ đã quan trọng trong cuộc đối đầu thế kỷ Mỹ-Trung, lại càng trở nên quan trọng trong bàn cờ thế mà Mỹ đang sắp đặt, càng trở thành đối tượng mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn giành giật. Tuy nhiên, trong khi Mỹ chỉ muốn Việt Nam trở thành một đồng minh hùng mạnh và đáng tin cậy như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì Trung Quốc lại không chỉ muốn Việt Nam trở thành một chư hầu bạc nhược mà còn nuôi tham vọng cháy bỏng là biến dải đất hình chữ S này thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới hòng dễ bề bành trướng xuống phía Nam, lộ trình khả dĩ nhất để thoả giấc mơ bá chủ thiên hạ của họ.

Chế độ cộng sản ở Việt Nam sớm muộn gì cũng bị thay thế. Đó là quy luật tất yếu. Song điều trớ trêu là không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Mỹ cũng không muốn CSVN sụp đổ trước khi bị thay thế.

Trung Quốc không muốn CSVN sụp đổ bởi họ đang dần siết chặt Việt Nam bằng 4 gọng kìm chính trị - kinh tế - văn hoá - quân sự. Trong trường hợp CSVN sụp đổ trước khi Việt Nam trở thành phiên thuộc của Trung Quốc thì họ sẽ phát động chiến tranh với Việt Nam như phần trên chúng tôi đã trình bày. Trung Quốc sẽ gây chiến bởi áp lực của chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng, bởi họ không còn cơ hội nào tốt hơn để thôn tính Trường Sa cũng như ngăn chặn Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ, và bởi nếu không thế thì họ không còn là chính họ nữa.

Tuy nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải lại không muốn kịch bản này xẩy ra, bởi lúc đó họ sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Việt Nam cũng như phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, với lợi ích sát sườn ở Biển Đông cũng như Việt Nam, Mỹ và đồng minh khó có thể thản nhiên đứng nhìn Trung Quốc “múa gậy vườn hoang”.

Mỹ cũng không muốn kịch bản trên xẩy ra, bởi nếu họ khoanh tay đứng ngoài thì sẽ khó bảo toàn được hình ảnh siêu cường số 1 thế giới, nhất là trong bối cảnh lợi ích thiết thân của mình đang bị đe doạ, nhưng để bị cuốn vào một cuộc chiến với một cường quốc như Trung Quốc dưới hình thức này hay hình thức khác thì họ lại không muốn, trước những hậu quả khó lường của nó.

Lịch sử hàng ngàn năm nay đã cho thấy, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam và tiêu diệt dòng giống Bách Việt cuối cùng chưa bị “Hán hoá”. Vì thế, càng thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam càng có cơ may tồn tại và phát triển trước cuồng vọng bá quyền của người láng giềng phương Bắc.

Không muốn chế độ cộng sản sụp đổ trước khi bị thay thế nên dĩ nhiên Hoa Kỳ sẽ tạo mọi điều kiện để giúp Việt Nam chuyển tiếp sang chế độ dân chủ một cách êm thấm.

Trong bài phát biểu tại Hà Nội hôm 24/5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chuyển tới nhân dân Việt Nam một thông điệp đầy ý nghĩa: “Vận mệnh của các bạn nằm trong tay các bạn. Đây là thời khắc của các bạn. Và khi các bạn theo đuổi tương lai mà mình mong muốn, Hoa Kỳ sẽ luôn ở bên các bạn như một đối tác, một người bạn”.

Rõ ràng, cho dù Hoa Kỳ có luôn ủng hộ Việt Nam đi nữa thì trước hết người Việt Nam cũng phải biết tự đứng lên trên đôi chân của mình, nếu không muốn một lần nữa rơi vào tình cảnh bị các nước lớn định đoạt số phận ngay trên lưng mình.

9. Kết luận

Nhiệm vụ cứu nước nhà khỏi âm mưu thôn tính của Trung Quốc và dân chủ hoá đất nước là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam, cả trong lẫn ngoài hệ thống hiện hành. Vì vậy, những bước đi cần thực hiện là:

(i) Lực lượng đấu tranh tiếp tục phát triển phong trào dân chủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chế độ trong tầng lớp công nhân và nông dân.

(ii) Các lực lượng tiến bộ ở cả trong và ngoài bộ máy hợp sức để ngăn chặn, vô hiệu hoá và tiến tới loại trừ hiểm hoạ Bắc thuộc mang tên Hoàng Trung Hải.

(iii) Nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết nhân quyền mà họ đã ký kết với quốc tế, mở đường cho sự phát triển của xã hội dân sự cũng như các lực lượng chính trị đối lập, tạo ra những nền móng dân chủ thiết yếu cho xã hội hậu cộng sản, trên cơ sở đó thắt chặt và hướng tới mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ.

(iv) Lãnh đạo CSVN thực tâm bắt tay với giới đấu tranh dân chủ để xây dựng một kịch bản chuyển hoá đất nước giống như những gì đã và đang diễn ra ở Myanmar.

Cỗ máy chiến tranh mang nhãn hiệu Đại Hán đã được tân Tổng tư lệnh Tập Cận Bình khởi động, sẵn sàng hiện thực hoá giấc mơ bá chủ khu vực trước khi tiến tới thách thức vị thế siêu cường số 1 thế giới của Hoa Kỳ. Hiểm hoạ sát sườn đó ngày càng phủ bóng đen lên tương lai Việt Nam trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng của nước nhà ngày một xấu đi.

Chỉ với một nội lực giàu mạnh (điều kiện cần) cùng sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh (điều kiện đủ), Việt Nam mới có thể tồn tại và phát triển bên cạnh con sư tử Trung Hoa đã thức giấc. Cả hai điều kiện cần và đủ đó đều đòi hỏi tiền đề quyết định là một Việt Nam tự do - dân chủ.

Hãy cùng chung tay hành động để cứu nước – trước khi quá muộn./.

L.A.H.

Ghi chú:

[i] Ông Shwe Mann, Chủ tịch Đảng USDP cầm quyền, bị phế truất hồi tháng 8/2015 vì bị coi là quá thân Trung Quốc và được Bắc Kinh hậu thuẫn.

[ii] Chúng ta đã có một nhà giáo Nguyễn Tiến Dân với lời khẳng định đanh thép “Hoàng Trung Hải – con bài tủ trong chiến lược Hán hóa Việt Nam”, một bậc lão thành cách mạng Phạm Hiện với đơn tố cáo PTT Hoàng Trung Hải khai man lý lịch và buôn lậu ma tuý, hay một cựu chiến binh Hoàng Đức Doanh với thư ngỏ gửi Thủ tướng về vụ tố cáo đó. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi là chưa đủ. CSVN sợ nhất là hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong hệ thống, và chẳng có gì khiến cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn bằng cách phơi bày về những sự thật trần trụi, khủng khiếp như thế, đặc biệt là bởi những tiếng nói có sức lan toả trong xã hội.

[iii] Ngày 11/6 vừa qua, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một nhân vật khá bộc trực trong guồng máy chế độ, cho biết là lãnh đạo TP Hà Nội đã không mời ông tham dự cuộc gặp của tân lãnh đạo thành phố với giới văn nghệ sỹ trí thức, mặc dù ngày 27/5, ông và nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, đã có cuộc gặp “thân tình và thoải mái” với ngài Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải. Trong số 9 hội chuyên ngành của Hội LHVHNT Hà Nội thì chỉ có Hội Nhà văn Hà Nội là không được mời đích danh Chủ tịch Hội mà thay vào đó là một Phó Chủ tịch.

Tác giả gửi BVN. Xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài này trên tinh thần không can thiệp vào quan điểm và phong cách ngôn từ của tác giả, cũng không coi đây là phát ngôn của Tòa soạn, nhất là những ý kiến phê phán cá nhân cụ thể trong bài.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn